1. Nhân bánh Trung thu vị truyền thống – dấu ấn sâu sắc trong tâm khảm mọi người
Nhân bánh Trung thu ngày nay đâu đâu cũng không ngừng được “biến tấu”, pha trộn phong cách Đông – Tây tạo sự đa dạng về hương vị, nhằm đáp ứng nhu cầu ẩm thực khác nhau của nhiều người. Chẳng hạn, có thể kể đến các loại nhân bánh mới hiện nay – như bánh trung thu nhân trà xanh, tiramisu, sô cô la, rượu vang…Người ta có thể trải nghiệm biết bao sự mới lạ, hấp dẫn, nhưng rồi chung quy lại, cũng chỉ ưng nhất với kiểu nhân bánh cổ truyền – thứ từ lâu đã gợi ngập tràn kỉ niệm về gia đình, bạn bè. Không gì quen thuộc hơn – đó là nhân đậu xanh trứng muối và nhân thập cẩm.
Những gì là khởi nguồn bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng. Không có điểm xuất phát ban đầu thì làm sao nảy sinh, phát triển ra những ý tưởng mới mẻ. Nét tinh túy trong 2 loại nhân vừa nêu nằm ở chỗ sự trung hòa vị giác, đều xen lẫn mặn ngọt rất hợp lí, không gây cảm giác nhàm chán. Sên nhân thế nào không bị khô, lại không quá ướt, thời hạn giữ nhân được lâu,… là cả 1 nghệ thuật nấu nướng. Không để các bạn chờ đợi, chúng tôi sẽ chuyển sang phần hướng dẫn cách làm 2 loại nhân cơ bản này ngay thôi.
2. Nhân bánh Trung thu vị đậu xanh trứng muối
2.1. Nguyên liệu làm nhân đậu xanh trứng muối cho bánh trung thu
- 200gr đậu xanh đã cà vỏ
- 80gr đường (có thể điều chỉnh tùy khẩu vị)
- 70-75 gr dầu ăn (nên sử dụng dầu dừa – sẽ thơm hơn và tốt cho sức khỏe)
- 10gr bột mì hoặc bột bắp đã hòa tan với 40-50 ml nước
- Trứng muối
- Rượu Mai Quế Lộ
2.2. Cách làm nhân bánh Trung thu vị đậu xanh trứng muối
Với phần nguyên liệu trên, sẽ làm ra được 550gr nhân đậu cho bánh. Nếu bánh có tổng trọng lượng là 75gr thì nhân chiếm 50 gr. Trong đó, trừ trứng muối khoảng 8-12gr bạn sẽ tính ra được khối đậu xanh cần thiết cho mỗi chiếc bánh.
2.2.1. Sơ chế và luộc đậu xanh
Đậu xanh rửa sạch, bỏ hạt hỏng, đựng trong nồi, thêm 80gr đường vào quấy đều ngâm trong 1-1,5 tiếng. Đậu hút nước nở mềm hơn khi ngâm thì chế thêm 200ml nước nóng, bắt lên bếp đun lửa to. Thỉnh thoảng hớt bọt, nước đậu sôi thì hạ lửa nhỏ, quấy đều tránh để đậu bị cháy ở đáy nồi. Thêm nước trong lúc nấu nếu cần, múc ra để nguội khi đậu đã chín nhừ.
2.2.2. Sên nhân đậu xanh
Cho đậu vào máy xay nhuyễn cùng 1 chút nước, nước nhiều giúp đậu có độ mịn nhất định. Sau đó, rây đậu và bắt lên chảo, đun lửa vừa, cho 1/3 lượng dầu dừa vào chảo, quấy tan, lại cho thêm 1 phần dầu dừa nữa quyện đều với đậu. Làm tiếp đến khi hết dầu.
Đổ bột mì pha sẵn với nước vào hỗn hợp đậu, lúc này đậu vẫn còn loãng, quấy đều tay cho nhân khô lại. Sau 30-35 phút, hạ ở mức lửa nhỏ nhất, sên nhân thêm 15-20 phút nữa, nhân sẽ khô ráo và dẻo hơn.
2.2.3. Hoàn tất làm nhân bánh trung thu đậu xanh trứng muối
Kéo dài thời gian sên độ chừng 2-5 phút, thử nắm 1 viên nhân khi còn nóng. Nếu nhân có thể đứng thẳng, không chảy nhão, khô vừa tới, dẻo, mịn mướt, nếm tan trong miệng là đạt. Trứng muối xử lí bằng cách tách lòng đỏ, sử dụng rượu Mai Quế Lộ để khử mùi tanh, đem hấp khoảng 10-12 phút nữa là được.
Vậy là bạn đã hoàn tất phần nhân để làm bánh trung thu nhân đậu xanh các loại. Các bước thực hiện thật đơn giản, đúng không nào!
3. Cách làm nhân bánh Trung thu vị thập cẩm đơn giản
3.1. Nguyên liệu làm phần nhân thập cẩm
- 40gr mỡ đường
- Hạt sen sên đường, lạp xưởng, hạt điều, hạt bí, mứt bí mỗi loại 50gr
- Hạt dưa và mè trắng mỗi loại 40gr
- 6-8 lá chanh
- 2 vỏ quả chanh bào vụn
- 1/4 muỗng cà phê ngũ vị hương
- Rượu Mai Quế Lộ
- 20-40gr bột bánh in
- Nước lọc
3.2. Cách làm nhân bánh Trung thu vị thập cẩm
Nhân bánh Trung thu vị thập cẩm có đặc điểm là phải dùng ngay khi hoàn thành. Nếu để lâu, các loại hạt trong nhân bánh sẽ bị thiu, ỉu mất ngon.
3.2.1. Sơ chế nguyên liệu làm nhân bánh
Mỡ thái hạt lựu, đun sôi khoảng 2-3 phút, không đun quá lâu tránh mất đi độ giòn. Đổ mỡ ra rổ và xóc ráo nước. Trộn mỡ với đường theo tỉ lệ lượng đường = 1/2 lượng mỡ. Để mỡ ra hong gió trong vài tiếng, đợi mỡ chuyển màu trong. Nên chuẩn bị mỡ trước 1 ngày, đựng hộp kín ở nhiệt độ phòng.
3.2.2. Chế biến nhân bánh trung thu
Luộc hạt sen tươi (đã bỏ hết tâm sen) với nước trong khoảng 3- 5 phút. Khi nước sôi thì bỏ nước luộc đầu tiên này đi và rửa sạch lại. Tiếp tục đun sôi hạt sen ngập trong nước, cùng với đường bằng tỷ lệ 1/4 lượng hạt sen. Vớt ra, để khô ráo, bảo quản ở nhiệt độ phòng, rồi thái nhỏ. Hấp chín lạp xưởng và thái hạt lựu. Rang chín mè trắng, thái thật nhỏ hạt điều, hạt bí, hạt dưa, lá chanh thì thái sợi nhuyễn.
3.2.3. Hoàn thành phần nhân bánh thập cẩm
Cho tất cả nguyên liệu vào âu lớn, trộn đều, có thể nêm thêm đường hay dầu hào cho vừa ăn. Pha chút rượu Mai Quế Lộ, nước lọc với bột bánh in rồi đổ lên hỗn hợp nhân nhằm tạo độ kết dính.
Sau khi trộn xong, chia nhân thành các phần và nắm thành viên tròn. Vậy là xong phần nhân cho món bánh trung thu thập cẩm truyền thống.
Tùy theo hương vị nhân bánh Trung thu khác nhau mà chúng ta có cách làm bánh riêng biệt. Quá trình thực hành khá công phu, nhưng bao giờ thành quả cũng đạt mức ổn định tối ưu. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã tích lũy được những kiến thức bổ ích về công thức bánh Trung thu đậm nét văn hóa Việt.
Bảo Tiên tổng hợp