Cách tự làm bánh trung thu không chỉ là món quà quý giá dành tặng gia đình và người thân. Sâu xa hơn, món bánh còn là biểu tượng của sự sum họp, của ấm no, hạnh phúc. Cuộc sống ngày càng hiện đại, mâm cỗ đêm rằm cũng được chăm chút kỹ lưỡng, trở nên trang trọng hơn với sự góp mặt của các loại bánh lạ miệng, bắt mắt. Nhưng trong tâm thức của những người “sành ăn” thì không gì có thể thay thế được hương vị của chiếc bánh truyền thống với nguồn nguyên liệu đơn sơ, giản dị: đậu xanh, thịt lợn, lạc, vừng, lá chanh…Hãy để cái Tết đoàn viên của gia đình bạn thêm phần ý nghĩa nhờ những chiếc bánh trung thu do chính tay bạn thực hiện nhé!
1. Cách làm bánh trung thu nướng nhân mặn
Bánh trung thu có nhiều loại khác nhau. Tùy vào từng loại nhân, chúng ta sẽ có những chiếc bánh trung thu với tên gọi và hương vị đặc trưng riêng. Tuy nhiên, những chiếc bánh trung thu nhân thập cẩm vẫn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất và được các thực khách ưu tiên lựa chọn bởi nó mang hương vị đúng chuẩn nhất của loại “bánh trăng rằm”. Dưới đây là những cách làm bánh trung thu nướng nhân thập cẩm mặn đơn giản nhất mà bất kỳ chị em nội trợ nào cũng có thể thực hiện tại nhà.
1.1. Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm jambon
1.1.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu thập cẩm jambon
- Vỏ bánh: 200g nước đường đã nấu 1 tuần, l1 quả lòng đỏ trứng gà, 5g bột nở baking, 300g bột mì, 50g dầu ăn.
- Nhân bánh: 200g mứt bí, 100g mứt sen, 100g lạp xưởng, 200g mỡ ướp đường, 100g vừng rang, 50g lạc rang, 50g hạt điều rang, 30g hướng dương rang, 30g hạt bí rang, 100g jambon xào đường, 30g mứt quất, 30g mứt vỏ cam, 2 quả chanh (bào lấy vỏ), 20g lá chanh thái sợi.
- Nước trộn nhân: 65g đường bột, 65g nước lọc, 1 thìa cà phê dầu vừng, 1 thìa canh rượu lúa mới, 1 thìa canh rượu Cognac (có thể thay thế bằng rượu khác)
- Nước đường: Đường hoa mai 1 kg, nước 600ml, chanh 1,5 quả, mạch nha 30g
1.1.2. Cách làm bánh trung thu thập cẩm jambon
Bước 1: Nấu nước đường làm bánh trung thu
- Cho đường, nước cùng nước cốt chanh vào khuấy đều, cho 1/2 vỏ quả chanh vào, đun sôi trên bếp rồi hạ lửa nhỏ, vớt hết bọt ra ngoài.
- Cho mạch nha vào đun thêm 30 – 40 phút, không khuấy, vặn lửa mức nhỏ nhất đến khi màu nước đường chuyển sang màu cánh gián, dẻo mật ong thì xem như hoàn thành khâu nấu nước đường làm bánh. Bạn đem đậy kín, để nước đường từ 4 ngày đến 1 tuần.
Bước 2: Làm vỏ bánh nướng
- Cho nước đường, dầu ăn, lòng đỏ trứng gà vào khuấy đều đến khi được hỗn hợp sệt.
- Tiếp tục cho bột mì, bột nở baking trộn với nhau rồi chia bột làm 3 phần bằng nhau. Bạn cho từng phần bột vào hỗn hợp nước đường vừa trộn, nhào bột đều tay cho đến khi bột thật dẻo mịn, để bột nghỉ khoảng 15 phút – 20 phút.
Bước 3: Làm mỡ ướp đường
- Mỡ đem rửa sạch, luộc sơ rồi thái dạng hạt lựu.
- Trộn mỡ theo tỉ lệ: 100g mỡ với 70g đường bột và 1 thìa rượu trắng rồi để khoảng 1 tuần.
- Mỗi ngày, nhớ đảo đều mỡ đường làm bánh trung thu nướng 1 lần cho thấm.
Bước 4: Trộn nhân bánh nướng
Lần lượt cho các nguyên liệu làm nhân bánh trung thu nướng đã thái hạt lựu vào tô, trộn đều tay, cho thêm 1 ít bột dẻo vào trộn đều. Sau đó, cho tiếp nước trộn nhân vào, trộn tiếp cho đến khi các nguyên liệu quyện dính vào nhau là được.
Bước 5: Cách nặn bột tạo hình bánh trung thu
- Tùy thuộc vào khuôn làm bánh trung thu lớn hay nhỏ mà ta cần canh chỉnh tỉ lệ vỏ, nhân cho phù hợp. Nguyên tắc bạn cần tuân thủ là: vỏ bánh bằng 1/3 trọng lượng bánh, nhân bánh bằng 2/3 trọng lượng bánh.
- Vo tròn nhân bánh. Lấy từng viên bột làm vỏ nhúng vào bột áo rồi ấn dẹt xuống, sau đó cho nhân bánh lên, khéo léo gói lại để nhân không bị lộ.
Bước 6: Đóng khuôn và thoa nước màu
- Cho ít bột áo vào khuôn, xếp bánh vào khuôn, ấn chặt, giữ khoảng 30 giây rồi thả tay ra.
- Cho 2 lòng đỏ trứng gà, 1 lòng trắng trứng, 1/2 thìa cà phê dầu vừng, 1 thìa cà phê dầu ăn, muối vào bát lớn, đánh đều hỗn hợp lên rồi dùng chổi quét nhẹ lên bề mặt bánh.
Bước 7: Nướng bánh trung thu kiểu truyền thống
- Bật trước lò nướng trước 10 phút ở nhiệt độ 170 độ C rồi cho bánh vào nướng.
- Cứ sau 10 phút, lấy ra quét lại nước màu 1 lần. Thực hiện nướng 3 lần như thế là hoàn thành. Nguyên tắc nướng bánh này áp dụng chung cho tất cả các loại bánh trung thu nướng (kể cả nhân mặn hay nhân ngọt).
1.2. Cách làm bánh trung thu nhân thập cẩm gà quay
1.2.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu thập cẩm gà quay
Các nguyên liệu này đủ để làm 10 chiếc bánh loại 150g
- Vỏ bánh: 200g nước đường bánh nướng, 50ml dầu ăn, 1 – 2ml baking soda, 5ml nước tro tàu, 320g bột mì đa dụng.
- Nhân bánh: 100g thịt gà quay xé nhỏ, 100g hạt dưa tách vỏ rang chín, 100g hạt điều rang chín (bạn đập vỡ nhỏ bằng hạt lựu nhé), 100g mè trắng rang, 100g mứt sen cắt đôi, 100g mứt bí cắt hạt lựu, 100g lạp xưởng hấp chín cắt hạt lựu, 100g mỡ đường, lá chanh cắt sợi, 1 chút bột ngũ vị hương.
- Nước trộn nhân: 100ml dầu mè, 20ml rượu Mai Quế Lộ, 10g nước tương, 100g bột bánh dẻo, 50g siro ngô, 50g nước lọc
- Nước màu phết mặt bánh: 1 lòng đỏ trứng, 5ml nước, 5ml nước đường bánh nướng, 5ml dầu mè.
1.2.2. Cách làm bánh trung thu thập cẩm gà quay
Bước 1: Làm nhân bánh
- Cho tất cả các nguyên liệu làm nhân bánh vào trộn đều trong 1 cái bát lớn.
- Hỗn hợp nguyên liệu làm nước trộn nhân vào 1 cái bát khác (lưu ý không cho bột bánh dẻo). Tiếp theo, bạn từ từ trộn bột bánh dẻo vào phần nhân khô, sau đó cho từ từ hỗn hợp trộn nhân vào trộn đều. Căn cứ vào độ khô hay ướt của nhân mà bạn gia giảm lượng nước hoặc bột cho phù hợp.
Bước 2: Cách làm vỏ bánh trung thu nướng nhân thập cẩm gà quay
- Cho 1/2 lượng bột mỳ đa dụng vào 1 cái bát lớn. Rồi bạn đổ nước đường, dầu ăn, nước tro tàu và baking soda vào trộn đều cho đến khi bột dẻo quánh.
- Cho từ từ lượng bột mỳ còn lại vào trộn đều, rồi nhồi cho bột trở thành khối dẻo mịn. Bạn để cho bột nghỉ khoảng 20 – 30 phút.
Bước 3: Nặn bánh trung thu và đóng khuôn
- Chia nhân và vỏ bánh thành các phần bằng nhau và vo thành viên tròn theo tỉ lệ 2:1 (nhân gấp đôi vỏ).
- Cán dẹt phần bột làm vỏ, cho một viên nhân vào giữa, bọc kín lại và vo tròn đều.
- Thoa một ít bột khô vào khuôn để chống dính rồi cho viên bánh vào. Dùng tay ấn chặt bánh vào khuôn, dùng đầu ngón tay ấn kín mép bánh.
- Sau đó tháo bánh ra khỏi khuôn, đặt bánh lên khay đã lót sẵn giấy nến.
Bước 4: Nướng bánh
Thực hiện cách nướng bánh như trên, bạn sẽ có món bánh trung thu thập cẩm gà quay vàng ươm, thơm lừng như hình.
2. Những cách làm bánh trung thu nướng nhân ngọt
2.1. Cách làm bánh trung thu nướng nhân đậu xanh
2.1.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu đậu xanh
- Vỏ bánh: 1/2 muỗng cà phê nước tro tàu, 1/6 muỗng cà phê baking soda, 160g bột mỳ, 30ml dầu ăn, 50ml nước đường. Lưu ý là muốn cho bánh được ngon, bạn nên trộn tất cả các nguyên liệu này lại với nhau (trừ bột mì) và để nghỉ khoảng 5 tiếng trước khi bắt đầu làm bánh trung thu.
- Nhân bánh: 100g dầu ăn, 10ml rượu trắng, 150g đường, 15g bột mỳ, 200g đậu xanh cà vỏ, 25g bột bánh dẻo, 6 cái trứng muối
- Nước trộn nhân: 1/2 muỗng rượu ngon, 1/2 muỗng cà phê dầu mè, 1/4 muỗng cà phê xì dầu, 15g bột bánh dẻo, 15g đường xay, 15g nước lọc
2.1.2. Cách làm bánh trung thu đậu xanh
2.1.2.1. Làm vỏ bánh
- Cho bột mì vào hỗn hợp vừa trộn, khuấy đều tay để tạo hỗn hợp bột dẻo, sệt.
- Nhồi bột thật kỹ để tạo khối dẻo mịn, bọc kín và ủ khoảng 30 phút.
2.1.2.2. Làm nhân bánh
- Sử dụng trứng muối mua sẵn để làm nhân. Hoặc, bạn có thể làm trứng muối bằng cách: Đập trứng ra, chỉ lấy lòng đỏ, cho vào ngâm với nước gừng và rượu trắng để khử mùi tanh. Vớt lòng đỏ trứng ra, rồi cho 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê dầu ăn và 1 thìa rượu mai quế lộ. Sau đó, bạn đem trứng đi hấp cách thủy hoặc nướng với nhiệt độ 150 độ C trong khoảng 15 phút là được.
- Đậu xanh sau khi nấu chín thì đánh nhuyễn ra cùng với đường và chút nước.
- Cho hỗn hợp đậu cùng 1/3 lượng dầu vào chảo đảo đều cho tới khi đậu thấm dầu, cho thêm 1/2 lượng dầu còn lại vào, đun với lửa vừa cho đến khi đậu thấm thì cho hết lượng dầu ăn vào. Bạn tiếp tục đun cho tới khi đậu vừa ráo thì cho tiếp bột dẻo vào đảo đều. Khi thấy đậu mềm, sờ không dính tay thì tắt bếp. (Lưu ý là nếu như bạn muốn làm nhân trà xanh thì có thể cho thêm khoảng 2 thìa cà phê bột trà xanh vào trộn đều).
2.1.2.3. Tạo hình bánh
- Lấy phần bột làm vỏ bánh ra, nhồi lại với chút bột khô. Bạn nên chia bột thành các phần nhỏ bằng nhau để dễ đóng khuôn. Lưu ý, tỉ lệ chuẩn của bánh là nhân có khối lượng gấp đôi vỏ (nếu bánh có khối lượng tổng cộng là 90g thì nhân là 60g, vỏ bánh là 30g).
- Vo nhân thành từng viên tròn (nếu bạn muốn khối lượng của bánh đúng chuẩn thì nên cân vỏ bánh và nhân bánh. Tuy nhiên, nếu làm quen tay, bạn cũng có thể ước lượng đường kính viên nhân khoảng chừng 4cm cho khuôn 75g, 5cm cho khuôn 90g).
- Cán vỏ bánh thành hình tròn mỏng, cho nhân đậu xanh và trứng vào, bao lấy phần nhân bánh rồi khéo léo vo tròn đều viên bánh.
- Thoa một lớp bột khô mỏng vào khuôn, dùng lòng bàn tay ấn đều bánh trong khuôn để tạo hình cho bánh.
2.1.2.4. Nướng bánh
- Công đoạn nướng bánh tương tự được thực hiện như hướng dẫn ở trên. Bánh trung thu nướng nhân đậu xanh mới ra lò sẽ hơi cứng, nhưng sau khi nguội và để khoảng vài giờ là bánh sẽ mềm và ngon.
2.2. Cách làm bánh trung thu nướng nhân khoai môn
2.2.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu khoai môn
- Vỏ bánh: Dùng thành phần nguyên liệu tương tự bánh trung thu nướng nhân đậu xanh ở trên.
- Nhân bánh: 300g khoai môn (gọt sạch và cắt nhỏ), 100g đường trắng, 50g bột bánh dẻo (bột nếp rang), 20g bột mì, 100ml dầu ăn (chia làm 2 phần: 1 phần 60ml và 1 phần 40ml), 1/2 thìa cà phê mạch nha, 6 lòng đỏ trứng muối.
2.2.2. Cách làm bánh trung thu khoai môn
2.2.2.1. Cách chế biến nhân khoai môn và bột vỏ bánh trung thu
Làm vỏ bánh: Tương tự như cách làm vỏ bánh nhân đậu xanh
Làm nhân bánh:
- Trộn đều bột bánh dẻo, bột mì và dầu ăn lại với nhau.
- Luộc khoai mềm với ít nước. Khi khoai chín lọc lại phần khoai (chỉ lấy khoai dẻo, bỏ đi phần cứng, sượng) rồi đem xay nhuyễn với ít bột lá cẩm.
- Cho 1 ít dầu vào chảo, đổ khoai vào và xào đều đến khi khoai hơi ráo thì cho tiếp phần hỗn hợp bột đã trộn ở bước 1 (gồm bột dẻo, bột mì) vào đảo đều. Khi thấy phần nhân khoai môn này không còn dính tay thì tắt bếp.
2.2.2.2. Tạo hình bánh
- Khi làm bánh trung thu, bạn phải lưu ý tỉ lệ nhân và vỏ chuẩn luôn là 2:1 để canh chỉnh khối lượng bánh cho phù hợp. Sau khi đã chia bột làm vỏ và nhân theo tỉ lệ thích hợp thì tiến hành nặn bánh.
- Cán miếng bột làm vỏ thành hình tròn. Dùng tay ép miếng khoai môn xuống, cho trứng vào bên trong, bọc viên lại. Sau đó cho vo viên nhân vào miếng bột làm vỏ, vo kín lại.
2.2.2.3. Đóng khuôn và nướng bánh
- Cuối cùng, bạn chỉ việc cho bánh vào khuôn và ép chặt.
- Thực hiện cách nướng bánh như các công thức ở trên là hoàn thành. Ngoài ra, để thành phẩm mang màu tím hấp dẫn thế này, bạn có thể thay thế bằng cách làm bánh trung thu bằng khoai lang tím với hương vị mới lạ, dễ ăn. Quy trình thực hiện cũng tương tự.
2.3. Cách làm bánh trung thu nướng trà xanh nhân đậu xanh
2.3.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu trà xanh nhân đậu xanh
Gồm có: 150g bột mì, 10g bột trà xanh, 90g nước đường, 250g nhân đậu xanh hoặc hạt sen nhuyễn, 30ml sữa tươi không đường. Phần nguyên liệu này có thể làm được 4 chiếc bánh trung thu khối lượng 150g. Để đảm bảo nguyên liệu chất lượng, bạn nên tự làm bột trà xanh nguyên chất tại nhà.
2.3.2. Cách làm bánh trung thu trà xanh nhân đậu xanh
- Bạn trộn đều bột trà xanh vào phần bột mì, rồi từ từ cho nước vào khuấy đều. Khi đã có hỗn hợp bột đều mịn, bạn cho bột nghỉ khoảng 20 – 30 phút.
- Canh chỉnh bột và nhân theo tỉ lệ chuẩn 1 vỏ: 1 nhân hoặc vỏ ít hơn nhân 1 chút cũng được.
- Cho nhân vào giữa miếng bột đã cán, vo viên thật chặt tay, rồi cho vào khuôn ép chặt.
- Đem nướng bánh như hướng dẫn ở trên. Sau mỗi 10 phút, bạn lấy bánh ra phết lên ít sữa tươi để bánh không bị nứt, có hình dạng và màu sắc đẹp mắt.
3. Cách làm bánh trung thu dẻo
3.1. Cách làm bánh trung thu dẻo nhân sữa dừa
3.1.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu dẻo sữa dừa
- Vỏ bánh: 400g đường, 650ml nước, 1 quả chanh nhỏ, 600g bột bánh dẻo, 1 thìa cà phê dầu ăn, 4 thìa cà phê nước hoa bưởi, 10 -15 lá dứa
- Nhân bánh: 400g dừa non nạo, 4 – 5 hộp sữa đặc (40g/hộp), 200g nước cốt dừa, 80g vừng trắng đã rang chín, 60g bột bánh dẻo, 2 thìa cà phê (khoảng 10ml) nước cốt hoa bưởi.
3.1.2. Cách làm bánh trung thu dẻo sữa dừa
3.1.2.1. Làm nhân bánh
- Đầu tiên, bạn trộn đều dừa nạo với sữa đặc (tùy khẩu vị mà gia giảm lượng sữa đặc cho phù hợp), để dừa ngấm trong 30 – 45 phút.
- Cho nước cốt dừa vào chảo, đợi khi chảo nóng thì cho tiếp nạo vào, đảo đều, sên dừa đến khi nước bay gần hết, sợi dừa hơi se lại. Tiếp tục cho vừng trắng cùng bột bánh dẻo và nước cốt hoa bưởi vào trộn đều lên
- Viên phần nhân thành các viên đều nhau.
3.1.2.2. Làm nước đường
- Lá dứa sau khi rửa sạch thì cắt nhỏ, đem xay nhuyễn, lọc lấy nước.
- Hòa đường với nước cốt lá dứa, bắc lên bếp đun hơi sôi đến khi đường tan hết thì đun tiếp khoảng 5 -10 phút nữa, tắt bếp, vắt vào 1 quả chanh nhỏ để tránh trường hợp đường bị kết tinh lại. Lưu ý nước đường để nguội có thể dùng ngay hoặc nếu để được lâu thì càng ngon hơn.
3.1.2.3. Cách làm vỏ bánh trung thu sữa dừa
- Hòa nước đường với dầu ăn và nước hoa bưởi, cho từng muỗng bột bánh dẻo vào trộn đều, lúc đầu hơi loãng, dần dần bột sẽ nở ra. Khi thấy bột nặng tay (đổ hết khoảng gần 1/2 lượng bột), thì đổ ra mâm, cùng với lượng bột còn lại, nhồi kỹ đến khi khối bột dẻo mịn.
- Thông thường, tỉ lệ bánh dẻo là 1 nhân: 1 vỏ. Tùy sở thích ăn nhiều vỏ hay nhiều nhân, bạn có thể cân đối lại sao cho hài hòa.
- Cắt từng miếng bột, bọc nhân vào giữa, phủ ngoài một lớp bột áo hoặc phủ vào khuôn bánh rồi đóng bánh vào khuôn. Lưu ý là bánh để qua ngày sẽ có màu trong hơn nhé.
3.2. Cách làm bánh trung thu dẻo nhân đậu xanh
3.2.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu dẻo đậu xanh
- Vỏ bánh: 150g bột gạo, 100g bột ngô, 30g đường, một ít muối, 50ml nước
- Nhân bánh: 250g nhân đậu xanh (Lưu ý là thành phần nguyên liệu làm nhân đậu xanh cho món bánh dẻo tương tự như bánh nướng ở trên).
3.2.2. Cách làm bánh trung thu dẻo đậu xanh
- Đầu tiên, để làm vỏ, bạn đem các nguyên liệu làm bánh trộn đều lại rồi nhồi thật kỹ đến khi đạt độ dẻo, mịn thì cho bột nghỉ khoảng 30 phút (lưu ý là chỉ nên cho nước từ từ vào để dễ kiểm tra độ dẻo của bột).
- Sau thời gian bột nghỉ, chia bột làm vỏ bánh với nhân bánh theo tỉ lệ 1 nhân: 1 vỏ. Sau đó, bạn cán bột thành miến mỏng rồi khéo léo bọc viên nhân vào bên trong, vo tròn lại rồi đem đóng khuôn.
- Chuẩn bị sẵn nồi hấp cách thủy và đem bánh đi hấp.
- Sau khi bánh chín, để nguội rồi áo đều một lớp bột bánh ngọt ra bên ngoài là hoàn thành.
3.3. Cách làm bánh trung thu dẻo nhân đậu đỏ
3.3.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu dẻo đậu đỏ
- Vỏ bánh: 200g bột bánh dẻo, 1 thìa nước hoa bưởi, 10g dầu dừa hoặc dầu ăn.
- Nước đường: 300ml nước, 120 đường trắng, 1 lát chanh
- Nhân bánh: 200g đậu đỏ rửa sạch ngâm nước 6 – 8 tiếng, 50ml dầu ăn, 1 thìa bột mì hoặc bột nếp, 150g đường.
3.3.2. Cách làm bánh trung thu dẻo đậu đỏ
- Cho đậu, nước vào nồi nấu đến khi nở mềm rồi cho đậu và đường vào máy xay, xay nhuyễn mịn.
- Cho đậu ra chảo cùng với bột mì, dầu ăn xào cho đến khi nhân dẻo quánh, mịn thành 1 khối không dính chảo, để nguội bớt thì viên thành các viên tròn.
- Cho đường, nước vào nồi khuấy tan đường, đun sôi thì vặn lửa nhỏ và nấu thêm 3 – 4 phút vắt nước cốt chanh vào đun sôi trở lại, tắt bếp. Bạn để nước đường thật nguội mới đem đi làm bánh nhé.
- Cho nước đường, dầu ăn, nước hoa bưởi vào bát khuấy đều, sau đó cho từng thìa bột vào, dùng phới lồng khuấy cho tan mới cho tiếp bột vào.
- Nhồi bột với 1 ít bột khô (nhớ giữ lại 1 chút bột khô để khi đóng bánh không bị dính khuôn) đến khi miếng bột dẻo mịn thì bọc lại, để bột nghỉ 30 phút.
- Mang bột ra chia theo tỉ lệ 1 phần vỏ tương ứng với 1 phần nhân.
- Rắc ít bột khô lên bàn, lấy 1 miếng bột cán vừa mỏng, cho nhân vào giữa rồi gói sao cho kín nhân, vê tròn. Cho bánh vào khuôn ép chặt các góc rồi nhẹ nhàng lấy bánh ra. Bạn để bánh qua 1 – 2 ngày thì bánh sẽ trong lại, có thể ăn ngay hoặc bảo quản trong hộp kín đều được.
4. Các biến thể của bánh trung thu truyền thống
4.1. Cách làm bánh trung thu rau câu
4.1.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu rau câu matcha
Gồm có: 1 gói bột làm thạch rau câu, 300g đường phèn, 10g bột matcha, 2 gói cà phê hòa tan, 300ml sữa tươi, 2 hộp sữa đặc có đường (380 ml), 3l nước lọc và 1 ít muối.
4.1.2. Cách làm bánh trung thu rau câu matcha
- Đầu tiên, bạn cho 2 lít nước lọc, đường phèn, 1/6 muỗng cà phê muối vào nồi, đun với lửa nhỏ.
- Hòa gói rau câu với 1 lít nước còn lại. Khi đường phèn tan hết trong nồi nước, từ từ cho nước rau câu vừa hòa tan vào trong nồi, nấu sôi với lửa nhỏ.
- Đổ cà phê hòa tan ra chén, thêm 100 ml sữa tươi vào, hòa tan. Cho hỗn hợp cà phê bột và sữa vừa pha vào bình lớn, rồi cho tiếp 1/2 hộp sữa đặc vào, khuấy đều lên để tạo thành hỗn hợp cà phê sữa.
- Khi nước rau câu sôi, hạ nhỏ lửa rồi múc khoảng 500 ml vào bình chứa hỗn hợp cà phê, khuấy đều lên. Sau đó, bạn đổ hỗn hợp cà phê vào phần đáy khuôn và làm lần lượt ở các khuôn.
- Pha lớp rau câu matcha theo công thức: 10g matcha – 100 ml sữa tươi – 1/2 hộp sữa đặc – 500 ml nước rau câu đang sôi.
- Khi lớp rau câu hơi se mặt, bạn dùng nĩa đâm nhẹ, rồi đổ tiếp lớp rau câu matcha vừa pha vào. Khi lớp rau câu matcha này cũng bắt đầu se mặt, bạn dùng nĩa đâm nhẹ lên mặt, rồi đổ tiếp lớp rau câu sữa màu trắng được pha theo công thức: 1/2 hộp sữa đặc – 500 ml hỗn hợp rau câu vào.
- Cuối cùng, khi lớp bánh rau câu thứ 3 cũng khô mặt, bạn dùng nĩa, đâm nhẹ rồi đổ lớp rau câu cà phê cuối cùng được pha theo công thức như ở lớp bánh thứ 1. Như vậy là bạn đã hoàn thành món bánh trung thu rau câu rồi đấy!
4.2. Cách làm bánh trung thu vỏ ngàn lớp
4.2.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu ngàn lớp
- Phần bột nước (bột trắng): 300g bột mì, 140g nước, 160g đường xay, 70g bơ
- Phần bột dầu (bột màu): 250 bột mì, 115g shortening (hoặc 4 thìa to dầu ăn), màu thực phẩm tùy ý
- Phần nhân bánh: Bạn có thể chuẩn bị nhân bánh trung thu tùy ý: nhân đậu xanh, đậu đỏ, khoai môn… Nhân có thể mua sẵn hoặc tự làm theo cách hướng dẫn làm nhân ở phần trên.
4.2.2. Cách làm bánh trung thu ngàn lớp
4.2.2.1. Trộn bột nước và bột dầu
Cách trộn bột nước:
- Cho đường xay và bơ vào thau trộn đều, rồi cho thêm bột mì vào đánh đều. Nếu không có máy đánh trứng bạn có thể nhào bằng tay đều được. Tiếp theo, bạn cho nước vào hỗn hợp bột.
- Nhào bột đến khi hỗn hợp bột mịn, hòa quyện thành khối, để bột nghỉ khoảng 30 phút. Đồng thời, nhớ ủ bột trong giấy bọc thực phẩm.
Cách trộn bột dầu: Trộn bột mì, dầu ăn (hoặc shortening) và phẩm màu lại với nhau. Bạn trộn đến khi hỗn hợp hòa quyện thành khối và mịn rồi để bột nghỉ 30 phút trước khi cán bánh trung thu.
4.2.2.2. Cách cán bột làm bánh trung thu ngàn lớp
Chuẩn bị trước khi cán bánh:
- Cân 28g bột dầu và vo thành từng viên.
- Cân 42g bột nước và vo thành từng viên.
- Cân 35g nhân bánh trung thu vo thành từng viên. Bạn có thể chọn các loại nhân bánh trung thu khác nhau. Gợi ý cho bạn là nên chọn nhân bánh đậu đỏ.
Bọc bột nước ngoài bột dầu: Ấn dẹt miếng bột trắng, sau đó bao kín miếng bột màu. Lưu ý là phải bao đều và kín, không để không khí lọt vào trong. Nếu không, khi cán, bột sẽ bị rách.
Cán bột:
- Cán dẹt cả khối bột ra, nhẹ nhàng cán thành hình elip. Sau đó, cuộn bột lại theo chiều dọc bột.
- Xoay dọc khối bột, cán thành hình chữ nhật như ban đầu.
- Tiếp tục cuộn bột lại theo chiều dọc.
- Dùng dao sắc chia cuộn bột thành 10 lát bằng nhau, mỗi lát nặng khoảng 45g
- Cán dẹt từng lát bột bánh trung thu ngàn lớp. Bạn lưu ý cán bột thật tròn để khi cho nhân bánh trung thu vào sẽ dễ vo và bánh đẹp hơn. Sau đó, bạn cho nhân bánh trung thu vào giữa, bao kín lại.
- Sau khi bọc lại, bạn sẽ có những chiếc bánh trung thu ngàn lớp đáng yêu thế này.
4.2.2.3. Nướng bánh
- Cho bánh vào lò nướng ở nhiệt độ 180 độ C trong khoảng 30 phút.
- Lấy bánh ra thì các lớp của bánh trung thu ngàn lớp sẽ rất rõ đó.
- Bí quyết để các lớp bánh trung thu ngàn lớp nở rõ nét hơn là bạn có thể chiên bánh trong chảo ngập dầu.
4.3. Cách làm bánh trung thu nhân kem lạnh
4.3.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu kem lạnh
- Phần kem: 150 g kem phô mai, 50 g đường, 1/3 chén việt quất (có thể thay bằng vị quả khác mà bạn thích) để đóng đá, 100 ml kem tươi phủ bánh whipping.
- Phần vỏ bánh: 25g bột mì, 25g bột năng, 50g bột nếp, 50g bột gạo tẻ, 30ml sữa đặc; 50g đường, 240ml sữa tươi không đường (bạn làm màu hồng thì dùng sữa dâu, màu vàng sữa chuối….), 20 ml dầu ăn.
- Khuôn bánh trung thu
4.3.2. Cách làm bánh trung thu kem lạnh
- Cho kem phô mai, đường cho vào thau đánh tan, sau đó cho kem whipping vào đánh bông mịn. Cuối cùng, bạn cho chén việt quất vào khuấy đều. Tiếp theo, bạn múc kem cho vào khuôn tròn hay màng bọc thực phẩm bọc tròn lại. Sau đó, cho vào ngăn đá tủ lạnh 1 – 2 giờ cho kem hơi đông.
- Cho tất cả các nguyên liệu phần vỏ vào bát lớn hòa tan, rồi rây mịn. Sau đó, bạn đem hấp chín (khoảng 30 phút).
- Bột chín, lấy ra chờ nguội, rồi mang bao tay nhồi lại cho bột dẻo mịn không còn dính tay. Bạn chia bột thành những phần nhỏ tùy theo trọng lượng của khuôn. Thông thường, nếu như khuôn 50g thì nhân kem 20g và vỏ 30g.
- Ấn viên bột hơi mỏng dẹt rồi cho nhân kem vào, nhanh tay túm mép vỏ bánh,
- Cho bánh vào khuôn, ấn đều rồi lấy bánh ra.
Bánh trung thu kem lạnh bảo quản trong hộp kín, cho vào ngăn đá tủ lạnh. Khi ăn, bạn lấy ra để ngoài 20 phút trước khi dùng. Ngoài ra, bạn còn có thể thực hiện làm bánh trung thu lạnh đơn giản với các bước gần giống công thức trên.
4.4. Cách làm bánh trung thu vỏ 3 màu
4.4.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu 3 màu
Gồm có: 600g bột mì, 500g đậu đỏ hầm nhuyễn, lòng đỏ trứng muối (tùy vào số lượng bánh bạn muốn làm), 2 lòng đỏ trứng gà, 20g bột ngô, 20g bột caca, 20g bột trà xanh, 20g đường cát trắng và 1 ít dầu ăn.
4.4.2. Cách làm bánh trung thu 3 màu
- Bạn cho bột mì, 2 lòng đỏ trứng gà và đường cát trắng vào bát lớn. Bạn trộn đều nguyên liệu đến khi hỗn hợp bột mềm dẻo, tạo thành 1 khối quánh là được.
- Chia lượng bột vừa trộn thành 3 phần bằng nhau. Sau đó, cho mỗi phần chia ra trộn tiếp tục với bột ngô, phần thứ 2 trộn với bột trà xanh và phần còn lại trộn với bột cacao để tạo thành 3 khối bột với 3 màu khác nhau. Khi trộn, hãy cho thêm 1 ít dầu ăn vào để chống dính (hoặc 1 lớp bột áo thật mỏng).
- Lấy 3 phần bột mỗi thứ 1 ít và gom lại. Thực hiện tương tự đến khi hết phần bột còn lại.
- Sau khi đậu đỏ đã được hầm nhuyễn, bạn tiếp tục cho đậu vào máy xay, xay nhuyễn lại lần nữa, rồi trộn chung với đường, thêm 1 ít dầu ăn, rồi bắt lên bếp sên đến khi đậu đỏ thật dẻo mịn thì tắt bếp, để nguội.
- Chờ đậu đỏ nguội bớt thì lấy trứng muối cho vào giữa 1 ít đậu đỏ rồi viên lại cho tròn làm nhân. Sau đó, bạn đặt viên nhân vào giữa những miếng bột 3 màu đã đem cán mỏng, rồi bọc kín lại và xoa 1 ít dầu ăn lên cho khỏi dính rồi vo tròn.
- Cho những viên bánh vào khuôn bánh, dùng lòng bàn tay ấn mạnh để bánh in đậm hình hoa văn. Sau đó, bạn nhẹ nhàng lấy bánh ra khỏi khuôn và xếp lên khay nướng.
- Cho bánh vào lò nướng đã được làm nóng sẵn ở nhiệt độ 180 độ C trước đó 10 phút. Nướng bánh trong khoảng 20 phút cho thì lấy ra, để nguội.
4.5. Cách làm bánh trung thu kiểu Hàn Quốc
4.5.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu Hàn Quốc
Gồm có: 200g bột nếp, 120ml nước (muốn bánh có màu có thể thay bằng nước ép dứa, nước ép nho đen hay dâu tây), 100g đậu xanh, 80g đường, một ít lá thông tươi, một ít vừng (mè) rang.
4.5.2. Cách làm bánh trung thu Hàn Quốc
- Đầu tiên, bạn ngâm đậu xanh trước 4 – 5 giờ và đem đi nấu chín, xay nhuyễn, sau đó xào với đường và một ít bột bánh dẻo cho đến khi hỗn hợp khô lại.
- Tiếp theo, bạn nhào bột với nước đến khi bột quánh lại, thật dẻo mịn.
- Vắt bột thành từng miếng, cho nhân vào giữa.
- Sau đó, khéo léo bọc bột vỏ bánh trung thu lại, gấp mép tạo thành hình trăng khuyết. Lưu ý, bạn có thể thoa dầu lên tay để chống dính.
- Bắc nồi nước sẵn trên bếp, phía dưới xửng hấp nhớ lá thông vào trước. Sau khi nước sôi nhẹ, bạn cho bánh vào hấp là hoàn thành.
4.6. Cách làm bánh trung thu kiểu Đài Loan
4.6.1. Nguyên liệu làm bánh trung thu Đài Loan
- Phần bột nước: 200g bột mì đa dụng, 28g đường, 80ml nước, 80g bơ lạt (tan chảy)
- Phần bột dầu: 200g bột mì đa dụng, 80 ml dầu ăn
- Phần nhân bánh: 300g nhân trà xanh, 12 trứng muối (đã hấp chín)
- Nước quét mặt bánh: 1 lòng đỏ trứng, 1 ít dầu mè, 1 ít sữa tươi và 2 muỗng mè đen
4.6.2. Cách làm bánh trung thu Đài Loan
4.6.2.1. Cách gói viên bột dầu với bột nước làm bánh trung thu Đài Loan
- Đầu tiên, chia nhân bánh thành 12 viên, mỗi viên 25g. Bạn vo tròn, ấn dẹt nhân bánh, rồi cho trứng muối vào gói lại, tiếp tục vo tròn. Sau đó, bạn rây bột vào thau, tạo thành lỗ chính giữa rồi cho đường, nước, bơ lạt vào.
- Bạn nhồi bột sơ qua rồi để bột nghỉ khoảng 20 phút.
- Tiếp theo, bạn tiến hành làm phần bột dầu. Bạn rây bột vào 1 cái thau khác, tạo lỗ chính giữa và cho dầu ăn vào,sau đó trộn và nhồi bột cho đều.
- Bước thứ ba, bạn chia 12 viên bột nước mỗi viên khoảng 30g, chia 12 viên bột dầu mỗi viên khoảng 22g. Sau đó, bạn ấn dẹt viên bột nước rồi cho viên bột dầu vào, gói lại, vo cho tròn.
4.6.2.2. Cán bột bánh trung thu Đài Loan và nướng chín
- Sau khi gói lần lượt hết phần bột thì lại dùng cán gỗ cán ra, sau đó cuộn lại. Tiếp tục cán lần thứ 2, rồi cuộn lại. Lưu ý là lúc này bạn hãy bật sẵn lò ở mức 180 độ C chế độ hai lửa trong 10 phút.
- Ấn dẹt bột ra rồi cho phần nhân vào, gói lại, vo tròn bánh. Sau đó, bạn cho bánh lên khay có lót giấy nến chống dính. Lấy lòng đỏ trứng gà cho ít sữa tươi và vài giọt dầu mè, đánh tan rồi phết lên bánh, rắc lên ít mè đen lên mặt.
- Cho vào lò nướng nhiệt độ 180 độ C, chế độ 2 lửa. Khoảng 15 phút thì xoay khay bánh lại cho đều vì nhiệt lò nướng có thể không đều (nướng khoảng 25 phút đến 30 phút là được). Khi bánh chín vàng đều, lên màu đẹp thì lấy ra khỏi lò. Bánh để nguội là có thể thưởng thức.
5. Một cái bánh trung thu chứa bao nhiêu calo?
Một chiếc bánh nướng trung thu với kích cỡ tiêu chuẩn truyền thống chứa hơn 700 calo. Tùy loại nhân kết hợp, con số này có thể lên đến 1000 calo. Vì sao bánh trung thu lại chứa nhiều calo đến như vậy? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bánh trung thu truyền thống chứa lòng đỏ trứng muối – đây cũng chính là thành phần chứa hàm lượng cholesterol, chất béo cao. Hơn nữa, bánh còn có nước đường, mỡ đường,…Đây đều là những thành phần khiến cho các cô nàng đang có ý định giảm cân nghe đến tên thôi đã thấy ngán ngẩm! Tuy nhiên, để không khí ngày Tết đoàn viên thêm vui, không thể thiếu món bánh này. Nếu sợ tăng cân, bạn chỉ cần dùng 1 – 2 miếng bánh/ ngày là đủ.
6. Cách bảo quản bánh trung thu tự làm tại nhà thơm ngon, không ẩm mốc
Hãy lưu trữ bánh trung thu trong các hộp kín, túi zip, túi hút chân không. Sau 24 giờ kể từ lúc chế biến, bạn có thể lấy bánh ra thưởng thức. Bánh trung thu sẽ ngon hơn sau 3 ngày nướng đấy nhé!
Với 14 cách làm bánh trung thu nói trên, hẳn các bạn đã có thể tự tay làm những chiếc bánh ngon hấp dẫn nhất để cúng ông bà tổ tiên, dành tặng gia đình và người thân rồi phải không? Mỗi chiếc bánh chính là hội tụ của cả một bầu thiên nhiên đất trời trong lành, tinh khiết, gói ghém những tình cảm chân thành của người làm ra nó. Không quá cao sang, nhưng chiếc bánh trung thu bao giờ cũng gợi lên những hương vị mộc mạc của làng quê. Chính vì thế mà làm say lòng bao thế hệ người thưởng thức. Và đêm rằm trung thu chỉ thật sự trọn vẹn, đủ đầy khi mâm cỗ gia đình có sự góp mặt của những chiếc bánh trung thu đượm tình.
Tiên Phạm tổng hợp