1. Cách làm món gà hấp lá chanh bột nghệ mềm vàng thơm ngon
1.1. Nguyên liệu
Để nấu gà hấp lá chanh lên màu vàng ươm đẹp mắt, bạn có thể áp dụng cách sử dụng thêm bột nghệ như công thức dưới đây.
- 1 con gà đã làm sạch (nặng khoảng 1,2 – 1,3 kí)
- Lá chanh (chọn loại già) đã rửa sạch, để ráo: 20 lá
- Lá chanh bánh tẻ (là loại không quá non, cũng không quá già): 5 lá
- Gia vị: 1 muỗng canh nước mắm loại ngon, 1/2 thìa cà phê bột nghệ
- 3 nhánh sả tươi đập dập, cắt khúc
- 3 củ hành tím thái lát
- Nguyên liệu pha nước chấm gà hấp: muối ăn, tiêu đen xay, nước cốt chanh (tỷ lệ tùy theo khẩu vị)
1.2. Cách nấu gà hấp lá chanh sả bột nghệ vàng ươm
1.2.1. Cách sơ chế thịt gà và ướp bột nghệ hấp
- Xát muối khắp mình gà để khử bụi bẩn và mùi hôi. Sau đó, xem xả gà dưới vòi nước lạnh 2 – 3 lần cho sạch hẳn mùi muối và chất nhờn.
- Chặt gà ra thành các khúc nhỏ vừa ăn. Bắc nồi nước đun sôi, cho thịt gà vào trụng sơ khoảng 2 – 3 phút, rồi vớt ra.
- Cho gà đã luộc sơ vào thau sạch, đồng thời, khuấy đều nước mắm và bột nghệ trong chén nhỏ cho hòa tan rồi rưới đều lên các khúc gà, trộn đều. Thêm vài khúc sả đập dập vào trộn chung thịt gà để tăng mùi thơm.
- Ướp thịt gà với hỗn hợp nước mắm ít nhất 15 phút cho ngấm màu và thấm vị.
1.2.2. Cách hấp gà nguyên con nấu với lá chanh, bột nghệ
- Lấy dĩa hấp ra, trải 1/2 lá chanh già đều lên dĩa, rồi xếp các khúc sả đập dập còn lại lên trên.
- Gắp gà xếp lên trên lớp sả lá chanh. Vò hơi nát phần lá chanh còn lại rồi phủ lên trên cùng với hành tím thái lát, đặt dĩa vào nồi hấp, đậy nắp.
Lưu ý: Bạn nên phủ một lớp khăn cotton sạch, hoặc khăn phủ để đồ xôi lên trên, rồi mới đậy nắp lại. Mục đích của bước này là để tránh tình trạng hơi nước trong lúc hấp nhiễu xuống thịt gà, làm thịt bở nát ra.
- Hấp gà khoảng 15 phút với lửa hơi to thì tắt bếp. Khi này, vẫn để yên ủ gà thêm 5 phút nữa cho chín mềm và đều hết nhé.
- Gà hấp lá chanh chín, bạn dọn ra dĩa và trang trí món ăn theo khẩu vị. Pha sẵn chén muối tiêu chanh chấm kèm thịt gà hấp nữa là ngon miễn bàn!
2. Cách nấu gà hấp lá chanh không cần nước
Kiểu hấp này là một tên gọi khác của cách luộc gà ngon không cần nước mà dùng hơi nóng từ muối rang bên dưới làm chín thịt. Phương pháp này vừa mới lạ, vừa hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Bởi vì, gà được hấp thụ hơi muối hột sẽ càng trở nên bổ dưỡng và thơm ngon hơn.
2.1. Cách luộc gà hấp lá chanh gừng tỏi không cần nước
2.1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 con gà đã làm sạch (khoảng 1,5 kí)
- Sả tươi đập dập, cắt khúc: 5 nhánh
- Củ hành tím thái lát: 5 củ
- Tỏi bóc vỏ: 5 củ
- 1 kí muối hột
- 7 – 10 lá chanh rửa sạch, để ráo
- Gia vị ướp gà: Hạt nêm
2.1.2. Cách nấu gà hấp lá chanh gừng tỏi không cần nước
- Rải muối hột thành một lớp dày vào đáy nồi. Xếp 2/3 các khúc sả tươi lên trên cùng với 1/2 lá chanh.
- Lấy khoảng 2 thìa cà phê hạt nêm xát đều từ trong ra ngoài con gà, để qua một bên khoảng 5 phút cho thấm vị. Sau đó, nhét tỏi cùng với hành tím, phần sả và lá chanh còn lại vào bên trong mình gà.
- Đặt gà lên trên lớp muối và sả, đậy nắp lại, bắc nồi lên bếp.
- Hấp gà nguyên con với lửa vừa khoảng nửa tiếng, rồi mở nắp nồi, trở mình gà ngược lại, đậy nắp và nấu tiếp 15 phút.
- Ủ gà khoảng 10 phút nữa thì mở nắp nồi, dùng đũa xiên qua thịt gà kiểm tra gà chín chưa. Nếu không có nước hồng chảy ra là gà hấp đã chín hoàn toàn.
- Chặt nhỏ gà, xếp lên dĩa và chấm kèm muối tiêu chanh để thưởng thức nhé.
2.2. Cách nấu gà nguyên con hấp muối sả lá chanh bằng chảo
2.2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 con gà Ri (hoặc loại gà khác) đã sơ chế, làm sạch, để nguyên con
- Muối hột (có muối hạt Hải Hậu càng tốt): 1 kí
- Sả tươi: 4 nhánh
- Lá chanh bánh tẻ: 4 lá
2.2.2. Cách làm gà nguyên con hấp muối lá chanh nấu bằng chảo
- Lấy chảo lớn đặt lên bếp. Rải đều muối hột thành lớp dày ở đáy chảo.
- Đập dập sả, rồi cắt khúc khoảng 5 – 6 cm, xếp thành một lớp trên muối hột.
- Bẻ nhẹ 2 chân gà ra 2 bên, đặt lên trên lớp sả muối, rồi phủ lá chanh đã rửa sạch lên mình gà.
- Đậy nắp chảo lại, bật bếp lửa vừa. Khoảng nửa tiếng sau, bạn hạ lửa xuống mức thấp nhất, tiếp tục hấp gà thêm 15 phút nữa thì tắt bếp. Khi này, khoan mở nắp chảo nhé, ủ gà thêm 5 – 10 phút nữa cho chín đều.
- Gà chín, bạn chặt thành miếng nhỏ vừa ăn. Lấy lá chanh thái sợi xếp lên trên để trang trí và thưởng thức ngay cho nóng.
- Riêng phần muối hột dùng để rang gà có thể để nguội, trút vào hũ sạch để bảo quản, sử dụng như bột nêm.
3. Cách nấu chân gà ướp nước mắm hấp lá chanh
3.1. Nguyên liệu
- 8 cái chân gà đã làm sạch, rửa rượu trắng khử mùi, xả nước lạnh và để ráo
- Gia vị ướp chân gà: 2 thìa cà phê tỏi băm, 1/2 muỗng canh tiêu đen xay, 1/2 muỗng canh bột nêm, 1 muỗng canh nước mắm loại ngon, 2 muỗng canh dầu hào, 1 nhánh sả xắt lát xéo
- 1 nắm lá chanh đã rửa sạch, để ráo
- Nồi hấp
3.2. Cách làm chân gà hấp với lá chanh
- Trộn chân gà với gia vị ướp trong một cái tô sạch. Để tô chân gà qua một bên, ướp nửa tiếng cho thấm vị.
- Lót nửa nắm lá chanh lên dĩa sạch, rồi gắp chân gà xếp đều lên trên. Phủ phần lá chanh còn lại lên trên chân gà, đậy nắp nồi. Hấp khoảng 8 – 10 phút cho chân gà chín mềm thì tắt bếp. Ủ thêm 5 phút cho chân gà chín hẳn thì gắp ra ngoài.
- Trang trí dĩa chân gà hấp theo sở thích và chấm kèm muối tiêu chanh. Nếu yêu thích các món ăn ngon từ chân gà, bạn có thể tham khảo chế biến chân gà hấp xì dầu kiểu Hồng Kông nhé.
4. Cách nấu gà hấp lá trúc (lá chanh Thái)
4.1. Nguyên liệu
- 1 con gà 1,3 kí đã sơ chế, làm sạch
- 30 lá trúc (lá chanh Thái)
- 1 muỗng canh rượu trắng
- Gia vị: 1/2 thìa cà phê tiêu đen xay, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 muỗng canh đường trắng, 1 thìa cà phê muối ăn
- 3 tép tỏi băm
- Gia vị pha muối ớt tiêu chấm gà hấp: 3 muỗng canh đường, 1 muỗng canh muối, nửa thìa cà phê bột ngọt, 2 trái trúc, 2 trái ớt tươi
4.2. Cách làm món gà hấp lá trúc (lá chanh) nấu kiểu Thái
- Cho tỏi băm, rượu trắng, tiêu xay, đường, muối, bột nêm vào chén sạch, trộn đều lên. Sau đó, thoa đều hỗn hợp gia vị lên mình gà (nhớ xoa trong bụng gà nữa nhé). Để gà ướp gia vị 15 phút.
- Lấy 5 lá trúc xắt sợi nhuyễn, để riêng cho công đoạn trang trí.
- Pha muối ớt tiêu: Lấy 1/2 đường, 1/2 lượng muối, 2 trái ớt vào cối. Lấy chày giã nhuyễn hỗn hợp, rồi đổ vào 1 chén nhỏ. Thêm các gia vị còn lại vào chén, khuấy đều. Cắt đôi trái trúc, vắt nước cốt bỏ hột vào chén muối ớt khuấy đều, rắc 1 lá chanh thái sợi là được.
- Xếp phần lá trúc còn lại lên dĩa sành, đặt gà đã ướp gia vị lên trên. Cho dĩa gà vào xửng, đặt vào nồi nước sôi hấp khoảng 30 – 40 phút là chín mềm.
- Chặt gà thành miếng nhỏ vừa ăn, rắc lá chanh thái sợi lên trên, chấm kèm muối ớt tiêu đã pha để tận hưởng vị thơm, ngon nhất.
5. Ăn gà hấp lá chanh có tốt không?
Trong lá chanh có chứa các chất như Linabol, Axit nitric, canxi, photpho, vitamin A, B1 và C,…nên là một trong những thành phần thuốc trị ho, đờm, trị mồ hôi, cải thiện tiêu hóa hiệu quả. Hơn nữa, trong lá chanh còn chứa axit citric. Dưỡng chất này có thể giúp phục hồi sau phẫu thuật sỏi thận rất tốt. Hàm lượng vitamin C trong lá chanh còn giúp bảo vệ cơ thể chống lại cảm lạnh và một số bệnh khác. Với thông tin này thì từ nay bạn không cần lo lắng ăn gì ngăn ngừa bệnh cảm nữa rồi. Bởi vì, nguyên liệu này có tác dụng tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể khỏi nhiễm trùng và bệnh tật.
Trong khi đó, thịt gà là loại thịt nạc có giá trị dinh dưỡng cao. Ăn thịt gà với liều lượng vừa phải, thường xuyên sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, xương chắc khỏe, duy trì khối lượng cơ bắp, giảm căng thẳng, tăng cường miễn dịch,…Khi được chế biến bằng phương pháp hấp, thịt gà giữ được hầu hết các lợi ích sức khỏe này.
Vậy nên, có thể nói, gà hấp lá chanh không chỉ là một món ăn ngon hàng ngày, mà còn được xem như sự kết hợp bài thuốc đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cách nấu gà hấp lá chanh lại vô cùng dễ làm. Bạn có thể hấp gà bằng hơi nóng nước theo kiểu truyền thống, hoặc dùng hơi nóng muối hột mà không cần nước theo các bước thực hiện đã hướng dẫn chi tiết ở trên. Thịt gà sau khi hấp chín mềm, lên màu vàng ươm cực đẹp và thơm mùi lá chanh dìu dịu, the the, đem đến sự dễ chịu khoan khoái mọi giác quan.
Trúc Nguyễn tổng hợp