1. Cách làm rượu nếp cẩm như thế nào ngon đúng chuẩn Tết Đoan Ngọ?
1.1. Nguyên liệu
Nhiều người thường nghĩ cách làm rượu nếp cẩm rất khó, nên hầu hết mua bên ngoài. Trên thực tế, cách ngâm và ủ cơm rượu tại nhà lại cực kì đơn giản. Điều quan trọng trước tiên bạn cần nắm vững là tỷ lệ các nguyên liệu sử dụng. Theo đó, kỹ thuật ủ rượu nếp cẩm chuẩn nhất dùng các thành phần sau đây:
- Gạo nếp cẩm: nửa kí
- Men ủ cơm rượu: 1,5 cái
- Rượu trắng (rượu Đế) nguyên chất trên 40 độ: 0,5 lít
- Dụng cụ làm cơm rượu nếp cẩm: Lá chuối (hoặc thay thế bằng lá sen để có mùi thơm), bình thủy tinh có nắp.
Mẹo chọn gạo nếp cẩm: Khi chọn nếp cẩm ủ cơm rượu, bạn nên chọn những hạt gạo có độ tròn, mẩy đồng đều với nhau. Đồng thời, tránh chọn hạt gạo lép, nứt vỡ nhé. Ngoài ra, mua loại gạo còn nguyên lớp vỏ cám bên ngoài để tận dụng nguồn vitamin B chứa dồi dào ở phần nguyên liệu này.
1.2. Cách làm cơm rượu nếp cẩm cay nồng, thơm ngon đúng chuẩn
1.2.1. Ngâm gạo nếp cẩm
- Với nếp cẩm, bạn cần cho vào thau nước sạch, ngâm ít nhất 8 – 10 giờ đồng hồ. Thông thường, bạn chỉ cần ngâm gạo từ đêm hôm trước, sáng hôm sau có thể bắt đầu ủ cơm rượu được rồi. Bước ngâm nước này giúp hạt gạo nở ra mềm hạt hơn, dễ chế biến.
- Sau thời gian ngâm, bạn đến công đoạn vo gạo. Ở bước này, bạn nhớ nhặt sạch những hạt nào hư, hoặc lép nhé. Giữ lại phần gạo hạt mẩy đều nhau thì khi nấu sẽ ngon và đẹp mắt hơn.
1.2.2. Nấu cơm gạo nếp cẩm bằng nồi cơm điện
- Nếp cẩm sau khi vo sạch thì bạn cho vào nồi cơm điện.
- Châm nước sạch vào nồi, dàn mặt gạo ra cho đều. Bạn cần đổ mực nước sao cho xâm xấp mặt gạo nhé.
- Đậy nắp nồi cơm điện và bắt đầu nấu.
Mẹo: Trong lúc nấu, nếu thấy ít nước và cơm hơi khô, bạn có thể châm thêm nước sạch vào nồi nhé. Tiếp theo, ấn nút “Cook” nấu cho gạo chín mềm, mà không nhão là được.
- Nếp cẩm chín thì bạn ngắt điện nồi cơm, rồi xới ra một cái mâm đã được làm sạch và phơi ráo.
- Dàn cơm thành một lớp thật mỏng, dùng muôi đánh tơi cơm.
1.2.3. Trộn men cái với cơm nếp cẩm
- Bạn lấy men cái ra, làm sạch lớp vỏ trấu bên ngoài. Tiếp đến, cạo lớp vỏ nâu cho sạch, rồi thả vào cối, giã cho nhuyễn. Sau đó, chia bột men vừa giã thành 2 phần bằng nhau.
- Đợi lớp cơm nếp cẩm bớt nóng, còn hơi ấm ấm thì bạn lấy phần bột men thứ nhất và rắc đều lên lớp cơm. Vừa rải men, bạn vừa xới trộn cơm cho hòa quyện với men.
- Tiếp tục lấy phần men còn lại rải đều lên và trộn chung với cơm. Cách này sẽ giúp men cái trộn cơm đều hơn, không bị sót.
1.2.4. Cách ủ nguyên liệu làm rượu nếp cẩm đúng chuẩn
- Bạn cho toàn bộ phần cơm đã trộn với men rượu vào bình thủy tinh.
Lưu ý: Nên tiệt trùng kỹ bình thủy tinh trước khi ủ cơm rượu, để tránh các loại vi khuẩn, vi sinh vật kí sinh, gây ngộ độc.
- Lấy nắp bình, hoặc bọc nilon bọc kín miệng bình lại.
- Lấy một cái khăn sạch phủ lên trên bình, bắt đầu quy trình ủ cơm rượu nếp cẩm lên men. Để đảm bảo thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất, bạn nên đặt bình cơm rượu ở nơi có nhiệt độ thoáng, mát và không thay đổi nhé.
- Canh khoảng 2 đến 3 ngày sau, bạn mở bình và kiểm tra xem cơm rượu nếp cẩm đã ủ có độ chua nồng như mong muốn chưa. Nếu chưa đạt, tiếp tục đậy bình và ngâm 1 – 2 ngày nữa.
- Sau thời gian trên, bắt đầu đổ rượu trắng vào bình cơm rượu, ngâm thêm từ 15 đến 17 ngày nữa.
- Khi này, quan sát thấy phần cơm được tiêu hủy dạng bột trắng, đọng lại dưới đáy bình thì đổ hỗn hợp qua rây để lọc bỏ phần cái. Riêng với nước rượu nếp, đổ lại vào bình, tiếp tục bọc kín miệng bình và ngâm 12 – 15 ngày nữa để lên men đúng chuẩn.
- Cuối cùng, chỉ cần lấy rượu nếp ra và thưởng thức. Với cách ủ rượu nếp cẩm tự làm này, bạn cần thực hiện trước ngày Tết Đoan Ngọ hơn 1 tháng để kịp sử dụng với hương vị ngon nhất nhé.
1.3. Yêu cầu thành phẩm cho món rượu nếp cẩm tự làm đúng cách
Nếu ủ đúng cách, đúng thời gian, thành phẩm rượu nếp cẩm thu được sẽ mang đặc trưng hương nồng cay dịu của rượu và hơi ngọt diu, không gắt. Với những ai không dùng được vị rượu quá nồng này, có thể pha thêm ít nước đường. Hoặc, khi tiết trời nóng bức, bạn có thể biến rượu nếp thành thức uống đá lạnh dùng để giải nhiệt cũng rất tốt.
1.4. Những lưu ý về việc chọn tỷ lệ nguyên liệu ngâm rượu nếp cẩm đúng chuẩn
Việc chọn tỷ lệ nguyên liệu ủ cơm rượu nếp rất quan trọng. Bởi vì, nếu dùng men cái nhiều hơn tiêu chuẩn có thể dẫn đến cơm rượu dễ bị chua. Ngược lại, nếu men dùng không đủ để lên men thì cơm rượu có thể bị sượng, nhanh mốc. Theo kinh nghiệm ngâm rượu nếp cẩm của người xưa, nếu dùng 1 kg nếp thì bạn cần 50 gram men. Lượng men rượu này tương ứng với khoảng 12 – 15 cái tùy loại. Khi mua men, bạn nên hỏi người bán loại men rượu làm từ thuốc Bắc nhé. Loại men này an toàn, ủ cơm rượu dễ thành công và hương vị thơm ngon nhất.
1.5. Rượu nếp cẩm ngâm bao lâu?
Tiêu chuẩn, nếu làm cơm rượu nếp cẩm đúng cách, bạn chỉ cần ngâm khoảng 3 – 5 ngày là thành phẩm có vị chua nồng đặc trưng. Cơm rượu ngâm càng lâu thì độ chua càng cao và “dễ say”, mặc dù nồng độ cồn của món ăn này khá thấp. Nhờ đặc điểm này nên đây là một trong những gợi ý Tết Đoan Ngọ ăn gì để “giết sâu bọ” một cách nhanh chóng và hiệu quả theo quan niệm dân gian. Với phụ nữ, bạn có thể kết hợp cách làm yaourt nếp cẩm để dễ tiêu hóa món ăn này hơn.
Thời gian ủ cơm rượu còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Vào những ngày mùa hè nóng bức thế này, bạn chỉ cần lên men cơm rượu 2 – 3 ngày là dùng được rất ngon. Còn vào ngày trời lạnh, nhiệt độ môi trường thấp hơn thì thời gian ngâm cơm rượu cũng lâu hơn.
2. Hướng dẫn cách ngâm rượu nếp cẩm với trứng gà hạ thổ
2.1. Nguyên liệu
Rượu nếp cẩm ngâm trứng gà là cách giúp bạn hấp thụ món ăn ngày Tết Đoan Ngọ này bớt nóng và đảm bảo chất lượng hơn. Trước hết, hãy chuẩn bị các nguyên liệu sau:
- Trứng gà chọi (hoặc gà tre): 10 cái (rửa nước sạch, để ráo)
- Cơm rượu nếp cẩm ngâm được 3 ngày: lấy 3 kg (Bạn thực hiện theo mục 1.2 ở trên)
- Rượu nếp trắng (loại đã được tinh lọc các chất độc tố): 7 – 8 lít
- Mật ong rừng nguyên chất: 50 ml
- Dụng cụ làm rượu nếp cẩm ngâm trứng gà: bình làm bằng thủy tinh (đã tiệt trùng) dung tích 12 – 15 lít.
2.2. Hướng dẫn cách làm rượu nếp cẩm ngâm trứng gà hạ thổ
- Trong bình thủy tinh ủ cơm rượu nếp 2 – 3 ngày, bạn xới lên và xếp trứng gà ở giữa. Bước này thực hiện nhẹ nhàng để trứng không nứt, vỡ nhé.
- Đổ rượu trắng vào bình, rồi cho mật ong vào cuối cùng.
- Bịt kín miệng bình rồi phủ vải bên ngoài, ủ liên tục 3 tháng.
Lưu ý: Ngâm rượu nếp với trứng gà hạ thổ theo kiểu truyền thống là bạn chôn bình xuống đất để ủ. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện, có thể phủ khăn như cách thông thường.
- Sau thời gian này, bạn có thể chắt riêng rượu nếp cẩm tương tự mục 1.2 ở trên hướng dẫn, để riêng trứng gà. Với rượu nếp, bạn dùng để uống hoặc kết hợp nguyên liệu khác làm mặt nạ dưỡng da mặt rất hiệu quả. Tuy nhiên, không nên sử dụng nhiều. Rượu nếp ngâm trứng và mật ong có vị ngọt dễ hấp thụ hơn so với cách làm thông thường. Với trứng gà ngâm rượu nếp thì có thể bạn có thể dùng chế biến món ngon cho bữa cơm hàng ngày.
3. Ăn rượu nếp cẩm có tác dụng gì và có gây nóng không?
3.1. Công dụng của cơm rượu nếp cẩm
Theo thông tin từ các chuyên gia sức khỏe uy tín trong ngành, cơm rượu nói chung, cơm rượu nếp cẩm nói riêng nếu sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, sẽ đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cụ thể:
- Cơm rượu nếp giúp tăng cường một số vitamin (nhất là vitamin B1) cần thiết cho cơ thể. Từ đó, hỗ trợ hoạt động co bóp cơ tim và điều hòa lưu thông máu, kích thích hệ tiêu hóa tốt hơn (Theo lời bác sĩ Trần Viết Hoàng, chủ nhiệm của khoa Y học cổ truyền, thuộc Bệnh viện Quân y 175, TPHCM).
- Gạo nếp cẩm có chứa hàm lượng anthocyanin đáng kể, có tác dụng ngăn ngừa một số vấn đề liên quan bệnh tim mạch, ung thư. Đây là loại gạo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Trong Đông y, các sản phẩm từ gạo nếp cẩm được khuyến khích sử dụng đối với bệnh nhân tiền sử bị hạ đường huyết có biểu hiện kháng thuốc điều trị.
- Cơm rượu nếp nói chung, cơm rượu nếp cẩm nói riêng, giúp mẹ sau sinh lợi sữa. Đồng thời, kết hợp sữa chua với nếp cẩm giúp làm đẹp da, hỗ trợ giảm cân hiệu quả (Theo bác sĩ Nguyễn Trương Minh Thế, chuyên khoa Y học cổ truyền, giảng viên Đại học Y dược TPHCM).
3.2. Ăn rượu nếp cẩm có nóng không?
Rượu nếp cẩm là sản phẩm được chế biến bằng phương pháp lên men. Do đó, nếu ăn cơm rượu, hoặc uống rượu sữa nhiều, với vị cay se se, hơi nóng nồng và ngọt dịu, sẽ không tốt cho sức khỏe. Mỗi ngày, bạn chỉ lên dùng khoảng 1 chén nhỏ để tận dụng các lợi ích của cơm rượu đối với sức khỏe. Để giảm độ cay, nóng này, bạn có thể kết hợp thêm sữa chua. Sự kết hợp rượu nếp cẩm với sữa chua sẽ làm nên thức uống giải nhiệt mùa hè cực hấp dẫn. Bạn có thể tham khảo cách làm sữa chua nếp cẩm để áp dụng nhé.
3.3. Bà bầu có ăn/ uống rượu nếp cẩm được không?
Theo các thông tin khoa học đã cung cấp ở trên, bà bầu có thể ăn cơm rượu nếp cẩm, hoặc uống rượu sữa chiết xuất từ sản phẩm này. Thế nhưng, mẹ bầu chỉ nên sử dụng thật ít. Mỗi ngày, phụ nữ mang thai chỉ nên dùng khoảng nửa chén cơm rượu, hoặc 1 ly nhỏ rượu nếp. Đồng thời, không dùng cơm rượu thường xuyên để tránh tác dụng phụ. Ngoài ra, nên dùng kết hợp sữa chua để món ăn dễ tiêu hóa, lại có lợi ích làm đẹp da. Ngay khi có dấu hiệu bất thường do sử dụng cơm rượu, rượu nếp ủ, mẹ bầu cần ngưng ngay. Đồng thời, đến các phòng khám chuyên khoa để theo dõi tình trạng sức khỏe nhé.
4. Kỹ thuật bảo quản rượu nếp cẩm tự làm đúng cách, để được lâu
Tùy thuộc vào cách bảo quản rượu nếp cẩm mà bạn có thể để dành thành phẩm sử dụng ít nhất vài tháng. Thậm chí, có thể dùng đến cả năm. Theo đó, mẹo bảo quản rượu nếp cẩm đúng chuẩn để dùng được lâu, không nổi váng như sau.
4.1. Cách chọn dụng cụ bảo quản cơm rượu nếp cẩm tự làm tại nhà
- Chứa rượu nếp bằng các dụng cụ làm cơm rượu bằng thủy tinh, hoặc sành, sứ. Các vật dụng này cần được tiệt trùng kỹ với nước đun sôi trước khi ủ, hoặc đựng rượu nếp. Bởi vì, quá trình lên men cơm rượu phát sinh nhiều vi sinh vật (có lợi), nếu có vi khuẩn độc hại xâm nhập sẽ khiến quá trình ngâm không thành công. Thậm chí, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng thành phẩm, dễ dẫn đến ngộ độc.
- Hơn nữa, cần đặc biệt tránh các dụng cụ làm bằng nhựa, để hạn chế các phản ứng hóa học có thể xảy ra suốt quá trình ủ cơm rượu nếp cẩm.
4.2. Lưu ý về nhiệt độ, nơi bảo quản rượu nếp cẩm đúng chuẩn
- Đặt bình chứa rượu nếp ở nơi nhiệt độ luôn giữ mức ổn định (25 – 27 độ C), tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào.
- Đồng thời, đậy vật chứa thật kỹ và cẩn thận.
Cách làm cơm rượu nếp cẩm rất đa dạng. Các kỹ thuật ủ cơm rượu đã được biến đổi nhiều theo thời gian, theo đặc điểm từng vùng miền tiếp cận. Trong đó, có 2 công thức cơ bản nhất: sử dụng thêm rượu trắng hoặc không. Với công thức ủ cơm với rượu trắng, thành phẩm bạn đạt được chính là đặc sản rượu sữa chúng ta thường dùng nhân dịp Tết Đoan Ngọ về. Cách làm rượu nếp cẩm đúng chuẩn cần thực hiện từng bước theo hướng dẫn cơ bản như trên. Nhờ đó, món ngon của bạn mới đảm bảo bổ dưỡng, không gây hại cho sức khỏe như các sản phẩm không rõ nguồn gốc bày bán bên ngoài. Tự ủ cơm rượu tại nhà cũng là cách để bạn lưu giữ nét đẹp truyền thống này của văn hóa dân tộc mình.
Trúc Nguyễn tổng hợp