1. Hướng dẫn nấu chè đậu trắng với nếp, nước cốt dừa cúng thôi nôi
1.1. Nguyên liệu
Cách nấu chè đậu trắng với nếp cúng thôi nôi cần dùng các nguyên liệu như sau:
- 2 lạng hạt đậu trắng
- 200 gram nước cốt dừa
- Nửa chén gạo nếp
- 1/2 thìa cà phê muối ăn
- 1 thìa cà phê bột năng (pha loãng với ít nước lọc)
- 1 muỗng canh đường cát trắng
1.2. Cách nấu chè nếp đậu trắng nước cốt dừa đơn giản tại nhà
1.2.1. Ngâm gạo nếp, đậu trắng
- Bạn vo gạo nếp với nước sạch nhiều lần, rồi vớt ra. Ngâm gạo nếp trong thau nước có pha muối ăn đã chuẩn bị, để ít nhất 8 tiếng cho nở. Bạn nên ngâm gạo từ đêm hôm trước, hôm sau nấu chè là vừa.
- Đậu trắng cũng đem rửa nước thật sạch và loại bỏ hạt xấu, lép. Ngâm đậu trắng trong thau nước ít nhất 5 tiếng đồng hồ. Khi chế biến, bạn vớt đậu ra, rửa nước lại lần nữa, cho vào nồi nước lạnh khác. Bắc nồi đậu lên bếp, nấu sôi, luộc cho đậu chín mềm. Sau đó, vớt đậu chín ra rổ để cho ráo.
1.2.2. Cách nấu chè đậu trắng nước cốt dừa
- Cho phần gạo nếp đã ngâm mềm vào nồi, châm nước lọc ngập gạo khoảng 2 lóng tay.
- Bật bếp, nấu cho sôi lên thì khuấy đều bằng vá gỗ. Điều này giúp gạo chín không bị dính dưới đáy nồi.
- Bạn nấu gạo đến khi chín nở bung hạt thì nêm đường trắng vào, có thể điều chỉnh theo khẩu vị, khuấy đều.
- Thêm đậu trắng vào nấu chung với gạo nếp, hạ lửa nhỏ và tiếp tục đun thêm 15 – 20 phút nữa. Khi này, bạn nếm thử xem chè đậu vừa miệng chưa. Nếu chưa, bạn nêm thêm đường cho vừa vị nhé.
- Thấy chè đậu sánh và đặc lại dẻo ngon thì bạn tắt bếp. Múc chè ra chén, rưới nước cốt dừa lên trên và thưởng thức món tráng miệng ngọt dịu thơm phức này nhé.
- Nếu để cúng thôi nôi, đầy tháng, bạn có thể trang trí thêm hạt Chia, hạt lanh,…cho chén chè thêm đẹp mắt.
1.3. Cách nấu chè đậu trắng bằng nồi cơm điện
Thực tế, nếu bạn nấu chè đậu bằng nồi cơm điện thì sẽ tiện lợi vô cùng. Bởi, bạn không cần phải đứng canh lửa, mà có thể vừa nấu chè vừa làm việc khác. Thành phẩm sau khi chế biến vẫn đảm bảo độ thơm ngon vốn có. Sau khi sơ chế nguyên liệu, bạn nấu chè đậu trắng bằng nồi cơm điện với các bước đơn giản sau:
- Rải đậu trắng thành một lớp dàn đều dưới đáy nồi cơm điện.
- Rải lớp gạo nếp lên trên lớp đậu cho đều.
- Tiếp đến là lớp đường mỏng (ban đầu chỉ nên cho ít đường, sau khi nấu thì bạn nêm nếm lại cho món chè vừa miệng). Nhớ thêm ít muối vào nấu cho chè ngon hơn nhé.
- Đổ thêm 4 cốc nước lọc đầy vào nồi cơm điện cho sao ngập hết các nguyên liệu.
- Nhấn nút “Cook” bắt đầu nấu.
- Khi hỗn hợp sôi, nhớ mở nắp nồi, dùng muỗng khuấy đều. Với cách chế biến này, thời gian nấu chè cũng được rút ngắn – chỉ còn khoảng 25 – 30 phút. Bạn chỉ cần nhớ chuyển nút “Cook” với “Warm” để nấu liên tục đến khi chè sánh dẻo lại là được.
1.4. Yêu cầu thành phẩm đạt chuẩn đối với món chè đậu trắng
Cách nấu chè đậu trắng đạt chuẩn là hạt đậu trắng đục và mềm, thơm bùi, không bị nát nhừ. Phần xôi nếp thì dẻo thơm và trong màu, ngọt dịu. Nước chè vừa phải, không quá lỏng hay đặc cứng, nước dừa béo thơm hài hòa.
2. Cách nấu chè đậu trắng khoai môn cao
2.1. Nguyên liệu
- Khoai môn cao (gọt vỏ, thái miếng nhỏ vừa ăn): 300 gram
- Hạt đậu trắng: 300 gram (ngâm nước qua đêm cho nở mềm)
- Đường cát: 200 gram
- Bột năng: 50 gram
- Chiết xuất vani: 2 ống
- Cơm dừa nạo: 200 gram
2.2. Cách nấu chè đậu trắng với khoai môn cao
- Bạn ngâm cơm dừa nạo với tô nước ấm, rồi cho vào khăn xô hoặc lọc qua rây để lấy nước cốt, để xác qua một bên.
- Hòa tan bột năng vào chén với 3 muỗng canh nước. Đổ phần nước cốt dừa vừa vắt vào nồi nhỏ, đun sôi, rồi đổ bột năng pha loãng vào nấu chung. Nêm nước cốt dừa với muối, đường vừa vị và sánh sệt lại thì tắt bếp.
- Bắc nồi nước sôi, cho đậu trắng đã ngâm mềm vào luộc chín. Sau đó, vớt đậu trắng ra rổ và xả lại nước lạnh lần nữa, để khô nước.
- Với khoai môn, sau khi sơ chế, bạn cho vào thau nước muối ngâm cho sạch nhựa mủ. Khoảng 20 phút sau, chuyển khoai qua rổ đợi ráo nước. Tiếp đến, bắc nồi nước sôi cho khoai vào hấp chín.
- Bạn lấy phần xác cơm dừa lúc nãy pha tiếp với ít nước lọc, rồi đổ qua rây lấy nước dão, bỏ xác. Bắc nồi, cho nước dão dừa vào nấu với đậu trắng và khoai môn cao. Đến khi đậu mềm thì cho đường vào khuấy đều.
- Nước chè sôi, đổ vani vào trộn chung. Nấu đến khi chè đậu sánh đặc thì tắt bếp. Múc chè ra dĩa ăn với nước cốt dừa và tận hưởng hương vị mới lạ này nhé!
3. Cách nấu chè đậu trắng nước cốt dừa đơn giản nhất tại nhà
3.1. Nguyên liệu
- 200 gram đậu trắng khô (nhặt sạch rồi ngâm nước qua đêm)
- 95 gram đường trắng
- 1/2 thìa cà phê muối ăn
- 1 lon nước cốt dừa bán sẵn
- 1 thìa cà phê bột năng
3.2. Hướng dẫn cách nấu chè đậu trắng với nước cốt dừa
- Cho đậu trắng với nước lọc vào nồi, nấu cho mềm (hơi nhừ một chút), nêm 80 gram đường vào khuấy đều.
- Nấu chè đậu trắng đến khi sánh đặc lại, đường tan hết thì tắt bếp. Nếu không dùng hết, bạn có thể đợi chè nguội thì cho vào hộp kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Lưu ý: Bạn chỉ nêm đường vào khi đậu đã nấu mềm nhừ nhé. Nếu cho đường vào khi đậu còn sống, món chè sẽ bị sượng cứng, rất khó ăn và nhanh hư.
- Cách nấu nước cốt dừa ăn chè: Trộn bột năng với muối ăn, phần đường còn lại, rồi đổ vào nồi cùng với nước cốt dừa. Bật bếp nấu và khuấy đều nước cốt dừa, cho đến khi sốt sánh đặc lại, vị mặn ngọt hài hòa thì tắt bếp. Với nước cốt dừa, bạn cũng có thể đợi nguội rồi đổ vào hộp kín, bảo quản ở nhiệt độ ngăn mát tủ lạnh tương tự chè đậu. Khi ăn, chỉ cần lấy chè và nước cốt dừa ra nấu nóng lại và dùng chung.
4. Cách nấu món xôi chè nếp đậu trắng mềm với baking soda
4.1. Nguyên liệu
- 150 gram hạt đậu trắng
- 200 gram gạo nếp
- 100 gram đường phèn
- 5 gram baking soda
- 300 ml nước sạch
- 200 ml nước dảo dừa
- 1 thìa cà phê muối ăn
- Vài nhánh lá dứa rửa sạch, để ráo
- 200 ml nước cốt dừa nguyên chất tự vắt hoặc mua lon
Lưu ý: Baking soda có tác dụng “chữa” tình trạng chè đậu trắng nấu bị cứng sượng. Nguyên nhân của tình trạng này – như đã nhắc đến ở trên – là do bạn cho đường vào khi luộc đậu chưa mềm nhừ.
4.2. Các bước nấu xôi chè nếp đậu trắng mềm, không bị sượng với baking soda
4.2.1. Luộc đậu trắng mềm
- Bạn ngâm đậu trắng với thau 300 ml nước sạch muối nở baking soda, vài tiếng sau, vớt đậu ra để ráo. Bạn nhớ giữ tỷ lệ nguyên liệu này khi ngâm để đậu nở mềm tối đa nhé.
- Bắc nồi sạch, cho đậu trắng vừa ngâm vào, đổ nước lọc ngập mặt đậu quá 1 đốt tay. Bạn nấu đậu ở mức lửa vừa, khoảng 40 phút sau, đậu bắt đầu mềm thì bạn cho 1/2 thìa cà phê muối ăn vào khuấy đều và tắt bếp. Trong lúc nấu, bạn nhớ vớt bọt nước sôi thật sạch để nước dùng trong nhé.
- Rửa đậu với nước sạch lần nữa, rồi để ra rổ.
4.2.2. Nấu xôi gạo nếp nước dừa
- Bạn vo gạo nhiều lần với nước sạch.
- Lấy lá dứa xếp thành lớp dưới đáu nồi, thêm nước dão dừa vào pha với 300 ml nước lọc, khuấy đều và nấu cho sôi. Sau đó, vớt bỏ lá dứa.
- Cho gạo vào nồi nước dừa lá dứa, hạ lửa liu riu, ninh khoảng nửa tiếng cho gạo nở bung hạt.
- Nếp chín, bạn nhớ khuấy đều cho gạo không dính vào đáy nồi cháy khét nhé.
4.2.3. Cách nấu xôi nếp chè đậu trắng với đường phèn
- Nấu xôi nếp chín mềm, bạn cho đường phèn vào khuấy đều cho tan.
- Đổ đậu trắng là luộc mềm vào nấu chung với xôi nếp.
- Khuấy hỗn hợp khoảng 5 phút nữa cho nước chè sánh đặc lại, đậu mềm và xôi nếp dẻo ngon là hoàn tất.
- Múc chè ra chén, rưới nước cốt dừa lên và thưởng thức nhé!
5. Cách nấu món chè đậu trắng bánh lọt
5.1. Nguyên liệu
- 1 lạng hạt đậu trắng (ngâm nước 5 – 6 tiếng cho nở mềm)
- 30 gram bột năng
- Nửa chén nước cốt dừa
- 1/2 thìa cà phê muối ăn
- 70 gram bột gạo
- 100 gram đường cát
- 1 nắm lá dứa rửa sạch
- 200 ml nước cốt lá dứa
5.2. Hướng dẫn cách nấu chè đậu trắng với bánh lọt
5.2.1. Cách làm bánh lọt ăn chè
- Trong một cái tô lớn và sạch, bạn trộn bột năng với bột gạo, nước ép lá dứa với nhau. Vừa từ từ châm nước sôi vào hỗn hợp bột, vừa dùng muỗng khuấy đều cho bột không bị vón cục. Bạn thêm nước sôi vừa phải, không quá loãng và cũng không khiến bột quá khô là được.
- Đợi bột hơi ấm ấm, bớt nóng, bạn cho hỗn hợp ra mặt phẳng sạch.
- Trực tiếp dùng tay nhào khối bột cho mịn và dẻo lại.
- Chia bột thành các khúc nhỏ, rồi se lại thành khúc dài mỏng.
- Bắc nồi nước lọc, đun sôi.
- Sau đó, cho toàn bộ phần bột đã se thành miếng dài vào luộc chín. Khi thấy các sợi bột nổi lên mặt nước, màu trong hơn thì bạn vớt ra, xả nước lạnh lại cho săn dẻo và không bị dính nhau. Đây chính là món bánh lọt thường thấy khi ăn chè.
5.2.2. Cách làm chè đậu trắng nấu với bánh lọt
- Bắc nồi nước khác, cho lá dứa vào với đậu trắng.
- Châm nước lọc vào nồi ngập nguyên liệu và gấp đôi lượng đậu.
- Nấu hỗn hợp đậu trắng cho sôi, rồi chỉnh lửa liu riu.
- Đậu trắng nấu chín mềm thì cho đường cát vào khuấy đều.
- Nấu đến khi chè đậu sánh đặc lại thì tắt bếp, múc chè ra chén, thêm bánh lọt vào. Cuối cùng, chan nước cốt dừa lên trên, có thể thêm vài viên đá lạnh và thưởng thức ngay cho mát nhé.
6. Món chè đậu trắng có tác dụng gì?
Dưới đây là 7 công dụng của đậu trắng đối với sức khỏe:
- Đậu trắng là nguồn protein tuyệt vời cho những người theo chố độ ăn chay
- Đậu trắng chứa lượng lớn chất xơ có giá trị dinh dưỡng cao
- Đậu trắng có tác dụng hỗ trợ hệ thần kinh hoạt động tốt hơn
- Đậu trắng chứa vitamin B, axit folate dồi dào, tốt cho trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai
- Ăn đậu trắng giúp ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết, thay đổi tâm trạng. Bởi, chỉ số đường huyết trong đậu trắng rất thấp.
- Đậu trắng tốt cho huyết áp
- Đậu trắng có khả năng hỗ trợ hình thành tế bào hồng cầu
Cách nấu chè đậu trắng là một trong những công thức chế biến đậu trắng dễ hấp thụ nhất. Hơn nữa, món ăn còn có tác dụng tăng cường dưỡng chất cho cơ thể mà chứa ít calo, không ngại tăng cân.
Cách nấu chè đậu trắng vốn giản đơn như ý nghĩa của nó: hạnh phúc gia đình viên mãn. Ngoài những công thức hướng dẫn trên đây, bạn thậm chí có thể sáng tạo nên món chè riêng đặc sản của mình. Nhất là với các nguyên liệu topping ăn kèm – bạn có thể tùy chọn đậu phộng rang, vừng rang,…tùy sở thích nữa đấy. Hãy thử nghiệm ngay cách làm các món ăn vặt ngọt ngào này để thể hiện “tài lẻ” cho cả nhà bất ngờ nhé!
Trúc Nguyễn tổng hợp