1. Hướng dẫn làm bún chả thịt nướng Hà Nội kiểu truyền thống
1.1. Nguyên liệu
Cách làm bún chả thịt chuẩn vị Hà Nội khiến ai đã từng thưởng thức cũng sẽ nhớ mãi là nhờ công thức ướp thịt nướng ngon mềm, thơm phức, kết hợp với nước mắm với dưa món đu đủ giòn giòn, chua ngọt. Không cần đi đâu xa, bạn có thể tự tay chế biến món ăn hấp dẫn này ngay tại nhà với các thành phần nguyên liệu như sau:
- Nửa kí thịt ba chỉ
- 2 nhánh sả tươi, xay nhuyễn với ít nước rồi vắt nước cốt
- 4 tép tỏi băm nhỏ
- Nửa kí thịt heo xay
- 4 củ hành tím đã bóc vỏ, xay nhuyễn
- 4 trái ớt tươi xắt nhỏ
- 1 củ cà rốt đã gọt vỏ
- 1 trái đu đủ xanh
- 1 kg bún tươi (hoặc điều chỉnh theo số lượng người ăn)
- Nửa chén dầu thực vật
- 1 thìa cà phê nước màu
- 10 muỗng canh nước nấu sôi, để nguội
- Gia vị: 5 muỗng canh nước mắm ngon, 2 muỗng canh bột ngọt, 2 muỗng canh + 1 thìa cà phê bột nêm, 2 muỗng canh giấm, nửa thìa cà phê mắm tôm, 3 muỗng canh nước cốt chanh tươi, 2 muỗng canh đường trắng.
- Rau sống (tùy chọn theo khẩu vị: kinh giới, rau mùi, diếp cá,…)
1.2. Hướng dẫn cách làm bún chả Hà Nội
1.2.1. Sơ chế và ướp thịt ba chỉ, thịt xay nướng ăn bún chả
- Xát muối khắp miếng thịt ba chỉ, rồi xả nước sạch nhiều lần cho đến khi hết nhớt.
- Đợi thịt ráo nước, dùng dao thái thịt thành các miếng mỏng, to.
- Trong một cái chén sạch, bạn trộn 1 muỗng canh bột nêm với phần đường còn lại, 1/2 bột ngọt, nước cốt sả tươi, hành tím bằm, mắm tốm, nước màu cho hòa tan.
- Sau đó, chia hỗn hợp sốt ướp thịt thành 2 phần bằng nhau. Trong đó, 1 phần đổ vào thau thịt ba chỉ, trộn đều, ướp nửa tiếng. Phần còn lại thực hiện tương tự để ướp thịt nạc heo xay.
- Với thịt nạc xay, sau khi trộn nước sốt ướp, bạn chia thành các phần thịt nhỏ bằng nhau. Nắn đều các khối thịt và ấn hơi dẹt, để riêng.
1.2.3. Cách làm dưa góp cà rốt đu đủ ăn với bún chả thịt nướng
- Dùng dao bào mỏng cả cà rốt và đu đủ xanh, rồi cho vào thau nước muối loãng ngâm.
- Khoảng 10 phút sau, vớt đu đủ, cà rốt ra, dùng tay vắt sạch nước muối.
- Đợi 2 nguyên liệu củ quả ráo nước thì cho vào thau sạch.
- Thêm giấm, 1/2 đường, 1 muỗng canh bột nêm, nửa phần ớt tươi đã cắt nhỏ vào thau, trộn đều với cà rốt và đu đủ. Ngâm hỗn hợp cho đến khi thưởng thức, hoặc cho vào hũ kín sạch bảo quản.
1.2.4. Cách nướng thịt ăn bún chả Hà Nội bằng bếp than
- Trước khi nướng thịt, bạn lấy nước cốt chanh quết đều lên các miếng thịt. Sau đó, xếp đều chả thịt, miếng thịt ba chỉ lên vỉ nướng kẹp lại.
- Đặt vỉ lên bếp than, nướng và trở đều 2 mặt thịt cho đến khi chín vàng đều là hoàn tất.
1.2.5. Cách làm nước mắm và trang trí món bún chả thịt nướng đẹp mắt
- Cách pha nước mắm chua ngọt ăn bún: Hòa tan nước đun sôi để nguội với phần nước chanh, ớt, bột ngọt, đường còn lại và tỏi băm trong một cái chén sạch. Khuấy đều hỗn hợp, nêm nếm lại cho vừa vị và dọn lên bàn.
- Cho thịt, chả nướng cùng dưa món chua ngọt vào chén nước mắm.
- Xếp bún lên dĩa, rau sống ở một dĩa khác.
- Cách ăn bún chả Hà Nội: Tùy sở thích mà bạn có thể thưởng thức món đặc sản Hà thành này theo cách riêng của mình. Thông thường, bạn có thể cho bún vào tô nước mắm và ăn dần cùng rau sống. Hoặc, cuốn bún với thịt nướng trong rau sống và chấm nước mắm ăn. Chúc bạn thưởng thức ngon miệng nhé!
2. Cách làm bún chả cá đặc sản Đà Nẵng
2.1. Nguyên liệu
- Cá thác lác nạo sẵn: 250 gram (Hoặc làm chả cá thác lác tại nhà để sử dụng)
- Cá basa phi lê: 100 gram
- Mỡ thăn: 100 gram
- Bột mì: 1 muỗng canh
- Bí đỏ: 5 đến 6 miếng cắt nhỏ với kích thước khoảng 4 x 5 (cm)
- Bắp cải: 1 miếng to khoảng bằng nửa bàn tay
- Cà chua: 2 trái
- Thơm: 1/4 trái
- Măng khô: 2 miếng (hoặc có thể thay thế bằng 1 mục măng tươi)
- Mắm ruốc: 1 muỗng cà phê
- Hành ngò, hành tím
- Bún tươi: 250 gram (số lượng nhiều hay ít tùy thuộc vào khẩu phần ăn)
2.2. Hướng dẫn cách làm bún chả cá Đà Nẵng
2.2.1. Làm hành tím ngâm chua
- Đem hành tím bóc vỏ, chẻ dọc làm đôi sau đó pha hỗn hợp gồm: 5 muỗng dấm, 3 muỗng đường, 1 muỗng muối, rồi cho hành tím vào ngâm trong thời gian khoảng 1 tiếng đồng hồ thì có thể sử dụng được.
2.2.2. Cách làm chả cá ăn với bún
- Cá basa phi lê đem xắt nhỏ thành miếng, rồi dùng chày giã nhuyễn.
- Mỡ thăn xắt thành hạt lựu nhỏ, trộn chung với cá thác lác nạo, cá basa, mỡ thăn, bột mỳ cùng với hỗn hợp: 1 muỗng cà phê dầu màu điều, nửa muỗng cà phê muối, nửa muỗng cà phê tiêu, nửa muỗng cà phê đường, 1 củ hành tím băm nhuyễn.
- Tiến hành trộn đều hỗn hợp, rồi dùng chày giã nhuyễn. Tiếp theo, bạn cho hỗn hợp cho vào bịch ni lông rồi tiếp tục đập đến khi chả cá thật dẻo.
- Sau khi đã đập dập chả cá thì lấy dầu ăn thoa lên tay.
- Nặn chả cá thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Nặn thành hình dẹp hay vo viên đều được. Sau khi nặn hình xong tiến hành chiên chả cá với lượng dầu nhiều, ngập qua miếng chả cá. Mức lửa chiên ở độ vừa đến khi chả cá có màu vàng đậm. Nếu muốn chả cá có màu vàng đậm hơn thì cho vào một ít dầu điều.
- Khi chả cá đã chín thì vớt ra để ráo dầu, có thể vớt chả cá ra rổ có lót giấy thấm hút dầu.
2.2.3. Cách nấu nước dùng ăn bún chả cá
- Nấu nồi nước sôi khoảng 2 lít nước, cho xương và đầu cá vào nồi, thêm một ít muối. Nấu với mức lửa nhỏ đến khi xương cá rục ra thì vớt ra, lọc bỏ bã còn sót lại trong nước.
- Bí đỏ đem cạo vỏ (lưu ý ta chỉ cạo vỏ bí chứ không gọt hẳn, vì khi nấu bí sẽ bị nát), rửa sạch cắt miếng kích thước khoảng 4 x 5 (cm).
- Bắp cải cắt thành miếng khoảng bằng nửa bàn tay. Cà chua đem cắt thành múi, tốt nhất là chẻ làm 4.
- Măng khô xé sợi, ngâm nước qua đêm cho mềm. Nếu không có thời gian ngâm măm có thể thay thế bằng măng tươi xé sợi. Sau đó luộc măng với một ít muối, khi luộc không đậy nắp cho các chất độc hại trong măng bay hơi.
- Pha mắm ruốc vào nước lạnh, để lắng sau đó lấy phần nước trong, bỏ đi phần cặn mắm phía dưới đáy để cho vào nước.
- Tất cả những nguyên liệu đã sơ chế phía trên đem cho vào nồi nấu nước cá sau đó nêm với công thức: 3 muỗng canh nước mắm, nửa muỗng cà phê muối hột, nửa muỗng canh đường phèn. Nấu với lửa lớn đến khi sôi thì cho mắm ruốc vào, rồi giảm về lửa vừa nấu trong khoảng 30 phút đến một tiếng trong tình trạng nước sôi lăn tăn.
2.2.4. Trình bày và thưởng thức món bún chả cá Đà Nẵng
- Khi nước dùng đã nấu xong thì cho chả cá đã chiên ở bước trên vào, nấu với lửa nhỏ thêm khoảng 5 phút nữa, rồi tắt bếp.
- Hành lá đem cắt khúc vừa hoặc nhỏ, thả lên trên bề mặt tô bún.
- Sau đó, rắc thêm một ít tiêu vào nước dùng tạo mùi thơm nhẹ.
- Cho bún vào tô với số lượng đủ ăn, rồi chế nước dùng vào. Thưởng thức cách nấu bún chả cá này kèm với hành tím ngâm chua và rau sống để cảm nhận hương vị hoàn hảo nhé.
3. Cách làm bún chả thịt nướng Nghệ An
3.1. Nguyên liệu làm bún chả nướng Nghệ An
- Thịt ba chỉ: 500 gram
- Thịt nạc vai: 500 gram
- Bún: 1 kilogam
- Su hào: 1 củ
- Cà rốt: 1 củ
- Dưa chuột: 1 trái
- Rau salad, rau thơm, kinh giới, tía tô, giá (Xem cách làm giá đỗ tại nhà với từng bước chi tiết, dễ thực hiện)
- Tỏi, hành tím đập dập và băm nhỏ
- Chanh, ớt
- Gia vị: muối, dấm, đường, hạt nêm, bột ngọt, dầu hào, mật ong, nước mắm
3.2. Các bước làm bún chả nướng Nghệ An
3.2.1. Cách thắng nước đường ướp thịt nướng
- Bắc chảo lên bếp, sau đó, cho 3 muỗng canh đường vào chảo.
- Bật bếp đun nóng chảo và đảo thật đều tay lượng đường mới cho vào đến khi đường dần chuyển sang màu vàng nhạt thì cho vào một ít nước lạnh. Nấu nước đường đến khi sôi và đường tan đều thì tắt bếp để cho nguội.
- Không nên nấu quá lâu trong giai đoạn này, vì nếu đường quá cháy sẽ làm cho nước màu bị tối, khi ướp thịt sẽ lên màu không đẹp mắt.
3.2.2. Ướp thịt nạc xay và thịt ba chỉ
- Thịt nạc vai sau khi mua về rửa sạch. Sau đó, cắt thịt thành các khúc nhỏ rồi cho vào máy xay nhuyễn hoặc có thể dùng dao băm ra thật nhỏ.
- Lấy một cái tô cho thịt đã xay (hoặc băm nhỏ) vào và ướp với công thức: 1 muỗng canh hạt nêm, nửa muỗng canh muối, 1 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng canh hành tím và tỏi băm nhỏ và 1 muỗng canh nước màu nấu đường ở bước trên. Dùng đũa khuấy đều để ướp thịt hoặc có thể sử dụng bao tay.
- Thịt ba chỉ sau khi mua về cạo đi phần lông còn dính lại. Sau đó, rửa sạch lại thịt với nước, rồi thái lát mỏng sao cho độ dày miếng thịt khoảng 0,5 cm. Chuẩn bị một cái tô khác và ướp thịt ba chỉ nướng với công thức tương tự như ướp thịt nạc xay.
- Thịt ba chỉ và nạc vai sau khi đã ướp thì cho vào ngăn mát tủ lạnh, để trong 3 đến 4 tiếng đồng hồ để thịt được ngấm vị.
3.2.2. Cách pha nước mắm chấm bún chả nướng Nghệ An
- Dưa chuột và cà rốt đem gọt vỏ sau đó rửa sạch. Đối với dưa chuột thì bỏ đi phần ruột dưa, giữ lại phần thịt dưa để khi ăn có độ giòn. Còn cà rốt thì tỉa hoa đơn giản hoặc cắt lát mỏng hình tròn.
- Trộn cà rốt và dưa chuột với nửa muỗng canh muối trong một cái tô, để khoảng 10 đến 15 phút cho ra bớt nước. Sau đó, bạn vớt cà rốt, dưa leo ra một cái tô khác, cho vào nửa muỗng canh đường, dấm và tỏi băm nhỏ, ngâm khoảng 15 phút.
- Lấy nước đun sôi để nguội với lượng vừa đủ ăn và pha nước chấm theo tỷ lệ: nửa muỗng canh bột ngọt, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước cốt chanh, 1 muỗng canh tỏi và ớt băm nhỏ. Dùng đũa khuấy đều hỗn hợp nước chấm cho nguyên liệu trộn đều.
- Rau sống chuẩn bị từ trước lặt lấy lá non, rửa sạch với nước. Sau đó, đem rau sống đi ngâm với nước muối pha loãng khoảng 15 phút thì vớt ra để vào rổ cho ráo nước.
3.2.3. Nướng thịt ba chỉ và thịt nạc xay
- Khi thịt đã ướp đủ thời gian tiến hành đem ra nặn thành những viên thịt kích cỡ vừa ăn. Chuẩn bị bếp than sau đó xếp đều thịt xay đã nặn vào vỉ rồi nướng cho thịt chín thì để riêng ra.
- Ngoài ra nếu không muốn sử dụng lò than để nướng bạn có thể xếp thịt nướng cho vào lò vi sóng ở nhiệt độ khoảng từ 180 đến 200 độ C trong 15 phút.
- Sau đó, lật mặt lại nướng thêm 10 phút thì thịt sẽ chín.
3.2.4. Trình bày và thưởng thức bún chả Nghệ An
- Chuẩn bị bún, vớt rau sống để ráo để vào mâm cùng với thịt đã nướng chín. Thưởng thức món ăn cùng với nước chấm đã làm trước đó.
- Bắc một chảo lên bếp sau bật lửa cho nóng chảo, khi chảo đã nóng cho vào một ít dầu, sau đó cho hành cắt khúc vào phi rồi rắc lên bề mặt thịt cho thịt có thêm độ béo. Có thể thêm vào một ít đậu phộng rang xay giã nhuyễn để tạo thêm độ ngon cho món ăn.
4. Hướng dẫn cách làm bún chả mực
4.1. Nguyên liệu
- Mực ống tươi: 1 kg
- Thịt nạc băm: 50 gram
- Bún (số lượng tùy vào khẩu phần ăn mỗi người)
- Cà chua: 3 đến 4 trái
- Dứa: 1 trái kích cỡ vừa ăn
- Hành lá, rau mùi, bột năng, rau salad, rau thơm, giá, hành khô
- Gia vị: muối, đường, hạt nêm, nước mắm, hành khô, dầu ăn, hạt tiêu, tương ớt.
4.2. Cách nấu món bún chả mực
4.2.1. Sơ chế mực ống không bị tanh và ướp gia vị làm chả
- Mực ống đem rửa sạch, dùng dao tách phần râu mực ra khỏi phần thân mực, sau đó, lau khô bằng khăn sạch.
- Băm nhuyễn phần râu và thân mực. Sau đó, ướp 2 phần này với nửa muỗng cà phê hạt nêm, 2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê bột năng, 2 muỗng cà phê dầu ăn, hành lá thái nhỏ, một ít hạt tiêu và phần thịt băm chuẩn bị trước đó. Trộn đều hỗn hợp này cho thịt và mực thấm đều gia vị.
- Sau khi thịt băm và mực đã trộn đều gia vị ướp thì cho vào một túi ni lông chuyên đựng thực phẩm, bọc kín lại. Sau đó, cho mực vào ngăn đá tủ lạnh trong thời gian từ 2 đến 3 giờ. Bạn có thể tham khảo thêm nhiều cách làm chả mực tươi để thưởng thức với hương vị ngon nhất nhé.
4.2.2. Sơ chế các nguyên liệu rau quả ăn kèm bún chả mực
- Giá, rau thơm, rau salad tiến hàng nhặt lấy lá non, rửa với nước sạch sau đó ngâm với nước muối pha loãng trong thời gian khoảng từ 10 đến 15 phút. Sau đó vớt ra một cái rổ để ráo.
- Hành lá và rau mùi đem rửa sạch sau đó thái nhỏ.
- Dứa đem gọt sạch vỏ, dùng mũi dao khoét vào thân trái, bỏ đi phần mắt của trái rồi thái lát nhỏ.
- Cà chua đem rửa sạch, cắt bỏ đi phần cuống rồi chẻ dọc làm 4 như múi cau.
4.2.3. Cách nấu nước lèo ăn với bún chả mực tươi
- Lấy một cái nồi cho lên bếp, bật lửa cho nồi nóng, khi nồi đã nóng thì cho một ít dầu ăn vào. Khi dầu đã nóng thì cho cà chua vào xào khoảng 5 phút thì cho thơm vào xào chung. Nêm thêm một muỗng cà phê muối, một muỗng cà phê đường vào xào trong thời gian khoảng 5 đến 8 phút.
- Cho thêm một ít nước lọc vào nồi cà chua, sau đó, nêm lại gia vị cho vừa ăn rồi nấu sôi lên.
- Chả mực tươi trong tủ lạnh sau khi ướp đủ thời gian trong tủ lạnh thì lấy ra. Để yên chả khoảng 10 phút cho rã bớt phần đá đông. Dùng muỗng múc mực thành những miếng tròn rồi ấn dẹt ra, sau đó, tiến hành chiên trong chảo dầu đến khi chín đều hai mặt thì vớt ra để vào một cái rổ có lót giấy thấm hút dầu.
- Chuẩn bị bún, rau sống ăn kèm, chén tương ớt ra mâm. Cho lượng bún vừa đủ ăn vào một cái tô rồi đổ nước nấu cà chua và thơm vào cho ngập mặt bún. Rắc lên bề mặt tô bún một ít hành lá, rau mùi thái nhỏ và thưởng thức.
5. Cách nấu món bún chả cua với giò sống
5.1. Nguyên liệu
- 1 kg xương heo
- 1 củ cải trắng gọt vỏ, thái khoanh tròn
- 1 miếng gừng nhỏ, gọt vỏ, thái lát
- 400 gram thịt cua đã làm sẵn
- 100 gram nấm kim châm khô
- 150 gram giò sống
- 1 nhánh hành lá rửa sạch, xắt nhỏ
- Nửa kí bún tươi đã chần nước sôi, để ráo
- 2 củ hành tím
- 5 gram ngò rí rửa sạch, xắt nhỏ
- 1 nhánh xà lách đã nhặt lá, rửa sạch với nước muối, để ráo
- 2 thìa cà phê dầu điều
- Gia vị: nửa thìa cà phê bột nêm, 7 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê nước mắm, nửa thìa cà phê tiêu xay, 1 thìa cà phê đường trắng, nước cốt 1 trái chanh tươi, 15 gram hành phi sẵn, 2 trái ớt xắt nhỏ.
5.2. Hướng dẫn cách làm món bún chả cua ngon tại nhà
5.2.1. Cách nấu nước lèo ăn bún chả cua
- Cho muối vào một thau nước sạch, khuấy đều, rồi cho xương heo vào ngâm 10 phút. Sau đó, sả xương heo lại với nước sạch.
- Bắc nồi nước nấu sôi, cho xương heo vào chần sơ để bỏ tạp chất.
- Vớt xương heo vào nồi khác, thêm củ cải trắng và gừng vào, nấu cho sôi thì hạ lửa nhỏ để hầm. Trong lúc nấu, nhớ dùng muỗng vớt sạch lớp váng, bọt nổi trên bề mặt nước dùng nhé.
- Nêm nước lèo với đường, 6 thìa cà phê muối.
5.2.2. Cách làm chả cua
- Cho thịt cua đã mua vào tô sạch.
- Thêm hành tím, phần muối còn lại, nước mắm, bột nêm, dầu điều, giò sống và tiêu xay (điều chỉnh theo khẩu vị), trộn đều cho quánh dẻo lại.
- Lấy mặt sau thìa inox quết cho hỗn hợp chả mọc cua dẻo dính, để yên ít nhất nửa tiếng để ướp ngấm vị.
5.2.3. Nấu nước dùng chả cua ăn với bún
- Rửa nước nhiều lần để loại bỏ bụi bẩn nấm kim châm khô. Sau đó, đem cắt bỏ chân nấm, cho vào thau nước lạnh ngâm nửa tiếng cho nở mềm. Sau khi ngâm, tiếp tục xả lại với nước lạnh và để ráo nước hoàn toàn.
- Bắc nồi nhỏ lên bếp, cho dầu và hành tím vào phi thơm. Kế đến, đổ nấm kim châm đã sơ chế vào, đảo đều 7 – 8 phút cho mềm thì cho phần nước dùng từ xương heo hầm vào nồi.
- Nêm nếm gia vị vừa ăn, nấu nước dùng thêm nửa tiếng.
- Nắn chả cua thành các khối nhỏ, hơi tròn và dẹt. Sau đó, thả các miếng chả cua vào nồi nước lèo, đợi hỗn hợp sôi, chả chín và nổi lên bề mặt nước thì nêm nếm lại lần nữa cho vừa miệng rồi tắt bếp.
- Chia bún ra tô, rắc hành lá, hành phi, ngò rí và rau sống lên trên. Chan nước lèo và múc chả cua vào tô bún, thưởng thức ngay cho nóng.
6. Hướng dẫn làm món bún chả nem rán Hà Nội
6.1. Nguyên liệu
- 1,5 kg bún tươi (chần sơ với nước sôi, để ráo)
- 400 gram thịt heo
- 30 gram nấm hương (ngâm nước nóng cho mềm, xả nước lạnh, băm nhỏ)
- 150 gram nấm mèo (sơ chế tương tự nấm hương)
- 2 củ cà rốt đã gọt vỏ, bào sợi
- 1 củ hành tây đã bóc vỏ, băm nhỏ
- 1/4 trái đu đủ xanh (sơ chế như cà rốt, ngâm nước muối để khử mủ)
- Nửa củ su hào đã gọt vỏ (sơ chế như cà rốt)
- 1 nhánh hành lá xắt nhỏ
- 30 trái ớt tươi xắt nhỏ
- 20 gram miến khô băm nhỏ
- 1/4 củ tỏi bóc vỏ
- 4 trứng gà tươi
- 2 trái dưa chuột ngâm nước muối, cắt đôi, bỏ ruột, thái vát xéo
- Gia vị: 1 thìa cà phê bột ngọt, 2 muỗng canh nước mắm loại ngon, 4 muỗng canh giấm táo, 4 muỗng canh đường, nửa thìa cà phê tiêu xay, nửa muỗng canh muối ăn, 1 muỗng canh nước cốt chanh.
- 100 ml dầu thực vật
- 2 bịch bánh tráng cuốn
- Rau sống (tùy chọn)
6.2. Cách làm món bún chả nem rán
6.2.1. Cách làm nem rán Hà Nội
- Xát miếng thịt heo với muối cho sạch, rồi xả nước lạnh nhiều lần. Đợi thịt ráo nước thì cắt thành các miếng nhỏ. Tiếp đến, băm thịt nhuyễn nhất có thể, rồi cho vào tô sạch.
- Cho nấm mèo, nấm hương, miến khô cùng với trứng, tiêu xay, bột ngọt, hành tây, cà rốt, hành lá vào tô thịt bằm, trộn đều.
- Để chén nước sạch kế bên, trải tấm bánh tráng lên một cái dĩa sạch.
- Quét một lớp nước mỏng lên bánh tráng, múc 1 muỗng nhỏ nhân đã trộn lên mép dưới của bánh và bắt đầu gấp mép dưới cuộn nhân lại theo hướng lên trên (tham khảo các bước cách làm chả giò).
- Khi này, bạn đồng thời gấp 2 mép ở bên trái, phải bánh tráng lại để cố định nhân. Tiếp tục cuốn bánh tráng theo hướng lên trên cho hết bánh là hoàn tất. Thực hiện tương tự với các nguyên liệu còn lại.
- Bắc chảo dầu, đun nóng. Sau đó, nhẹ nhàng thả từng cuốn chả nem vào chiên ngập dầu. Đến khi nem rán chín vàng đều 2 mặt thì vớt ra, đợi ráo dầu thì xếp lên dĩa, trang trí.
6.2.2. Cách muối dưa góp dưa leo và pha nước mắm
- Cho 3/4 đường với muối, giấm táo vào tô, thêm dưa leo vào, xóc đều. Thêm ớt tươi vào trộn chung (không bắt buộc). Cho dưa món dưa chuột vào một chén riêng.
- Cho su hào, cà rốt, đu đủ vào tô, thêm ít muối vào bóp đều. Sau đó, thêm 1 muỗng canh đường, nửa muỗng canh giấm táo pha với nước cốt chanh, 1 muỗng canh nước mắm, 3 – 4 muỗng canh nước ấm vào, khuấy đều. Dọn chén nước mắm lên, xếp bún ra dĩa, bài trí rau sống cùng chả nem rán lên cho đẹp mắt và thưởng thức.
Khi nhắc đến bún chả, chúng ta thường nghĩ ngay đến đặc sản bún chả thịt nướng của Hà Nội. Đây là món ăn ngon được đặc trưng bởi vị nước mắm mặn ngọt hài hòa, cùng dưa góp giòn sựt, kết hợp hương thịt nướng thơm nồng, thấm vị, tạo nên một bức tranh ẩm thực đậm chất cổ điển của người dân thủ đô. Tuy thế, nhiều vùng miền khác cũng có công thức nấu bún chả mang dấu ấn của riêng mình. Chẳng hạn như bún chả mực, chả cua, chả cá với hương vị đúng chuẩn của làng biển miền Trung. Tất cả những cách nấu bún chả này đều được hướng dẫn với các bước chi tiết trên đây. Hãy thử áp dụng tại nhà để trải nghiệm hương vị 3 miền ngay tại gia đình mình nhé!
Thùy Trâm tổng hợp