1. Bánh ngải cứu là gì?
Cách làm bánh từ ngải cứu là công thức món ăn độc đáo, mang đậm chất văn hóa ẩm thực của người Tày ở vùng Cao Bằng và Lạng Sơn. Đến khám phá nơi sinh sống của người Tày, khách du lịch thập phương không quên thưởng thức món bánh được làm từ loại lá quen thuộc.
Bánh ngải có màu xanh và cách làm gần giống với bánh dày. Tuy nhiên, với sự khéo léo và thông minh của mình, người phụ nữ Tày đã kết hợp lá ngải cứu và gạo nếp, tạo nên một loại bánh vừa thơm ngon, lại có khả năng chữa được nhiều bệnh. Thứ hấp dẫn thực khách nhất có lẽ màu màu sắc của bánh ngải. Bánh hình tròn, dẹt, mỏng như bánh giày, màu xanh thẫm, bọc trong lá chuối cũng xanh nõn. “Ngoại hình” bánh cuốn hút đến mức chỉ nhìn thôi, người ta đã cảm nhận được sự mát lành, dịu dàng của món ngon.
Nhân bánh ngải cứu thường được làm từ vừng đen. Hạt mè xứ Lạng, vùng Cao bóng mẩy, màu đen nhánh, rang lên thơm lừng cả góc bếp. Mới nghe mô tả thôi, đã thấy món bánh ngải quá chừng hấp dẫn rồi, đúng không nào! Giờ thì hãy cùng trangnauan.com khám phá các bước thực hiện món ăn ngon độc đáo này nhé.
2. Cách làm bánh ngải cứu Lạng Sơn nhân mè đen mịn ngon tại nhà
2.1. Nguyên liệu
- 5 gram vôi bột + 1 tô nước sạch
- 350 gram lá ngải cứu tươi đã rửa sạch
- 400 gram bột gạo nếp
- 20 gram đậu phộng
- 20 gram hạt vừng đen
- 200 gram đường thốt nốt (hoặc đường phên Tây Bắc)
- 20 gram cơm dừa khô nạo sợi
- Dụng cụ để làm bánh: lá chuối, nồi hấp cách thủy, tô, muỗng, thau
2.2. Cách làm bánh lá ngải cứu nhân mè đen dai ngon đúng chuẩn Lạng Sơn
2.1.1. Cách sơ chế lá ngải cứu giữ màu xanh bằng nước vôi trong khử vị đắng
- Cho vôi bột vào thau nước sạch, quậy đều cho vôi tan. Để khoảng 15 phút cho vôi lắng cặn xuống đáy thau, chắt riêng phần nước vôi trong bên trên ra nồi riêng.
- Cho lá ngải cứu vào nồi nước vôi trong, nhấn rau ngập nước, ngâm 10 phút. Sau đó, bật bếp, để lửa lớn, nấu lá ngải 1 tiếng cho chín mềm.
Lưu ý: Luộc lá ngải bằng nước vôi trong giúp cho lá nhanh chín nhừ ra mà vẫn giữ được màu xanh tươi nguyên vẹn.
2.2.2. Cách làm vỏ bánh ngải cứu Lạng Sơn mềm dai
- Sau khi luộc, vớt lá ngải ra, rửa lại nước lạnh cho sạch. Để lá ngải ráo nước, cho lên thớt, cắt nhỏ.
- Bắc chảo vừa lên bếp, cho lá ngải ráo nước vào chảo, rang cho đến khi lá khô hoàn toàn thì tắt bếp. Mục đích của bước này là giúp loại bỏ vị đắng trong lá ngải.
- Sau khi rang, cho lá ngải cùng 100 ml nước lọc vào máy sinh tố, xay thật nhuyễn mịn.
- Đổ phần lá ngải xay vào tô bột gạo nếp, trộn và nhào cho đều. Để hỗn hợp qua một bên, ủ cho dai mịn.
2.2.3. Cách làm nhân mè đen đậu phộng cho bánh ngải cứu
- Rang đậu phộng chín thơm, bóc bỏ vỏ, rồi giã nhẹ cho nhỏ ra. Tương tự, bạn cũng rang hạt mè đen cho đến khi dậy lên mùi thơm nồng thì tắt bếp, đem mè đi giã nhuyễn. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể sử dụng bột mè đen thay thế cũng được.
- Bắc chảo lên bếp, cho đường thốt nốt vào nấu cho tan chảy ra.
- Sau đó, thêm mè đen, đậu phộng rang cùng cơm dừa khô vào chảo, đảo đều với đường. Nấu cho hỗn hợp quyện với nhau thì tắt bếp.
2.2.4. Cách làm bánh lá ngải nhân mè đen Lạng Sơn hấp
- Thoa một ít mỡ, hoặc dầu ăn đều lên tay để chống dính.
- Chia khối bột nếp lá ngải thành các phần nhỏ vừa ăn, vo tròn, rồi nhấn dẹt trong lòng bàn tay.
- Dùng muỗng múc một ít nhân dừa mè đen đã rang cho vào giữa miếng bột. Sau đó, dùng ngón tay miết các mép bột vào trong để bọc nhân kín lại. Vo tròn bánh, nhấn hơi dẹp, để qua dĩa. Thực hiện đến khi hết nguyên liệu.
- Xếp các lá chuối đã rửa sạch, cắt miếng nhỏ lên dĩa hấp.
- Đặt các bánh lá ngải đã gói lên trên lá chuối, rồi đậy nắp lại.
- Hấp cách thủy bánh lá ngải 15 phút là bánh chín thơm lừng và có màu xanh thẫm tươi mát.
3. Những điều cần lưu ý làm bánh lá ngải Lạng Sơn lên màu xanh đúng cách
- Bước sơ chế lá ngải cứu rất quan trọng, quyết định màu xanh của bánh sau khi hấp. Ngoài cách sơ chế với nước vôi trong, bạn có thể dùng nước tro ngâm lá cũng được. Để thực hiện, bạn cho 1 lít nước sạch + 10 ml nước tro vào nồi, đun sôi. Sau đó, cho lá ngải cứu vào nồi, hầm liên tục trong 2 – 3 giờ. Sau thời gian, chỉ cần vớt lá ra và thực hiện các bước còn lại như công thức đã hướng dẫn ở trên là hoàn tất.
- Để làm vỏ bánh ngải dai mịn, bạn có nhiều cách chế biến. Theo kiểu truyền thống, bạn có thể pha bột gạo nếp với 1 muỗng canh nước sôi, nhào lên cho mịn. Sau đó, thêm lá ngải xay vào, dùng chày giã thật nhuyễn hỗn hợp. Cách này sẽ giúp bột tăng độ dai mềm rất ngon, và lá ngải cứu cũng dậy mùi thơm nồng đặc trưng hơn.
4. Mua bánh ngải Lạng Sơn ở đâu ngon tại TPHCM, Hà Nội?
Không cần đi đâu xa, chỉ cần biết chỗ bán là bạn có thể mua bánh lá ngải cứu mát lạnh thơm ngon của vùng Tây Bắc dù đang ở TPHCM, Hà Nội hoặc các vùng lân cận.
Địa chỉ mua bánh lá ngải ở TPHCM:
- Cửa hàng đặc sản Tây Bắc – Lê Gia Tiến Thịnh, địa chỉ đường Trần Quốc Toản, quận 3
- Cửa hàng đặc sản Tây Bắc – Minh Tuấn, địa chỉ đường Lý Tự Trọng, quận 1
- Chợ đặc sản Tây Bắc, quận 8
Địa chỉ mua bánh ngải Lạng Sơn ở thành phố Hà Nội:
- Cửa hàng Bánh Chưng Ngon, địa chỉ số 554 ngõ Trường Chinh, Ngã Tư Sở (gọi điện đặt hàng trước)
- Bánh ngải Lạng Sơn, địa chỉ ngõ 41, Hồng Hà
- Mua bánh online, địa chỉ VP6 Khu Đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai
Bánh ngải trước đây chỉ được làm trong các dịp mừng lễ lúa mới, hoặc là món ngon ngày Tết của người Tày. Ngày nay, theo cơ chế thị trường, bánh ngải cứu đã được bày bán rộng rãi khắp nơi. Cách làm bánh ngải cứu Lạng Sơn công phu nhưng thành quả xứng đáng. Nếm thử miếng bánh ngải một lần, người ta sẽ không khỏi thích thú khi nhận ra, mỗi loại lá cây quen thuộc quanh ta, dưới sự sáng tạo của con người, đều có thể làm nên những giá trị mà chúng ta chưa bao giờ biết trọn vẹn.
Trúc Nguyễn tổng hợp