1. Vài nét về món bún nước suông đặc sản của Trà Vinh
Bún nước suông là tên gọi món ăn ngon đặc sản của Trà Vinh có cách nấu vô cùng đơn giản. “Suông” làm được làm tép bạc đất – loại tép có độ dài vừa phải, vừa dai dai, vừa ngọt thịt. Tép được làm sạch, bóc vỏ, rồi ướp với tiêu cùng một số gia vị đậm đà. Kế đến, tôm sẽ được giã nhuyễn theo phương pháp truyền thống là dùng cối, chày, hoặc xay bằng máy sinh tố kiểu hiện đại. Sau đó, chả tép được quết cho mịn và dính, rồi chuyển vào một túi nilon sạch. Bạn cắt một đầu nhọn đáy túi nilon, rồi ngắt chả tôm thành từng đoạn dài cho vào nồi nước lèo đến khi chín hết là chế biến xong phần “suông” – hay đuông.
Nước dùng bún suông được nấu từ xương móng giò heo và tôm khô nên cực kì ngon ngọt tự nhiên, nhiều dưỡng chất. Để nấu nước lèo, không thể bỏ qua củ cải trắng. Ăn kèm với món bún này tuyệt nhiên cũng không thể thiếu giá đỗ, rau sống. Khi ăn, chấm suông vào chén tương sốt me ngọt. Món ăn tổng hòa hương vị thanh tao từ vị tép ngọt thoang thoảng, chút rau sống thanh thanh, khiến bạn ăn một lần nhớ mãi. Nếu muốn tự làm bún suông chuẩn vị ngay tại nhà để thưởng thức, mời bạn đến với các công thức dưới đây nhé.
2. Hướng dẫn cách nấu bún suông tôm giò heo ngon của người Trà Vinh
2.1. Nguyên liệu
- Nửa kí tôm bạc đất
- Nguyên liệu làm chả tôm: 1 muỗng canh hành tím băm, 1 muỗng canh tỏi băm, 1 thìa cà phê muối ăn, 1 thìa cà phê bột nêm, 1 muỗng canh dầu điều
- 800 gram móng giò heo
- 300 gram thịt heo ba chỉ
- 25 gram tôm khô (ngâm nước ấm 5 phút rồi vớt ra để ráo)
- 100 gram củ cải trắng đã gọt vỏ, thái khoanh xéo
- 2 muỗng canh dầu ăn
- 1 muỗng canh màu dầu điều
- 1 muỗng canh tỏi băm
- Gia vị: 1/2 muỗng canh đường trắng, 2 muỗng canh bột nêm
- 1 túi nilon sạch (hoặc túi ziplock)
- Nguyên liệu làm nước chấm ăn bún suông: 2 muỗng canh tương đen, 1 muỗng canh nước cốt me, 1 muỗng canh đường trắng, đậu phộng rang bóc vỏ, hành phi, ớt tươi xắt nhỏ
- Lượng bún tươi theo số người dùng (trụng nước sôi, để ráo)
2.2. Cách nấu bún nước suông tôm giò heo kiểu Trà Vinh ngon
2.2.1. Cách làm chả tôm ăn bún suông
- Rửa tôm thật sạch, có thể dùng giấm hoặc rượu trắng rửa để khử mùi tanh, rồi xả lại bằng nước lạnh. Kế đến, bóc vỏ tôm. Giã thịt tôm ra thật nhuyễn, hoặc cho vào máy sinh tố xay cho nhanh.
- Cho phần thịt tôm vừa xay cùng các loại gia vị ướp vào tô sạch.
- Lấy mặt sau một cái muỗng inox quết đều hỗn hợp cho hòa quyện. Đến khi hỗn hợp quyện đều vào nhau và có độ bám dính tốt thì cho toàn bộ chả tôm vào túi nilon sạch.
- Kế tiếp, bạn bóp hết phần không khí dư trong túi ra, rồi bịt kín lại. Sau đó, ngắt lỗ một bên góc đáy túi chả tôm để nặn chả nấu bún. Sau khi làm chả tôm, trong lúc nấu nước lèo, bạn cho túi chả vào ngăn mát tủ lạnh nhé.
2.2.2. Cách nấu nước lèo bún suông tôm từ móng giò heo tôm khô
- Bắc nồi nước sạch lên bếp, thả móng giò heo vào. Bật lửa lớn, chần sơ móng giò cho sạch bụi đất và tạp chất. Khoảng 15 phút sau, vớt chân giò ra, bỏ nước luộc.
- Bắc nồi khác, chế khoảng 1,2 lít nước lọc vào nồi cùng phần chân giò đã chần. Rửa sạch miếng thịt ba chỉ heo, rồi cho vào nồi nước cùng với tôm khô, củ cải trắng. Luộc hỗn hợp với lửa vừa khoảng 25 phút cho tiết ra hết chất ngọt.
Lưu ý: Ở bước này, bạn có thể chừa lại 4 – 5 con tôm tươi cho vào luộc cùng để ăn với bún thành phẩm.
- Sau thời gian trên, vớt riêng miếng thịt ba chỉ ra ngoài. Đợi miếng thịt ráo nước, bạn thái thành các miếng dày khoảng 0,3 cm vừa ăn. Với phần nước lèo còn lại, bạn lọc bỏ cái, chỉ chắt lấy nước dùng và để riêng.
- Lấy nồi sạch khác bắc lên bếp, đun nóng với dầu điều. Dầu nóng, cho tỏi băm vào đảo đều. Tỏi dậy mùi thơm thì hạ lửa vừa, chế phần nước dùng đã lọc vào nồi, bật lửa lớn đun cho sôi.
- Nêm gia vị cho nước dùng vừa miệng.
- Lấy phần chả tôm trong tủ lạnh ra, ngắt chả thành khúc dài, hình trụ trông như con đuông cho vào nồi. Nấu chả tôm cho đến khi chín đều là được, bạn có thể tắt bếp.
2.2.3. Cách làm sốt me tương đen chấm ăn bún suông ngon
- Cho tương đen, cốt me vào chén nhỏ. Sau đó, thêm các thành phần gia vị còn lại vào chén sốt, khuấy thật đều lên, để qua một bên.
- Xếp bún lên tô, gắp móng giò, thịt ba chỉ heo thái lát, tôm luộc (nếu có) lên tô bún.
- Chan nước dùng vào tô bún, thêm chả tôm (suông – đuông) lên, rắc hành lá, hành phi và chấm kèm sốt tương đen để thưởng thức hương vị món ăn đặc sản vô cùng độc đáo của vùng miền Tây sông nước nhé.
3. Cách nấu bún nước suông vịt thơm ngon Gò Công
3.1. Nguyên liệu
Thay vì ăn bún suông với thịt ba rọi luộc, người dân Gò Công lại thưởng thức món này với thịt vịt. Các thành phần nguyên liệu chính cũng tương tự công thức làm bún suông kiểu truyền thống ở Trà Vinh. Tuy nhiên, với cách làm này, bạn sẽ bổ sung thêm thịt vịt, và có thể thêm chả cá thác lác, thịt heo luộc,…tùy theo khẩu vị.
- 3 lít nước lọc
- 1 kg sườn heo đã sơ chế sạch, chặt nhỏ
- 1 củ hành tây (khoảng 100 gram) bóc vỏ, nướng 6 phút
- Gia vị nước dùng: 2/3 muỗng canh và 2/3 thìa cà phê muối, 1 muỗng canh đường trắng, 25 gram đường phèn, 1/2 thìa cà phê bột nêm, 1/2 thìa cà phê bột ngọt
- 1 củ cần tây đã gọt vỏ (hoặc thay bằng củ cải trắng/ củ su hào)
- 30 gram tôm khô, 15 gram mực khô (đã nướng sơ cho dậy mùi thơm)
- Nửa con vịt đã làm sạch với giấm hoặc rượu trắng
- Nguyên liệu chả tôm: Nửa kí tôm tươi (ngâm nước muối, rửa sạch, tách vỏ), 1 thìa cà phê bột nêm gà, ít đường trắng, ít tiêu đen xay, 1/2 tinh bột bắp, 1/2 thìa cà phê bột nổi
- Nguyên liệu làm hành phi tỏi ớt: 1 thìa cà phê hành tím băm, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê ớt băm, nửa muỗng canh dầu ăn
- Rau sống ăn kèm: giá đỗ, cải cúc, xà lách, hành phi,…
- Nguyên liệu làm sốt chấm: theo công thức đã hướng dẫn ở phần bún suông tôm.
- Bún tươi đã trụng nước sôi
3.2. Cách làm bún suông thịt vịt ngon chuẩn vị Gò Công
3.2.1. Cách nấu nước dùng bún suông thịt vịt
- Cho sườn heo cùng nước lọc vào nồi, hầm khoảng 1 tiếng.
- Nêm 2/3 muỗng canh muối và đường tắng vào nước dùng, khoảng 20 phút sau thì cho hành tím nướng vào nồi nấu cùng. Trong lúc đun nước lèo, nhớ vớt sạch lớp bọt trắng nổi lên trên nhé. Đồng thời, khuấy nhẹ đều dưới đáy nồi để bọt nổi lên hết và vớt đến hết.
- Chế thêm 1 chén nước lạnh vào nồi, đợi sôi lần nữa thì cắt đôi củ cần tây vào nồi. Khi này, bạn cho nửa con vịt vào nồi luộc cùng nước dùng.
- Cho tiếp tôm khô, mực khô nướng vào nồi nước lèo để có mùi thơm hải sản. Vừa nấu, vừa vớt bọt nước dùng.
- Nấu khoảng nửa tiếng nữa thì kiểm tra thịt vịt chín chưa, vớt riêng ra, vớt bỏ củ cần luôn. Điều chỉnh gia vị cho nước dùng vừa miệng, đun lửa nhỏ, thêm ít tiêu xay.
Mẹo: Để nước dùng lên màu đẹp hơn, bạn có thể thêm nửa muỗng canh dầu điều nấu cùng.
3.2.2. Cách làm chả suông tôm ăn bún
- Suông – hay chả tôm – làm có thành công hay không là ở khâu sơ chế bạn có làm khô tôm hay không. Do đó, sau khi làm sạch, nhớ thấm khăn giấy khô cho tôm hoàn toàn ráo nước.
- Cho tôm vào máy xay thực phẩm, thêm gia vị vào (trừ 2 loại bột), nhấp thả liên tục với tốc độ nhẹ để xay nhuyễn hỗn hợp.
- Lót một bọc nilon sạch lên tô, chuyển hỗn hợp chả tôm lên bọc.
- Dùng tay gom hỗn hợp chả tôm đập nhanh xuống tô, thực hiện bước này liên tục trong 5 phút để chả quết dính lại.
- Cho bột bắp, bột nổi vào tô chả tôm, trộn đều. Lặp lại bước đập chả tôm vào tô liên tục trong 5 phút là được.
- Bắc chảo, đun nóng nửa muỗng canh dầu ăn, rồi cho tỏi, hành tím, ớt băm vào đảo đều. Đến khi làm hành phi tỏi ớt chuyển màu vàng đẹp mắt và dậy mùi thơm thì tắt bếp. Đổ hỗn hợp này vào tô chả tôm, trộn đều lên.
3.2.3. Cách thưởng thức món bún suông thịt vịt nấu kiểu Trà Vinh
- Chuyển chả tôm vào bọc nilon sạch, ngắt thành từng khúc dài vào nồi nước dùng. Nấu đến khi suông tôm chín hết, nổi lên trên thì vớt ra.
- Xếp bún, rau ăn kèm vào tô.
- Chặt thịt vịt thành các miếng nhỏ vừa ăn, gắp lên tô bún.
- Chan nước lèo bún suông, múc suông tôm, sườn lên và thưởng thức. Nếu thích, có thể thêm hành phi, rắc hành lá, ớt tươi lên trên nữa là ngon nhất.
4. Hướng dẫn dạy cách nấu bún suông chay
4.1. Nguyên liệu
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng, các công thức nấu món ăn chay thông dụng đã ra đời với nguyên liệu và cách thực hiện vô cùng quen thuộc, đơn giản – như món mì quảng chay, hủ tiếu nấu chay, bún riêu cua chay,…Món bún nước suông đặc sản Trà Vinh cũng không ngoại lệ. Hôm nay, hãy cùng vào bếp thực hiện món chay ngon này cùng trangnauan.com nhé. Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị gồm có:
- Nguyên liệu làm suông chay: 1/4 khối đậu hũ trắng, 1 muỗng canh bột mì căn, 1 thìa cà phê ớt tươi, 1/4 thìa cà phê muối ăn, 1/4 thìa cà phê đường trắng, ít tiêu đen xay, 1/2 lá rong biển đã xé nhỏ và dầu thực vật.
- Nguyên liệu nấu nước dùng: nửa củ cà rốt gọt vỏ và thái sợi, 1/8 củ sắn gọt vỏ thái sợi, 1 nắm nấm bào ngư ngâm nước ấm rồi rửa sạch và xé nhỏ, nửa thìa cà phê gừng tươi băm, dầu thực vật.
- Gia vị: đường trắng, nước tương, muối ăn, tiêu đen xay
- Bún tươi hoặc mì (trụng nước sôi, rồi vớt ra để ráo)
4.2. Cách nấu bún nước suông chay ngon chuẩn vị Trà Vinh
4.2.1. Cách làm suông tôm chay
- Cho đậu hũ vào tô, tán nhuyễn. Sau đó, thêm tất cả thành phần còn lại vào tô, dùng cối giã cho nhuyễn mịn.
- Chuyển hỗn hợp chả tôm chay qua túi nilon sạch, bịt kín và cắt một góc nhọn dưới đáy.
- Bắc chảo lên bếp, đun nóng với khoảng 2 muỗng canh dầu ăn. Nặn từng khúc chả tôm dài vào chảo, chiên và trở đều cho chín vàng thì vớt ra, để ráo dầu.
4.2.2. Cách nấu nước lèo bún suông chay ngon
- Bắc nồi 1 lít nước lọc lên bếp, rồi cho cà rốt, củ sắn, nấm bào ngư vào nấu lửa lớn cho sôi. Sau đó, hạ lửa vừa để ninh rau củ cho ngọt nước thêm 20 phút nữa.
- Cho gừng bằm, nêm nếm gia vị cho nước dùng vừa ăn. Đợi nước lèo nấu sôi lại thì tắt bếp.
- Dọn bún/ mì ra tô, cho suông chay lên trên, chan nước lèo và rắc hành hoặc thêm cải cúc vào ăn kèm tùy theo khẩu vị nhé.
5. Top những quán bán bún suông ngon ở Sài Gòn
Là món ăn đặc sản của Trà Vinh nhưng bún suông khá nổi tiếng. Do đó, nếu ở Sài Gòn mà không biết làm sao để thưởng thức món ngon này, thì hãy lưu lại ngay những địa chỉ dưới đây nhé.
- Quán bún suông Cô Giang ngon, địa chỉ 183 đường Cô Giang quận 1, mở cửa từ 6h00 sáng đến 10h00 các ngày thứ 4 và thứ 7. Giá một tô bún suông khoảng 35,000 đồng/ tô.
- Quán bún suông Cô Mai trong chợ Bến Thành, giờ mở cửa từ 6h00 sáng đến 13h00 chiều, giá khoảng 75,000 đồng/ tô.
- Quán bún suông Diệu, địa chỉ 133 đường Nguyễn Thái Học quận 1, mở cửa từ 8h00 sáng đến 20h00 tối các ngày trong tuần, riêng mùng 1 và Rằm thì nghỉ. Giá bán một tô bún suông tại quán Diệu khoảng 30,000 – 35,000 đồng/ tô.
Dân dã như chính tên gọi của mình, bún suông là cách mà người dân Trà Vinh đặt tên cho món ăn có sử dụng thành phần chính là chả tôm tạo hình dài dài, tròn tròn ngộ nghĩnh như những con đuông dừa quen thuộc của vùng đất yên lành này. Cách nấu bún suông đơn giản, đa dạng nguyên liệu ăn kèm, và theo thời gian vẫn giữ được hương vị đặc trưng vốn có. Nếu chưa được một lần thưởng thức món ăn ngon đặc sản của người miền Tây này, thì đừng lo, hãy ghé đến những quán bán bún suông ngon ở Sài Gòn trên đây để khám phá sự tuyệt vời của món bún này nhé.
Trúc Nguyễn tổng hợp