Cách làm bánh trung thu tại nhà có thể áp dụng được cho cả bánh nướng và bánh dẻo. Chỉ cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thực hiện đúng các bước làm, bạn sẽ nhanh chóng có ngay những mẻ bánh thật thơm ngon, hấp dẫn và đảm bảo chất lượng cho cả nhà một mùa Tết Trung thu thật tuyệt vời.
1. Cách làm bánh nướng trung thu tại nhà đơn giản nhất
1.1. Nguyên liệu cần thiết
Nguyên liệu làm vỏ bánh:
- 240 gr bột mì
- 160 gr nước đường bánh nướng
- 30 gr dầu đậu phộng hoặc dầu ăn thông thường
- 1 lòng đỏ trứng gà
- 10 gr (khoảng 2 thìa cà phê đầy) bơ đậu phộng
- 1/4 thìa cà phê ngũ vị hương
Nguyên liệu nấu 160gr nước đường:
- 1kg đường trắng
- 1 lít nước lọc
- 1 quả chanh bỏ hạt
- 1/4 quả thơm
- 60gr mạch nha
1.2. Cách nấu nước đường làm bánh nướng trung thu tại nhà
Khâu nấu nước đường làm bánh trung thu nướng rất quan trọng. Bạn có thể thực hiện với các bước dơn giản như sau:
- Vắt chanh và xay thơm để lấy phần nước cốt.
- Cho nước lọc, nước chanh, nước thơm và đường vào nồi, khuấy đều cho hòa tan hết rồi mới đun sôi hỗn hợp.
- Khi hỗn hợp sôi, cho mạch nha vào nấu cùng đến khi nước đường sánh lại. Vậy là bạn đã xong phần nước đường làm nguyên liệu thực hiện công đoạn chế biến vỏ bánh trung thu nướng.
1.3. Các bước làm bánh trung thu nướng tại nhà
1.3.1. Làm vỏ bánh
Cách làm bột vỏ bánh trung thu gồm các bước:
- Rây bột vào âu.
- Dùng thìa vét bột, tạo một lỗ trống ở giữa âu. Cho lần lượt các nguyên liệu còn lại vào phần trống này.
- Dùng thìa khuấy đều nhẹ nhàng theo hình xoắn ốc – từ phần lỏng ở giữa ra ngoài – để hòa quyện tất cả các nguyên liệu.
- Khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện với nhau. Sau đó, dùng tay nhẹ nhào bột tạo thành một khối mịn dẻo. Bột mới trộn xong mềm và hơi ướt, nhưng khi ủ thì bột sẽ ráo hơn.
- Dùng nilong bọc thực phẩm bọc kín bột lại. Cho bột nghỉ 30-45 phút.
1.3.2. Chuẩn bị nhân và dụng cụ đóng bánh
Dùng cân chia nhân bánh trung thu thành các phần nhỏ, vo tròn. Bạn có thể chia nhân theo tỉ lệ nhân và vỏ là 2:1 – tỉ lệ thường dùng cho các công thức cách làm bánh trung thu tại nhà. Ví dụ: bạn chia nhân là 50gr thì phần vỏ là 25gr. Khi đã chia theo đúng tỉ lệ, thì bạn vo nhân và vỏ thành viên tròn. Các dụng cụ đóng bánh:
- Khuôn bánh trung thu tùy sở thích và mục đích làm bánh
- Mặt phẳng sạch để đóng bánh và cán bột
- Cây cán bột
- Một bát nhỏ bột mì (khoảng 15 gram).
- Một bát nhỏ đựng dầu ăn để chống dính khuôn, chổi quét dầu ăn.
- Khay nướng – nên chọn khay có màu sáng để giảm hấp thụ nhiệt làm ảnh hưởng đến bánh.
1.3.3. Bọc nhân và đóng bánh
Khi bột đã ủ xong sẽ ráo, dẻo và mịn thuận lợi cho việc đóng bánh. Trong trường hợp bạn thấy bột quá khô, thì cho thêm chút dầu ăn hoặc nước đường. Ngược lại, nếu bột quá mềm thì bạn cho thêm bột mì, để đảm bảo bột khi cán bánh mềm dẻo không quá mềm cũng không cứng.
Bọc nhân bánh: Rửa sách tay và lau khô. Để không bị dính tay, bạn xoa đều hai tay và bột mì đã chuẩn bị rồi phủi bớt bột. Dùng cây cán bột nhẹ nhàng cán dẹt viên bột làm vỏ bánh thành hình tròn, phần mép bột hơi day hơn so với phần giữa. Bạn nên cán vừa tay, không quá mỏng hay quá dày. Cũng không nên cán quá rộng, chỉ cán đủ diện tích để bao 2/3 khối nhân lại là được.
Bọc nhân và đóng bánh: Đặt viên nhân vào giữa, nhẹ nhàng áp vỏ bột với nhân, bắt đầu từ phần dưới đáy của viên nhân lên trên. Dùng tay miết và kéo cho bột bao trọn viên nhân. Miết cho kín và mờ các vết dính mép bột. Làm tương tự cho đến hết phần nhân và vỏ còn lại.
Đóng khuôn: Dùng chổi thấm dầu ăn vào khuôn để chống dính (dùng với lượng rất ít thôi nhé). Cho viên bánh vào khuôn, ép nhẹ cho viên bánh dàn đều khuôn. Nếu dùng khuôn xo thì bạn nhớ giữ khuôn ngay ngắn trên mặt bàn. Tay trái giữ chặt khuôn, tay phải ép mạnh xuống, rồi nhẹ nhàng nhấc khuôn ra khỏi bánh. Làm cách này sẽ giúp cho khuôn không bị dịch chuyển, bánh đóng được sắc nét.
1.3.4. Nướng bánh
Cũng như hướng dẫn cách làm bánh trung thu tại nhà khác, bạn cần bật trước lò nướng 180-190 độ C khoảng 10-15 phút. Mục đích là để khi đưa bánh vào nướng, thì lò đạt nhiệt độ cần thiết.
Nướng bánh ở nhiệt độ ban đầu là 180-190 độ C. Nếu bánh có trọng lượng 50 – 75 gram thì nướng trong khoảng 5 -7 phút. Còn nếu làm bánh nướng trung thu 100 – 125gr thì để trong lò từ 8-10 phút. Sau đó, lấy bánh ra xịt nước đều lên khắp mặt bánh. Để khoảng 5 đến 10 phút cho bánh nguội bớt.
Trong khi đợi bánh nguội, thì bạn chuẩn bị hỗn hợp để quét bánh gồm:
- 1 lòng đỏ trứng gà
- 1/2 lòng trắng trứng
- 1-2 thìa cà phê sữa tươi không đường
- 1/2 -1 thìa cà phê dầu vừng
- 1-2 giọt mau thực phẩm màu đỏ hoặc 1/2 thìa cà phê mật ong hoặc nước đường.
Bạn trộn đều các nguyên liệu trên lại với nhau lọc qua rây. Sau khi bánh đã nguội, thì dùng cọ mềm quét hỗn hợp trứng lên mặt bánh. Quét một lớp vừa phải thôi nhé, nếu không, bánh sẽ bị mất hoa văn. Cho bánh vào lò nướng lần 2 ở nhiệt độ 190 – 200 độ C trong khoảng 57 phút. Sau đó, lấy bánh ra lặp lại thao tác xịt nước, đợi khô và quét trứng.
Bánh sau khi nướng xong thì để cho nguội. Bạn để bánh qua một ngày để lên màu vàng nâu bóng hấp dẫn hơn, các hoa văn cũng xuất hiện rõ nét. Cuối cùng, cho bánh vào túi ni long chống ẩm để bảo quản dùng lâu, và không ảnh hưởng đến chất lượng bánh.
2. Công thức làm bánh trung thu tại nhà với bánh dẻo
2.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 50 gr đường trắng
- 150 ml nước sôi
- 15-25 gr dầu ăn
- Nước hoa bưởi
- 100gr bột bánh dẻo
Bạn nên chọn bột bánh dẻo có chất lượng tốt để thực hiện cách làm bánh trung thu tại nhà thuận lợi hơn. Không nên tự rang bột nếp để làm bột bánh dẻo nhé. Bởi vì, loại bột nếp sẽ chuyển màu vàng, có mùi làm ảnh hưởng đến chất lượng bánh.
2.2. Cách làm bánh trung thu dẻo tại nhà
Cho đường vào bát. Cho nước sôi vào hòa tan đường. Khi nước đường đã nguội hoàn toàn, thì cho vào âu hoặc bát to để trộn bột. Cho dầu và nước hoa bưởi vào khuấy đều.
- Chia bột làm 3 phần. Cho phần bột đầu tiên vào âu đựng nước đường, dùng phới lồng trộn đều.
- Cho tiếp phần thứ hai vào và trộn đều.
- Bạn cho số bột còn lại theo từng thìa nhỏ thôi nhé. Mỗi lần cho bột vào, bạn nhớ trộn đều cho bột thành khối mịn. Nếu cho nhiều bột vào cùng lúc sẽ dễ dẫn đến tình trạng bột vị vón cục, không mềm và mịn.
- Bọc kín âu đựng bột và ủ trong 10 đến 15 phút, rồi lấy bột thành từng phần nhỏ, bọc nhân và đóng khuôn.
- Chia tỉ lệ nhân và vỏ bánh: Đối với các cách làm bánh trung thu tại nhà thì phần vỏ thường gấp đôi phần nhân.
- Các thao tác bọc nhân và đóng bánh thực hiện tương tự như cách làm bánh nướng.
Trong quá trình làm bánh trung thu dẻo tại nhà, bạn cần lưu ý một số đặc điểm sau:
- Nên dùng loại nhân mềm – như là: nhân đậu xanh, nhân khoai môn, …
- Bột bánh dẻo rất dính, nên khi nặn bột, bạn cần đeo găng tay nilon hoặc bột áo.
- Trước khi đóng khuôn, các bạn cần phủ một lớp bột áo đều khắp bên trong khuôn. Lăn bột làm bánh qua một lớp bột áo, rồi nhanh chóng phủi đi để tránh tình trạng bánh dính vào khuôn.
2.3. Bảo quản bánh trung thu dẻo
Bánh sau khi chế biến, để qua một ngày ở ngoài sẽ dẻo và ngon hơn. Nhưng lưu ý không nên để bánh quá lâu, chỉ khoảng 5 ngày trở lại thôi nhé. Nếu không, bánh sẽ cứng và bở. Sau đó, cho bánh dẻo vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản ăn được lâu.
Sẽ thật thú vị nếu bạn tự tay làm từng chiếc bánh trung thu với tất cả tình cảm dành cho cả nhà, phải không nào! Có lẽ vậy mà trào lưu làm bánh handmade mới sôi nổi như vậy. Một chút kiên nhẫn, một chút tỉ mỉ là đức tính không thể thiếu cho cách làm bánh trung thu tại nhà thêm tuyệt vời. Chúc các bạn có một mùa trung thu ấm áp bên gia đình, và thành công với công thức nấu ăn mà bài viết trên đây đã chia sẻ nhé.
Ngọc Trằm tổng hợp