Trước khi học cách nấu lẩu Thái chay chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc của các loại lẩu nói chung nhé. Lẩu là món ăn đã quá quen thuộc trong nền ẩm thực Việt Nam, từ xuất hiện trong thực đơn món ngon đãi tiệc lớn cho đến những bữa ăn nhỏ hàng ngày. Vào những dịp gặp gỡ bạn bè, tụ họp gia đình, lẩu là món ăn dễ ăn với nhiều loại “topping” đa dạng. Vậy, bạn đã biết nguồn gốc của lẩu bắt nguồn từ đâu chưa?
1. Nguồn gốc của lẩu Thái
Chắc sẽ có rất ít người biết lẩu là món ăn đã có mặt ở Trung Quốc với lịch sử lâu đời hơn 1700 năm. Có nhiều giả thuyết khác nhau cho sự ra đời của lẩu. Tuy nhiên, chưa ai kiểm chứng được độ chính xác của nó. Hầu hết các giả thuyết đều cho rằng món lẩu có nguồn gốc bắt nguồn từ phía Bắc Trung Quốc.
Họ cho rằng, những kị binh Mông Cổ cưỡi ngựa dọc châu Á, lúc bấy giờ, không mang theo bất cứ dụng cụ hay nguyên liệu nào để nấu ăn cả. Họ dùng tấm khiên để nấu thịt và dùng mũ để nấu súp. Cách nấu này đã thu hút những người dân Trung Quốc. Dần dần nó đã trở nên phổ biến và trở thành truyền thống của người Hoa hơn 1000 năm qua.
Ngày xưa, muốn ăn lẩu, người ta thường hay bày một cái lò than ở giữa bàn. Trên đó sẽ là một cái nồi (lồng lẩu) đựng thức ăn đã nấu sẵn hoặc nồi nước sôi để nhúng nguyên liệu cho chín. Chiếc nồi này nhỏ hơn các nồi lẩu bây giờ nhưng vẫn có cấu tạo khá giống. Hiện nay các loại bếp cồn, bếp ga, bếp điện từ từ đã thay thế bếp than truyền thống.
Lẩu du nhập vào Việt Nam từ rất lâu với đa dạng các loại lẩu từ lẩu Thái, lẩu Hồng Kông… Từ đó, người ta biến tấu ra thành nhiều món lẩu khác nhau. Trong đó, lẩu Thái chay là một trong những món ăn ngon, thanh đạm nhưng vẫn không kém phần hấp dẫn như các món lẩu thông thường.
2. Cách nấu lẩu nấm Thái chay thập cẩm chua cay
2.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 2 bìa đậu hũ chiên
- 1/2 thanh chả quế chay
- 1/2 trái thơm
- 2 trái cà chua
- 4 cây nấm đùi gà
- 1 bịch nấm kim châm
- 1/2 chén ăn nấm hương
- 2 cây hành boa rô
- Một ít rau muống và cải thảo nhúng ăn kèm lẩu
- Gia vị: 2 muỗng ăn nước tương, 1 bịch gia vị nêm lẩu Thái chay, đường, hạt nêm chay, bún hoặc mì chay
2.2. Cách nấu lẩu Thái chay thập cẩm đậm đà vị chua cay
2.2.1. Sơ chế nguyên liệu nấu lẩu nấm vị Thái
- Đậu hũ khi mua về bạn cắt thành từng khối hình vuông nhỏ.
- Chả quế chay cắt thành từng miếng nhỏ.
- Thơm gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ.
- Cà chua rửa sạch, bổ thành từng múi cau.
- Các loại nấm rửa sạch, cắt chân. Đối với nấm đùi gà bạn cắt thành từng miếng cho nhỏ hơn.
- Hành boa rô rửa sạch, băm nhuyễn phần đầu trắng.
- Rau muống, cải thảo rửa sạch, cắt thành từng khúc vừa ăn.
2.2.2. Cách xào các nguyên liệu nấu lẩu Thái chay
- Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành tím và boa rô cho chín vàng.
- Tiếp theo bạn cho chả chay, các loại nấm hương, nấm đùi gà và nấm kim châm vào xào chung. Đảo các nguyên liệu thật nhẹ tay trong vòng từ 30 giây đến 1 phút.
- Sau đó bạn cho vào chảo một muỗng nước tương và một ít hạt nêm chay vào xào. Công đoạn này giúp rau ngấm gia vị hơn và cũng nhanh chín hơn. Cuối cùng trút toàn bộ nguyên liệu vừa xào ra riêng.
- Tiếp đến bạn cho một ít dầu vào chảo, chờ nóng lên và phi thơm một ít hành boa rô. Sau đó cho cà chua và thơm vào xào cho mềm và thơm.
2.2.3. Cách nấu nước dùng lẩu Thái chay chua cay cực ngon
- Chuẩn bị một cái nồi lớn đựng nước lẩu. Sau đó cho vào nồi khoảng 1 lít nước và cà chua, thơm đã xào chín vào.
- Tiếp theo bạn cho vào nồi nước lẩu gia vị lẩu Thái chay vào. Khi nước sôi lên bạn trút hết đĩa chả chay, nấm đã xào chín ở trên cùng đậu hũ chiên đã cắt nhỏ vào.
- Khi nồi lẩu sôi lại lần nữa, bạn chuyển sang bếp gas mini hoặc bếp điện để tiện bày ra bàn ăn.
- Khi ăn lẩu bạn để lửa nhỏ liu riu, vừa ăn vừa trụng bún, mì rau sống vào ăn như các món lẩu thông thường. Cho thêm ít ớt vào để nồi lẩu cay hơn nếu bạn là người ăn cay nhé.
- Nước lẩu Thái chay có vị chua chua, cay cay vừa ăn. Các nguyên liệu vừa chín tới hòa cùng nước lẩu món chay vừa ăn vừa hít hà vì hơi nóng và vị cay có trong lẩu.
3. Cách nấu lẩu Thái chay đơn giản từ cà chua, nấm, đậu hũ
3.1. Nguyên liệu
- 2 trái cà chua tươi, chín, rửa sạch, thái múi cau
- 1/4 quả dứa đã gọt vỏ, cắt mắt, thái miếng nhỏ
- 2 nhánh sả tươi đập dập, cắt khúc
- 1 chai gia vị pha sẵn nấu lẩu Thái chay đóng chai
- 1 bịch đậu hũ cắt khối vuông nhỏ
- 4 – 5 trái ớt tươi
- Rau ăn kèm: rau xà lách xoong, nấm các loại,…
3.2. Cách nấu nước dùng lẩu Thái ngon từ cà chua
- Ngâm các loại nấm đã cắt chân trong nước muối khoảng 10 phút. Sau đó, vớt nấm ra, xả nước lạnh vài lần, để ráo, có thể xé nhỏ cho dễ ăn.
- Bắc nồi vừa lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu thực vật vào đun nóng. Canh dầu nóng, bạn cho sả cắt khúc vào chảo, phi thơm. Sau đó, cho 1/2 cà chua thái cau, 1/2 dứa thái miếng vào chảo, xào đều.
- Xào cà chua khoảng 1 – 2 phút thì bạn chế 1,5 lít nước lọc vào nồi, nấu lửa lớn cho sôi.
- Cho 1/2 nước sốt gia vị lẩu Thái chay vào nồi, khuấy đều. Nêm 1 thìa cà phê đường vào nồi lẩu để dằn vị chua lại.
- Cho vài trái ớt tươi vào nồi, khuấy đều, đun sôi lại lần nữa. Giờ thì bạn có thể dọn bún ra tô, cho đậu hũ, nấm, rau, cùng phần cà chua, dứa còn lại vào nồi, nấu chín là gắp ra ăn ngay.
4. Những lưu ý khi nấu lẩu Thái chay thơm ngon tại nhà
- Các nguyên liệu nấu lẩu nấm chay kiểu Thái đa phần là các loại rau củ nên sẽ chín rất nhanh. Bạn không nên xào nấu quá lâu sẽ làm mất đi độ giòn và hương vị đặc trưng của nguyên liệu.
- Nên sử dụng thêm gói gia vị lẩu Thái chay để món ăn có vị chua cay đúng chuẩn nhà hàng hơn.
Cách nấu lẩu Thái chay thập cẩm thật đơn giản đúng không nào! Chỉ với vài nguyên liệu đơn giản, dễ mua bạn sẽ có ngay một nồi lẩu thơm ngon đậm vị lẩu Thái. Đây là món ăn ngon cuối tuần thanh đạm, rất thích hợp cho những người muốn thay đổi thực đơn hàng ngày. Hãy cùng vào bếp trổ tài nấu món lẩu chay này chiêu đãi gia đình vào những ngày mưa nhé. Chúc các bạn nấu các món chay thông dụng này thành công!
Hồng Ngọc