1. Các món ăn ngon ngày Tết đặc trưng của 3 miền
Tết đến, khi hoa mai, hoa đào khoe sắc, cũng là lúc các món ngon ngày Tết được bày biện sẵn sàng với quy cách thịnh soạn, trang trí cầu kì với ý nghĩa cầu chúc một năm mới nhiều may mắn, tài lộc đến với gia đình. Nhà nào cũng thế, cứ đến Tết, đều sẽ chuẩn bị bày mâm ngũ quả ngày Tết, cùng với mâm cơm đúng chuẩn để thực hiện nghi thức thờ cúng Tổ tiên và ông bà phù hộ. Những mong muốn của cả gia đình đều sẽ thể hiện qua cách bày mâm cỗ cúng Tết.
Vậy, những món ăn ngon cho ngày Tết của người Việt 3 miền có gì? Mời bạn cùng khám phá điều này ở phần tiếp theo đây nhé.
1.1. Các món ngon ngày Tết miền Bắc
1.1.1. Món thịt nấu đông
Ở miền Bắc, thời điểm Tết đến cũng là lúc khí hậu bắt đầu trở lạnh. Vào những ngày thế này, người Bắc thường chế biến những món ăn có khả năng bảo quản được lâu, thích nghi được với trời lạnh để tận hưởng cái mát lành se se ngày đầu năm bên tách trà cùng bạn bè, người thân. Đặc trưng ấy thể hiện rõ nét nhất trong món thịt nấu đông từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau.
Cách chế biến món ngon ngày Tết miền Bắc này còn giúp tiết kiệm được thực phẩm ngày đầu năm, nhờ khả năng tận dụng được thức ăn cũ và chế biến lại theo cách mới, bảo quản được lâu và tốt hơn. Bạn có thể tham khảo các cách nấu thịt đông của Webnauan.vn tổng hợp để chọn cho mình hương vị yêu thích nhất nhé.
1.1.2. Bánh chưng xanh truyền thống
Ngoài thịt đông, Tết miền Bắc còn mang được đặc trưng bởi sắc xanh mướt mắt của gói bánh chưng xanh truyền thống bằng lá dong. Lá dong là loại lá chỉ mọc ở miền Bắc. Khi làm bánh chưng, nguyên liệu chủ yếu gồm có thịt ba chỉ ướp, đậu xanh đãi vỏ hấp chín, nếp cái ngâm nở mềm rồi xào cho dậy mùi thơm đặc trưng. Về cơ bản, nguyên liệu làm bánh chưng cũng giống món bánh tét truyền thống của người Nam. Cách gói bánh chưng chỉ khác cách gói bánh tét ở hình dạng, loại lá được dùng làm vỏ và thao tác gói bánh.
Lịch sử ra đời của chiếc bánh chưng gắn liền với Lang Liêu, vị hoàng tử út của vua Hùng Vương thứ 18, đã được truyền ngôi với ý tưởng làm ra món bánh chưng, bánh giày. Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh giày tượng trưng cho trời, cả 2 đều là món bánh truyền thống trong ngày Tết, đại diện cho tấm lòng thơm thảo, tôn trọng đối với tổ tiên. Bạn tham khảo các cách làm bánh chưng để thực hiện món ngon ngày Tết phải có trên mâm cỗ miền Bắc nhà mình nhé.
1.1.3. Nem chua miền Bắc
Nem chua vốn là món ngon ngày Tết có nguồn gốc ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung (Huế). Với hương vị thơm ngon đặc biệt, vừa chua, cay kích thích vị giác, món ăn ngon ngày Tết này ngày càng phổ biến ở nhiều khu vực khác. Nem chua ăn với củ kiệu, tôm khô ăn Tết hoặc cuốn bánh tráng, thịt luộc là ngon “hết sảy”! Trong đó, nem chua thính Thanh Hóa (nem chua nướng lên) là nổi tiếng nhất.
Cứ mỗi dịp đầu năm, người người lại chuẩn bị thịt heo, bì heo, thính gạo, lá đinh lăng để gói nem, làm thức quà biếu tặng người thân ở xa. Khi làm nem chua, người ta thường dùng thính để thúc đẩy quá trình lên men cho men. Đồng thời, thính còn giúp món nem có vị ngon đặc trưng, đậm đà hơn. Ngày nay, người ta chế biến sẵn bột làm nem để rút ngắn công đoạn làm nem chua. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm nem chua không cần bột làm nem bằng cách giữ quy trình thực hiện truyền thống để dễ bảo quản hơn.
1.1.4. Dưa món ngon ngày Tết
Dưa món là món rau, củ ngâm chua ngọt, có vị giòn giòn, thường được người Bắc ăn kèm với bánh chưng để cân bằng hương vị. Để làm dưa món ngon ngày Tết, bạn có thể tận dụng nhiều nguồn nguyên liệu. Trong đó, phổ biến nhất là đu đủ, cà rốt, củ sen,…Thông thường, sau khi được sơ chế, nguyên liệu rau củ sẽ được đem đi phơi nắng. Điều này giúp rút bớt độ ẩm trong rau củ để trở nên dẻo, giòn vị, nhanh ngấm gia vị nước ngâm hơn.
1.2. Các món ăn ngon cho ngày Tết ở miền Trung
1.2.1. Tré – món ngon chống ngán ngày Tết của người Trung
Tré là một trong những món ngon ngày Tết miền Trung nổi tiếng không kém gì nem chua Huế. Đây là món ăn có xuất xứ chủ yếu từ Bình Định. Để làm nên món ăn có cái tên và hương vị độc đáo này, bạn cần chuẩn bị tai heo, phần thịt ở đầu heo, nạc ba chỉ. Cùng với đó là các loại gia vị mà người miền Trung ưa thích nhất: thính (để lên men), mè, riềng, tỏi, ớt và có cả lá ổi non để tạo mùi thơm khác biệt nữa.
Các công đoạn chế biến nguyên liệu làm tré cũng gần giống như làm nem chua. Nhưng, khác với nem chua, tré được gói lại bánh lá ổi non, lá chuối và ủ trong bó rơm lúa dày buộc chặt 2 đầu. Sau 2 – 3 ngày lên men thì có thể thưởng thức được món tré đặc sản của “đất võ Bình Định”. Nhờ được ủ lúa mới, tré có thời gian bảo quản rất lâu mà vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon nức lòng.
1.2.2. Món bò kho mật mía ngọt thơm
Món bắp bò kho mật mía là một trong những món ngon chống ngán ngày Tết truyền thống của người miền Trung. Đây vốn là món ăn ngon có nguồn gốc từ xứ Nghệ. Cách nấu bò kho mật mía không dùng quá nhiều gia vị. Hơn nữa, công đoạn chế biến cũng khá dễ dàng. Bằng sự khéo léo trong cách ngâm lấy nước cốt lá trà, kết hợp hương vị các nguyên liệu sả, tiêu, hoa hồi, thanh quế, đinh hương, thảo quả,…từng thớ thịt bắp bò ngâm săn chắc, thấm đẫm hương vị ngọt thơm đậm đà chứ không hề tanh hay thâm đen.
Mỗi gia đình có “bí kíp gia truyền” riêng khi thực hiện món ngon ngày Tết dễ làm này. Kết quả cuối cùng vẫn cho ra miếng thịt bò chát nhẹ, ngọt hậu, “sướng rơn” trên đầu lưỡi. Đầu năm mới, hãy làm thực đơn ngày Tết gia đình bạn thêm phong phú với món ăn ngon của người Trung này nhé.
1.2.3. Bánh tổ – món ngon cho ngày Tết miền Trung
Người miền Trung cũng gói bánh tét, nhưng đây chưa phải là “đại diện” cho ngày Tết ở vùng đất có văn hóa ẩm thực đa dạng này. Mà, bánh tổ của xứ Quảng Nam mới là món ngon ngày Tết truyền thống của người Trung. Theo ghi chép của vi.wikipedia.org thì đây vốn là món bánh có nguồn gốc từ người Trung Hoa. Hòa theo dòng người di cư vào đất phương Nam, họ mang theo thứ bánh mang linh hồn xứ sở mình sang xứ người để lập nghiệp. Nếu đã từng đi du lịch đến Hội An, bạn nên nếm thử bánh tổ và cao lầu (mì quảng) đặc sản nhé.
1.2.4. Món thịt heo ngâm nước mắm
Theo phong tục từ xưa đến nay, người Việt hầu như không nấu ăn trong ngày Tết. Bởi, người Việt thờ cúng ông Táo, một vị thần canh giữ gác bếp ấm áp, cho gia đình hạnh phúc, “canh lành, cơm ngọt”. Thế nên, người Việt thường sử dụng các món ngâm để bảo quản dùng lâu suốt mùa Tết đãi khách. Một trong những món ngon ngày Tết dễ làm dùng được lâu đặc trưng của người Trung là thịt ngâm nước mắm này.
Món thịt ngâm mắm vô cùng ngon miệng, đẹp mắt. Bạn có thể lựa chọn thịt bò, thịt heo để ngâm hỗn hợp nước mắm, giấm đường,…chua ngọt tùy theo sở thích của mình và cả gia đình. Ngày Tết mà bày dĩa thịt ngâm mắm này đãi khách thì quả là món “mồi nhậu” hợp bia hấp dẫn khó cưỡng. Hãy cùng Webnauan.vn thực hiện cách làm thịt ngâm nước mắm để đổi vị đầu năm mới cho cả gia đình vui xuân nhé.
1.3. Những món ngon cho ngày Tết ở miền Nam
1.3.1. Bánh tét nhân thịt mỡ, đậu xanh cùng hương nếp thơm cả xóm làng
Nhắc đến món ngon ngày Tết miền Nam, người ta sẽ tự động nghĩ ngay đến đòn bánh tét. Nếu bánh chưng là “đại diện” cho mùa xuân miền Bắc, thì đòn bánh tét tròn dễ thương là “sứ giả” mùa xuân ở miền Nam. Cách gói bánh tét cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn không thua kém bánh chưng. Từ khâu xào nếp, chuẩn bị nhân đậu xanh, thịt mỡ, cho đến từng bước gói bánh đều cần sự khéo léo của người thực hiện. Đổi lại, gia đình có thức bánh ngon dẻo ngậy đầy ý nghĩa tốt lành ngày đầu năm.
Cố giáo sư Trần Quốc Vượng lý giải rằng, đòn bánh tét của người Việt ngày nay chính là kết quả từ quá trình tiếp biến văn hóa Việt – Chăm. Vào giai đoạn khai hoang đất phương Nam, người Việt đã tiếp thu văn hóa tín ngưỡng đa thần của người Chăm. Trong đó, có bao gồm tín ngưỡng Phồn thực (thần lúa). Một truyền thuyết khác lại tương truyền, bánh tét gắn liền sự kiện Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh năm Kỷ Dậu năm 1789. Từ đó, bánh tét trở thành món ngon ngày Tết không thể thiếu của người Nam.
1.3.2. Dĩa củ kiệu tôm khô – món ngon cho ngày Tết miền Nam
Dĩa củ kiệu với tôm khô ăn Tết dường như đã quá quen thuộc với mọi nhà trong bữa cơm gia đình đầu xuân. Món ngon ngày Tết này có vị nồng nồng, cay cay dịu nhẹ. Từ đó, tạo nên hương vị đặc sắc của món củ kiệu ngon ngày Tết rất đặc trưng. Người miền Bắc ăn bánh chưng với dĩa dưa món chua ngọt, người miền Nam thì không thế. Bánh tét ăn với củ kiệu chua ngọt dường như “chẳng hợp rơ” nếu thiếu tôm khô, hay miếng thịt kho tàu. Ấy vậy mà, chỉ cần ít củ kiệu với tôm khô là đảm bảo món ngon cho ngày Tết “đúng bài”.
Cách muối củ kiệu miền Nam cũng giống như cách làm dưa món của người Bắc. Kiệu được ngâm tro, nước muối loãng cho sạch bụi đất. Sau đó, người ta cắt bỏ rễ kiệu, lột lớp vỏ ngoài. Theo cách truyền thống, kiệu sẽ được đem ra phơi nắng 2 – 3 ngày cho khô, dẻo lại. Nhưng, với cách chế biến thực phẩm hiện đại ngày nay, người ta có thể làm dưa kiệu không cần phơi nắng vẫn giòn ngon “hết sẩy”.
Nước ngâm kiệu thường pha từ giấm – đường, nước mắm,…Tùy khẩu vị mà hũ dưa kiệu ngâm của mỗi gia đình có vị chua ngọt khác nhau. Một số gia đình còn kết hợp món ngon ngày Tết này với trứng bắc thảo để tăng vị béo, mặn. Nhiều “tay bợm nhậu” chỉ cần dĩa tôm khô, củ kiệu trên bàn là có thể “tứ hải giai huynh đệ” từ sáng đến trưa không biết chán!
1.3.3. Mắm tép chua đặc sắc hương xuân
Mắm tép (tôm) chua là món ngon ngày Tết phổ biến ở các vùng ven biển. Trong đó, ngoài cách làm mắm tép miền Bắc ở các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, và món tôm chua Huế, người dân miền Tây cũng nổi tiếng với món mắm tép ngâm đu đủ cực ngon của mình. Cách làm mắm tép chua miền Tây thường dùng nguyên liệu tôm nhỏ (tép riu) tươi, ngâm thính lên men công phu vài bài bản. Thế nên, mắm có mùi thơm phưng phức, nức lòng mỗi bữa cơm chiều.
1.3.4. Món thịt kho tàu với trứng
Thịt kho tàu (thịt kho trứng) là món ngon ngày Tết truyền thống của người miền Nam được chế biến từ thịt heo ướp gia vị ninh nhừ với trứng luộc cùng nước cốt dừa béo ngậy hấp dẫn. Không chỉ là món ăn ngon dịp Tết, cách nấu thịt kho tàu còn là công thức nấu ăn quen thuộc của bữa cơm hàng ngày mỗi gia đình.
Món ngon cho ngày Tết này thường dùng kèm với cơm trắng, canh khổ qua, kim chi,…để cân bằng hương vị. Tùy sở thích và khẩu vị mỗi gia đình, bạn có thể dùng trứng gà, trứng vịt, hoặc trứng cút luộc để nấu thịt kho tàu. Khi bày mâm cỗ cúng Tết, sau khi nấu xong, người ta sẽ dọn một chén/ tô thịt kho trứng để “mời” ông bà, Tổ tiên, hoặc chưng bàn thờ những người đã mất của gia đình “ăn” trước.
1.3.5. Món gỏi gà xé phay với nước mắm chua ngọt
Gỏi gà là một món ăn ngon giàu vitamin. Bởi, trong thành phần món gỏi, vừa có chất đạm từ thịt gà, vừa dồi dào chất xơ, vitamin từ các loại rau, củ kết hợp. Không chỉ là món ngon ngày Tết ở miền Nam, gỏi gà còn thường xuyên xuất hiện trong các bữa đãi tiệc, hoặc là sự lựa chọn thay thế tuyệt vời cho bữa cơm cuối tuần để đổi vị, giải ngán.
Cách làm gỏi gà cực kì đơn giản. Trước hết, bạn luộc thịt nạc gà, rồi xé tơi nhỏ ra. Các nguyên liệu rau củ trộn như cà rốt, ngó sen, ngò, rau răm, hành tây,…sơ chế sạch và xắt nhỏ, rồi trộn cùng gà xé phay là xong 50%. Một nửa thành công còn lại phụ thuộc vào chén nước mắm trộn gỏi gà chua ngọt. Cuối cùng, chỉ cần rắc đậu phộng rang lên dĩa gỏi trang trí đẹp mắt là xong. Ngày Tết, người Việt rất hạn chế phải nấu ăn, giết mổ. Thế nên, nếu dự định làm các món ăn này vào dịp Tết, bạn nên sơ chế sẵn thịt và bảo quản trong tủ lạnh. Để đến khi dùng thì chỉ cần lấy ra chế biến thôi nhé.
1.3.6. Món canh khổ qua nhồi thịt
Ở Việt Nam, từ xa xưa, ông bà ta đã có quan niệm rằng, những ngày đầu năm mới mà ăn nhiều món ngon ngày Tết có tên gọi tốt lành thì sẽ đem đến may mắn cho cả năm. Vì thế, canh khổ qua nhồi thịt là món ăn ngon được nấu phổ biến trong bữa cơm đầu xuân. “Khổ qua” được hiểu nghĩa là “thời điểm gian khổ đã qua”. Không chỉ là món ngon báo “điềm lành”, canh khổ qua còn chứa rất nhiều vitamin, dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
Nước súp canh có vị đắng nhẹ, thanh thanh, cùng món thịt nhồi mặn mà bên trong làm nên sức hấp dẫn của món ăn này. Tuy nhiên, nhiều nơi quan niệm rằng bà bầu không nên ăn món canh khổ (mướp đắng) qua dồn thịt này. Dưới góc độ y học, nhiều nghiên cứu cũng đã khẳng định quan niệm dân gian này.
Theo đó, nếu ăn quá nhiều khổ qua, bà bầu có nhiều nguy cơ mắc bệnh thiếu máu favism (G6PD) và nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến tử cung. Bà bầu chỉ nên dùng khổ qua với liều lượng ít ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 của thai kì (tháng thứ 4 đến thứ 6). Vì khi này, nguy cơ bị sảy thai không còn. Nếu gia đình có phụ nữ mang thai, các bạn nhớ lưu ý điều này để thưởng thức món ngon ngày Tết đúng cách nhé.
1.3.7. Món canh giò heo hầm măng tươi
Dẫu có đi ngược về xuôi, mâm cỗ cúng Tết của người Nam phải có món canh ngon này. Đó chính là tô canh giò heo hầm với măng tươi béo ngon hảo hạng mà không hề gây ngán. Chỉ từ các nguyên liệu đơn giản như giò heo, măng tươi, bạn đã có thể thực hiện món ngon ngày Tết dễ làm và vô cùng bổ dưỡng này rồi.
1.3.8. Chả giò chiên giòn
Chả giò chiên dường như là món ăn quen thuộc có mặt trong các bữa tiệc lớn, nhỏ của người Việt. Bởi, cách làm chả giò vô cùng đơn giản, đem đến vị ngon giòn ruộm khó cưỡng. Trong mâm cỗ ngày Tết, nhiều gia đình thường bày kèm một dĩa chả giò rán giòn để đãi khách đầu xuân. Phổ biến nhất là món nem rán nhân thịt heo, khoai môn mềm ngọt. Tùy theo khẩu vị của mình, hãy thực hiện món ngon truyền thống này để giải ngán cho gia đình ngày Tết, bạn nhé.
2. Các loại mứt Tết dẻo, giòn truyền thống nhà nào cũng phải có
Nói đến Tết Việt, không thể bỏ qua khay mứt dẻo, giòn nhiều màu sắc mà cả người lớn lẫn trẻ em đều mê mẩn. Mỗi gia đình, giàu hay nghèo, đều có một mâm mứt Tết đãi khách vui vị đầu xuân. Có thể nói, mứt chính là linh hồn của ngày Tết của người Việt Nam.
Hầu hết các món mứt đều có hương vị ngọt ngào, do cách chế biến đặc trưng là sên với đường đến kết tinh khô lại. Nguyên liệu làm mứt thì vô cùng phong phú, chủ yếu là dùng các loại rau, củ, quả. Trong đó, phổ biến nhất là mứt dừa non, món mứt bí, mứt mãng cầu, mứt táo, mứt gừng,…truyền thống với nhiều màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng và vô vàn sắc xuân khác.
Theo thời gian, mâm mứt Tết càng được biến tấu sáng tạo hơn với món mứt cà rốt, mứt khoai lang, mứt đu đủ,…lạ miệng và độc đáo. Cắn một miếng mứt dẻo, giòn, nhấp ngụm trà chát nhẹ tênh tênh, tất cả quyện hòa tạo nên hương vị hoàn hảo tê tê nơi đầu lưỡi. Có lẽ chính sự kết hợp món ngon ngày Tết khiến cho những câu chuyện kể đầu xuân giữa người với người trở nên gần gũi, vui vẻ hơn.
3. Các món chay ngon ngày Tết
Ăn chay không phải là một khái niệm mới. Thế nhưng, gần đây, loại hình thưởng thức ẩm thực này dần nhận được nhiều sự chú ý hơn nhờ nhiều tác dụng mà nó đem lại. Trong đó, những yếu tố tạo động lực cho một người ăn chay, sử dụng thực phẩm organic hoặc ăn chay thực dưỡng là vì lý do đạo đức (không giết mổ), vì sức khỏe (hạn chế đạm động vật), vì bảo vệ môi trường và để giảm cân.
Trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ người ăn chay thực dưỡng tăng đáng kể. Dĩ nhiên, Việt Nam không không nằm ngoài con số này. Và vì một lý do khác nữa: Việt Nam từng là một quốc gia có số người theo Phật giáo đông, nên họ thường chọn cách ăn chay để bày tỏ đức tin tôn giáo của mình.
Ngày Tết là ngày đầu năm, đây cũng là thời điểm người ta thường ăn chay – cũng như ngày Rằm. Ẩm thực chay thì vô cùng đa dạng, không kém các món ngon ngày Tết vị mặn. Các món chay ngon thường được dùng phổ biến nhất là chả giò chay, bánh tét chay, bánh chưng chay, gỏi chay,…Cách nấu món chay thường sử dụng nguyên liệu chế biến từ rau, củ, quả, nấm, đậu nành,…Từ đó, tạo nên những hương vị hài hòa khác nhau. Người dùng lại có nhiều lựa chọn món ngon chống ngán ngày Tết mới lạ hơn.
4. Bí quyết bảo quản những món ăn ngon ngày Tết dùng được lâu và ngon
4.1. Cách bảo quản bánh chưng, bánh tét
Sau khi nấu bánh chưng, bánh tét, bạn vớt ra ngay và cho vào thau nước lạnh ngâm. Cách này sẽ giúp loại bỏ nhựa tiết ra trong quá trình nấu nhân bánh bằng nếp. Sau đó, treo bánh lên hong khô ở nơi thoáng mát. Kỹ càng hơn, bạn nên dùng các vật nặng để đè, hoặc dùng tay nén, cho nước trong bánh chảy ra hết. Nếu trong bánh còn đọng nước, bánh sẽ nhanh bị ẩm mốc, hư hỏng.
Để bảo quản món ngon ngày Tết này, bạn giữ bánh ở nơi có nhiệt độ ổn định. Đồng thời, nơi đó phải khô và thoáng, không ẩm mốc, không có bụi. Lâu lâu nên mở bánh kiểm tra bên trong nhé. Bánh lấy ra dùng không hết có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản. Sau đó, có thể hấp nóng lại ăn ngay, hoặc chiên giòn đổi vị.
4.2. Cách bảo quản chả giò
Chả giò đã chiên có thể bảo quản được ở môi trường bình thường trong tối đa 2 ngày. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn này, bạn cần bỏ hết lớp vỏ bột chiên bên ngoài. Điều này giúp phần nhân bên trong không bị chảy nước, nhanh hư. Đồng thời, nên dùng lồng bàn hoặc rổ sạch đậy kín để tránh sự xâm nhập của bụi bẩn, các loại vi sinh vật, nấm,…Còn nếu chưa chiên mà đã gói sẵn, cho vào hộp, đậy nắp, cất trong ngăn mát tủ lạnh nhé.
4.3. Cách bảo quản thịt nấu đông
Thịt nấu đông là món ngon ngày Tết có thể bảo quản lạnh rất tuyệt vời. Thế nên, nếu dùng không hết, bạn chỉ cần cho thịt đông vào ngăn mát tủ lạnh, cất trong hộp đậy nắp là được.
4.4. Cách bảo quản món dưa kiệu, củ hành muối
Dưa hành, củ kiệu muối khi cần lấy ra ăn, nên dùng đũa, dụng cụ thật sạch để gắp. Đồng thời, cho hũ dưa kiệu muối bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, đậy nắp kín là được. Theo lời bác sĩ Nguyễn Xuân Mai (Nguyên là Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh – Y tế Công cộng TPHCM), .ếu chế biến và bảo quản đúng cách, các món ngon ngày Tết này sẽ đem đến lợi ích cho sức khỏe chứ không phải gây nóng, gây hại như nhiều người vẫn nghĩ.
4.5. Cách bảo quản các loại mứt Tết
Đặc tính của các loại mứt là được sên khô với đường. Thế nên, món ngon ngày Tết này rất dễ bị chảy nước hoặc nhanh mốc. Bạn lưu ý, khi dùng để đãi khách, chỉ nên lấy một ít đủ dùng. Khi bảo quản mứt Tết, nên cho vào bọc nilong sạch, hoặc hũ đậy nắp thật kín. Hoặc, dùng kèm túi hút ẩm để bảo quản món ngon chống ngán ngày Tết này hiệu quả hơn. Bạn nhớ không nên cho mứt vào tủ lạnh nhé. Bởi, sau khi bảo quản lạnh, mứt ra nhiệt độ môi trường sẽ nhanh hút ẩm, nhanh hư hơn đấy.
4.6. Cách bảo quản măng khô chế biến món ngon ngày Tết
Để bảo quản măng khô được lâu, sau khi mua về, bạn chần măng với nước đun sôi. Khoảng nửa tiếng sau, bạn nấu măng với lửa nhỏ hơn. Thêm 5 – 10 phút nữa mới vớt măng khô ra và xả nước sạch, loại bỏ khúc già. Sau đó, ngâm măng khô với hũ nước đun sôi để nguội (hoặc nước vo gạo), đậy nắp. Canh thay nước sau khoảng 2 – 3 ngày để măng khô không bị hư nhé.
4.7. Cách bảo quản các loại thực phẩm tươi sống ngày Tết
Với thịt tươi sống các loại, bạn nên xát muối, rửa nước sạch nhiều lần. Sau đó, cho thực phẩm sống vào hộp có nắp đậy kín, hoặc bọc nilong, rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Đây là mẹo mà các chị em nội trợ có kinh nghiệm thường áp dụng khi muốn dự trữ thực phẩm chế biến món ngon ngày Tết. Khi cần nấu ăn, bạn chỉ cần lấy chúng ra và rã đông đúng cách là được.
4.8. Mẹo bảo quản rau, củ, quả tươi ngày Tết
Sau khi mua rau, củ, quả về, bạn nhặt sạch các vùng bị nát, dập. héo. Sau đó, cho vào thau nước ngâm sạch, xả nhiều lần. Để rau, củ ráo nước hoàn toàn thì cho vào ngăn mát tủ lạnh. Để giữ cho các loại thực phẩm này tươi lâu hơn, bạn nên dùng giấy báo, bọc nilon bao lại. Cách bảo quản món ngon ngày Tết này giúp rau, củ, quả không bị mất nước. Sau thời gian cho vào tủ lạnh, lấy ra chế biến vẫn giữ được vị ngon của mình.
4.9. Mẹo rã đông nhanh các món ngon ngày Tết
Cách rã đông thức ăn bảo quản lạnh nhanh nhất là cho vào lò vi sóng, lò nướng. Việc này sẽ giúp những món ăn ngon ngày Tết đảm bảo được hương vị thơm ngon của mình. Trường hợp không có các dụng cụ này, bạn nên dùng hỗn hợp muối pha nước lạnh nhé.
Trên đây là tổng hợp các món ngon ngày Tết dễ làm đặc trưng 3 miền Việt Nam. Những ngày cuối năm đang dần qua đi, mở ra không khí đầu xuân mới ấm nồng và đầy háo hức. Sự háo hức ấy không chỉ vì con người ta được xúng xính bên áo xinh, quần đẹp, bên hoa đào, hoa mai sắc màu rực rỡ. Mà niềm hạnh phúc ấy còn dâng đầy khi chị em nội trợ được thỏa mình vào những món ăn ngon ngày Tết của vùng, miền mình. Qua đó, thể hiện tài nội trợ đảm đang của “con hiền, dâu thảo“. Webnauan.vn chúc mọi người, mọi nhà thưởng thức ẩm thực ngày Tết phong phú, khỏe mạnh và đạt được những thành công rực rỡ trong năm mới đến nhé!
Trúc Nguyễn tổng hợp