1. Hướng dẫn các bước nấu chè hạt đác với dứa, đường phèn
1.1. Nguyên liệu
Cách nấu chè hạt đác kết hợp với thơm giúp tạo độ ngọt tự nhiên cho món chè giải nhiệt. Thế nên, bạn chỉ cần dùng thêm ít đường để nêm chè thôi nhé. Chè ngọt quá sẽ gây gắt cổ và khó ăn. Các thành phần nguyên liệu bạn cần gồm có:
- Nửa trái thơm tươi
- Nửa kí hạt đác tươi
- Ít nho khô loại ngon
- Đường phèn
1.2. Cách nấu chè hạt đác với thơm và đường phèn
- Với thơm, bạn gọt vỏ và cắt mắt, rồi rửa nước sơ. Sau đó, cắt thơm thành miếng nhỏ vừa ăn.
- Với hạt đác, bạn rửa nước sạch nhiều lần, rồi luộc sơ để khử mùi và giảm độ nhớt. Tiếp đến, vớt hột đác ra ngâm trong thau nước lạnh cho giòn lại, để ráo nước.
- Bắc nồi sạch, cho thơm với khoảng 300 ml nước lọc vào nấu.
- Đến khi nước nấu thơm sôi nhẹ, cho nho khô vào nấu cùng.
- Thêm hạt đác vào khuấy cùng nồi thơm, nêm đường phèn theo khẩu vị.
- Nấu đến khi hỗn hợp chín đều, vị ngọt vừa miệng thì tắt bếp.
- Đợi chè nguội, bạn đổ vào hộp, hoặc bình đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nhé. Khi ăn, múc một ít vừa đủ ra ly, thêm vài viên đá lạnh và thưởng thức ngay để tận hưởng hương vị sảng khoái mùa hè.
2. Hướng dẫn cách nấu chè mít hạt đác ăn với nước cốt dừa
2.1. Nguyên liệu
- 200 gram mít tươi đã bỏ hột, lấy múi xắt sợi vừa ăn
- 200 gram hột đác tươi (đã sơ chế tương tự mục 1.2 ở trên)
- 25 gram bột sương sáo
- 50 gram bột năng
- 200 ml nước cốt dừa (tự vắt hoặc mua loại lon đóng sẵn)
- 1/5 thìa cà phê muối ăn
- Vài giọt màu thực phẩm tùy chọn (công thức này lấy màu xanh lá)
2.2. Hướng dẫn cách nấu chè hạt đác với mít, nước cốt dừa
2.2.1. Cách làm thạch trân châu củ năng
- Trộn bột năng với màu thực phẩm trong 1 cái tô sạch.
- Từ từ thêm nước vào khuấy chung với bột, đồng thời khuấy đều. Ban đầu, chỉ nên cho ít nước, rồi nhào bột đến khi không còn dính tay là được. Nếu bột khô, bạn lại châm thêm ít nước nữa. Nhào bột đến khi thành một khối thống nhất và mịn dẻo là hoàn tất.
- Chia bột thành các viên nhỏ bằng đốt ngón tay, vo viên lại.
- Bắc nồi nước, đun sôi, cho các viên bột vào luộc chín. Cách làm thạch trân châu này nấu khoảng 20 phút là thạch nổi hết lên, bạn tắt bếp, đậy nắp nồi ủ thêm 15 phút.
- Sau đó, vớt trân châu ra ngâm vào thau nước đá. Cách làm trân châu bằng bột năng nhờ bước này sẽ có độ dai giòn rất ngon. Cuối cùng, vớt thạch ra, để qua một bên cho ráo nước.
2.2.2. Cách nấu sương sáo đen
- Pha nửa lít nước lọc với bột sương sáo, khuấy đều, để yên 10 phút cho nở.
- Đun nồi nước sương sáo, đến khi sôi thì hạ lửa liu riu, nấu thêm 2 – 3 phút, quấy đều và tắt bếp.
- Đợi hỗn hợp nguội, đổ vào khuôn có sẵn. Sau đó, có thể cho khuôn sương sáo vào tủ lạnh, đặt ở ngăn mát đến khi đông sương lại thì lấy ra, cắt thành khối vuông nhỏ vừa ăn.
2.2.3. Cách nấu chè hạt đác với mít và nước cốt dừa
- Hạt đác sau khi sơ chế thì để rổ cho ráo nước.
- Cách làm nước cốt dừa: Bạn hòa tan nước cốt dừa với muối trong một cái nồi nhỏ, sạch, nấu lửa trung bình. Vừa nấu, bạn vừa quấy đều đến khi nước cốt sánh đặc lại vừa ăn thì tắt bếp.
- Cho hột đác bới sương sáo đã cắt, mít, thạch trân châu bột năng vào chén sạch, thêm đá lạnh và rưới nước cốt dừa vào thưởng thức ngay nhé.
3. Công thức nấu chè hạt đác với chuối kiểu Indonesia
3.1. Nguyên liệu
- 1 trái chuối chín đã bỏ vỏ, thái lát
- 200 gram hạt đác tươi (đã sơ chế, để khô nước)
- 200 gram đường thốt nốt
- 2 nhánh lá dứa đã rửa sạch
- 2 muỗng canh đường
- 1 miếng quế 5 cm
- 6 hạt đinh hương
- Một nhúm muối ăn
- 1 lít nước lọc
3.2. Hướng dẫn cách nấu chè hạt đác với chuối
- Cho nước lọc với lá dứa vào nồi, đun sôi. Sau đó, thêm đường thốt nốt vào khuấy đều cho hòa tan.
- Nêm muối vào hỗn hợp trên tùy theo khẩu vị.
- Cho chuối và hạt đác vào nấu cùng hỗn hợp nước lá dứa.
- Nấu đến khi chuối chín mềm (chứ không để nát nhừ nhé), cho miếng quế vào khuấy thêm 30 giây thì tắt bếp.
- Múc món chè hạt đác nấu với chuối ngọt dịu ra chén, thêm đá lạnh và thưởng thức nhé.
4. Cách nấu món chè khúc bạch với hạt đác
4.1. Nguyên liệu
- Kem sữa tươi (kem tươi): 120 ml
- Sữa tươi loại không đường: 120 ml
- Đường cát: 80 gram
- Dầu hạnh nhân: 1 thìa súp
- Hạt đác tươi: 200 gram (Đã sơ chế, để ráo nước)
- Nước ấm: 40 ml
- Bột gelatin: 9 gram
- Nguyên liệu nấu nước đường: 20 gram hạt hạnh nhân xắt nhỏ rang chín, ít đường cát và nước lọc (theo khẩu vị), 1 chén nhãn tươi đã bỏ hột.
- Bột trà xanh (để tạo màu): 3 gram (Xem cách làm bột trà xanh nguyên chất cực đơn giản tại nhà)
Lưu ý: Nếu không có bột matcha để tạo màu, bạn có thể dùng nước cốt lá dứa hoặc màu thực phẩm để thay thế. Ngoài ra, công thức có sử dụng kem sữa tươi để tạo độ béo. Các sản phẩm kem sữa tươi bên ngoài có độ béo khá cao. Thế nên, bạn có thể học cách làm kem tươi tại nhà để tùy chọn độ béo theo sở thích nhé.
4.2. Cách nấu chè khúc bạch với hạt đác từ bột gelatin
4.2.1. Cách làm chè khúc bạch trà xanh từ bột gelatin
- Lấy nửa lượng nước ấm hòa tan với 4 gram bột gelatin trong một chén nhỏ.
- Đổ 60 ml sữa tươi, 60 ml kem sữa tươi và 40 gram đường vào nồi sạch, khuấy đều, đặt lên bếp đun sôi.
- Hạ lửa liu riu, khuấy đều hỗn hợp cho đường tan hoàn toàn thì đổ hỗn hợp bột gelatin đã hòa tan vào nấu cùng.
- Khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện thì tắt bếp.
- Đợi hỗn hợp nguội, đổ vào khuôn rau câu và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Món rau câu này mất khoảng 3 – 4 giờ mới đông sương lại và thưởng thức với chè được.
- Đồng thời, bạn hòa tan bột trà xanh với phần nước ấm còn lại trong một cái tô khác. Sau đó, cho 5 gram bột gelatin còn lại vào khuấy đều.
- Đổ phần sữa tươi, kem sữa tươi với đường còn lại vào nồi khác, nấu sôi và khuấy đều. Kế đến, hạ lửa nhỏ, đổ hỗn hợp trà xanh vào nấu chung cho hòa quyện thì tắt bếp. Cuối cùng, đổ khuôn, đợi nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh, đợi 3 – 4 tiếng đông sương lại thì lấy ra.
4.2.2. Cách nấu nước đường ăn chè khúc bạch với hạt đác
- Cho đường với nước vào nồi, vừa nấu vừa khuấy đều. Đến khi đường tan hết, bạn cho nhãn vào nấu đến khi sôi thì tắt bếp. Bước này giúp ủ hỗn hợp nhãn ngấm nước đường và có độ giòn.
- Lấy thạch chè khúc bạch trắng và trà xanh trong tủ lạnh ra, cắt miếng nhỏ, cho vào chén. Sau đó, thêm nước đường nhãn, hạt đác đã sơ chế, thêm đá và thưởng thức.
5. Cách nấu chè đậu xanh hạt đác
5.1. Nguyên liệu
Kết hợp với hột đác giòn trơn sẽ giúp cách nấu chè đậu xanh trở nên dễ ăn và đỡ ngán hơn. Tỷ lệ nguyên liệu cần dùng để nấu chè hạt đác đậu xanh gồm:
- Nửa kí hột đác tươi đã sơ chế và luộc sơ
- 300 gram hạt đậu xanh nguyên vỏ
- 400 gram đường cát (hoặc điều chỉnh tùy theo khẩu vị)
5.2. Cách nấu món chè hạt đác với đậu xanh
- Bạn vo đậu xanh cho sạch, rồi ngâm trong thau nước ít nhất 5 giờ đồng hồ cho mềm hạt.
- Sau đó, bắc nồi, cho 1 lít nước lọc với đậu xanh vào nấu lửa vừa cho chín mềm khoảng nửa tiếng.
- Cho hột đác vào tô sạch, cho 1 nửa phần đường cát vào trộn đều để hạt đác ngấm vị.
- Ngâm hạt đác với đường đến khi đường tan thành nước thì cho vào chảo rim. Bạn sên hột đác đến khi chuyển sang màu trắng trong hơn, có độ dẻo và dai, cạn nước thì tắt bếp.
- Ở nồi chè đậu xanh, sau khi hạt chín nhừ, bạn đổ phần đường còn lại vào nấu chung, khuấy đều.
- Cuối cùng, thêm hột đác rim vào nấu chung với đậu xanh tầm 5 phút thì tắt bếp.
- Đợi chè nguội, cho vào hộp, đặt trong ngăn mát tủ lạnh bảo quản. Món chè này dùng lạnh mới ngon, bạn nhé!
6. Cách nấu món chè bí đỏ với hạt đác
6.1. Nguyên liệu
Món chè bí đỏ nấu với hạt đác này không quá ngọt. Đặc biệt, đây là cách làm các món ăn vặt cực bổ dưỡng mà bạn nên bổ sung cho gia đình hè này. Các nguyên liệu cần có như sau:
- Nửa trái bí ngô (gọt vỏ, cắt khối nhỏ, bỏ hột, rửa sạch)
- Đường cát và kem nước cốt dừa đóng hộp (điều chỉnh liều lượng theo khẩu vị)
- 300 gram hạt đác tươi (đã sơ chế và để trong rổ cho ráo nước)
6.2. Các bước nấu chè hạt đác bí đỏ
- Cắt hạt đác thành lát mỏng.
- Bắc một cái nồi vừa lên bếp, thêm nước lọc 2/3 nồi, cho bí ngô vào nấu mềm.
- Thêm hạt đác, nước cốt dừa và nêm đường cho vừa vị, khuấy đều.
- Nấu đến khi hỗn hợp hòa quyện thì tắt bếp.
- Món chè hạt đác nấu bí ngô này dùng nóng hoặc lạnh đều ngon.
7. Hạt đác là gì?
Hạt đác là hột của một loại cây rừng – có tên là cây báng – một giống thuộc họ cây cọ, được trồng chủ yếu tại Indonesia. Đây là loại hột có màu trắng đục, dạng bầu dục. Ngoài vị ngon và vị thanh mát, hạt đác còn chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao. Theo báo cáo của Cộng đồng làm đẹp Stylecraze, loại quả này có chứa nhiều dưỡng chất khác nhau – như phốt pho, carbonhydrate, sắt, canxi và chất xơ. Nhiều người còn sử dụng lá của loại cây này để làm thuốc điều trị các vấn đề về khớp.
Như vậy, trong những ngày hè oi nồng khó chịu này, chúng ta lại có thêm một cách làm các món ăn vặt lạ miệng để giải nhiệt – đó là món chè hạt đác. Cách nấu chè hạt đác không khó, chỉ cần bạn thực hiện kỹ lưỡng khâu rửa, luộc để loại bỏ độ nhớt, mùi hạt đác. Có như vậy, các món ăn ngon từ loại hạt rừng này sẽ trở nên hấp dẫn và đảm bảo dinh dưỡng hơn. Ngoài món chè, bạn có thể học cách rim hạt đác chỉ với vài bước đơn giản và nguyên liệu dễ tìm. Hơn nữa, hạt đác rim còn giúp bảo quản lâu hơn món chè. Chúc bạn thưởng thức món ăn đặc sản Nha Trang này với hương vị ngon nhất nhé!
Thùy Trâm tổng hợp