1. Giới thiệu bánh trung thu dẻo lạnh – món bánh đang được các chị em nội trợ “săn lùng”
Bánh trung thu dẻo lạnh hay còn gọi là bánh dẻo tuyết, bánh trung thu vỏ lạnh…có nguồn gốc từ Singapore. Ngay từ khi xuất hiện, loại bánh của Đảo quốc Sư tử đã tạo nên “cơn sốt” tiêu dùng đối với các chị em nội trợ. Không chỉ “ăn khách” vào mùa trung thu, loại bánh độc đáo này còn rất được ưa chuộng vào những dịp lễ tiệc, liên hoan, họp mặt bạn bè, người thân bởi vẻ hiện đại, xinh xắn và bắt mắt của nó.
Nhìn chung, cách làm bánh dẻo trung thu lạnh kiểu Singapore có nhiều điểm tương tự với cách làm bánh trung thu dẻo truyền thống. Điểm khác biệt cơ bản nhất là ở chỗ bạn không cần nấu nước đường làm bánh trung thu trước 10 – 14 ngày một cách cầu kỳ, mà chỉ cần cho đường vào nước đun sôi lên là có thể dùng ngay.
Ngoài ra, điểm phân biệt giữa bánh trung thu dẻo lạnh Singapore và bánh dẻo thông thường chính là ở thành phần nguyên liệu làm vỏ bánh. Nếu như trong bánh dẻo truyền thống không có shortening thì trong bánh dẻo lạnh buộc phải có nguyên liệu này. Nó sẽ tạo nên điểm khác biệt đặc trưng, hấp dẫn so với các loại bánh dẻo quen thuộc.
Loại bánh ngon xuất xứ Singapore cũng rất đa dạng về màu sắc. Khi chế biến, các bạn hoàn toàn có thể thay nước trong công thức bằng các loai nước pha bột trà xanh, bột ca cao, các loại tinh dầu lá nếp hay siro,…miễn sao đảm bảo liều lượng giữa các thành phần nguyên liệu làm bánh trung thu với nhau là được.
2. Cách làm bánh trung thu dẻo lạnh đúng chuẩn
2.1. Nguyên liệu làm bánh
Phần vỏ bánh:
- 200g bột làm bánh dẻo
- 150g đường
- 50g Shortening
- 100ml sữa tươi không đường
- 10ml tinh dầu hoa bưởi
Phần nhân bánh:
- 200g đậu xanh
- 70g đường (có thể điều chỉnh tùy khẩu vị)
- 50ml dầu ăn hoặc dầu dừa
2.2. Cách làm bánh trung thu dẻo lạnh đơn giản nhất
2.2.1. Làm nhân đậu xanh
- Đậu xanh sau khi rửa sạch với nước lạnh thì trộn với ít đường, đem ngâm trong 200ml nước ấm từ 2 – 3 giờ cho đậu nở mềm. Sau khi đậu đã nở mềm, cho đậu vào nồi, đổ ngập nước, nấu cho nhừ đậu. Lưu ý là khi đậu bắt đầu sôi, bạn nhớ mở hé nắp nồi ra để đậu không bị sôi trào ra ngoài.
- Đậu nhừ, để nguội bớt, cho vào máy say sinh tố xay thật nhuyễn. Sau đó, bạn dùng rây lọc hỗn hợp đậu thật mịn và chuẩn bị sên nhân.
- Cho đậu vào một chiếc chảo không dính, khuấy đều tay. Rồi bạn từ từ cho từng chút dầu ăn vào để tránh tình trạng nhân đậu bị tươm dầu khi ra thành phẩm. Bạn cứ tiếp tục khuấy đều như thế cho đến khi nhân mềm, dẻo, không dính tay và đạt độ đứng nhất định.
- Kiểm tra nhân bánh trung thu đã đạt hay chưa bằng cách lấy một phần nhỏ nhân, đem vo tròn, để đứng trên một mặt phẳng. Nếu nhân giữ nguyên hình dáng, có thể đứng thẳng, không bị chảy mềm, nhão nghĩa là nhân đã đạt. Trường hợp bạn là “tín đồ” của trà xanh, bạn có thể cho thêm 10g bột trà xanh vào khi nhân gần đạt.
2.2.2. Làm vỏ bánh
- Đầu tiên, bạn khuấy đều sữa tươi không đường và đường trong một chiếc nồi nhỏ rồi đun sôi hỗn hợp này lên, để nguội. Sau đó, bạn cho tinh dầu hoa bưởi vào.
- Trộn đều bột bánh dẻo với shortening rồi đổ hỗn hợp đường sữa ở trên vào. Sau đó, bạn bắt đầu nhào bột làm vỏ bánh trung thu dẻo lạnh.
- Bạn nhồi bột thật kỹ để tạo thành một khối bột dẻo mịn. Sau đó, bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc bột đã nhào lại. Bạn nên cho khối bột vào tủ lạnh và để nghỉ trong khoảng 30 phút.
2.2.3. Đóng bánh và tạo hình
- Nhân đậu xanh sau khi nguội bớt thì chia thành từng phần nhỏ, vo viên để đóng bánh. Lưu ý, tỉ lệ thích hợp cho nhân bánh và vỏ bánh trung thu dẻo lạnh là 1:1 (khối lượng nhân và vỏ bằng nhau).
- Sau khi phần vỏ bánh trung thu dẻo lạnh đã ủ đủ thời gian, bạn lấy bột ra. Sau đó, bạn chia thành từng phần nhỏ (nếu khuôn bánh là 70g thì nhân bánh sẽ là 35g, vỏ bánh cũng 35g).
- Giờ thì bạn cán dẹt phần vỏ bánh. Lưu ý không nên cán mỏng quá, nhân bánh dễ bị lộ ra ngoài.
- Tiếp theo, bạn cho nhân bánh vào giữa, gói tròn lại, vo viên như hình.
- Rắc đều một ít bột gạo vào khuôn bánh trung thu để chống dính. Bạn bắt đầu cho bánh vào khuôn. Đến đây, bạn dùng bàn tay ấn chặt nhiều lần cho phần bánh khít với khuôn và có hoa văn rõ nét.
- Gõ nhẹ khuôn lên mặt phẳng để lấy bánh ra. Trường hợp bánh khó ra quá do chống dính chưa kỹ, bạn có thể để khuôn bánh cách mặt bàn khoảng 2 – 3 cm, hướng phần đế về phía mặt phẳng. Rồi bạn dùng vật nặng gõ nhẹ lên đỉnh khuôn và bánh sẽ nhẹ nhàng rơi xuống.
- Bảo quản bánh trong tủ lạnh khoảng 1 – 2 giờ là có thể thưởng thức được rồi đấy.
3. Mách bạn bí quyết làm bánh trung thu dẻo lạnh kiểu Singapore ngon
- Về phần nhân bánh, bạn có thể linh hoạt thay thế nhân đậu xanh bằng các loại nhân khác. Mách bạn bí quyết là nên chọn những loại nhân có độ mềm, dẻo tương tự. Chẳng hạn như làm bánh trung thu nhân đậu đỏ, khoai môn, hạt sen, chocolate,…Đồng thời biến tấu thành các loại nhân đẹp mắt, lạ miệng: đậu xanh bọc thạch trái cậy, đậu xanh bọc chocolate hoặc đậu đỏ bọc chocolate,…
- Đối với phần vỏ bánh, như trên đã nói, bạn cũng có thể thay phần sữa tươi (hoặc nước) bằng các loại nước ép rau, củ quả để bánh có màu sắc và mùi vị hấp dẫn hơn. Chẳng hạn như: dâu tây, chanh leo, dừa, lá dứa, xoài…Nhưng lưu ý là phần nước ép này bạn phải được đun sôi, để nguội trước khi dùng làm bánh.
- Khi chế biến bánh trung thu dẻo lạnh Singapore, bạn chỉ nên làm bánh loại nhỏ (khối lượng tối đa là 70g, khối lượng phổ biến nhất là khoảng 50g). Ngoài ra, bạn không nên làm bánh trung thu có khối lượng lớn – như bánh trung thu truyền thống thông thường.
4. Cách bảo quản bánh trung thu dẻo lạnh kiểu Singapore
Món bánh ngon này phải được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên, bạn không nên để bánh trong tủ lạnh quá lâu. Vì như thế, bánh sẽ bị bở, mất đi mùi vị thơm ngon hấp dẫn.
Điều thú vị ở bánh trung thu dẻo lạnh là phải ăn lạnh nên vị bánh thơm dịu, cũng không quá ngọt. Vỏ ngoài mềm, hơi dai dai, bên trong là phần nhân quánh dẻo thơm mát, mang hương vị mới lạ, hấp dẫn. Hơn nữa, công đoạn làm bánh trung thu lạnh lại vô cùng đơn giản và nhanh chóng. Hãy thay đổi khẩu vị và mang lại điều bất ngờ cho gia đình mình trong mùa Trung thu sắp tới với những chiếc bánh trung thu ngon xinh xắn, đáng yêu do chính tay mình thực hiện nhé!
Tiên Phạm tổng hợp