1. Vài nét về món bánh tro (bánh gio) trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ
1.1. Ý nghĩa và nguồn gốc bánh tro
Bánh ú nước tro tàu còn có tên gọi khác là bánh gio, vốn xuất thân từ món bánh zongzi của người Quảng Đông, Trung Quốc. Bánh zongzi được làm chủ yếu để phục vụ cho lễ hội thuyền rồng diễn ra vào ngày 5 tháng 5 âm lịch hằng năm ở đất nước này. Công thức bánh tro truyền thống của người Hoa có cả nhân mặn (thịt heo, trứng muối,…) và ngọt (nhân đậu xanh, đậu đỏ, khoai lang tím,…). Khi ăn, bạn có thể thưởng thức bánh tro với mật mía, nước đường, hoặc siro hương vị bất kì.
Ở Việt Nam, bánh tro là món ăn chủ yếu được bày biện trong mâm cúng Tết “diệt sâu bọ” (diễn ra cùng ngày lễ hội thuyền rồng Trung Quốc, và cũng trùng với ngày giỗ của mẹ Âu Cơ), ngày lễ lớn thứ 2 chỉ sau Tết Nguyên Đán. Theo quan niệm dân gian, bánh nếp tượng trưng cho vụ mùa bội thu, cho sự trù phú. Do đó, bánh xuất hiện trong mâm cúng được cho là có thể cầu sung túc, đánh đuổi sâu bọ để mùa màng không bị ảnh hưởng.
1.2. Tại sao lại dùng nước tro để ngâm gạo nếp làm bánh gio?
Nước tro tàu thực chất là một chất kiềm mạnh (Kali cacbonat) được sử dụng nhiều trong sản xuất bia và làm bánh tại nhà. Mục đích của việc dùng nguyên liệu này là để tăng độ pH của bột bánh. Nước tro cũng được sử dụng để làm món mì ramen truyền thống, tạo màu vàng đặc trưng, kết cấu dẻo dính và giúp ngăn ngừa bánh không bị tan rã trong nước dùng.
Ngoài ra, nước tro còn là nguyên liệu làm bánh trung thu của người Hoa, bánh mì Đông Âu, bánh mì tròn và một số loại bánh quy, để tạo màu nâu bóng phong phú cho bánh trong lúc nấu. Với bánh gio, nước tro tàu chính là “chìa khóa” để tạo nên vẻ ngoài trong mờ hấp dẫn hơn cho lớp vỏ nếp. Với sự trợ giúp của dung dịch kiềm này, kết cấu món bánh gạo ngọt ở trên mềm dai hơn.
2. Hướng dẫn làm bánh ú nước tro tàu nhân đậu xanh gói lá tre
2.1. Nguyên liệu
- Nửa kí gạo nếp vo sạch
- 100 gram đường trắng
- 1 muỗng canh nước tro tàu
- 200 gram hạt đậu xanh không vỏ (hoặc tự đãi vỏ)
- 1 thìa cà phê muối ăn
- 1 lít nước lọc
- Dụng cụ gói bánh: lá tre, lạt.
2.2. Cách làm bánh ú lá tro nhân đậu xanh truyền thống Tết Đoan Ngọ
2.2.1. Bước 1: Ngâm gạo nếp với nước tro tàu
- Cho gạo nếp đã vo vào thau nước muối pha loãng, ngâm ít nhất 5 tiếng. Nếu có thời gian, bạn ngâm gạo qua đêm cho mềm hạt nhé.
- Sau thời gian trên, vớt gạo ra cho ráo nước.
- Đổ 1 thìa muối ăn vào trộn đều với gạo. Đây là mẹo làm bánh nếp tro có độ dẻo mềm ngon hơn chứ không bị cứng.
- Cho nước tro tàu vào tô sạch, thêm nước lọc vào, khuấy đều.
- Gạo nếp trộn muối cho vào thau sạch, đổ nước tro tàu vào sao cho ngập gạo, xóc lên rồi dàn đều cho gạo ngấm nước tro.
- Ngâm gạo với nước tro trong 20 đến 22 tiếng đồng hồ.
2.2.2. Bước 2: Sên nhân đậu xanh
- Cho đậu xanh vào thau nước ấm, ngâm ít nhất 2 tiếng cho mềm.
- Sau thời gian trên, vớt đậu ra và cho vào nồi.
- Đổ nước lọc vào nồi, đủ để ngập đậu, bật bếp nấu.
- Bạn ninh đậu xanh với lửa nhỏ cho chín mềm và nhừ thì mới thêm đường vào khuấy đều.
- Khi này, nhớ lấy muỗng/ muôi gỗ vừa khuấy, vừa tán đậu xanh chín ra cho nhuyễn và tơi.
- Tắt bếp, đổ phần nước hầm đậu xanh đi. Cho đậu vào máy sinh tố, xay tốc độ cao cho nhuyễn mịn hoàn toàn.
- Đổ đậu xanh vừa xay vào chảo, bật chế độ lửa liu riu, sên cho đậu xanh sệt khô lại thì nêm nếm đường vừa miệng, rồi tắt bếp.
- Để nhân đậu xanh qua một bên, đợi nguội thì vo thành các viên tròn nhỏ khoảng hơn 1 đốt ngón tay một chút, để riêng. Trong lúc đó, bạn chuẩn bị lá tre để gói bánh tro nhé.
2.2.3. Bước 3: Cách gói bánh ú nếp tro bằng lá tre
- Trước khi gói bánh, bạn rửa từng lá tre, dây lạt cho sạch. Sau đó, bắc nồi nước sôi, cho lá tre, dây lạt vào chần để làm sạch và giúp lá có độ mềm, dai, thuận lợi gói bánh ú.
- Lấy 2 lá tre đã sơ chế xếp chồng lên nhau, rồi cuộn lại hình cái phễu như hình.
- Quét một lớp dầu dừa (hoặc dầu ăn cũng được) mỏng bên trong phễu lá tre để khi nấu, bánh không dính lá.
- Múc một ít gạo nếp ngâm nước tro vào phễu lá, rồi cho 1 viên nhân đậu xanh vào giữa. Sau đó, lắc nhẹ phễu cho gạo rải đều.
- Phủ tiếp lớp gạo nếp lên trên nhân đậu xanh cho kín đều, dùng ngón tay nhấn chặt nguyên liệu xuống.
- Lần lượt gấp các mép phễu lá vào trong cho kín, buộc cố định lại bằng dây lạt bên ngoài.
- Thực hiện tương tự với các phần bánh còn lại.
2.2.3. Nấu bánh tro (bánh gio) cho ngày Tết Đoan Ngọ
- Lấy nồi đủ lớn, đổ nước khoảng 3/4 nồi, nấu sôi.
- Sau đó, nhẹ nhàng cho các gói bánh ú tro đã gói vào nồi sao cho ngập nước.
- Nấu khoảng 1 – 2 tiếng là bánh gio chín đều, bạn vớt ra, xả nước lạnh để bánh chắc và ngon hơn.
- Khi ăn, bạn chỉ cần mở lá tre ra và thưởng thức hương vị món bánh độc đáo này. Đặc trưng của bánh gio Tết Đoan Ngọ là sự quyện hòa giữa vị thơm dẻo của vỏ nếp bên ngoài và độ ngọt bùi của nhân đậu xanh bên trong. Bạn có thể chấm kèm bánh ú với nước sốt mật ong, hoặc nước đường để món ăn thêm ngon miệng.
2.2.5. Những điều cần lưu ý khi chế biến và gói bánh tro đúng chuẩn
- Luộc lá tre trước khi gói giúp lá không bị gãy nếp trong suốt quá trình gói. Tuy nhiên, không nên đun sôi nước chần lá quá lâu. Nếu không, lá sẽ mất đi mùi thơm vốn có của mình và trở nên cực kì dai. Đồng thời, cũng sẽ không có vấn đề gì nếu bạn dùng lá tre đã được làm sạch và còn hơi ướt để bọc bánh tro.
- Không buộc bánh ú tro quá chặt, vì gạo sẽ còn nở ra trong quá trình nấu chín. Để buộc bánh gio, bạn vòng dây lạt chắc chắn quanh bánh 2 lần. Sau đó, cố định lại bằng 2 mối buộc là được.
- Nên chuẩn bị nhiều lá tre hơn yêu cầu để tránh trường hợp lá gãy, hư, không gói bánh được.
- Không dùng lá tre bị đục lỗ, vì chúng có thể làm cho nước thấm vào bánh gio trong quá trình luộc.
- Hãy chắc chắn bánh tro ngập trong nước suốt quá trình nấu.
2.2.6. Cách bảo quản bánh ú tro để được lâu cúng Tết Đoan Ngọ
Người Việt thường có thói quen tặng bánh, trái sau khi bày cúng Tổ tiên để bày tỏ tấm thiện tình với người thân, bạn bè, xóm giềng, vào ngày Tết Đoan Ngọ cũng thế. Do đó, các món ăn ngày lễ này cần được chế biến sao cho để được lâu, khi biếu tặng người thân thì sau vài ngày vẫn thưởng thức được hương vị thơm ngon nhất của bánh.
Thông thường, nếu để bánh ú chưa mở ở nhiệt độ phòng thì có thể bảo quản được 4 – 5 ngày. Sau thời gian này, bánh có thể bị hư hỏng, ẩm mốc,…Do đó, nếu muốn dùng bánh với thời hạn lâu hơn, bạn nên cho vào ngăn mát tủ lạnh. Khi dùng, lấy bánh ra hấp nóng lại là mềm thơm như ban đầu.
Mẹo: Để lưu trữ bánh gạo nếp giữ được lâu hơn, bạn nên đặt bánh vào trong một túi nhựa sau khi nguội và để trong ngăn đông bảo quản vô thời hạn.
3. Hướng dẫn làm bánh gio (tro) chấm mật mía gói lá dong
3.1. Nguyên liệu
- 350 gram gạo nếp (đã vo sạch và ngâm, trộn muối tương tự công thức ở trên)
- 8 nhánh lá dong (rửa sạch, chần nước sôi, để ráo nước)
- 1 thìa cà phê muối ăn
- 1,5 lít nước tro tàu
- 2 muỗng canh mật mía
3.2. Cách gói bánh ú tro bằng lá dong chấm mật mía
- Đợi gạo trộn muối ráo bớt nước, bạn cho vào thau sạch, đổ nước tro tàu vào ngâm ít nhất 4 giờ.
- Công đoạn gói bánh gio: Bạn lấy 2 lá dong khô xếp lên nhau và hướng mặt gân lá hướng lên trên. Sau đó, dàn đều gạo nếp đã ngâm nước tro theo chiều dọc lá. Bắt đầu cuộn tròn lá dong lại theo chiều dọc, bao kín lớp gạo bên trong. Kế đến, buộc dây lạt cố định mối cuộn, gập một đầu lá dong lại và buộc tiếp dây lạt. Đặt gói bánh thẳng đứng lên, lắc nhẹ cho gạo dàn đều bên trong gói lá, tiếp tục gấp đầu lá còn lại và buộc dây lạt. Về cơ bản, các bước gói bánh ú tro này tương tự cách gói bánh tét của người miền Nam vậy.
- Xếp các đòn bánh gio vừa gói vào đáy nồi đủ lớn, đổ nước sao cho ngập nồi. Bắc bếp, luộc bánh từ 2 – 2,5 tiếng là chín mềm. Trong suốt quá trình nấu, nếu thấy nước cạn thì bạn nhớ châm thêm nước nhé. Nếu không, bánh sẽ bị sống sượng và nhanh hư.
- Sau khi luộc bánh chín, vớt ra ngâm nước lạnh, rồi treo lên cho nhanh ráo nước.
- Khi ăn, lột bỏ lớp vỏ lá dong, cắt bánh thành từng khúc nhỏ và thưởng thức cùng mật mía nhé.
4. Công thức nấu bánh tro nhân đậu đỏ
4.1. Nguyên liệu
- Phần nguyên liệu làm bánh ú tro nhân đậu đỏ: 255 gram đậu đỏ, 3 cốc nước lọc, 1 thìa cà phê bột baking soda (muối nở), đường cát (điều chỉnh theo khẩu vị), chén dầu thực vật.
- Phần nguyên liệu vỏ bánh: 2 chén gạo nếp, 1 muỗng canh nước tro tàu, 1 muỗng canh dầu thực vật, 30 – 40 lá tre khô, dây lạt.
- Nguyên liệu thêm: 1 thìa cà phê nước tro tàu.
4.2. Cách làm bánh ú tro nhân đậu đỏ
4.2.1. Làm nhân đậu đỏ
- Ngâm đậu đỏ trong nước sạch 2 – 3 giờ, sau đó, rửa sạch, để ráo nước.
- Cho đậu đỏ vào nồi vừa, thêm 3 chén nước và bột muối nỏ vào khuấy đều. Bắc nồi lên bếp, đậy nắp, đun lửa lớn.
- Đến khi nước sôi, hạ lửa liu riu ngay để ninh đậu đỏ nửa tiếng cho chín mềm ra. Trong lúc nấu, nhớ khuấy đều để hạt đậu không dính dưới đáy nồi, hoặc bị khét nhé.
- Đậu ninh mềm thì tắt bếp, vớt ra rổ.
- Đổ toàn bộ hạt đậu đỏ vừa hầm vào máy sinh tố, xay nhuyễn.
- Tiếp tục cho phần đậu vừa xay vào chảo, sên với lửa vừa, khuấy liên tục. Quá trình sên đậu đỏ mất 25 – 30 phút, sau đó, thêm đường vào đảo cùng và nêm nếm theo khẩu vị.
- Sên đậu đến khi thành hỗn hợp quánh dẻo lại thì thêm dầu thực vật vào trộn cùng, tắt bếp, chia thành 2 mẻ.
- Đợi 2 mẻ đậu đỏ vừa sên nguội thì cho vào hộp, đậy nắp, bỏ vào ngăn mát tủ lạnh.
4.2.2. Ngâm gạo và lá tre (thực hiện ngay từ đêm trước khi gói bánh)
- Vo gạo sạch nhiều lần cho đến khi nước ngâm trong vắt chứ không còn đục.
- Chuyển gạo vào cái tô lớn, thêm lượng nước lạnh vừa đủ để cao hơn gạo khoảng 3 cm.
- Trong 1 chén nhỏ, khuấy nước tro tàu với dầu thực vật. Sau đó, đổ hỗn hợp này vào tô gạo, đậy nắp, cho vào tủ lạnh, ngâm qua đêm. Một khi ngấm dung dịch này, cả gạo nếp và nước ngâm sẽ chuyển sang màu vàng nhạt.
- Trong một cái chậu lớn, bạn cho lá tre vào ngâm nước qua đêm. Nhớ dùng vật nặng đè lá ngập xuống nước để mềm hết toàn bộ lá nhé.
4.2.3. Làm bánh ú tro gói nhân đậu đỏ
- Vớt lá tre ra, dùng khăn khô lau sạch từng mặt lá.
- Cắt bớt khoảng 2 cm phần gốc lá tre (đây là gân lá dư rất cứng, khó gói bánh), để qua một bên.
- Lấy gạo đã ngâm ra khỏi tủ lạnh, chắt bỏ nước.
- Lấy phần bột đậu đỏ đã sên dẻo mịn ra, chia thành 15 khối nhỏ kích thước bằng nhau, vo viên tròn.
- Bạn xếp 2 lá tre ngược đầu và xếp chồng lên nhau, cuốn lại hình nón.
- Múc 1 muỗng gạo nếp vào khuôn lá, rồi cho viên đậu đỏ lên trên, đổ gạo tiếp lên cho đầy. Sau đó, thực hiện các bước gói bánh ú nước tro tàu như ảnh bên dưới.
4.2.4. Nấu bánh tro ngọt nhân đậu đỏ
- Trong 1 cái nồi lớn, xếp các gói bánh tro gọn gàng, đổ đầy nước, ngập các gói bánh khoảng 3 cm.
- Cho phần nước tro tàu ở nguyên liệu thêm vào nồi, úp một cái tô lớn bằng sành/ sứ ngược xuống để nén chặt các gói bánh ngập dưới nước.
- Đun nước sôi, sau đó, hạ lửa ở mức trung bình để nấu chậm bánh tro trong 2,5 giờ.
- Kiểm tra nước định kì, bánh chín thì vớt ra.
5. Cách làm bánh tét nước tro nhân mặn truyền thống của người Hoa
Gọi là “bánh tét nước tro” vì nguyên liệu phần nhân sử dụng có cả phần thịt, trứng muối, đậu,…giống bánh tét. Nhưng khi gói bánh, hình dạng vẫn là tam giác. Đây là một loại bánh ú nhân mặn với phần gạo nếp được ngâm nước tro tàu để có màu vàng bắt mắt và đặc trưng. Mời bạn cùng đến với công thức dưới đây để thực hiện công thức bánh này nhé.
5.1. Nguyên liệu
- 80 miếng lá tre (đã ngâm nước, luộc sơ, lau sạch)
- 1 bó dây lạt (ngâm nước và phơi ráo)
- 2 kg gạo nếp (ngâm nước 1 tiếng cho mềm, để ráo)
- 250 gram đậu trắng (ngâm nước 2 tiếng cho mềm)
- 1/4 thìa cà phê nước tro tàu (đổ vào thau ngâm với gạo nếp)
- Nguyên liệu làm nhân: 1,5 kg thịt nạc đùi gà, 100 gram nấm hương (ngâm nước cho nở mềm), 100 gram tôm khô (ngâm nước và để ráo, rang chín), 100 gram hạt dẻ khô (ngâm nước và luộc cho mềm), 20 lòng đỏ trứng muối (hấp chín, cắt đôi) và 6 muỗng canh tỏi băm, 300 gram đậu xanh tách vỏ (ngâm nước 3 giờ).
- Nguyên liệu làm nước xốt ướp thịt gà: 1 muỗng canh dường trắng, 1 thìa cà phê muối ăn, 1 thìa cà phê bột ngũ vị hương, 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh dầu mè, 1 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng canh hắc xì dầu, 1 muỗng canh bột ngô, 1 thanh quế, 2 cái hoa hồi.
- Gia vị ướp đậu xanh: 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê tiêu xay.
- Gia vị ướp đậu trắng: 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê tiêu xay.
- Gia vị ướp gạo: 1 muỗng canh đường, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê bột ngũ vị hương, 1 thìa cà phê tiêu xay, 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh hắc xì dầu.
Lưu ý: Nếu không có hắc xì dầu, bạn thay thế bằng nước tương với liều lượng tương ứng.
5.2. Các bước làm bánh tét ú nước tro tàu nhân mặn kiểu truyền thống Trung Quốc
5.2.1. Làm nhân bánh tro mặn
- Cắt thịt gà thành các khối nhỏ kích cỡ khoảng 3 cm. Sau đó, trộn với các nguyên liệu làm nước xốt ướp, bọc màng thực phẩm để trong tủ lạnh ít nhất 1 tiếng.
- Bắc chảo, cho ít dầu thực vật và đun nóng. Sau đó, cho phần thịt gà đã ướp và chiên nhanh cho chín đều thì tắt bếp, để riêng.
- Nấm ngâm mềm thì vớt ra cho ráo nước hoàn toàn. Bắc chảo dầu nóng, cho nấm vào xào chín đều. Đến khi nấm hơi nâu và săn lại thì tắt bếp, để qua một bên.
- Với hạt dẻ khô, sau khi ngâm thì cho vào nồi nước sôi luộc chín mềm. Sau đó, vớt hạt dẻ ra cho ráo nước. Tiếp tục thực hiện công đoạn chiên hạt dẻ như nấm hương cho đến khi chuyển màu hơi nâu vàng thì tắt bếp, để riêng.
- Đậu xanh sau thời gian ngâm thì vớt ra, đợi ráo nước, cho gia vị ướp vào, xóc đều.
- Sau đó, bắc chảo nóng, cho tỏi băm vào phi thơm. Đổ phần đậu xanh đã ướp gia vị vào xào cho đến khi dậy mùi thơm và chín đều thì tắt bếp, để riêng. Bạn thực hiện tương tự với đậu trắng.
5.2.2. Sơ chế gạo nếp làm vỏ bánh ú nước tro tàu
- Gạo nếp sau khi ngâm nước tro tàu thì cũng vớt ra, đợi khô nước thì cho gia vị ướp vào xóc đều. Trộn cho đến khi các nguyên liệu hòa quyện với nhau.
- Bắc chảo, cho tỏi với dầu ăn vào phi thơm. Kế đến, cho gạo nếp đã nêm gia vị vào xào sơ trong 2 phút.
- Nấu đến khi gạo dậy mùi thơm nồng thì cho đậu trắng đã xào chín vào đảo đều thêm 2 – 3 phút nữa.
- Điều chỉnh gia vị lần nữa cho vừa miệng, rồi bắc xuống bếp, đặt qua một bên.
5.2.3. Gói bánh ú nếp tro nhân mặn
- Sau khi chần nước sôi, bạn cắt bỏ phần gân dư ra của lá tre nhé. Tiếp đến, ngâm cả lá tre và dây lạt vào thau nước lạnh qua đêm cho chắc chắn.
- Để bọc bánh ú, bạn xếp 2 lá tre đan chồng theo hướng ngược lên nhau (phần đầu lá trên trùng với phần đuôi lá dưới). Đồng thời, lá ở trên hướng phần mặt nhẵn (mặt trong) lên trên.
- Gấp 2 lá tạo thành hình nón.
- Múc 1 muỗng canh gạo nếp đậu trắng vào, lắc nhẹ cho đầy 1/3 “nón lá tre”. Đồng thời, dùng muỗng nhỏ nhấn chặt nếp xuống.
- Thêm 1 muỗng thịt gà, nấm xào, hạt dẻ và nửa lòng đỏ trứng muối, 1 thìa cà phê tôm khô, 1 muỗng canh đậu xanh xếp lên trên gạo.
- Múc tiếp gạo nếp đậu trắng phủ lên trên phần nhân, cho đến khi chạm mép nón.
- Dùng muỗng nhấn nhẹ nếp xuống và dàn đều.
- Lần lượt gấp các mép lá tre bên cạnh hình nón để che kín phần nguyên liệu bên trong. Tiếp tục gấp mép lá tre phủ các mặt tam giác của gói bánh cho đến hết lá.
- Ở đầu tam giác cuối lá, gấp 2 đầu sang trái hoặc phải để đảm bảo gói bánh tro đã được bọc chắc chắn.
- Buộc dây lạt cố định gói bánh.
- Cắt bỏ phần lá tre và dây lạt thừa, chuẩn bị luộc bánh.
5.2.4. Luộc bánh ú nếp nước tro tàu nhân mặn
- Bắc nồi nước lớn đun sôi, thêm 1 thìa cà phê muối ăn vào.
- Lần lượt thả nhẹ nhàng các gói bánh ú vào nấu chín.
- Khoảng 2 – 3 giờ sau, bánh chín hoàn toàn, bạn vớt bánh ra ngâm nước lạnh, rồi phơi lên giàn cho ráo nước.
6. Bà bầu có nên ăn bánh ú nước tro tàu hay không?
Bánh nếp tro được làm với nguyên liệu không thể thiếu là gạo nếp. Gạo nếp chứa folate và một số vi lượng giúp tăng cường bổ sung máu, năng lượng mà phụ nữ mang thai cần. Thế nên, bà bầu vẫn có thể ăn bánh gio, nhưng với liều lượng phù hợp. Bởi, 1 chiếc bánh gio chứa hàm lượng calories khá cao, nhất là phiên bản bánh dùng nhân thịt heo, đậu, trứng muối. Nếu hấp thụ thức ăn với hàm lượng calo quá cao sẽ gây tăng cân đột ngột. Đồng thời, điều này cũng dễ dẫn đến tình trạng khó tiêu, hại cho dạ dày.
Một chiếc bánh tro kích cỡ trung bình bằng 1/3 lượng calo mà cơ thể cần hấp thụ trong 1 ngày. Do đó, nếu có ý định thay thế bánh tro cho bữa ăn sáng, trưa hoặc tối, bạn chỉ nên dùng một nửa, hoặc 1/3 bánh thôi nhé. Đồng thời, kết hợp ăn kèm nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường chất xơ, chống táo bón. Với phụ nữ mang thai thì không nên ăn bánh nếp thường xuyên mỗi ngày. Theo đó, bà bầu cần ăn đa dạng thực phẩm để bồi bổ đủ dưỡng chất nuôi bé trong bụng khỏe mạnh.
7. Một cái bánh ú tro bao nhiêu calo?
Món bánh tro truyền thống của người Hoa (zongzi) chủ yếu được làm từ gạo nếp với thịt lợn béo, lòng đỏ trứng, giăm bông, đậu xanh,…Trong đó, thịt heo chứa nhiều axit béo và cholesterol, đậu thì chứa nhiều đường. Trung bình, một chiếc bánh ú nước tro nhỏ nhắn bao gồm nhân thịt, đậu như trên chứa từ 1000 – 1400 calo. Tuy nhiên, có nhiều phiên bản bánh tro với phần nhân khác nhau. Chỉ tính riêng 1 chén nước tro tàu chứa 200 – 300 calo. Thế nên, nếu gói bánh tro không nhân thì hàm lượng calories có thể chỉ còn 500 kcal.
Cách làm bánh ú tro với những hướng dẫn chi tiết từng bước trên đây là một công thức nấu ăn dễ thực hành tại nhà. Đây là món bánh được dùng để cúng ngày Tết Đoan Ngọ truyền thống của người Việt, vốn bắt nguồn từ món bánh zongzi của Trung Quốc. Một điểm cần lưu ý là bạn có thể bọc bánh gio với nhiều nguyên liệu theo sở thích. Hy vọng bạn sẽ hài lòng với bài viết hôm nay Webnauan.vn chia sẻ, và chúc bạn thực hiện thành công!
Thùy Trâm dịch và tổng hợp