1. Các loại bánh nướng bánh dẻo từ truyền thống đến hiện đại
1.1. Bánh nướng bánh dẻo truyền thống
Các loại bánh trung thu truyền thống từ xa xưa có bánh dẻo và bánh nướng. Chỉ với các loại nguyên liệu quen thuộc – như lạp xưởng, vừng, đậu xanh, thịt, trứng muối,…cũng đã đủ khiến người dân đất Việt lưu giữ mãi trong lòng 2 vị bánh quê hương đượm tình.
Bánh trung thu truyền thống thường chỉ có một lớp vỏ bánh mỏng, hương vị ít. Vị đặc trưng của bánh trung thu chủ yếu nằm ở phần nhân. Khối nhân của bánh truyền thống có độ ngọt khá nhiều, hơi dầu, thậm chí ngọt hơn cả bánh ngọt phương Tây nói chung.
1.2. Một số loại bánh trung thu hiện đại sáng tạo
Cùng với sự thay đổi về thói quen thưởng thức ẩm thực của người Việt, các hãng sản xuất bánh trung thu đồng loạt đổi mới về hình thức, chất lượng sản phẩm mỗi năm. Ngoài bánh nướng bánh dẻo trung thu truyền thống, bạn có thể bắt gặp các loại bánh trung thu hiện đại với màu sắc bắt mắt, cực kỳ ấn tượng. Hơn thế, thành phần nguyên liệu được biến tấu giúp bạn dễ thưởng thức, bớt cảm giác ngán ngấy hơn.
Có thể kể đến các loại bánh đa dạng hương vị như: bánh rau câu trung thu, bánh in hoa nổi 3D, bánh trung thu ngàn lớp hay bánh trung thu kiểu Hàn Quốc nhiều sắc màu bắt mắt,…Ngoài ra, còn có một số sản phẩm hướng đến những đối tượng sử dụng nhất định. Chẳng hạn như: bánh không đường cho người ăn kiêng, bánh không nhân,…
2. Nhân bánh trung thu truyền thống các loại
2.1. Nhân đậu xanh
Đậu xanh là loại nguyên liệu làm nhân bánh phổ biến của người Việt bao đời nay. Công thức chuẩn để làm nhân đậu xanh gồm: 2 lạng đậu xanh đã làm sạch vỏ, 1 lạng đường cát trắng, 50ml dầu ăn và ít bơ đậu phộng – liều lượng tùy khẩu vị ăn béo hay không.
Để sên nhân đậu xanh ngon, bạn lấy đậu xanh sau khi rửa và làm sạch vỏ đem hầm cho nhừ. Sau đó, dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn đậu. Rồi bạn cho hỗn hợp vừa xay lên chảo, thêm ít bơ đậu phộng, sên đến khi nước cạn và hỗn hợp tạo thành khối quánh dẻo là xong.
2.2. Nhân thập cẩm
Công thức chuẩn để làm nhân bánh thập cẩm của Webnauan.vn gồm: hạt điều đã rang và bóc sạch vỏ 1 lạng, mứt bí ngon 1 lạng, mứt sen 1 lạng, hạt dưa đã rang và bóc vỏ 1 lạng, hạt vừng rang 80gram, mỡ đường 1 lạng. Ngoài ra, chuẩn bị thêm 3 cái lạp xưởng, 1 – 2 trứng muối làm nhân và khoảng 8 đến 10 lá chanh.
Về gia vị, bạn cần 70ml rượu loại Mai Quế Lộ, 1 muỗng cà phê nước đường, 1 muỗng cà phê dầu hào, 70ml nước lọc, 1/2 muỗng ngũ vị hương và 70gram bột nếp đã rang để làm chất kết dính.
2.3. Trứng muối
Trứng muối thường được dùng làm nhân bánh trung thu với ý nghĩa tượng trưng cho ngày trăng rằm. Loại nhân này có vị mằn mặn, người mới ăn thấy không quen, nhưng ăn quen rồi sẽ càng ghiền. Vị mặn này có tác dụng trung hòa với vị ngọt của thành phần nhân bánh khác. Chính điều này làm nên nét đẹp khó quên của món bánh cổ truyền ngày Tết trung thu.
3. Khuôn làm bánh trung thu kiểu cổ điển
Loại khuôn bánh trung thu truyền thống có từ thời xa xưa được làm từ chất liệu gỗ. Đây đồng thời cũng là loại khuôn có giá thành cao hơn các mặt hàng cùng loại, khác chất liệu trên thị trường. Ưu điểm của khuôn gỗ là bền, đẹp, tạo hình bánh chắc chắn.
Tuy nhiên, chất liệu loại khuôn này khá nặng, cồng kềnh, ít kiểu hoa văn. Mỗi lần dùng xong thì phải ngâm dầu để bảo quản khuôn. Khi in bánh, vẫn phải rắc ít bột áo để chống dính, lấy bánh ra dễ dàng. Nhưng dùng nhiều lần bột rắc khuôn như vậy sẽ khiến hoa văn trên bánh thiếu sắc nét. Hơn nữa, nếu mua khuôn làm bánh trung thu ở nơi kém chất lượng, hoa văn bánh thậm chí không đều nhau.
Thế nên, sự xuất hiện các loại khuôn bánh hiện đại với nhiều ưu thế hơn dần thay thế vị trí của loại khuôn bằng gỗ. Sản phẩm chỉ đặc biệt phù hợp với những thợ làm bánh chuộng nét đẹp tinh tế cổ xưa.
4. Hướng dẫn quy trình làm bánh trung thu nướng, dẻo hương vị truyền thống
Quy trình làm bánh trung thu kiểu truyền thống khá đơn giản. Thông thường, quy trình này bao gồm 2 phần – làm nhân bánh, và làm bột vỏ bánh trung thu tùy loại nướng hay dẻo.
4.1. Quy trình làm bánh nướng trung thu truyền thống
Phần nguyên liệu làm bánh nướng trung thu nhân thập cẩm truyền thống thường dùng là lạp xưởng, trứng muối, mỡ heo, xá xíu, đường, mứt bí,…Hoặc, có thể dùng thêm đậu xanh, các loại mứt khác, hạt sen,…làm nhân. Bột bánh trung thu nướng được người Việt ta dùng từ thời xa xưa là bột mì.
Để làm phần vỏ bánh, chúng ta trộn bột với nước đường nấu bánh đun với tỷ lệ dầu ăn, mạch nha tương ứng. Sau khi hoàn thành nhân bánh, bột vỏ bánh, người ta vo viên lại thành các khối tròn. Tiếp tục, ấn các khối bột tròn này vào khuôn bánh trung thu tùy loại để tạo hình theo sở thích. Sau đó, khéo léo lấy bánh ra khỏi khuôn, xếp lên khay và đút vào lò làm chín bánh.
Thường thì, chúng ta nướng bánh trung thu 3 lần. Giữa những lần lấy bánh ra, chúng ta phết một lớp lòng đỏ trứng để làm mềm bề mặt bánh. Có như vậy, món bánh cổ truyền ngày Tết trăng rằm mới chín đều các mặt, giữ được mùi hương tuyệt sắc vốn có từ bao đời. Bánh nướng sau khi thành phẩm ít khi được rán hoặc áp dụng chưng cách thủy.
4.2. Quy trình làm bánh trung thu dẻo truyền thống
Với loại bánh dẻo truyền thống, phần nhân và vỏ bánh đều được làm chín trước rồi. Ở một số địa phương, chúng ta vẫn bắt gặp những loại bánh trung thu dẻo không nhân đặc biệt. Nguyên liệu làm vỏ bánh dẻo thường dùng là loại gạo nếp được rang kỹ lưỡng đến mịn màng. Tùy thói quen ẩm thực của mỗi nơi, phần bột này có thể kết hợp với một số hương vị nhất định – như nước hoa bưởi, vani hay nước đường.
Về quy trình thực hiện, cách làm bánh dẻo trung thu không khó. Đầu tiên, người làm bánh nhào bột rồi vo viên, bao nhân bánh lại khéo léo. Trước khi bỏ khối hỗn hợp bột này vào khuôn bánh, thường ta sẽ rắc ít bột áo để chống dính cho khuôn. Bánh dẻo sau khi in khuôn thì có thể thưởng thức được ngay mà không cần qua hình thức chế biến nào khác nữa.
5. Địa chỉ bán bánh trung thu truyền thống ở đâu đạt chất lượng, uy tín tốt?
5.1. Bốn tiệm bánh trung thu cổ truyền nổi tiếng Hà Nội
Mỗi độ Tết trăng rằm đến gần, người dân Thủ đô lại kéo nhau đến 4 địa điểm ăn uống ngon bổ rẻ nổi tiếng dưới đây để thưởng thức món bánh truyền thống đúng vị.
- Tiệm bánh Bảo Phương số 183 Thụy Khuê
- Tiệm bánh Ninh Hương số 22 Hàng Điếu
- Tiệm bánh Bà Dần số 52 Hàng Bè, hoặc số 126 ngõ 554, phố Trường Chinh
- Tiệm bánh Phương Soát số 75 Hàng Chiếu
5.2. Một số địa chỉ bán bánh nướng bánh dẻo truyền thống uy tín tại TPHCM
Còn những địa điểm làm bánh trung thu có từ rất lâu nổi tiếng tại Sài thành thì sao? Cùng điểm qua một số cái tên quen thuộc dưới đây nhé!
- Đông Hưng Viên ở số 176-177 Bãi Sậy, phường 4, quận 6.
- Tiệm bánh trung thu Phương Diêm Thuận hương vị người Triều Châu, địa chỉ số 108 – 110 đường Phạm Phú thứ, phường 3, quận 6.
- Bánh trung thu Brodard địa chỉ số 133 đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1.
Giữa nhịp sống hiện đại với đa dạng các loại bánh khác nhau, những chiếc bánh trung thu truyền thống vẫn giữ nguyên hình hài và vẹn hương vị đượm thắm của mình – vốn có từ nhiều thế hệ người Việt xưa đến nay. Sự mới lạ chỉ là nhất thời, nhưng vị bánh cổ truyền bao đời mới là mãi mãi. Hy vọng rằng, với những thông tin mà bài viết chia sẻ, quý bạn đọc đã có thêm cái nhìn sâu sắc hơn về loại bánh biểu tượng ngày Tết đoàn viên này. Quy trình làm bánh trung thu cũng rất dễ thực hiện đấy nhé! Hãy thử tự tay chế biến món bánh ngon để thưởng thức bên cạnh bạn bè, người thân nhân Tết đoàn viên, bạn nhé!
Trúc Nguyễn tổng hợp