1. Những cách làm mứt dừa non ngon mà không bị chảy nước
Để làm mứt dừa non khô ngon mà không bị chảy nước, để được lâu, chúng ta cần chế biến đúng cách. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, thì hầu như gia đình nào cũng không thể thiếu một hộp mứt dừa để đãi khách. Mứt dừa vốn được xem là món mứt truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, vì do nhà làm, thường không có chất bảo quản nên dừa rất dễ bị hôi dầu, ẩm mốc và bị chảy nước. Chắc hẳn chị em nhà mình ai cũng muốn biết bí quyết làm sao để giữ mứt dừa được lâu hơn, khô ráo thơm ngon suốt cả mùa Tết, phải không nào! Hãy cùng trangnauan.com khám phá bí quyết làm món ngon ngày Tết dưới đây nhé.
1.1. Cách làm mứt dừa non vani đơn giản tại nhà không bị chảy nước
1.1.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Cùi dừa non: 400 gram
- Đường cát trắng: 240 gram
- Vani (1 ống)
- Nước cốt 1 trái chanh đã bỏ hạt
Mẹo chọn cùi dừa ngon: Nên chọn cùi non vừa để tránh tình trạng mềm nhũn. Sau khi cạo lớp vỏ nâu bên ngoài mà phần cùi dừa vẫn tròn đứng chắc chắn là chuẩn.
1.1.2. Cách sơ chế dừa non làm mứt
- Dừa non đem gọt sạch phần vỏ nâu bên ngoài (không nên chọn dừa quá già và cứng). Sau đó, ngâm cùi dừa non với nước chanh để loại sạch phần dầu trơn.
- Thái sợi cùi dừa non rồi rửa kĩ nhiều lần bằng nước lạnh để loại bỏ bớt phần dầu dừa và để dừa bớt đục.
- Sau đó cho vào nước sôi chần nhanh khoảng 1 phút, đổ ra rổ và để cho thật ráo nước. Nếu để dừa ướt, khi ngâm với đường sẽ làm nước đường bị loãng, lúc sên sẽ rất lâu khô và làm cho mứt mất ngon.
- Tiếp theo, ướp dừa với đường cát trắng. Sau đó, trộn đều để khoảng 3 đến 4 tiếng cho đường thấm và tan hết.
- Trong quá trình ngâm, ta cho thêm vài giọt chanh vào, để khi sên mứt sẽ làm cho đường dẻo mà không bị đóng cục cứng.
1.1.3. Cách sên mứt dừa non không bị chảy nước
- Cho tất cả phần ở trên vào chảo (nên chọn chảo to và đáy chảo dày), bật lửa vừa. Đến khi nước đường sôi và hơi cạn lại, bạn dùng đũa đảo đều. Đồng thời, hạ lửa nhỏ liu riu để sên mứt.
- Tiến hành rim dừa ở mức lửa nhỏ nhất, đảo tay liên tục cho đến khi phần nước đường khô hẳn và bám vào mứt.
- Lúc này ta cho ống vani vào tiếp tục đảo đều, sau đó tắt lửa và cứ đảo đều tay 5 phút rồi đổ ra khay đã lót giấy thấm ở dưới. Đồng thời, hong quạt cho mứt dừa vừa sên thật khô, đây chính là bí quyết giữ mứt dừa không bị chảy nước. Hoặc, bạn vớt hết mứt dừa qua một cái mâm sạch. Kế đến, đeo găng tay vào, xóc đều mứt dừa vừa sên cho đến khi nguội. Bước này giúp mứt không bị ướt mà cũng không bị cháy khét do nhiệt độ còn lưu lại ở chảo.
- Khi phần mứt dừa đã nguội hẳn, ta cho mứt vào hũ thủy tinh hoặc hũ nhựa để bảo quản.
Lưu ý: Trước khi cho mứt vào, hãy lót dưới đáy hũ một lớp đường mứt đã rim. Cách này sẽ giữ cho hũ đựng không bị ẩm và mứt dừa sẽ giòn hơn.
1.2. Cách làm mứt dừa non bánh tẻ trà xanh sữa không bị chảy nước
1.2.1. Nguyên liệu
Ở công thức thứ nhất, chúng ta chỉ sử dụng đường để ướp cơm dừa làm mứt. Còn ở cách chế biến này, bạn kết hợp thêm sữa đặc – một chất làm ngọt khác giống như đường, cùng với thành phần bột tạo màu và tạo hương, thì cần chọn tỷ lệ nguyên liệu thế nào để đảm bảo mứt sên khô dẻo ngon mà không bị chảy nước? Hãy áp dụng tỷ lệ chuẩn làm mứt dừa non với sữa đặc dưới đây:
- Cơm dừa non bánh tẻ: 1 kg
- Đường trắng: nửa kí
- Bột trà xanh nguyên chất: 10 gram (Xem cách làm bột trà xanh không bị đen tại nhà)
- Sữa đặc Ông Thọ: 50 ml
- Chiết xuất vanilla: 1 ống
Mẹo: Ngoài bột matcha, bạn có thể làm mứt dừa non lá dứa để có màu xanh đẹp mắt nhé. Còn nếu muốn làm mứt dừa non nhiều màu thì thay nguyên liệu tạo màu từ nước ép lá cẩm, nước ép cà rốt,…
1.2.2. Cách làm mứt dừa non vị trà xanh sữa đặc không bị chảy nước
- Gọt lớp vỏ nâu, rồi rửa cùi dừa với nước chanh hoặc nước lạnh cho sạch. Cắt cơm dừa thành sợi để làm mứt dừa non dạng miếng vừa ăn, cho vào thau nước sạch, dùng tay bóp nhẹ và thay nước nhiều lần cho đến khi không còn đục màu nữa là được.
- Vớt cơm dừa ra rổ, để thật ráo nước, rồi cho vào thau sạch. Thêm đường vào, trộn đều với cơm dừa, ướp 4 giờ.
- Sau đó, cho bột matcha cùng sữa đặc vào trộn với cơm dừa ngâm đường, ướp thêm 1 giờ nữa để ngấm màu.
- Bắc chảo, đổ phần dừa ướp sữa bột trà xanh vào, đun với lửa vừa. Đến khi nước đường cạn bớt thì hạ lửa xuống mức thấp nhất.
- Vừa dùng đũa đảo đều tay, vừa thêm vani vào chảo sên cùng mứt dừa non trà xanh đến khi đường kết tinh khô lại và bám quanh miếng dừa là hoàn tất.
2. Mẹo làm và bảo quản mứt dừa non tại nhà không bị chảy nước
2.1. Cách sên mứt dừa non dẻo khô mà không chảy nước
- Với những bạn mới lần đầu làm mứt có thể không kết tinh khô giòn được. Tình trạng này là do sử dụng thiếu đường. Do đó, hãy đảm bảo áp dụng đúng tỷ lệ nguyên liệu trong các công thức ở trên nhé, không nên giảm đường. Còn nếu lỡ dùng ít đường, hãy thêm đường khi sên cùi dừa non.
- Trường hợp mứt vẫn keo đặc lại mà không kết tinh đường, tốt nhất là bạn nên tắt bếp, đem phần mứt ấy rửa trôi sạch lớp đường cũ. Sau đó, thêm lượng đường theo đúng tỷ lệ trangnauan.com đã hướng dẫn ở trên và sên như thường.
- Một nguyên nhân khác khiến mứt không khô lại là do sên với lửa quá lớn. Thậm chí, điều này còn dễ khiến mứt mau cháy khét. Khi làm mứt, bạn đừng nên nóng vội, hãy kiên trì và sên với mức lửa nhỏ nhất.
- Ngoài mức lửa, bạn cũng không nên sên mứt dừa non dẻo quá lâu. Nếu không, thành phẩm dù khô, không bị chảy nước nhưng sẽ rất cứng, ăn vào mất ngon.
2.2. Cách bảo quản mứt dừa non tự làm tại nhà không bị chảy nước
Khi lấy mứt dừa ra dùng, nên hạn chế cho tay trực tiếp vào vì như vậy sẽ làm cho mứt dừa bị ẩm, dễ chảy nước và bị hư. Nên dùng đũa khô để gắp mứt ra. Sau đó, nhớ đậy nắp thật kĩ để tránh gió vào khiến mứt dễ bị ẩm và chảy nước.
Với bí quyết mách nhỏ ở trên thì bạn có thể yên tâm tự tay thực hiện cách làm mứt dừa non không bị chảy nước mà thơm ngon, béo ngậy tại nhà, không cần chất bảo quản mà vẫn giữ mứt được lâu rồi nhé. Ngoài công thức làm mứt dừa non dạng sợi, bạn có thể tham khảo cách sên mứt dừa viên sao cho khô ngon mà không thấm ướt. Chúc các bạn đón một mùa Tết cổ truyền thật ấm cúng và ý nghĩa!
Bích Tuyền tổng hợp