1. Hướng dẫn làm bánh dẻo nhân cốm sữa dừa
1.1. Nguyên liệu
Cách làm bánh dẻo trung thu nhân cốm sữa dừa là sự kết hợp món bánh trung thu truyền thống với vị cốm ngọt dịu, xanh tươi mang “hơi thở ” của ẩm thực cổ điển Hà thành. Món ăn đậm chất Việt Nam này thực hiện vô cùng đơn giản. Trước khi đến với phần chế biến, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh trung thu sau đây:
- 130 gram bột gạo nếp
- 300 ml nước đường (Xem cách nấu nước đường làm bánh trung thu tại nhà)
- 1 thìa cà phê nước hoa bưởi (để tạo hương)
- Nửa thìa cà phê muối
- 110 gram đường cát
- 40 ml dầu ăn
- 150 gram cốm xanh, dẹp
- 150 ml nước cốt dừa (có thể mua loại đóng lon bán sẵn ngoài siêu thị)
- Khuôn bánh trung thu dẻo
1.2. Hướng dẫn cách làm bánh trung thu dẻo nhân cốm sữa dừa
1.2.1. Cách sên nhân cốm sữa dừa cho bánh trung thu
- Bạn cho cốm dẹp vào rổ, xả nước sạch nhiều lần. Đợi cốm ráo bớt nước thì đổ vào máy sinh tố, thêm nước cốt dừa và đường cát, muối vào xay nhuyễn. Hoặc, bạn có thể dùng máy xay cầm tay để thực hiện công đoạn này nhanh hơn.
- Đổ hỗn hợp cốm sữa dừa vừa xay vào chảo, vừa nấu lửa nhỏ, vừa khuấy đều.
- Sên hỗn hợp đến khi sệt lại dính dẻo thì tắt bếp.
- Đợi hỗn hợp nhân nguội bớt thì bạn chia thành các khối nhỏ.
- Sau đó, vê tròn nhân cốm sữa dừa, để qua một bên.
1.2.2. Cách trộn bột nếp làm vỏ bánh dẻo trung thu
- Trong âu/ tô sạch, bạn cho nước đường cùng với dầu ăn, nước hoa bưởi vào, trộn cho đều.
- Rây bột gạo nếp từ từ vào âu, đồng thời, tay trộn đều để bột không bị vón cục.
- Sau khi rây hết bột, bạn đeo găng tay nấu ăn vào, trực tiếp nhào khối bột khoảng 7 – 10 phút cho đến khi dẻo và mịn là được.
- Lấy màng nilon bọc âu bột lại, ủ ít nhất 6 giờ. Thời gian ủ bột khá lâu, nên bạn có thể thực hiện cách làm bột vỏ bánh trung thu trước 1 ngày đóng bánh.
- Bạn cũng chia bột vỏ bánh thành các khối nhỏ vừa với khuôn. Sau đó, vo tròn khối bột, ấn dẹt, cho từng khối nhân cốm sữa dừa vào giữa, se kín các mép bột lại để bao kín nhân bên trong. Bước này nhớ thực hiện khéo léo để khi đóng bánh không bị hở nhân ra ngoài nhé.
- Thực hiện với phần bột vỏ bánh, nhân cốm còn lại theo từng bước tương tự như trên.
1.2.3. Tạo hình bánh trung thu nhân cốm sữa dừa và thưởng thức.
- Bạn lấy ít bột nếp phủ lên trên khuôn bánh và các khối bột làm bánh trung thu đã bọc nhân. Mục đích của công đoạn này là để chống dính cho bánh sau khi tạo hình. Đồng thời, việc tách bánh ra khỏi khuôn cũng dễ dàng hơn.
- Cho khối bột vào khuôn, nhấn mạnh để tạo hình.
- Sau đó, lật ngược khuôn, gõ nhẹ xung quanh mép khuôn để bánh rơi ra là hoàn tất.
- Để bảo quản đùng được lâu, bạn nên cho bánh dẻo vào túi nilon kín khí, hoặc hộp đậy nắp và đặt ở nơi có không khí thoáng đãng, không ẩm mốc. Thời hạn dùng bánh trung thu là 10 ngày sau khi đóng bánh.
2. Cách làm bánh trung thu nhân cốm đậu xanh sữa dừa
2.1. Nguyên liệu
- Nguyên liệu vỏ bánh sử dụng thành phần, cách chế biến tương tự công thức thứ nhất ở trên.
- Nguyên liệu phần nhân cốm: 200 gram đậu xanh cà vỏ, ít màu thực phẩm xanh lá cây, 100 ml dầu ăn, 200 gram đường cát, 100 gram cơm dừa nạo sợi, 130 gram cốm xanh (rửa sạch, để ráo), 100 ml nước cốt dừa.
2.2. Cách sên nhân đậu xanh cốm sữa dừa cho bánh trung thu
- Ngâm đậu xanh trong thau nước lạnh ít nhất 6 giờ cho mềm. Sau đó, xả đậu lại với nước sạch, cho vào nồi, hầm với nước xâm xấp nửa tiếng cho mềm nhừ.
- Cho đậu cùng nước hầm vào máy sinh tố, đánh nhuyễn tốc độ cao.
- Đổ hỗn hợp đậu xanh vừa xay vào chảo.
- Thêm đường cát, nước cốt dừa, dầu ăn, màu thực phẩm vào chảo, đảo đều với mức lửa vừa.
- Đun nhân đậu xanh cho đến khi sền sệt lại thì cho cốm vào.
- Vừa sên, vừa đảo đều cho đến khi nhân cốm đậu xanh sữa dừa sệt lại dẻo thơm thì tắt bếp. Các bước còn lại bạn thực hiện tương tự mục 1.2.3 là hoàn tất cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh sữa dừa.
3. Cách làm bánh trung thu nướng nhân cốm dừa trứng muối
3.1. Nguyên liệu
- 150 gram dầu ăn
- 50 gram bơ nhạt
- 100 gram đường cát trắng
- 100 gram sữa đặc Ông Thọ
- 500 gram cốm Vòng
- 12 cái lòng đỏ trứng muối (bóp rượu để khử mùi, rồi đem hấp chín sẵn)
- 300 gram nước đường
- 1 thìa cà phê nước tro tàu
- 380 gram bột mì số 11
- 1 lòng đỏ trứng gà
- Nửa kí cơm dừa nạo nhuyễn
3.2. Hướng dẫn làm bánh nướng trung thu nhân cốm
3.2.1. Cách trộn bột mì làm vỏ bánh nướng trung thu
- Cho lòng đỏ trứng với nước đường vào một cái tô lớn, đánh đều. Sau đó, đổ 50 gram dầu ăn, nước tro tàu vào đánh chung cho đường tan và nguyên liệu hoàn toàn hòa quyện.
- Lọc hỗn hợp qua rây để thu phần nước đường mịn màng nhất.
- Cho bột mì vào tô nước đường vừa lọc, dùng tay nhồi bột khoảng 3 – 5 phút cho các nguyên liệu hòa tan lại thành khối dẻo mịn. Để tô bột qua một bên, nghỉ khoảng nửa tiếng.
3.2.2. Cách sên nhân cốm dừa
- Cho cơm dừa nạo với sữa đặc, bơ, đường cát, 100 gram dầu ăn vào một nồi sạch, trộn đều, bắc lên bếp.
- Vừa nấu hỗn hợp, vừa khuấy đều để các nguyên liệu hòa quyện.
- Khi hỗn hợp se lại thì cho cốm làng Vòng vào, tiếp tục sên đều.
- Đun đến khi hỗn hợp sệt lại vừa phải thì tắt bếp.
- Chia hỗn hợp cốm dừa thành các khối nhỏ khoảng 120 gram, vo tròn. Nhấn một lỗ giữa mỗi khối nhân cốm dừa, rồi cho một lòng đỏ trứng muối đã hấp chín vào, bọc kín lại bên trong, tiếp tục vê tròn. Thực hiện các bước giống như vậy với phần nguyên liệu còn lại.
3.2.3. Cách bọc bột vỏ bánh trung thu với nhân cốm dừa
- Lấy khối bột vỏ bánh đã ủ ra, nhào lại cho dẻo. Sau đó, chia bột thành các khối nhỏ vừa ăn với kích cỡ phù hợp loại khuôn sử dụng. Nếu chọn khuôn làm bánh trung thu 200 gram thì với khối lượng 1 viên nhân khoảng 130 gram (bao gồm cả trứng muối), thì lấy bột vỏ 70 gram. Nhưng nếu bạn muốn ăn vỏ bánh dày hơn thì có thể chia bột 80 gram, nhân 120 gram. Với các khuôn làm bánh trung thu 100 gram hay khuôn bánh trung thu 125 gram thì bạn cũng dựa vào tỷ lệ này để chia nhé.
- Vo tròn bột, ấn dẹt, cho viên nhân cốm dừa lên trên và se mép bột bao kín bên ngoài. Kế đến, phủ ít bột áo chống dính lên khuôn và khối bột, rồi cho khối bột vào khuôn, nhấn mạnh tạo hình, rồi tách ra.
3.2.4. Nướng bánh trung thu nhân cốm sữa dừa
- Bật lò nướng ở mức 200 độ C, làm nóng trước khi nướng bánh khoảng 15 phút.
- Xếp bánh lên khay nướng (lót sẵn giấy nến).
- Dùng chổi phết phần bột dư trên bánh, rồi dùng tăm chọt lỗ trên bánh để thoáng khí.
- Cho khay bánh vào lò nướng lần đầu 10 phút.
- Sau đó, lấy ra, phết một lớp mỏng lòng đỏ trứng lên trên mặt bánh. Cho khay bánh vào nướng lần 2 trong 7 phút, rồi lấy ra, quét lớp lòng đỏ trứng lần nữa. Vẫn giữ nhiệt độ nướng bánh trung thu mức 200 độ C, cho khay bánh vào nấu lần 3 thêm 10 phút nữa là hoàn tất.
4. Mẹo sên nhân cốm ngon, để được lâu
Ngoài cốm tươi, cốm dẹp, bạn có thể sử dụng cốm khô, cốm Vòng để làm nhân bánh trung thu tùy theo điều kiện và khẩu vị. Nếu dùng cốm khô, bạn cần cho vào thau nước lạnh ngâm cho mềm hạt nhé.
Cốm là một món ngon đặc sản gắn liền với mùa thu Hà Nội. Đây cũng đồng thời là thời điểm diễn ra mùa lễ Tết Trung thu – vào ngày 15 tháng 8 Âm lịch hằng năm của người Trung Quốc và Việt Nam. Thế nên, cách làm bánh trung thu nhân cốm sẽ là công thức làm bánh hoàn hảo để bạn thưởng thức một mùa lễ đoàn viên đậm chất làng quê Việt Nam hơn. Nhân cốm sữa dừa thơm phức, ngọt dịu, kết hợp lớp vỏ bánh dai, tạo nên tổng thể xuất sắc về hương vị lẫn ngoại hình.
Thùy Trâm tổng hợp