1. Cách muối cóc non với nước mắm đường chua ngọt cay
1.1. Nguyên liệu
Cóc non dầm chua ngọt có rất nhiều cách ngâm khác nhau, tùy theo khẩu vị của mỗi người và nguyên liệu sẵn có ở nhà. Trong đó, công thức đơn giản nhất là muối cóc non với nước mắm đường nấu như sau:
- Nửa kí cóc non (chọn trái ngon, không bị dập hay úng nhé)
- Đường vàng: 150 gram
- Nước mắm loại ngon: 30 ml
- 300 ml nước lọc
- 2 – 3 trái ớt sừng tươi và ít bột ớt (dùng theo khẩu vị)
- Hũ sạch (đem tiệt trùng trong nước đun sôi để diệt khuẩn, phơi ráo) và có nắp đậy
1.2. Cách làm cóc non ngâm nước mắm đường cay chua ngọt giòn ngon
- Bắc nồi lên bếp, cho nước lọc, nước mắm cùng với đường vàng vào. Bật bếp lửa lớn, vừa nấu nước mắm đường, vừa khuấy đều tay cho hỗn hợp hòa tan và sôi nhẹ thì tắt bếp. Để nước mắm đường qua một bên, đợi nguội.
- Bạn đem gọt vỏ cóc non, rồi cho vào thau nước muối pha loãng. Ngâm cóc chung với ớt sừng khoảng 10 phút để giảm độ chua và giúp tăng thời hạn bảo quản lâu hơn. Sau đó, vớt cóc và ớt tươi ra rổ, để ráo nước.
- Để ngâm cóc giòn và thấm vị ngon hơn, bạn chẻ đôi quả cóc ra nhé.
- Xếp cóc xen kẽ với ớt sừng vào hũ sạch. Rắc ít bột ớt vào, xóc đều lên. Sau đó, rưới nước mắm đường đã nguội vào hũ cho đến khi ngập cóc và nguyên liệu là được.
- Đậy nắp hũ cóc ngâm lại, để ở nhiệt độ phòng ít nhất 24 giờ là có thể dùng được.
2. Cách ngâm cóc non chua ngọt với đường phèn
2.1. Nguyên liệu
- Cóc non (đã gọt vỏ, cắt đôi hoặc làm 4): nửa kí
- Đường phèn nghiền nhuyễn: 200 gram
- Nửa lít nước lọc
- Ít muối biển (muối hột)
- Hũ sạch ngâm cóc
2.2. Cách làm cóc non ngâm đường phèn muối chua ngọt
- Bắc nồi vừa lên bếp, chế nước lọc vào đun sôi. Sau đó, cho đường phèn cùng 1 thìa cà phê muối biển vào, khuấy đều cho 2 thành phần hòa tan. Đợi nước đường phèn sôi lăn tăn thì bạn tắt bếp. Để nước muối đường phèn nguội hoàn toàn.
- Cho cóc non vào thau sạch, rắc ít muối biển vào, xóc đều lên. Khoảng 15 – 20 phút sau, bạn đem cóc rửa sạch lại dưới vòi nước lạnh, rồi để ráo. Bước này là bí quyết giúp làm hãm bớt vị chua của cóc non rất hiệu quả. Đồng thời, muối còn giúp cóc ngâm tăng thời hạn bảo quản để được lâu hơn nữa đấy!
- Xếp cóc non vào hũ, rưới nước đường phèn nguội vào cho ngập cóc. Đậy nắp lại, để cóc ngâm ở nhiệt độ phòng 1 ngày là dùng được.
3. Cách dầm cóc non chua ngọt với giấm đường
3.1. Nguyên liệu
- 2 muỗng canh muối hột (pha sẵn trong 1 thau nước sạch)
- 1,5 kí cóc non đã gọt vỏ, thái làm 4
- 400 gram đường cát trắng
- 800 ml nước lọc
- 500 ml giấm trắng (bạn có thể dùng giấm táo để có hương vị thơm ngon hơn)
- 40 gram tỏi ớt thái lát
3.2. Cách làm cóc non ngâm giấm đường chua ngọt
- Cho cóc non vào thau nước muối ngâm nửa tiếng. Sau đó, vớt cóc non ra rổ, để cho ráo nước.
- Bắc nồi vừa lên bếp, chế giấm và nước lọc vào, khuấy đều. Sau đó, cho đường vào nồi giấm, bắc lên bếp, nấu lửa lớn và đồng thời quấy nhẹ tay cho đường tan. Nước giấm đường sôi nhẹ thì bạn tắt bếp, để nồi giấm qua một bên đợi nguội.
- Cho cóc non cùng tỏi ớt vào hũ sạch, rưới nước giấm đường vào ngập cóc. Đậy nắp lại, ngâm khoảng 1 – 2 ngày là có thể dùng ngay với vị chua ngọt giòn sần sật.
4. Cách bảo quản cóc non chua ngọt tự ngâm tại nhà để được lâu
Sau thời gian ngâm, khi cóc non muối có vị chua ngọt như mong muốn, bạn nên đặt hũ cóc vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Trong thời gian sử dụng, mỗi lần ăn, nhớ dùng đũa hoặc muỗng sạch múc ra nhé. Sau khi lấy cóc muối thì đậy nắp lại thật kín, để lại vào ngăn mát.
Nhắc đến cách làm các món ăn vặt mà bỏ qua các công thức cóc dầm thì sẽ là một thiếu sót rất lớn, nhất là với “team ăn chua”. Đây cũng là món ngon cho bà bầu cực khoái khẩu đó nha. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, đồng thời, giúp bảo quản để được lâu, bạn cần thực hiện đúng cách ngâm cóc non chua ngọt với mắm đường được nước muối đường đã được nấu sôi kĩ và để thật nguội. Với cóc ngâm, bạn có thể kết hợp ăn cùng một số món ngon dễ làm khác. Chẳng hạn như gân bò dầm cóc, chân gà ngâm cóc giòn sần sật,…hấp dẫn ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Bích Tuyền