1. Hướng dẫn cách làm mật mía nguyên chất đơn giản nhất tại nhà
1.1. Cách chọn nguyên liệu mía làm mật đường
Cách làm mật đường từ mía khá phổ biến, để làm nguyên liệu nước chấm cho nhiều món bánh, ướp đồ nướng. Tất cả những gì bạn cần là mía nguyên chất. Tuy nhiên, không phải cây mía nào cũng phù hợp để sản xuất mật đường.
Mía là nguồn nguyên liệu phổ biến nhất để chiết xuất mật rỉ/ đường mật. Đôi khi, ở một số vùng, người ta dùng cao lương để lấy đường mật thay cho mía. Để chọn mía ngon, bạn cần mua loại mía có lá khô, thân màu vàng hoặc nâu (đến độ thu hoạch). Đồng thời, cấu trúc lõi mía yếu thì mới lấy mật rỉ được.
1.2. Cách sơ chế và ép nước mía làm mật đường
- Đầu tiên, tước hết lá trên thân mía bằng dao sắc.
- Cắt bỏ phần gốc và đầu cây mía.
- Tước vỏ mía, cắt khúc nhỏ, ép lấy nước cốt. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể ra ngoài tiệm mua nước mía ép nguyên chất, không pha gì cả, để về tiếp tục chế biến.
- Lọc nước ép mía lần nữa qua rây để loại bỏ lợn cợn.
1.3. Cách nấu mật đường cô đặc làm từ mía
- Đổ nước ép mía nguyên chất vừa lọc vào nồi sạch.
Lưu ý: Kích cỡ nồi tùy thuộc vào lượng nước mía bạn có. Thông thường, nồi phải có độ sâu lòng ít nhất 13 cm.
- Bắc nồi nước mía lên bếp, nấu cho sôi.
- Sau đó, hạ lửa xuống mức thấp nhất, nấu nước mía và khuấy đều liên tục trong 6 giờ. Trong suốt quá trình đun, nhớ vớt bỏ các lớp váng xanh nổi lên ở mặt nước mía.
- Sau thời gian trên, bạn tắt bếp. Khi này, mật mía rỉ chuyển từ màu xanh lá sang màu vàng đậm, có độ dày, sệt lại khi khuấy đều.
- Đợi nước mật mía nguội, bạn có thể đun sôi thêm 2 – 3 lần nữa cho mật đặc và đậm hơn.
1.4. Các loại mật mía sau khi nấu
Dựa vào độ đậm đặc mật mía sau khi nấu, có 3 phân loại sau:
- Mật mía nhẹ: thành phẩm sau lần nấu sôi nước mía đầu tiên. Loại mật mía này mỏng, ngọt hơn mật đường đã đun sôi 2, 3 lần.
- Mật mía đen: sản phẩm của lần đun nước mía sôi lần 2. Loại mật này đậm, đặc hơn, ít ngọt và cón vị mạnh hơn mật rỉ.
- Mật mía rỉ đường: là sản phẩm của lần đun sôi nước mía cuối cùng (lần 3). Đây là loại mật đường dày nhất, đậm và ít ngọt, có phần hơi đắng.
1.5. Cách bảo quản mật mía cô đặc nguyên chất tự làm tại nhà
Tùy khẩu vị, bạn nấu mật mía đạt độ đậm đặc như ý muốn, rồi đổ vào hũ/ bình thủy tinh ngay khi còn nóng. Sau đó, đậy kín nắp vật chứa lại. Nếu dùng vật chứa bằng thủy tinh, bạn nhớ hơ lửa bình trước khi đổ mật vào nhé, điều này giúp bình không bị vỡ nứt. Sau đó, lưu trữ bình mật mía ở nhiệt độ phòng (hoặc lạnh hơn một chút), dùng trong tối đa 18 tháng.
Nếu di chuyển bình mật mía nhiều sẽ dễ gây sủi bọt, theo thời gian, mật mía bị chua. Do đó, bạn cũng cần lưu ý yếu tố thời tiết khi bảo quản mật mía. Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, bạn nên đặt hũ mật mía trong ngăn mát tủ lạnh. Giữ hũ mật mía tránh xa các tác nhân gây nhiệt, ẩm mốc, vi khuẩn. Với cách bảo quản này, mật mía có thể để được ít nhất 1 năm. Sau khi mở hũ mật mía dùng, nhớ lau sạch miệng hũ trước khi đóng nắp nhé.
2. Mật mía ăn với những món nào và có tốt cho sức khỏe không?
2.1. Mật mía là gì?
Mật mía là sản phẩm của quá trình tinh chế mía. Trước hết, mía được nghiền để lấy nước ép, rồi đem đun sôi lần 1 để tạo siro mía. Siro mía có thể được cô đặc lần 2, 3 để giảm lượng đường, tạo nên chất làm ngọt nhẹ với độ đậm đặc cao hơn.
2.2. Những món nào ăn/ chấm với mật mía?
Mật mía có độ ngọt bằng 2/3 so với đường thông thường. Với đặc tính này, người ta thường thay thế mật mía cho đường nâu, hoặc siro. Do đó, bạn có thể dễ dàng bắt gặp thành phần này trong các công thức làm bánh gừng, gia vị ướp thịt nướng hoặc sườn nướng, bánh kẹo bơ cứng, gà nướng, bò kho mật mía,…Ngoài ra, đây còn là nước chấm kèm bánh ú tro (hay bánh gio) để tăng hương vị. Trong đó, loại mật mía được sử dụng phổ biến khi làm bánh là mật được nấu sôi lần thứ 2 hoặc thứ 3.
2.3. Ăn mật mía có tốt cho sức khỏe không?
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bổ sung mật mía giúp tăng bài tiết năng lượng. Điều này có nghĩa là mật mía có thể giúp giảm cân. Mật đường cũng chứa lượng chất sắt đủ để ngăn chặn tình trạng thiếu máu (một trong những nguyên nhân dẫn đến tóc rụng và nhiều vấn đề sức khỏe khác). Một số bằng chứng cho thấy, các chất dinh dưỡng trong mật mía có thể giúp nuôi dưỡng tóc từ bên ngoài.
Mật đường có chứa một số chất dinh dưỡng (như canxi, magie, vitamin B6 và selen), chất chống oxy hóa quan trong. Chính điều này khiến mật đường làm từ mía trở thành một sự lựa chọn chất làm ngọt tốt hơn so với đường tinh luyện. Tuy nhiên, mật mía vẫn chứa lượng đường khá cao, có thể gây hại nếu tiêu thụ quá mức. Theo tiêu chuẩn, mỗi ngày bạn chỉ tiêu thụ khoảng 18 miligam mật mía kết hợp trong các công thức món ngon.
2.4. Mật mía chứa bao nhiêu calo?
Theo ước tính, 1 cốc (337 gram) mật mía chứa đến 977 calo. Trong đó, phần lớn lượng calo đến từ đường, nhưng nước chấm này chứa rất ít chất béo bão hòa, cholesterol, natri. Với những thông tin này, bạn cần lưu ý về liều lượng khi sử dụng mật mía chế biến món ngon nhé.
Mật mía được bán ở nhiều cửa hàng, sạp chế phẩm ngoài chợ, nên bạn không khó để tìm mua cho mình một hũ mật đường từ mía để chế biến các món tráng miệng tại nhà. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tự nấu mật mía ở nhà để sử dụng khi cần. Hơn nữa, cách làm mật mía homemade còn giúp bạn kiểm soát được độ đậm đặc như mong muốn, không pha thêm bất kì hóa chất nào. Chúc bạn áp dụng công thức nấu ăn này thành công nhé.
Bích Tuyền dịch và tổng hợp