Không ít các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên dùng sữa công thức để làm sữa chua vì món ăn này bổ sung lợi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hoá. Thành phần trong sữa chua giúp đường ruột của bé hoạt động trơn tru, tránh tình trạng bị táo bón hiệu quả. Bên cạnh đó, trẻ dưới 1 tuổi cũng không nên sử dụng sữa tươi, vì vậy dùng sữa công thức làm sữa chua là tốt nhất. Vậy cách làm sữa chua bằng sữa bột như thế nào để có một hũ sữa vừa dẻo, vừa ngọt, vừa chua? Cùng tìm hiểu qua công thức sau đây nhé.
1. Cách làm sữa chua từ sữa bột công thức cho bé
Cách làm sữa chua bằng sữa bột công thức tương tự như công thức sữa chua ủ bằng sữa bò tươi. Hương vị và màu sắc của sữa chua làm từ sữa bột không khác so với sữa đặc, sữa tươi mà còn có hương thơm và vị béo riêng từ sữa bột.
1.1. Nguyên liệu làm sữa chua từ sữa công thức
- 10 muỗng sữa bột. Các mẹ lưu ý nên chọn loại sữa bột mà bé đang sử dụng, tránh dùng loại sữa lạ vì có thể bé sẽ dị ứng, không thích hợp.
- 300 ml nước sôi
- 1 hũ sữa chua không có đường để làm men cái. Nên chọn sữa chua loại tươi, hạn sử dụng còn dài để có lượng vi khuẩn lên men nhiều.
- Các dụng cụ cần thiết để làm sữa chua như hũ đựng thuỷ tinh, nồi đun, bếp nấu, muỗng, thùng xốp để ủ sữa chua.
- Đây là món ăn thích hợp cho bé trong thời gian ăn dặm, vì tự tay mẹ làm nên món này có ưu điểm là an toàn cho bé.
1.2. Hướng dẫn cách làm sữa chua bằng sữa bột công thức của bé
1.2.1. Cách pha tỷ lệ sữa bột công thức làm sữa chua
- Đun sôi nước lọc, để cho nước hơi nguội khoảng 80 độ C thì cho sữa bột vào khuấy đều cho tan, tránh tình trạng bị vón cục.
- Để sữa nguội trong ít phút, đổ từ từ hũ sữa chua vào hỗn hợp sữa. Khuấy đều tay theo một chiều để sữa chua tan hoàn toàn. Các bạn cứ pha theo tỷ lệ 350 ml sữa: 4 thìa sữa chua, nếu làm nhiều hơn thì tăng theo tỷ lệ trên.
- Tiệt trùng các hũ thuỷ tinh đựng sữa chua bằng nước sôi, để thật ráo. Tiếp theo, dùng muỗng múc hỗn hợp sữa vào từng hũ, đậy kín nắp.
1.2.2. Cách ủ sữa chua cho bé làm bằng sữa bột công thức
- Nếu như không có máy ủ sữa chua thì có thể ủ sữa bằng thùng xốp hoặc lò vi sóng.
- Ủ sữa chua bằng thùng xốp: Đặt các hũ sữa chua vào các hộp xốp giữ nhiệt, bổ sung vào hộp xốp một vài bình đựng nước nóng hoặc đổ nước ấm ngập 2/3 hũ sữa, sau đó đậy kín nắp hộp.
- Ủ sữa chua bằng lò vi sóng: Đặt sữa chua vào lò vi sóng và đậy kín nắp để giữ nhiệt độ ổn định, bạn nên cho thêm 1 cốc nước lọc vào lò trước khi tăng nhiệt độ của lò để ủ sữa chua.
- Thời gian ủ sữa chua trong khoảng 4 – 8 tiếng tuỳ thuộc vào mức độ chua của sữa mà bạn muốn làm. Sau khi ủ hoàn tất thì cho sữa chua vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản, sử dụng trong vòng 4 – 7 ngày.
2. Cách làm sữa chua bằng sữa bột béo nguyên kem Hạ Long
2.1. Nguyên liệu
- 240 ml kem tươi whipping cream (30% chất béo)
- 240 ml sữa tươi nguyên kem (whole milk)
- 1 hộp sữa chua cái không đường
- 60 gram sữa đặc có đường
- 3 muỗng canh sữa bột (có thể tận dụng sữa bột của bé đang uống)
- Nguyên liệu nấu sirup đường: 80 gram đường cát trắng; 30 ml nước; 5 ml nước cốt chanh
- Nguyên liệu trân châu trắng: 90 gram bột năng, 10 gram bột gạo, 2 muỗng canh đường và nước sôi
- Nguyên liệu làm nước cốt dừa: 200 ml nước cốt dừa; 100 ml sữa tươi không đường; 3 muỗng canh đường; 3 muỗng canh sữa đặc có đường và 1,5 muỗng canh bột bắp (hoặc bột năng)
2.2. Cách làm sữa chua bằng sữa bột béo nguyên kem Hạ Long
2.2.1. Trộn kem sữa tươi với sữa chua
- Cho đường, nước lọc, nước chanh vào nồi nhỏ, bắc lên bếp. Bật lửa lớn, đun cho hỗn hợp đường tan ra, sủi bọt. Nấu đến khi nước đường đặc lại thì tắt bếp.
- Cho sữa bột vào nồi khác, thêm 70 gram sirup đường vừa nấu cùng sữa đặc, kem tươi, sữa tươi vào. Dùng muỗng khuấy cho các nguyên liệu hòa quyện với nhau. Bật bếp lửa lớn, đun cho hỗn hợp kem sữa tươi nóng lên khoảng 70 độ C thì bạn tắt bếp.
- Trút sữa chua cái ra chén riêng, lấy muỗng tán nhuyễn. Múc vào muỗng kem sữa tươi vào chén sữa chua, khuấy cho tan. Sau đó, đổ ngược phần sữa chua này vào nồi kem sữa tươi, khuấy cho hòa quyện.
2.2.2. Cách làm sữa chua ủ bằng sữa bột béo nguyên kem
- Rót hỗn hợp kem sữa chua béo vào khuôn, bọc kín miệng khuôn lại. Đun nước sôi, để nguội xuống còn khoảng 75 – 80 độ C. Rót phần nước nóng này vào 1 nồi lớn, đủ để đặt vừa khuôn sữa chua. Bạn lưu ý chế nước nóng ở mức 2/3 khuôn sữa chua thôi nhé.
- Đậy nắp nồi lại, ủ ít nhất 8 tiếng. Trong thời gian ủ sữa chua nguyên kem, nhớ thay nước nóng nếu nước bị nguội. Sữa chua sau khi ủ cực kì dẻo mịn và có lớp kem béo mỏng bên trên rất thơm.
- Để sữa chua nguội hẳn, cho vào tủ đông và tránh để nước trong tủ lạnh nhiễu xuống mặt sữa chua nhé. Để sữa chua qua đêm.
2.2.3. Nấu nước cốt dừa, thạch trân châu ăn kèm sữa chua kem béo Hạ Long
- Cách làm thạch trân châu trắng: Trộn bột năng, bột gạo, đường trong tô vừa. Cho từng ít nước sôi vào tô bột, dùng muỗng trộn đều. Châm nước đủ để bột thấm ướt hết là được. Sau đó, dùng tay nhào khối bột cho dẻo mịn. Lăn khối bột thành các hình trụ dài với đường kính 1 cm, cắt nhỏ hạt lựu. Bắc nồi nước sôi, luộc trân chây 20 – 25 phút cho chín nổi lên trên thì vớt ra, ngâm nước lạnh để có màu trong hơn.
- Nấu cốt dừa: Cho lượng nhỏ sữa tươi vào chén bột bắp, khuấy tan đều. Sau đó, chế bột bắp pha loãng cùng toàn bộ nguyên liệu còn lại vào nồi. Vừa khuấy đều, vừa đun cho cốt dừa hòa quyện sánh mịn. Trút toàn bộ trân châu trắng vào nồi cốt dừa nấu cùng khoảng 30 giây thì tắt bếp. Ủ trân châu trong cốt dừa cho thấm vị.
- Để thưởng thức sữa chua trân châu Hạ long đúng điệu, bạn múc riêng 1 ly cốt dừa trân châu. Sau đó, múc riêng 1 phần kem béo sữa chua. Khi ăn, rưới cốt dừa trân châu trộn kem sữa chua rồi thưởng thức thôi nào!
3. Một số lưu ý để làm sữa chua bằng sữa bột mịn ngon đúng cách, không bị tách nước
Để món sữa chua được thơm ngon, sánh mịn, không bị chảy nước thì các mẹ cần lưu ý một vài điểm sau đây:
- Không sử dụng nước sôi làm sữa chua vì nhiệt độ nóng giết chết lợi khuẩn có trong sữa chua. Nhiệt độ ủ sữa chua thích hợp là từ 40 – 44 độ C.
- Thời gian ủ sữa khoảng 4 – 8 tiếng đồng hồ, tránh rung lắc khi ủ sẽ làm vỡ liên kết trong sữa.
- Muỗng hoặc dụng cụ đựng sữa phải được khử trùng sạch sẽ và khô ráo.
4. Cách cho trẻ ăn và uống sữa chua đúng chuẩn
4.1. Cho bé ăn dặm với sữa chua bao nhiêu là đủ?
- Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trẻ em từ 7 – 8 tháng đã được dùng sữa chua. Lúc này hệ tiêu hoá của bé đã sẵn sàng dung nạp những lợi khuẩn có lợi từ sữa chua. Với trẻ dưới 1 tuổi có thể ăn khoảng 50 gram sữa chua/ ngày. Ưu tiên không đường và bổ sung thêm trái cây.
- Cho trẻ em ăn sữa chua tốt nhất là sau bữa ăn chính từ 1 đến 2 tiếng. Đây là thời gian tuyệt vời giúp các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động tốt. Và trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng đồng hồ cho trẻ ăn sữa chua giúp trẻ ngủ sâu, ngon giấc. Tuyệt đối không cho trẻ ăn sữa chua lúc đói.
4.2. Lưu ý khi cho trẻ ăn sữa chua
- Sữa chua ngon nhất khi ăn lạnh. Tuy nhiên, khi lấy cho bé ăn nên để sữa chua ra ngoài tủ lạnh ở nhiệt độ phòng từ 5 – 15 phút để tránh bé bị viêm họng.
- Tuyệt đối không để sữa chua ngoài tủ lạnh hơn 1 tiếng. Vì vi khuẩn có hại có thể sinh sôi khiến bé có nguy cơ bị tiêu chảy khi ăn.
- Nên trộn thêm các loại hoa quả vào sữa chua để tăng vị ngon miệng cho bé. Bạn có thể cắt nhỏ hoa quả hoặc xay tuỳ vào mức độ ăn thô của bé.
- Không kết hợp sữa chua với các loại thực phẩm như thịt đông lạnh, lạp xưởng, xúc xích… sẽ gây nên rối loạn tiêu hoá.
- Cần vệ sinh răng miệng sau khi ăn sữa chua để không làm hỏng men răng của trẻ.
Cách làm sữa chua bằng sữa bột béo nguyên kem, hay bột công thức cho bé thơm ngon, sánh mịn mà lại đơn giản. Đây sẽ là một món ăn ngon bổ dưỡng làm phong phú thêm thực đơn ăn dặm mà bé sẽ vô cùng yêu thích. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp các mẹ có thể tự tay làm sữa chua cho bé nhà mình. Còn chần chừ gì nữa mà không bắt tay thực hiện ngay thôi.
Hồng Ngọc