1. Cách ngâm giấm chuối chín an toàn tại nhà
Giấm được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau bằng cách lên men, phổ biến nhất là từ một số loại trái cây như chuối, táo,….Giấm thực ra chỉ là những con vi khuẩn acetic nhỏ bé mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Còn thứ mà bạn quan sát được trong quá trình nuôi giấm là bè trắng dày do quá trình lên men. Cách ngâm lên men giấm chuối thực sự rất đơn giản, dưới đây bài viết sẽ bật mí công thức cho bạn nhé.
1.1. Nguyên liệu
- 5 trái chuối chín
- 100 gram đường cát trắng hoặc dừa tươi
- 100 ml rượu gạo
- 5 lít nước sôi để nguội
- Một hũ ngâm giấm có thể tích khoảng 7 lít
1.2. Hướng dẫn cách làm giấm chuối chín tại nhà
1.2.1. Hướng dẫn bước tạo giấm cái từ chuối chín
- Dừa chặt lấy nước, chuối bóc bỏ vỏ. Sau đó cho vào hũ thủy tinh cùng 100 ml rượu gạo và 5 lít nước sôi để nguội.
- Đậy kín nắp hũ, đặt nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp từ mặt trời và đặc biệt không xê dịch. Tùy vào thời tiết mà sau 45 đến 60 ngày, trên bề mặt hỗn hợp sẽ xuất hiện một lớp váng trắng đục, đây được gọi là “con giấm”.
- Để càng lâu ngày, con giấm sẽ dày lên và có màu trong trong đục đục như sứa biển. Ngoài ra, khi con giấm bắt đầu hình thành, nước trong hũ cũng trở thành giấm chua, để càng lâu giấm sẽ càng chua. Do đó bạn nên canh chừng thời gian phù hợp. Nếu lần đầu thực hiện chưa có kinh nghiệm, bạn có thể múc một ít ra nếm thử. Nếu thấy độ chua vừa ý thì bắt đầu chiết giấm.
1.2.2. Hướng dẫn cách làm giấm chuối chín nuôi để được lâu
- Khi thấy nước giấm có độ chua phù hợp, bạn nhẹ nhàng chiết giấm ra ngoài. Lưu ý, trong quá trình chiết chỉ lọc lấy nước còn xác chuối và con giấm vẫn để nguyên trong hũ.
- Tiếp đó, pha đường với nước theo tỉ lệ 1:6, tức là 1 chén đường cát trắng tương ứng với 6 chén nước lọc. Dùng muỗng khuấy đều đến khi đường tan hẳn thì cho vào hũ giấm. Pha nước đường theo tỉ lệ này đến khi thể tích trong hũ đạt 8/10 thì dừng.
- Tương tự như bước tạo giấm cái, quá trình nuôi giấm này bạn cũng đậy kín hũ và đặt nơi thoáng mát. Tuy nhiên thời gian nước đường thành giấm sẽ nhanh hơn so với lần đầu tiên. Và đặc biệt chúng cũng sẽ kết thành một con giấm khác. Giấm đạt đến độ chua thích hợp, bạn cũng tiếp tục chiết ra và thêm nước đường vào tương tự như tỷ lệ ở trên.
1.2.3. Hướng dẫn cách gây hũ giấm chuối mới từ hũ giấm chuối ban đầu
- Quá trình chiết nước giấm ra ngoài và châm nước đường vào sẽ khiến lớp con giấm ban đầu dày lên. Đồng thời cũng xuất hiện thêm lớp con giấm mới. Nếu thực hiện châm nước đường nhiều lần, lớp giấm con sẽ chiếm hết thể tích hũ.
- Do đó bạn cần chuyển một lớp con giấm sang hũ mới rồi tiến hành pha nước đường theo tỷ lệ ban đầu. Sau khoảng 30 đến 45 ngày, nước đường trong hũ sẽ chuyển thành giấm chua. Sau khi làm hết lớp con giấm, bạn có thể vớt bỏ xác chuối ra ngoài.
1.2.4. Hướng dẫn cách lọc lấy thành phẩm giấm nuôi làm bằng chuối chín
- Nước giấm sau khi được chiết ra ngoài, dùng túi vải thưa lược bớt lợn cợn là có thể dùng được ngay. Trường hợp muốn sử dụng lâu dài, bạn có thể cho vào nồi nấu sôi, để nguội hẳn rồi cho vào lọ đậy kín nắp.
- Giấm nuôi bằng chuối có màu trắng trong, hơi đục. Sau khi chiết lọc, nếu để lâu nhưng chưa dùng giấm trong chai sẽ tiếp tục kết thành lớp con giấm. Đây là hiện tượng rất bình thường nên bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng.
2. Những mẹo hay khi nuôi giấm làm bằng chuối đúng cách
- Chuối dùng để nuôi giấm nên chọn những quả chuối sứ vừa chín tới để có độ ngọt và mùi thơm tự nhiên. Không chọn chuối xanh hoặc chuối quá chín, như vậy giấm sẽ lâu chua và có mùi hôi. Bên cạnh chuối, bạn còn có thể cho thêm vào vài miếng thơm chín để tăng hương vị.
- Để giấm nhanh lên men nên dùng vải đậy kín hũ. Vì khi có oxy nước sẽ nhanh chua hơn. Hoặc nếu có giấm con sẵn trước đó bạn chỉ cần cho nước đường vào theo đúng công thức thì rất nhanh sẽ thành giấm. Trong quá trình nuôi và bảo quản, luôn đặt hũ giấm nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Ngoài ra theo quan niệm dân gian, chị em phụ nữ vào kỳ kinh nguyệt không nên chạm vào hay mở nắp lọ giấm. Điều này sẽ khiến lớp giấm cái bị hỏng, không thể làm thêm mẻ sau. Mặc dù hiện tượng này vẫn chưa được khoa học chứng minh nhưng bạn cũng cần kiêng cử để hũ giấm có thể bảo quản được lâu.
3. Tác dụng của cách làm giấm chuối đối với sức khỏe
Giấm chuối làm tại nhà không chỉ thơm ngon, an toàn mà còn mang lại nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Dưới đây là một số lợi ích của giấm chuối đã được nhiều chuyên gia sức khỏe khuyến nghị.
3.1. Giấm chuối tốt cho hệ tim mạch
Hiện nay, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ngày một cao và đang dần có xu hướng trẻ hóa. Điều này khiến nhiều người lo lắng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày tiêu thụ từ 1,3 đến 1,4 gram kali sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Vì thế, thường xuyên sử dụng giấm chuối cũng là một phương pháp giúp ngăn ngừa một số bệnh về tim mạch.
3.2. Giấm chuối giúp cải thiện hệ tiêu hóa
Trong giấm chuối chứa nhiều hoạt chất giúp kích thích tiết dịch vị, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, từ đó giúp bạn ăn ngon miệng hơn. Đồng thời, thưởng xuyên sử dụng giấm trong chế biến món ăn còn giúp kiểm soát tốt lượng cholesterol, đào thải cặn bả, ổn định huyết áp và tiêu hao mỡ thừa.
3.3. Giấm chuối giảm nguy cơ ung thư
Hàm lượng acid acetic có trong giấm chuối giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ vitamin C, bảo vệ cơ thể luôn khỏe mạnh. Đồng thời chúng còn ngăn chặn sự hình thành của nitrosami (một chất gây ung thư). Thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tăng cường khả năng miễn dịch. Ngoài ra, giấm chuối còn có tác dụng chữa ngứa da, cải thiện tình trạng da cháy nắng, trị gàu và làm dầu xả tóc,…
Giấm chuối là một trong những gia vị phổ biến thường xuyên có mặt tại căn bếp của nhiều chị em phụ nữ. Loại giấm này không chỉ giúp tăng hương vị món ăn còn chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe. Cách làm giấm chuối tại nhà không chỉ đơn giản mà còn rất an toàn. Vì thế lưu ngay lại thông tin trên đây để không bỏ lỡ cách lên men giấm chuối – một loại gia vị thơm ngon này nhé. Nếu không thích vị giấm chuối, bạn cũng có thể học cách ngâm giấm táo hữu cơ với công thức siêu đơn giản từ trangnauan.com nhé!
Mỹ Lệ tổng hợp