1. Hướng dẫn các bước nấu chè đậu đen nước cốt dừa
1.1. Nguyên liệu
Cách nấu chè đậu đen sao cho nhanh mềm nhừ là nhờ bạn thực hiện đúng từng bước từ ngâm hạt đậu, cho đến công đoạn hầm. Ngoài ra, nếu sở hữu một chiếc nồi áp suất, bạn có thể tận dụng dụng cụ này nấu đậu đen cho mau mềm. Với các nguyên liệu dưới đây, bạn có thể tùy chọn cách nấu chè bằng nồi thông thường, nồi cơm điện, hoặc nồi áp suất được hướng dẫn chi tiết bên dưới nhé.
- 250 gram hạt đậu đen (xả nước sạch nhiều lần, rồi ngâm nước lạnh ít nhất 8 tiếng cho nở mềm)
- 5 gram bột năng
- 20 gram đường cát
- 50 ml nước cốt dừa (tự vắt hoặc mua loại đóng lon)
- 5 ml tinh chất vani
- 100 gram đường thốt nốt
- 600 ml nước lọc
1.2. Cách nấu chè đậu đen với nước cốt dừa thông thường
- Lấy nồi sạch, đổ nước lọc cùng với đậu đen đã ngâm vào.
- Bật bếp ở mức lửa trung bình, ninh đậu đen trong 1 giờ cho mềm nhừ. Trong lúc nấu, nhớ lâu lâu đảo đều để đậu không dính dưới đáy nồi nhé.
- Sau thời gian trên, bạn thêm đường thốt nốt và hương vani vào, khuấy đều với đậu đen. Nấu chè thêm nửa tiếng nữa cho ngấm vị thì tắt bếp.
- Cách làm nước cốt dừa ăn chè: Bạn lấy nồi nhỏ/ chảo, cho nước cốt dừa vào. Hòa tan đường vào nước cốt dừa và nấu lửa nhỏ, khuấy đều cho đường tan. Bạn lấy nửa chén nước lọc, đổ bột năng vào pha loãng. Sau đó, đổ bột năng này vào nấu chung với nước cốt dừa. Tiếp tục đun cho đến khi nước cốt sánh đặc lại, bạn nêm nếm gia vị lần nữa thì tắt bếp.
- Múc chè đậu đen ra chén, rưới nước cốt dừa lên trên và thưởng thức. Để có thêm topping đỡ ngán, bạn có thể làm trân châu nhân dừa ăn kèm nhé.
1.3. Hướng dẫn nấu chè đậu đen bằng nồi cơm điện
- Bạn cho nước lọc với đậu đen vào nồi cơm điện, đậy nắp nồi.
- Nhấn nút “Cook”, bắt đầu nấu chè cho nhừ.
- Canh nước chè sôi, bạn mở nắp ra, khuấy đều, tiếp tục đậy nắp và duy trì chế độ “Warm”.
- Ủ đậu đen khoảng 15 phút thì bạn chuyển nồi về chế độ “Cook”.
- Chè sôi lần 2, bạn lại ủ chè ở chế độ “Warm” thêm 15 phút. Sau thời gian này, mở nắp nồi, kiểm tra nếu đậu đen đã mềm thì rút cắm. Còn nếu đậu chưa mềm, bạn nấu thêm 1 lần nữa tương tự như các thao tác trước đó là hoàn tất nhé.
1.4. Cách nấu chè đậu đen bằng nồi áp suất
Chỉ với chiếc nồi áp suất, trong khoảng 15 – 30 phút, bạn có thể ninh đậu đen mềm, nhừ, đảm bảo giữ được dinh dưỡng. Các bước thực hiện như sau:
- Đổ đậu với nước lọc vào nồi áp suất.
- Thiết lập cài đặt nấu thủ công và đặt thời gian nấu khoảng 30 phút.
- Trong quá trình nấu chè, lâu lâu nhớ mở nắp nồi ra kiểm tra. Nếu nước chè cạn, bạn nhớ châm thêm ít nước, bỏ thêm 1 viên đá lạnh vào nấu cùng. Sau đó, thêm đường thốt nốt, vani khuấy đều với hỗn hợp chè trong nồi.
- Nấu đến khi hạt đỗ đen nứt vỏ, mềm nhừ thì tắt bếp, múc chè ra chén.
2. Hướng dẫn nấu chè đỗ đen với bột sắn dây
2.1. Nguyên liệu
Bột sắn dây có kết cấu
- 300 gram hạt đậu đen (đãi vỏ, ngâm nước muối loãng 6 – 8 tiếng cho nở mềm, xả nước lạnh, để rổ cho ráo nước)
- 200 gram đường cát
- Nửa lít nước lọc
- 100 gram bột sắn dây (hòa tan với nửa chén nước ấm)
2.2. Cách nấu chè đậu đen với bột sắn dây
- Cho đỗ đen đã ngâm vào nồi sạch, thêm nước lọc vào cho ngập đậu.
- Bật bếp, đun cho nước hầm đậu đen sôi.
- Hạ lửa nhỏ, nấu tiếp cho hạt đậu đen mềm ra.
- Nêm đường vào khuấy chung với chè đậu, nấu thêm 15 phút nữa thì tắt bếp.
- Đổ chén bột sắn dây pha loãng vào nồi chè nấu chung. Đun đến khi chè sánh đặc, sôi lần nữa thì tắt bếp.
- Múc chè ra chén, thêm mứt dừa khô, hoặc trân châu,…ăn kèm.
3. Cách nấu chè nếp hạt sen đậu đen thơm bùi
3.1. Nguyên liệu
Công thức nấu chè đậu này chỉ cần 4 thành phần nguyên liệu đơn giản gồm:
- 100 gram hạt sen tươi (bỏ tim, ngâm nước 2 giờ)
- 50 gram gạo nếp vo sạch
- 50 gram hạt đậu đen đã ngâm nước ít nhất 6 – 8 tiếng
- 2 muỗng canh đường cát
3.2. Các bước nấu chè nếp đậu đen hạt sen thơm bùi
- Đổ 1 lít nước lọc vào nồi sạch.
- Cho 4 nguyên liệu đã chuẩn bị và sơ chế vào nồi nước, nấu đến khi sôi.
- Hạ lửa xuống mức liu riu, ninh thêm 1 tiếng nữa cho đậu và hạt sen mềm nhừ ra thì tắt bếp.
- Múc chè ra chén, thưởng thức ngon và bổ nhất sau bữa ăn sáng hoặc cuối buổi chiều.
4. Cách nấu chè đậu đen bột lọc
4.1. Nguyên liệu
- 250 gram hạt đỗ đen (đã ngâm mềm và sơ chế)
- 250 gram và 2 muỗng canh đường cát trắng
- 200 ml nước cốt dừa
- 2 lít nước lọc
- 130 gram bột năng
- 1/3 thìa cà phê muối ăn
- 50 ml nước nóng
4.2. Hướng dẫn các bước nấu chè đậu đen bột lọc
4.2.1. Nấu chè đậu đen
- Cho đậu đen vào nồi, thêm 1,5 lít nước lọc vào ngập nguyên liệu.
- Đun hỗn hợp đậu với mức lửa trung bình, lâu lâu khuấy đều bằng muỗng để đậu chín đều.
- Khoảng 25 – 30 phút sau, kiểm tra xem hạt đậu mềm chưa. Đợi đậu đen mềm hạt thì bạn mới thêm 250 gram đường cát vào khuấy đều nhé. Nấu thêm 15 – 20 phút nữa cho đậu đen ngấm đường thì tắt bếp.
4.2.2. Cách làm bột lọc ăn chè
- Trong 1 cái tô sạch, bạn rây 100 gram bột năng vào. Từ từ thêm nước nóng vào tô bột, khuấy đều. Đợi bột hơi nguội thì bỏ ra mặt phẳng sạch, phủ thêm 10 gram bột khô làm lớp áo chống dính, dùng tay nhào cho khối bột dẻo mịn.
- Ngắt bột thành từng khúc nhỏ bằng đốt tay, vo viên tròn lại.
- Bắc nồi nước, đun cho sôi, rồi thả các viên bột năng vào luộc cho chín.
- Bột lọc chín sẽ nổi lên mặt nước, bạn vớt hết ra chén sạch. Thêm 1 muỗng canh đường cát vào chén bột lọc, trộn đều cho ngấm vị, để riêng.
4.2.3. Thưởng thức món chè đậu đen bột lọc
- Cho nước cốt dừa với phần đường cát, muối ăn còn lại vào nồi, khuấy đều với bột năng.
- Bật bếp, đun sôi hỗn hợp nước cốt dừa cho đến khi sền sệt lại thì tắt bếp.
- Múc chè đỗ đen ra chén, chan nước cốt dừa và bột lọc lên và thưởng thức.
5. Cách nấu chè nếp bí ngô đậu đen bổ dưỡng ngày hè
5.1. Nguyên liệu
- 3 lạng bí đỏ gọt vỏ, cắt khối nhỏ
- 100 gram gạo nếp vo sạch, ngâm nước 2 tiếng, vớt ra để ráo
- 1 lạng hạt đậu đen (ngâm nước 2 tiếng cho mềm)
- 150 gram đường cát
- 400 ml nước lọc
5.2. Cách nấu chè nếp đậu đen với bí ngô bổ dưỡng cho mùa hè
- Đổ nước lọc vào nồi sạch, rồi thêm gạo nếp với đậu đen vào nấu cho sôi. Sau đó, hạ lửa nhỏ liu riu, hầm đỗ đen cho mềm.
- Đậu đen hầm mềm hơi nứt vỏ thì cho bí đỏ vào nấu cùng.
- Thêm đường cát vào nồi chè, khuấy đều cho đường tan.
- Nấu chè khoảng 15 phút cho bí đỏ chín mềm cùng với đậu đen thì tắt bếp.
- Múc món chè nếp ra chén và thưởng thức.
6. Cách nấu chè đậu đen với nha đam thanh mát
6.1. Nguyên liệu
- 2 lạng đậu đen đã đãi vỏ, ngâm nước nở mềm ít nhất 3 tiếng
- 100 gram đường cát trắng
- 1/4 thìa cà phê muối ăn
- 150 gram nha đam tươi
- 2 ống hương vani
- 15 ml nước cốt chanh tươi
- Nửa lít nước lọc
- 60 gram thạch dừa
6.2. Cách nấu chè đỗ đen nha đam giải nhiệt
- Dùng dao gọt phần vỏ xanh bên ngoài nha đam, rồi cắt thành khối vuông nhỏ. Rửa nha đam với nước sạch nhiều lần, rồi ngâm trong thau nước pha cốt chanh cho sạch nhớt. Khoảng 15 phút sau, vớt nha đam ra. Bạn xả nước lạnh nha đam nhiều lần nữa rồi để rổ cho ráo nước.
- Cho đậu đen với nước lọc vào nồi sạch, nấu sôi.
- Nấu cho đến khi đỗ mềm thì cho nha đam vào, cùng với đường, muối ăn, vani và khuấy đều. Cách nấu chè nha đam đun đến khi hỗn hợp hòa quyện, vừa vị thì bạn tắt bếp.
- Múc chè ra chén và thưởng thức với ít đá lạnh, thạch dừa cắt nhỏ.
7. Cách nấu chè đậu đen xanh lòng bột khoai không cần ngâm
7.1. Nguyên liệu
Đậu đen xanh lòng có độ cứng hơn so với loại đậu đen thông thường. Bạn hoàn toàn có thể nấu chè đậu đen xanh lòng mà không cần ngâm nước cho nở mềm. Khi mua đậu này về, bạn nên xem rõ hướng dẫn sử dụng. Theo đó, khi nấu chè, bạn cần dùng các nguyên liệu với tỷ lệ như sau:
- 400 ml nước cốt dừa (lon)
- 400 ml nước lọc
- Ít muối ăn
- Đậu đen xanh lòng: 200 gram (lựa bỏ những hạt xấu, vo nước sạch và lựa bỏ hạt hư)
- Bột báng không cần ngâm: 40 gram
- Bột khoai: 40 gram
- 15 – 20 gram đường cát
- 2 thẻ đường thốt nốt (100 gram)
- 2,5 thìa cà phê hương vani
- 50 gram cơm dừa nạo sợi
7.2. Cách nấu chè đậu đen xanh lòng với bột khoai không ngâm
7.2.1. Các bước nấu chè đậu đen xanh lòng bằng nồi áp suất
- Đổ lon nước cốt dừa qua rây, lấy phần nước dão dừa (nước trong, không có xác cơm dừa) ra chén, để xác cốt dừa qua một bên.
- Đổ nước dão dừa vào nồi áp suất, cho đậu đen xanh lòng vào cùng với nước lọc và ít muối.
- Đậy nắp nồi, cắm điện, khóa van. Khi này, màn hình nồi sẽ hiện lên chữ “OFF”, bạn nhấn chọn nút “Bean/ Chili”, rồi nhấn “More” để tăng thời gian nấu lên khoảng 12 phút. Nồi hiện chữ “ON” và bắt đầu nấu.
- Sau thời gian trên, bạn xả van nồi áp suất, kiểm tra hạt đậu đen chín mềm là được.
- Cho đường thốt nốt vào khuấy với nồi chè.
- Đậy nắp nồi, tiếp tục nấu thêm 5 phút nữa cho đường tan. Thêm 1 thìa cà phê vani vào, khuấy đều là hoàn tất.
7.2.2. Cách nấu nước cốt dừa với bột báng, bột khoai
- Bắc nồi nước và nấu cho sôi, cho bột khoai vào nấu khoảng 5 phút cho nở. Sau đó, hạ lửa nhỏ, nấu thêm 5 phút nữa, khuấy đều.
- Bột khoai dai dai thì tắt bếp, đổ hết phần nước luộc ra, rồi ngâm bột khoai với nước lạnh cho săn lại.
- Cho bột khoai trở lại vào nồi với ít nước lọc.
- Thêm bột báng và phần xác cơm dừa đã chắt riêng ban đầu vào, khuấy đều. Thêm ít muối, 15 gram đường và và nấu với lửa nhỏ.
- Thêm vani vào nồi cốt dừa, khuấy đều, cho đến khi hỗn hợp sền sệt vừa miệng thì tắt bếp.
- Múc chè ra chén, thêm nước cốt dừa bột báng lên và thưởng thức với rau câu trái cây, cơm dừa.
8. Cách nấu chè khoai lang đậu đen
8.1. Nguyên liệu
- 2 lạng hạt đậu đen (loại bỏ hạt hư, lép, ngâm nước muối loãng qua đêm)
- 2 lạng khoai lang (gọt vỏ sạch, rửa nước và cắt hạt lựu)
- 300 gram đường cát
- Nước cốt dừa: 50 gram
- 500 ml nước lọc
8.2. Các bước nấu chè đậu đen với khoai lang
- Cho đỗ đen đã ngâm mềm với nước lọc vào nồi, nấu lửa nhỏ cho sôi.
- Ninh đỗ đen đến khi chín mềm (khoảng gần 1 tiếng), bạn cho khoai lang vào nấu cùng.
- Khoảng 15 phút sau, kiểm tra đậu và khoai đều chín mềm thì cho đường cát vào, khuấy đều.
- 5 phút sau, tắt bếp, múc chè ra chén, chan nước cốt dừa lên và thưởng thức.
9. Cách nấu chè đậu đen với gạo lứt
Các nguyên liệu bạn cần: 1 lạng gạo lứt ngâm nước 3 tiếng cho mềm, 2 muỗng canh đường thẻ thốt nốt xắt nhỏ (để nấu dễ tan), 1 lạng hạt đậu đen (đã đãi sạch, ngâm mềm). Cách chế biến món chè nếp lứt với đậu đen như sau:
- Bắc nồi sạch, đổ 300 ml nước lọc vào.
- Cho gạo lứt và đỗ đen vào nồi, đun cho sôi với mức lửa nhỏ.
- Nấu đến khi đỗ mềm, cho đường vào, khuấy tan.
- Nấu chè khoảng 3 – 5 phút nữa, nêm nếm lại vừa vị thì tắt bếp.
- Múc chè ra chén và thưởng thức với cơm dừa nạo sợi, thạch trân châu, rau câu, sương sáo,…
10. Hướng dẫn cách nấu chè đậu đen với dưa lê
Tất cả nguyên liệu bạn cần gồm có: 200 gram đậu đen đã ngâm nước muối cho mềm, 80 gram đường cát, 120 gram dưa lê (gọt vỏ, bỏ hột, cắt nhỏ) và 50 gram hạt trân châu trắng loại bán sẵn bên ngoài (đã luộc chín). Các bước thực hiện như sau:
- Cho đậu đen vào nồi, đổ nước lọc vào đủ ngập đậu, hơn 1 lóng tay.
- Nấu đậu cho sôi thì hạ lửa liu riu, ninh tiếp đến khi hạt đậu mềm ra.
- Đổ nước nấu ra ra tô. Chia đường cát thành 2 phần: 1 phần cho vào tô nước nấu đậu đen và hòa tan, phần còn lại cho vào nồi với đậu đen.
- Tiếp tục để lửa nhỏ, sên hạt đậu đã chín với đường cho đến khi đường tan hết là được.
- Múc đậu đen sên đường ra chén, đổ nước đậu pha đường vào.
- Cho dưa lê và trân châu vào ăn cùng với chè đậu, thêm đá lạnh cho mát nhé.
11. Cách nấu chè đỗ đen kiểu Thái với lá dứa
11.1. Nguyên liệu
- 200 gram hạt đậu đen (đãi sạch, ngâm nước muối qua đêm cho mềm)
- 1 củ khoai mì
- 100 gram đường cát
- 1 bó lá dứa rửa sạch, để ráo nước
- 2 muỗng canh bột nếp
- 1,5 thìa cà phê muối ăn
- 400 – 500 ml nước lọc
11.2. Hướng dẫn cách nấu món chè đậu đen lá dứa Thái Lan
- Cho nước lọc, hạt đỗ đen vào nồi cùng với lá dứa, đun sôi, hạ nhỏ lửa và hầm cho đậu mềm.
- Trong lúc đó, bạn gọt vỏ khoai mì, xả nước sạch. Sau đó, dùng dụng cụ bào khoai thành sợi nhỏ. Dùng tay vắt khoai mì bào cho khô nước.
- Thêm bột nếp, muối ăn, 1 muỗng canh đường cát vào trộn chung với khoai mì cho đến khi kết dính lại là được. Chia khối bột này thành các viên nhỏ vừa ăn, rồi vo tròn. Bắc nồi nước sôi, cho các viên bột khoai mì vào luộc trong 3 – 4 phút cho chín, vớt ra, để ráo nước hoàn toàn.
- Kiểm tra nồi chè đỗ đen chín mềm thì cho các viên bột khoai mì đã luộc vào nấu chung.
- Nêm đường cho món chè vừa miệng, nấu thêm 5 phút nữa cho các nguyên liệu chín đều nhau thì tắt bếp.
- Múc chè ra chén và tận hưởng vị ngon đến từ cách làm các món ăn vặt ngày hè hấp dẫn này nhé.
12. Ăn đậu đen có tác dụng gì đối với sức khỏe?
12.1. Lợi ích của đậu đen đối với sức khỏe nói chung
Giống như các loại đậu khác – như đậu phộng, đậu Hà Lan, đậu lăng – đậu đen được đánh giá cao nhờ chứa hàm lượng protein và chất xơ cao. Chúng cũng chứa một số vitamin, khoáng chất quan trọng khác có lợi cho sức khỏe.
Riêng với đậu đen đã có vô vàn công dụng thân kỳ đối với sức khỏe. Trong số đó, đậu đen có thể giúp xương chắc khỏe, là nguồn thức ăn tuyệt vời để bổ sung chế độ ăn kiêng khoa học. Đậu đen cũng có thể giúp giảm sự tăng đột biến lượng đường trong máu (thường xảy ra sau khi dùng bữa ăn chính). Điều này giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tăng cân, giải độc gan, đen tóc,…
12.2. Đậu đen có giúp giảm cân không?
Như đã nói ở trên, các loại đậu, bao gồm đậu đen, là nguồn chứa chất xơ, protein, vitamin B, cùng nhiều khoáng chất vô cùng quan trọng. Nhờ đó, chúng có thể cải thiện mức cholesterol và duy trì đường ruột khỏe mạnh. Đậu đen là nguồn thực phẩm chủ yếu ở Trung và Nam Mỹ. Còn ở một số nước châu Á – như Việt Nam, Trung Quốc – người ta thường chuộng những cách nấu chè từ đậu đen để thưởng thức như một món ăn vặt ngọt.
Đồng thời, đây còn được xem như một phần của thực đơn giảm cân lành mạnh. Đậu đen chứa ít chất béo, giúp bạn có cảm giác no lâu. Hơn nữa, các thức ăn từ đậu đen còn giúp lượng đường trong máu của bạn ổn định (Theo Healthline). Với mỗi cốc 172 gram đậu đen nấu chín chỉ chứa 227 kcal.
13. Chọn hạt đậu đen thế nào để nấu chè ngon, nhanh nhừ, không bị sượng?
13.1. Cách chọn đậu đen khô
Khi mua đậu đen khô, bạn chỉ nên mua với số lượng mình cần dùng trong khoảng 1 tháng. Theo đó, nên mua đậu ở nơi có đóng gói kín, kỹ càng, tránh sự phá hoại của sâu bọ và điều kiện môi trường, hạt tròn và đều nhau. Không chọn những hạt đỗ đen bị dập nát, teo, hư hỏng hoặc có dấu hiệu mốc trắng.
13.2. Cách bảo quản hạt đậu đen khô để dành nấu chè
Đậu đen khô có thể được bảo quản trong hộp kín, ở nơi khô ráo, thoáng mát lên đến 1 năm. Dù thời hạn sử dụng dài, nhưng bạn không nên sử dụng hạt đậu để quá lâu.
Đồng thời, không trộn đậu đen với các loại đậu đã cũ, còn sót lại ở lần dùng trước. “Tuổi” đậu sẽ có các mức chế biến khác nhau. Theo đó, đậu “già” sẽ mất nhiều thời gian để nấu chín mềm hơn. Với đậu đen đã nấu chín thì nên bỏ vào ngăn mát tủ lạnh, sử dụng trong tối đa 5 ngày.
Những muỗng chè đậu mềm, tan đều ngọt dịu trên đầu lưỡi và thơm nức mùi vị nước cốt dừa béo béo dường như đã là món ăn vặt gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Trên thực tế, có rất nhiều cách nấu chè đậu đen khác nhau. Đây là biểu hiện cho sự đa dạng, sáng tạo không ngừng trong nghệ thuật nấu nướng của ẩm thực Việt. 11 công thức nấu chè đỗ đen trên đây chỉ là các hướng dẫn cơ bản. Bạn hoàn toàn có thể dựa vào đó để làm nên một hương vị món chè mới cho riêng mình. Hè này, còn đợi gì mà không nấu ngay món tráng miệng ngọt lịm, đầy thanh mát và bổ dưỡng để cả gia đình thưởng thức nào!
Trúc Nguyễn dịch và tổng hợp