1. Hướng dẫn làm mứt dừa non dẻo đúng chuẩn đơn giản nhất
1.1. Nguyên liệu
Cách làm mứt dừa non truyền thống ngày Tết thường tuân thủ tỷ lệ cơm dừa : đường là 2 : 1. Với tỷ lệ chuẩn này, bạn có thể dễ dàng cân chỉnh liều lượng theo khẩu vị bản thân. Nếu muốn ngọt hơn, có thể tăng đường hoặc thêm sữa đặc, sữa tươi có đường. Thành phần nguyên liệu đơn giản nhất gồm:
- Cơm dừa non: 1 kg
- Đường cát: 500 gram
- Vài giọt chiết xuất lỏng vani
1.2. Cách làm mứt dừa non tiêu chuẩn
1.2.1. Cách tách cơm dừa non
Nếu bạn mua hẳn một trái dừa còn nguyên về, có thể lấy phần cơm dừa như sau:
- Trước hết, dùng dao chọc một lỗ xuyên qua vỏ dừa, đổ hết nước ra một cái ca/ tô.
- Tiếp tục, dùng dao lớn chặt đôi trái dừa.
- Lấy muỗng kim loại nạo phần cơm dừa bên trong, để riêng.
Mẹo: Để dễ lấy phần cơm dừa, sau khi rút nước trái dừa, bạn cho nguyên trái lên bếp đun hoặc nướng khoảng 10 phút ở mức khoảng 200 độ C. Sau đó, đợi trái dừa nguội, bắt đầu bổ đôi và tách lấy cơm dừa non.
Còn nếu mua sẵn phần cơm dừa đã tách ở ngoài chợ về, bạn chỉ cần dùng dao gọt sạch phần vỏ nâu còn dính bên ngoài nhé. Sau đó, dùng dao bào hoặc dao lưỡi sắc cắt cơm dừa thành các sợi mỏng, hoặc dạng miếng, viên tùy sở thích.
1.2.2. Cách sơ chế cơm dừa non
- Cho các sợi cơm dừa vào thau, hoặc chảo lớn.
- Thêm nước lọc vào đủ để ngập dừa, bật bếp đun sôi.
- Hỗn hợp sôi, bạn tiếp tục nấu thêm 10 phút nữa mới tắt bếp nhé. Cách làm mứt dừa non sơ chế cơm dừa thế này giúp loại bỏ sạch hoàn toàn dầu dừa, thay vì chỉ ngâm rửa với nước sạch thông thường.
- Chuyển cơm dừa sang ngâm trong thau nước lạnh cho săn lại, đồng thời, xả nước cơm dừa lần nữa cho sạch.
- Vớt cơm dừa cho ra rổ, để thật ráo nước.
1.2.3. Cách làm mứt dừa non đơn giản nhất
- Cho cơm dừa vào chảo, thêm đường vào, xóc thật đều. Để làm mứt dừa non ngon hơn, bạn lần lượt cho nguyên liệu theo thứ tự: 1 lớp dừa, 1 lớp đường, rồi 1 lớp dừa, 1 lớp đường sao cho đều đến hết nhé.
- Ngâm dừa trong đường khoảng 2 tiếng đồng hồ cho ngấm hoàn toàn.
- Sau thời gian này, bật bếp đun chảo dừa, đổ vani vào, nhớ đảo đều để mứt thành phẩm không bị khét nhé.
- Bạn sên hỗn hợp cho đến khi phần chất lỏng bốc hơi hết, đường kết tinh thành lớp trắng mỏng, kiểm tra xem miếng mứt dừa khô chưa thì tắt bếp.
- Cho mứt dừa ra khay, để nguội.
- Cách làm mứt dừa non này có thể dùng ngay, hoặc cho vào hũ có nắp đậy kín để bảo quản. Tối đa, bạn chỉ nên lưu trữ mứt dừa khoảng 1 tháng để sử dụng nhé.
2. Hướng dẫn cách làm mứt dừa non sữa tươi thơm dẻo
2.1. Nguyên liệu
Cách làm mứt dừa non sữa tươi chuẩn bị thành phần nguyên liệu theo tỷ lệ 10 cơm dừa : 5 đường : 2,5 sữa tươi. Để chuẩn bị cho hũ mứt đủ dùng ngày Tết, Webnauan.vn dùng các nguyên liệu gồm:
- Cơm dừa non (sơ chế và nạo sợi tương tự công thức đầu tiên): 1 kg
- Đường cát trắng: 500 gram
- Sữa tươi không đường: 250 ml (Nếu muốn mứt ngọt hơn thì bạn dùng loại sữa tươi có đường nhé)
2.2. Hướng dẫn cách làm mứt dừa non với sữa tươi
- Cho cơm dừa đã cắt sợi, sơ chế vào chảo trộn chung với sữa tươi cùng đường.
- Bạn để yên chảo hỗn hợp dừa khoảng 15 phút cho ngấm.
- Bắc bếp, đun sôi chảo mứt dừa lửa vừa.
- Sau khi sôi, hạ lửa nhỏ lại, tay luôn đảo để mứt dừa chín mềm đều nhé.
- Cách làm mứt dừa non với sữa tươi này sên khoảng 1 tiếng là mứt khô lại, có thể thưởng thức được. Nhờ sữa tươi, mứt dừa non sẽ hơi ngả màu trắng kem, chất dẻo beo béo và có hương thơm đặc trưng hơn.
3. Hướng dẫn làm mứt dừa non dẻo với sữa đặc
Sữa đặc Ông Thọ vốn sẵn vị ngọt đậm. Thế nên, cách làm mứt dừa non với sữa đặc sẽ giảm lượng đường lại, thay bằng vị ngọt của sữa đặc, giúp miếng mứt dẻo thơm và không gây cảm giác gắt cổ. Các thành phần nguyên liệu gồm có:
- Cơm dừa non: 1 kg
- Đường cát trắng: Chỉ lấy 200 gram
- Sữa đặc Ông Thọ: 500 ml
Các bước thực hiện tương tự cách làm mứt dừa thứ nhất. Không như sữa tươi, sữa đặc chỉ cho vào mứt dừa khi sên trên chảo. Nhớ vừa đổ sữa vào, vừa khuấy cho hỗn hợp trộn đều với nhau nhé. Bạn cũng đảo mứt cho đến khi đường khô lại bám quanh miếng mứt là xong.
4. Hướng dẫn cách làm mứt dừa non nhiều màu
Để làm mứt dừa non nhiều màu tại nhà, bạn tận dụng ngay các nguồn thực phẩm để chiết xuất thành dung dịch tạo màu tự nhiên. Nguyên liệu phổ biến nhất là lá dứa, trà xanh, cacao, cà phê, sầu riêng, bột nghệ,…Dưới đây là một số hướng dẫn làm mứt dừa đa dạng màu sắc cho bạn tham khảo. Tùy điều kiện, khả năng sáng tạo của mình, bạn có thể biến tấu làm mứt dừa 5 màu theo ý thích của bản thân nhé!
4.1. Cách tạo màu mứt dừa non xanh lá từ lá dứa hoặc bột trà xanh
Nguyên liệu: Với 1 kg cơm dừa, bạn dùng tương ứng 500 gram đường cát trắng, kèm 1 chén nước cốt lá dứa. Để biết cách tự ép nước cốt lá dứa tại nhà, bạn tham khảo cách làm mứt dừa non lá dứa dẻo thơm nhé. Đến đây, bạn có 2 cách làm:
- Một là ướp nước cốt dứa với dừa, đường khoảng 30 phút rồi sên cho đặc kẹo màu lại.
- Hai là bạn chỉ ướp dừa với đường, để 30 phút sau bắc chảo lên sên. Lúc này, vừa đổ nước cốt lá dứa vào, vừa sên mứt đều tay để tạo màu là xong.
Ngoài ra, để tạo màu xanh lá, bạn có thể làm mứt dừa non trà xanh ít béo có vị thanh rất đặc trưng. Chỉ cần thay nguyên liệu nước cốt lá dứa bằng bột trà xanh là được. Với bột matcha, bạn có thể pha loãng sẵn với nước, hoặc để nguyên dạng bột, khi sên mứt dừa thì bắt đầu rắc bột vào tạo màu là xong.
4.2. Cách làm mứt dừa non màu vàng đẹp mắt từ sầu riêng hoặc bột nghệ
Nguyên liệu: Với 1 kg cơm dừa non, bạn dùng 300 gram cơm sầu riêng đã bỏ hột, cùng vài giọt chiết xuất vani lỏng. Lượng đường khi này sẽ ít hơn so với tỷ lệ chuẩn, bởi vì sầu riêng có sẵn vị ngọt tự nhiên. Bạn chỉ cần dùng khoảng 250 – 300 gram đường cát trắng là vừa miệng. Cách làm mứt dừa non sầu riêng thực hiện tương tự như các bước làm mứt dừa vị lá dứa ở trên.
Với cơm sầu riêng, sau khi bạn tách vỏ thì đem nghiền nhuyễn. Ở công đoạn ngâm mứt dừa với đường, bạn cho cơm sầu riêng vào trộn chung luôn. Để hỗn hợp tầm nửa tiếng cho ngấm hoàn toàn. Bắc chảo, sên mứt dừa non sầu riêng cho đến khi đạt độ khô, dẻo như mong muốn là hoàn tất. Vị mứt dừa theo công thức này sẽ rất ngọt và chứa nhiều calo, bạn nên tiêu thụ ít hơn các loại mứt dừa khác nhé. Tương tự, bạn có thể thay bột nghệ cho cơm sầu riêng để làm mứt dừa non màu vàng.
4.3. Cách làm mứt dừa non dẻo màu đỏ từ atiso
Nguyên liệu cần chuẩn bị: 300 gram cơm dừa non nạo sợi, 100 ml nước atiso đỏ, 150 gram đường cát trắng và 1 tuýp tinh chất vani dạng lỏng. Cách làm mứt dừa atiso thực hiện giống như các hướng dẫn làm mứt dừa non dẻo chi tiết từng bước ở trên. Để tự ngâm nước hoa atiso màu đỏ, bạn có thể thực hiện như sau:
- Hoa atiso mua ngoài chợ về thì đem ngâm thau nước rửa thật sạch.
- Sau đó, bạn nhẹ nhàng tách riêng từng phần đài hoa, cắt bỏ đế.
- Lấy chiếc đũa chọt nhẹ vào trong, đẩy nhụy hoa lên, tách riêng phần cánh đỏ ra. (Nhụy hoa có thể giữ lại dùng để ngâm rượu hoặc nấu nước uống rất tốt.)
- Pha nước muối loãng rửa lại cánh hoa atiso, rồi dùng nước sôi để nguội tráng sơ lại lần nữa thì để rổ cho ráo nước.
- Cánh hoa khô thì đem ngâm với đường, cho vào hũ, đậy kín nắp.
- Để hũ ngâm hoa atiso ở nơi thoáng mát.
- Chừng 5 ngày sau, đường tan, hũ ngâm trở thành hỗn hợp nước atiso đỏ. Khi này, cánh hoa đã mềm lại. Bạn có thể thực hiện cách làm mứt dừa non dẻo màu đỏ bằng cánh hoa atiso, hoặc dùng phần nước cũng được.
4.4. Cách tạo màu tím cho mứt dừa từ lá cẩm
Cách làm mứt dừa non từ lá cẩm là sự sáng tạo đầy mới mẻ từ món mứt dừa non truyền thống. Thành phẩm cuối cùng có màu tím tươi tắn rất độc đáo. Nguyên liệu bạn cần gồm có:
- Cơm dừa non: 500 gram (thái sợi)
- Đường trắng: 250 gram
- Lá cẩm: 1 nắm
- Nước hoa bưởi: 8 ml
Cách làm mứt dừa non lá cẩm:
- Với lá cẩm, bạn đem ngâm nước, rửa sạch.
- Sau đó, đun sôi khoảng 15 phút để lá cẩm tiết ra dung dịch màu.
- Bạn để cho nước màu tím lá cẩm này nguội thì đổ vào trộn chung dừa non thái sợi và đường.
- Chừng 2 – 4 tiếng sau, bắc chảo, cho hỗn hợp dừa ngâm nước cốt lá cẩm lên sên làm mứt. Thực hiện các công đoạn còn lại như hướng dẫn ở trên là xong.
5. Nên làm mứt dừa non dẻo dạng sợi, miếng hay viên?
Trong số các hình dạng mứt dừa biến thể hiện đại, dạng mứt cắt sợi giúp dễ dàng ngấm đều gia vị hơn cả. Cơm dừa được bào thành sợi mỏng, ngấm đường nhanh và khi sên cũng dễ thấm màu nguyên liệu, dễ đảo đều mà không gây khét cháy. Hơn nữa, cách làm mứt dừa non dạng miếng hay dạng sợi đều gắn liền với hình ảnh ngày Tết truyền thống của người Việt, khó mà thay thế bằng hình thức khác.
Mứt dừa non dạng viên là hình thức chế biến mứt dừa “mới nổi” gần đây, được nhiều “fan mứt dừa” yêu thích. So với cách làm mứt dừa non sợi truyền thống, mứt dạng viên có chất dẻo hơn nhiều, lại không gây cảm giác ngán ngấy. Về hình thức, viên mứt dừa trông như những miếng kẹo dẻo thơm thơm đầy “sức quyến rũ”, đặc biệt là trẻ con. Thế nên, mứt dừa sợi, miếng, hay viên cũng đều có nét hấp dẫn riêng cả. Tùy khẩu vị, bạn có thể tùy chọn hình dạng mứt dừa theo ý thích nhé!
6. Ăn mứt dừa non ngày Tết có gây béo không?
Cách làm mứt dừa non là một trong những công thức món ngon ngày Tết không ai muốn bỏ lỡ. Trong thành phần mứt dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Có thể kể đến như protein, các loại axit hữu cơ, cùng nhiều vitamin, khoáng chất có từ nguyên liệu trái cây, hương liệu tạo màu tự nhiên dùng để chế biết mứt dừa. Thế nên, có thể nói, mứt dừa là món ăn có khả năng hỗ trợ chống oxy hóa rất tốt.
Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, mỗi 100 gram mứt dừa cung cấp đến 500 calo cho cơ thể. Trong đó, cứ 1 chén cơm dừa non lại phân hóa thành 24 gram chất béo. Nhưng, đây là hàm lượng dinh dưỡng đo từ mứt dừa chế biến sẵn bên ngoài. Tốt nhất, chúng ta nên tự thực hiện cách làm mứt dừa non tại nhà để tăng nguyên liệu tự nhiên, giảm nguyên liệu hóa chất.
Nếu không có thời gian, điều kiện chế biến, mới mua mứt bán sẵn bên ngoài. Chúng ta chỉ nên tiêu thụ mứt dừa vừa đủ, không lạm dụng. Nếu dùng quá nhiều, có thể dẫn đến một số tình trạng như đầy bụng, khó tiêu, không còn cảm giác đói,…Ngoài ra, nguy cơ tăng cân nếu dùng quá nhiều mứt dừa cũng là điều khó tránh.
7. Ăn lượng mứt dừa non ngày Tết bao nhiêu tốt nhất?
Ngày Tết mà thiếu mứt dừa thì không còn không khí đầu xuân nữa. Thế nhưng, chúng ta nên ăn mứt dừa hàm lượng bao nhiêu là tốt nhất đây? Theo khuyến cáo từ chuyên gia dinh dưỡng, mỗi tuần, chúng ta chỉ nên ăn mứt dừa non 1 – 2 lần thôi. Mỗi lần tiêu thụ khoảng 100 gram mứt dừa là đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Những người có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ mái, hay có vấn đề về tim mạch, phụ nữ đang giai đoạn mang bầu, mẹ sau sinh cho con bú,…đều là những đối tượng nên hạn chế tiêu thụ món tráng miệng có vị ngọt này. Mục đích để tránh những tác hại có thể xảy ra đối với cơ thể một cách tối đa.
Ngày Tết 2019 đang đến rất gần bên hiên nhà, bạn đã chuẩn bị công việc bếp núc đến đâu rồi? Hôm nay, Webnauan.vn đã tổng hợp cho bạn 7 cách làm mứt dừa non đủ vị, đủ màu hấp dẫn với từng bước thực hiện vô cùng đơn giản trên đây. Đảm bảo món tráng miệng này ít calo, hạn chế nỗi lo ăn mứt dừa gây béo ngày Tết. Giờ thì bạn sửa soạn làm mứt Tết từ dừa non dẻo thơm này cho kịp thưởng thức đầu xuân đi nào!
Trúc Nguyễn tổng hợp