1. Cách làm món chân gà dầm cóc non lắc sả tắc sa tế chua cay
1.1. Nguyên liệu
Để làm món chân gà ngâm cóc non giòn ngon, bạn cần biết cách sơ chế chân gà làm sao để vừa khử mùi hôi, vừa thấm nước ngâm hài hòa hương vị. Thêm chút sa tế vào hũ cóc dầm giúp tăng độ cay, khiến bạn thưởng thức món ăn ngon miệng hơn. Các thành phần nguyên liệu cho món chân gà ngâm này gồm:
- 10 gram gừng tươi gọt vỏ
- 10 gram sả
- 500 gram chân gà đã làm sạch
- 2 muỗng canh dầu ăn
- 20 gram hành tím băm
- 20 gram sả băm
- 50 ml nước mắm ngon
- 50 ml nước cốt tắc tươi
- 100 gram đường nâu
- 100 gram sa tế tôm
- 30 gram tôm khô
- 20 gram ớt cắt lát
- 50 gram tắc trái tươi
- 100 gram cóc non
1.2. Cách làm chân gà ngâm cóc non trộn sả tắc sa tế chua cay ăn ngay
1.2.1. Cách sơ chế chân gà và luộc chín
- Rửa sạch chân gà bằng cách xát muối, hoặc rượu đều khắp gà. Sau đó, xả chân gà lại với nước sạch giúp khử mùi hôi. Bạn nên mua chân gà đã được làm sạch móng và lớp da dưới chân trước khi mua nhé. Nếu không, bạn cần làm sạch 2 phần này để chế biến món ăn an toàn cho sức khỏe.
- Luộc 500 gram chân gà với 10 gram gừng và 10 gram sả trong vòng 10 phút.
- Sau đó, xả 500 gram chân gà đã luộc qua nước đá lạnh để giữ độ săn chắc thịt.
1.2.2. Cách nấu nước ngâm sa tế chua cay làm chân gà lắc cóc non ăn liền
- Cho 2 muỗng canh dầu ăn vào chảo, bắc lên bếp và phi thơm với 20 gram hành tím băm, 20 gram sả băm. Sau đó, cho nước mắm, cốt tắc, 100 gram đường nâu và 100 gram sa tế tôm vào, xào đều. Khi này, bạn để lửa nhỏ, nấu cho sốt sa tế sền sệt lại vừa vị thì tắt bếp. Để chảo nước sốt qua một bên đợi nguội hoàn toàn.
- Lấy chân gà đã luộc cho vào tô, cho thêm 30 gram tôm khô, 20 gram ớt cắt lát và 100 gram cóc non. Sau đó, rưới nước sốt sa tế tôm lên, đeo bao tay ni lông và đảo đều chân gà với nước sốt là hoàn tất.
- Với món chân gà ngâm chua ngọt này, bạn có thể ăn liền, hoặc để khoảng 15 phút sau mới ăn cho thấm vị.
2. Cách làm chân gà ngâm cóc xoài chua ngọt giòn ngon
2.1. Nguyên liệu
Xoài non có vị chua thanh hơn nhưng lại không giòn bằng cóc. Tùy khẩu vị, bạn có thể bổ sung thêm xoài non vào công thức chân gà ngâm chua ngọt để có hương vị mới lạ và phong phú hơn nhé.
- Nửa kí chân gà tươi ngon hoặc chân gà rút xương (hấp chín với gừng thái lát, sả cắt khúc để khử mùi, ngâm đá lạnh, để ráo)
- 300 gram xoài non rửa sạch, thái lát
- 200 gram cóc non rửa sạch, bỏ vỏ, thái khoanh tròn
- 2 muỗng canh dầu thực vật
- 5 gram tỏi băm
- 5 gram hành tím băm
- 30 ml nước mắm loại ngon
- 50 gram đường trắng
- 30 ml giấm trắng
- 10 gram ớt bột Hàn Quốc
- 20 ml nước cốt chanh tươi
- 15 gram ớt sừng tươi cắt nhỏ
- 2 củ hành tím thái lát mỏng
2.2. Cách làm món chân gà trộn cóc xoài ngâm chua ngọt
- Bắc một chảo vừa lên bếp, đun nóng với 2 muỗng canh dầu ăn. Sau đó, cho tỏi cùng với hành tím băm vào chảo phi thơm lên. Tiếp đến, chế nước mắm, đường, giấm trắng và ớt bột vào chảo, khuấy đều. Nấu cho nước sốt mắm sa tế sôi và sệt lại thì bạn tắt bếp, để nước sốt thật nguội.
- Cho chân gà đã làm sạch và ráo nước vào thau hoặc tô sạch cùng với cóc non, xoài non, hành tím thái lát và ớt tươi.
- Rưới nước mắm giấm đường đã nấu nguội vào tô chân gà và xóc đều lên. Khoảng 2 phút sau, bạn rưới nước cốt chanh lên hỗn hợp, trộn thêm 2 phút nữa.
- Ngâm chân gà với cóc, xoài trong nước mắm giấm thêm 15 phút cho thấm vị rồi có thể thưởng thức ngay.
3. Cách làm chân gà ngâm cóc bao tử sốt mắm me chua ngọt
3.1. Nguyên liệu
Để tăng hương vị cho nước ngâm sả ớt tắc thông thường, bạn có thể làm nước mắm me chua ngọt với công thức đơn giản như sau.
- Nửa kí chân gà đã sơ chế sạch, luộc chín, ngâm nước đá như mục 1.2.1
- 3 lạng cóc bao tử đã gọt vỏ, bỏ phần nhân và thái lát vừa ăn
- Nguyên liệu pha nước ngâm: 70 ml nước mắm ngon, 50 ml nước cốt me, 70 gram đường thốt nốt (hoặc 80 gram đường vàng/ trắng), 10 gram ớt bột
- 20 gram sả cắt khoanh
- 30 gram tắc trái cắt đôi
- 10 gram gừng băm
- 10 gram lá chanh cắt nhỏ
3.2. Cách ngâm chân gà với cóc bao tử sốt mắm me chua ngọt
- Bắc chảo lên bếp, cho nước mắm, nước cốt me, đường thốt nốt cùng với ớt bột vào, vừa khuấy đều vừa đun lửa lớn. Đợi nước sốt sôi lại đặc sệt, bạn tắt bếp và để nguội.
- Cho chân gà đã ráo nước vào tô sạch. Rắc sả, tắc trái, cóc bao tử, gừng và lá chanh vào trộn với chân gà. Sau đó, rưới đều sốt mắm me vào tô chân gà, xóc lên cho thấm đều hương vị.
- Ngâm chân gà với cóc bao tử trong sốt mắm me ít nhất 15 phút để thưởng thức ngon miệng nhất nhé.
4. Cách làm chân gà ngâm cóc với nước mắm giấm sả tắc để được lâu
4.1. Nguyên liệu
Các công thức chân gà ngâm sả tắc ăn liền thường chế biến nước sốt đặc sệt. Tuy nhiên, nếu muốn bảo quản món ăn này với thời hạn sử dụng lâu hơn, bạn cần chuẩn bị phần nước ngâm nhiều hơn với các nguyên liệu sau đây.
- 4 lạng cóc non (rửa sạch, gọt vỏ và thái miếng nhỏ)
- 8 lạng chân gà (đã sơ chế, luộc chín và ngâm nước đá, để ráo nước)
- 7 nhánh sả tươi
- 4 lạng tắc tươi (quất)
- 1 muỗng canh bột ớt Hàn Quốc (hoặc bột ớt thường)
- 10 muỗng canh đường trắng
- 2 ớt sừng thái khoanh nhỏ
- 5 củ hành tím thái lát
- 4 muỗng canh giấm gạo
- 1 thìa cà phê muối ăn
- 300 ml nước lọc
- Chuẩn bị 1 hũ sạch có nắp đậy (nên tiệt trùng trước khi ngâm để tránh tồn đọng vi khuẩn)
4.2. Cách làm món chân gà trộn cóc ngâm nước mắm giấm sả tắc
- Chế giấm trắng vào nồi nhỏ, bắc lên bếp. Thêm nước mắm, đường trắng, bột ớt, muối, nước lọc vào nồi, khuấy đều và đun với mức lửa thấp. Nấu đến khi nước mắm giấm đường sôi nhẹ thì bạn tắt bếp. Để nồi nước mắm qua một bên, đợi cho đến khi hoàn toàn nguội.
- Trộn chân gà với tắc trái cắt đôi, cóc non, hành tím thái lát, ớt sừng vào hũ đã chuẩn bị. Sau đó, chế nước ngâm mắm giấm đường vào hũ cho ngập chân gà và nguyên liệu. Bạn có thể dùng nan tre hoặc đũa tre gài ở miệng hũ để nhấn các nguyên liệu ngập trong nước ngâm.
- Đậy nắp hũ lại cho kín, rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Ngâm chân gà ít nhất 24 giờ để đảm bảo hương vị ngon nhất nhé.
5. Cách bảo quản món chân gà ngâm cóc tại nhà không bị đắng, nổi nhớt
Tương tự cách bảo quản chân gà ngâm sả ớt để được lâu, bạn cần chuẩn bị các hũ, bình đã được khử trùng sạch và phơi cho ráo, có nắp đậy. Trước hết là xếp chân gà cùng các nguyên liệu như sả, ớt, tắc vào hũ trước. Sau khi nấu nước sốt ngâm chua ngọt, cần để hỗn hợp nguội hoàn toàn, rồi mới rót vào hũ. Để chân gà ngâm không bị đắng thì bạn phải chế sốt ướp ngập nguyên liệu. Cuối cùng, đậy kín hũ chân gà lại, lưu trữ trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Thời gian sử dụng tối đa cho món ăn này là khoảng 7 ngày nhé.
Cách làm chân gà ngâm cóc non là công thức các món ăn vặt mới lạ được biến tấu từ món chân gà ngâm sả tắc quen thuộc. Từng miếng chân gà giòn gân kết hợp cóc non giòn ruộm, vị nước ngâm chua chua ngọt ngọt khiến ai nghe đến tên thôi đã thấy thèm. Giờ chỉ cần pha thêm chén nước chấm chân gà ngâm sả ớt nữa là ngon “bá cháy”. Các bước thực hiện đều đã hướng dẫn trên đây, bí quyết bảo quản món ngâm cũng đã chia sẻ chi tiết, hãy thực hiện ngay để thưởng thức món ăn vặt đang “hot” hè này nhé.
Trúc Nguyễn tổng hợp