1. Mứt chùm ruột có tác dụng gì?
Mứt chùm ruột làm theo cách ngào đường đơn giản kiểu truyền thống có vị dẻo ngọt dường như là món ăn vặt đã gắn liền với kỉ niệm tuổi thơ của bao thế hệ người Việt. Đây là loại trái xuất hiện phổ biến khắp miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, chùm ruột còn được tìm thấy ở Lào, miền Bắc Malaysia, Ấn Độ.
Quả chùm ruột có rất nhiều công dụng. Nó thường được sử dụng trong các công thức nấu ăn, mà đơn giản nhất là ngào đường làm mứt. Ở một số nơi, người ta còn nấu nước sốt chùm ruột, hoặc ép lấy nước cốt để uống giải khát, làm kẹo. Còn trong y học, quả chùm ruột cũng tỏ ra vô cùng hữu dụng. Nó được kê đơn để điều trị hầu như mọi thứ, từ tẩy giun, cho đến điều trị bệnh thấp khớp, bệnh vảy nến, giảm đau đầu, ho và hen suyễn. Với những lợi ích đáng tin cậy này, bạn hoàn toàn yên tâm thưởng thức món mứt chùm ruột vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe này nhé.
2. Cách làm mứt chùm ruột đơn giản mà chua ngọt, cay ngon đúng chuẩn tại nhà
2.1. Cách làm mứt chùm ruột ngào đường chua ngọt đơn giản
2.1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
Theo kinh nghiệm làm mứt chùm ruột, nếu dùng lượng chùm ruột bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu đường là ngon nhất. Do đó, không có công thức nhất định khi làm mứt từ chùm ruột. Tuy nhiên, bạn lưu ý trọng lượng chùm ruột được tính sau khi đã vắt hết nước bên trong đi rồi nhé. Nếu làm để dành ăn dần, bạn chuẩn bị nguyên liệu gồm:
- 1,4 kí chùm ruột (để trừ hao sau khi vắt nước còn lại khoảng 1 kí)
- 1 kg đường cát trắng (bạn có thể đong lại lượng đường sau khi vắt nước chùm ruột và cân lại nhé)
- 200 ml nước lọc
2.1.2. Cách làm mềm trái chùm ruột và khử vị chua chát
Có rất nhiều cách để làm mềm quả chùm ruột giúp làm mứt ngon và lên màu đỏ đẹp mắt. Trong đó, theo phương pháp truyền thống, bạn cho chùm ruột vào thau nước sạch. Pha 15 gram muối trắng vào thau nước, ngâm chùm ruột 3 – 5 giờ. Sau khi ngâm, chùm ruột sẽ nổi lên trên.
Phần nước chua và chát bên trong quả chùm ruột đã tiết bớt ra ngoài. Bạn chỉ cần vớt chùm ruột ra, vắt kiệt nước cho đến khi trái hơi héo lại là được. Cách này tốn khá nhiều công sức. Bởi, bạn cần phải chà lên thớt, dùng tay vắt trái còn khá tươi thật nhiều lần mới chắt gần hết nước ra được.
2.1.3. Cách sên mứt chùm ruột tự làm đơn giản lên màu đỏ đẹp
- Sau khi vắt nước, trút chùm ruột vào một chảo lớn. Sau đó, rải đều đường cát lên trên chùm ruột, dùng muỗng trộn đều chúng lên. Kế đến, bạn châm thêm 200 ml nước lọc (hoặc tận dụng nước chua vắt được từ chùm ruột) vào chảo, trộn đều.
- Để chảo chùm ruột qua một bên, ngâm ít nhất 3 – 4 tiếng.
Mẹo: Thời gian ngâm đường càng lâu thì chùm ruột khi sên thành mứt sẽ càng dẻo và ngon.
- Sau khi ướp đường, bạn bắc chảo chùm ruột lên bếp. Bật lửa liu riu nấu cho nước đường sôi nhẹ, sên mứt và đảo nhẹ đều cho đến khi chùm ruột chuyển sang màu đỏ hẳn hoàn toàn là được. Thời gian sên mứt chùm ruột là khoảng 2 tiếng.
Mẹo: Bạn có thể chắt riêng nước đường ướp chùm ruột ra. Sau đó, đem thắng nước đường cho đến khi chuyển màu caramel thì vắt thêm ít nước chanh, rồi cho chùm ruột vào sên cũng được nhé.
- Khi mứt chùm ruột cạn gần hết nước đường, đỏ đậm đều màu thì bạn tắt bếp. Múc mứt chùm ruột ra khay sạch cho nhanh nguội. Mứt chùm ruột càng để nguội thì sẽ lên màu đỏ càng đậm. Giờ thì chỉ việc đóng gói bảo quản kín và dùng dần thôi nào!
2.2. Cách làm mứt chùm ruột xóc muối ớt chua cay đơn giản không bị nát
2.2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- 3 chén (loại chén ăn cơm) chùm ruột (đã đông đá qua đêm và vắt nước)
- 1/2 thìa cà phê bột ngọt
- 2,5 chén đường trắng
- 1 thìa cà phê muối trắng
- 2 thìa cà phê bột ớt (Tham khảo cách làm bột ớt tại nhà)
- 1 ống vanilla nước (nếu dùng vani dạng bột thì nhớ thêm khoảng 3 thìa nước lọc để bột hòa tan tạo mùi thơm cho mứt nhé)
2.2.2. Cách làm mứt chùm ruột xóc muối cay đơn giản
- Cho chùm ruột đã vắt nước vào thau sạch. Cho đường, muối, bột ngọt vào thau chùm ruột, trộn đều lên. Ướp chùm ruột ở nhiệt độ phòng với gia vị khoảng 3 đến 5 tiếng cho thấm đường.
- Trút hỗn hợp chùm ruột cùng nước đường vào chảo, sên lửa vừa khoảng 30 phút cho nước đường sôi và cạn bớt. Lúc này, bạn không cần đảo mứt. Nhưng khi nước đường cạn bớt, bạn hạ lửa nhỏ nhất để sên và đồng thời đảo đều tay để chùm ruột không bị cháy khét nha.
- Sên mứt chùm ruột khoảng 45 – 60 phút nữa. Khi chùm ruột chuyển sang màu đỏ, bạn cho bột ớt vào, đảo đều. Sên mứt chùm truột thêm 10 – 15 phút nữa thì cho vani vào, đảo thêm 2 phút nữa cho nước đường cạn hết thì tắt bếp.
- Múc mứt chùm ruột cay ra khay sạch, đem phơi nắng cho khô lại và các viên mứt tơi ra, không bị dính lại với nhau. Cuối cùng, trút mứt chùm ruột cay vào hũ sạch, đậy nắp kín và bảo quản nhé.
2.3. Hướng dẫn làm mứt chùm ruột có màu đỏ bằng nồi cơm điện
Thời gian sên mứt bằng bếp gas hoặc bếp điện thường rất lâu. Hơn nữa, bạn cần phải canh lửa nhỏ để sên mứt làm sao cho không bị khét. Chính những điều này khiến ai mới lần đầu làm mứt rất dễ thất bại. Nhưng đừng lo, hãy thử nghiệm cách làm mứt chùm ruột sên bằng nồi cơm điện ngay sau đây!
- Sau thời gian ướp đường, bạn trút toàn bộ đường đã chảy nước cùng chùm ruột vào nồi cơm điện. Đậy nắp nồi lại, bật nút “Cook” như bình thường.
- Khi thấy nước đường sôi, bạn mở nắp nồi, lâu lâu dùng đũa đảo đều. Nhớ không đậy nắp nồi lại nhé, nếu không sẽ làm nước đường sôi bùng và trào ra ngoài đấy.
- Trong lúc nấu, nhớ canh bật lại nút “Cook” nếu nồi nhảy về chế độ “Warm” nha. Cứ sên và đảo đều mứt đến khi chuyển màu vàng, rồi chuyển sang đỏ đậm, nước đường cạn gần hết thì rút phích cắm nồi cơm ra. Khi này, vẫn tiếp tục đảo đều mứt cho nước đường cạn hẳn và mứt không cháy.
2.4. Cách làm mứt chùm ruột bằng tủ lạnh đơn giản
Có một mẹo nhỏ đơn giản hơn để làm mềm chùm ruột mà không tốn quá nhiều thời gian. Đó là hãy cho chùm ruột vào tủ đá đông lạnh từ 24 – 48 giờ. Sau đó, đem chùm ruột rã đông ở nhiệt độ phòng. Khi này, bạn sẽ thấy nước bên trong quả chùm ruột sau khi rã đá sẽ chảy hết ra bên ngoài quả. Bạn chỉ cần cho chùm ruột vào một túi vải sạch vắt cho kiệt phần nước còn lại nữa là hoàn tất.
Mẹo: Nếu muốn giữ cho mứt giữ vị chua chát dìu dịu đặc trưng của chùm ruột thì bạn không cần vắt kiệt nước. Thay vào đó, có thể chừa lại ít nước chua khi vắt chùm ruột nhé. Sau cùng, thực hiện công đoạn ướp đường chùm ruột và sên thành mứt là hoàn tất.
3. Cách bảo quản mứt chùm ruột tự làm đơn giản nhất để được lâu
Sau khi sên, bạn đợi mứt chùm ruột ráo đường rồi mới trút vào hũ sạch, đậy nắp lại thật kín và kỹ càng nhé. Vì nếu mứt chùm ruột chưa ráo đường thì sẽ dính với nhau, ăn không ngon. Để bảo quản mứt chùm ruột dùng được lâu, tốt nhất nên để hũ mứt trong ngăn mát tủ lạnh. Hoặc, bạn cũng có thể để lọ mứt ở nhiệt độ phòng, nhưng nhớ sên thật khô và phơi thật ráo nước đường để tránh chảy nước trong quá trình bảo quản nhé.
Cách làm mứt chùm ruột đơn giản như chính câu chuyện về xuất xứ món ăn ngon ngày Tết của Việt Nam này vậy. Hơn nữa, món ăn vặt này cũng có nhiều biến tấu để chế biến tùy theo khẩu vị. Nếu thuộc team hảo ngọt, hãy làm mứt chùm ruột chua ngọt ngào đường theo kiểu truyền thống. Còn nếu thích ăn cay, hãy thực hiện ngay mứt chùm ruột xóc muối ớt lạ miệng. Tất cả các công thức làm mứt từ quả chùm ruột đều đã được hướng dẫn chi tiết trên đây. Nếu yêu thích món ngon này, mời bạn vào bếp thực hiện ngay theo các bước làm mứt Tết trên đây nhé!
Bích Tuyền