Có rất nhiều cách làm các loại giấm khác nhau như giấm táo, giấm gạo, giấm nho… Các loại giấm có công dụng là gia vị cho thức ăn, tạo vị chua, kích thích vị giác. Những chai giấm gạo pha sẵn thường không đảm bảo chất lượng và không được thơm ngon. Vì vậy, các chị em thường tìm kiếm công thức truyền thống làm giấm gạo đơn giản tại nhà trên các diễn đàn nấu ăn ngon. Hãy cùng tìm hiểu những cách ủ giấm nuôi phổ biến nhất hiện nay.
1. Cách làm giấm gạo truyền thống tại nhà bằng men bia
Giấm gạo truyền thống có tính axít thấp, vị khá ngọt nên thường xuất hiện trong nhiều món ăn. Hãy cùng chuẩn bị nguyên liệu để thực hiện cách ủ giấm gạo truyền thống sau đây.
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu làm giấm gạo truyền thống
- Gạo trắng: 1 kg
- Men bia: 400 gram
- Đường trắng: 400 gram
- Trứng gà: 2 quả
- Nước sạch: 1,5 lít
1.2. Từng bước nuôi giấm gạo tại nhà
- Gạo vo sạch nấu thành cơm. Đem cơm ngâm qua đêm với 1.5 l nước.
- Cơm sau khi ngâm qua đêm thì chắt hết nước. Cho cơm vào miếng sạch, bọc cơm lại vắt thật kỹ để lấy nước.
- Đong xem vắt được bao nhiêu bát nước cơm rồi tính theo tỷ lệ 4 bát nước cơm: 2.5 bát đường vào, khuấy cho đường tan.
- Cho hỗn hợp nước cơm trên lên bếp, đun ở lửa vừa khoảng 30 phút cho sôi rồi để nguội.
- Khi nước cơm nguội, cho men bia vào với tỷ lệ 1:1.
- Đỗ hỗn hợp vào chai thủy tinh sạch, sau 4 tuần sẽ có kết quả.
- Sau 4 tuần, đổ giấm ra nồi sạch, cho 2 lòng trắng trứng gà vào, đun sôi một lúc thì tắt bếp. Dùng rây lọc hết phần lòng trắng, để giấm nguội.
- Giấm nguội thì cho vào lọ thủy tinh có nắp đậy kín và bảo quản trong môi trường thoáng mát để dùng dần.
- Cách làm giấm gạo lứt cũng tương tự như giấm gạo truyền thống, bạn thay thế gạo thường bằng gạo lứt. giấm làm từ gạo lứt có mùi vị đặc trưng và ít chua hơn giấm trắng.
2. Cách làm giấm gạo nếp nuôi bằng rượu để làm gia vị nấu
Giấm bỗng là loại giấm được làm từ cơm rượu lên men tự nhiên, là loại gia vị truyền thống của người miền bắc, được sử dụng tương tự như giấm gạo. Sử dụng giấm bỗng an toàn hơn nhiều so với loại giấm công nghiệp, cách làm giấm bỗng từ gạo cũng không khó.
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu làm giấm gạo nếp nuôi bằng rượu
- Gạo nếp 500 gram (nếp cẩm hoặc nếp cái tùy sở thích của bạn)
- Men cơm rượu 6 gram
- Nước, muối
2.2. Bật mí cách làm giấm gạo nếp nuôi bằng rượu
2.2.1. Làm cơm rượu nếp
- Vo sạch gạo nếp, đem ngâm khoảng 1 tiếng trong nước lạnh sau đó đổ ra để ráo.
- Trộn đều gạo nếp với một ít muối rồi nấu như nấu cơm thông thường.
- Sau khi cơm chín, dàn cơm ra khay để cơm nguội. Khi cơm còn hơi âm ấm thì nghiền nhỏ men rượu rồi cho vào trộn đều với nhau.
- Cho cơm đã trộn men rượu vào lọ, ép bớt cơm xuống, đậy một mảnh vải kín mặt cơm và ủ trong vòng 3 – 5 ngày.
- Cơm rượu nếp đạt sẽ có nước chảy ra, cơm có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng của rượu.
2.2.2. Cách làm giấm bỗng từ cơm rượu
- Hòa nước với cơm rượu như cháo loãng, sau đó đem đun sôi ở lửa nhỏ khoảng 30 – 1 tiếng cho cơm rượu nát ra như cháo và để nguội.
- Cho hỗn hợp vào lọ thủy tinh đậy kín bằng vải thô, để khoảng 2 – 3 tuần giấm bỗng lên men chua là có thể dùng được.
- Khi giấm chua đạt yêu cầu, bạn cho vào lọ thủy tinh đậy kín nắp và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để làm chậm quá trình lên men.
3. Cách ủ giấm gạo nếp cẩm giảm cân an toàn
Dạo gần đây hội chị em đang truyền tai nhau cách sử dụng giấm gạo nếp cẩm để giảm cân an toàn, hiệu quả. Giấm có tới 20 loại axit amin và 16 loại axit hữu cơ, chúng có tác dụng thúc đẩy quá trình bài tiết đường và cholesterol của cơ thể. Vì vậy, chúng có khả năng giúp bạn giảm cân tuyệt vời. Cách làm giấm gạo giảm cân ở nhà cũng rất đơn giản, hãy theo dõi công thức sau đây.
3.1. Chuẩn bị nguyên liệu làm giấm gạo nếp cẩm
- 2 kg gạo nếp cẩm
- 200 gram men rượu
- Hũ thủy tinh, khăn xô, nồi cơm điện
3.2. Cách làm giấm gạo nếp cẩm tại nhà
- Gạo nếp cẩm nhặt sạn, hạt lép rồi đem đi vo sạch, nấu như nấu cơm nếp bình thường.
- Nấu xong rải cơm ra mâm, dùng quạt để thổi cho cơm nguội bớt.
- Sau khi cơm nguội, rắc bột men và trộn đều để bột men ngấm vào từng hạt gạo.
- Cho cơm vào lọ thủy tinh, ấn cơm chặt rồi đậy kín nắp. Bạn có thể dùng chăn ủ lọ cơm trong vòng 1 tuần để cơm lên men.
- Sau 1 tuần, đổ hết lọ cơm đã phân hủy vào nồi đun sôi trên lửa nhỏ khoảng 30 phút, bạn nhớ mở nắp vung để mùi men cồn bay hơi hết. Đun đến khi còn dung dịch sánh sánh là nước giấm chua chua.
- Đợi nồi cơm giấm nguội, dùng vải mềm vắt sạch chỉ lấy phần nước.
- Nước giấm có vị chua chua như giấm bỗng và màu đen đen của nếp cẩm trông rất hấp dẫn.
- Cách uống giấm gạo nếp cẩm để giảm cân: Pha nước giấm với nước lọc, có thể cho thêm chút đá để dễ uống. Bạn uống sau bữa ăn 1 giờ để giúp nhanh tiêu hóa. Cách này không chỉ giúp giảm cân mà còn có tác dụng đẹp da nữa đấy.
4. Những lưu ý trong quá trình làm giấm gạo
Cách làm giấm gạo với những nguyên liệu dễ tìm, các bước thực hiện đơn giản. Tuy nhiên bạn cần lưu ý một vài điểm sau:
- Hũ đựng giấm: Do giấm có tính axit nên sẽ vô tình trở thành dung môi hòa tan các chất độc có trong hũ đựng. Vì thế, chỉ nên đựng giấm trong các lọ thủy tinh, không đựng trong các hũ nhựa PVC hoặc các loại ang sành.
- Bảo quản “con giấm”: “Con giấm” vẫn cần có không khí để phát triển thế nên bạn chỉ nên bọc một lớp vải mỏng phía trên miệng hũ trước khi đậy nắp. Cách này vừa đảm bảo có đủ không khí vừa có thể bảo quản hũ giấm khỏi bụi bẩn hoặc côn trùng.
- Kiểm tra “con giấm”: Thi thoảng bạn nên kiểm tra “con giấm”. Thi thoảng mở nắp hũ để bay bớt mùi men và cung cấp không khí cho “con giấm” phát triển. Có thể sử dụng “con giấm” để tiếp tục ủ cho các mẻ tiếp theo.
- Cách sử dụng giấm đúng cách: Tuy là thực phẩm tốt cho sức khỏe, tuy nhiên chỉ nên sử dụng liều lượng thích hợp. Nếu sử dụng liều lượng cao sẽ không tốt cho đường ruột, khiến bạn chán ăn…Bạn có thể kết hợp giấm làm nước sốt trộn salad chua ngọt, làm giấm chuối, giấm táo hữu cơ,…
Với cách làm giấm gạo đơn giản tại nhà bạn sẽ không còn phải thắc mắc nên mua giấm gạo ở đâu nữa nhé. Giấm gạo được sử dụng trong chế biến nhiều món ăn hấp dẫn và các công dụng khác trong cuộc sống. Bắt tay ngay vào làm một hũ giấm gạo thơm ngon, an toàn để cả gia đình sử dụng ngay nhé!
Hồng Ngọc