1. Cách làm giò heo giả cầy miền Bắc đơn giản nhất

Cách làm giò heo giả cầy miền Bắc không có một công thức chuẩn nào mà sẽ tùy vào khẩu vị để điều chỉnh gia vị sao cho phù hợp.

1.1. Nguyên liệu

  • Giò heo
  • Nguyên liệu
  • Chân giò heo
  • Đậu phộng
  • Riềng 1: củ to
  • Hành tím, tỏi, sả
  • Bột nghệ
  • Mắm tôm, mẻ
  • Dầu ăn
  • Đường, bột ngọt
  • Dụng cụ thực hiện: đèn khò, nồi, dao, đũa,…
nguyên liệu làm giò heo giả cầy
Chuẩn bị nguyên liệu làm giò heo giả cầy. Ảnh: Internet

1.2. Cách làm món giò heo giả cầy miền Bắc

1.2.1. Sơ chế chân giò và các nguyên liệu khác

Giò heo bạn dùng đèn khò, khò xung quanh cho đến khi chân giò heo vàng đều thì bạn chặt giò heo thành từng khúc nhỏ vừa ăn. Rồi rửa lại với nước cho hết vết đen trên da. Để chân giò sạch và khử được mùi hôi, bạn có thể sử dụng 2 muỗng canh nước cốt chanh chà sát lên bề mặt giò heo khoảng 2 – 3 phút rồi rửa sạch lại bằng nước lạnh.

sơ chế giò heo
Bước sơ chế giò heo. Ảnh: Internet

Hành tím và tỏi bạn lột vỏ và băm nhỏ. Sả bạn dùng 1 nhánh để băm nhỏ, còn 2 nhánh còn lại bạn cắt khúc và đập dập. Đậu phộng bạn luộc với nước sôi khoảng 10 phút cho chín rồi vớt ra, để ráo. Riềng bạn gọt vỏ, rửa sạch và cắt thành lát mỏng vừa ăn.

sơ chế hành tím riềng nấu giò heo giả cầy
Sơ chế nguyên liệu rau thơm và gia vị. Ảnh: Internet

1.2.2. Cách làm chân giò heo hầm giả cầy kiểu miền Bắc

Ướp thịt chân giò: Cho riềng đã cắt lát cùng với 2/3 phần hành tỏi băm, 5 muỗng canh mắm tôm, 3 muỗng canh mẻ, 1 muỗng canh bột nghệ, 5 muỗng canh đường, 1 muỗng canh bột ngọt vào rồi trộn đều và ướp khoảng 30 phút cho chân giò thấm gia vị.

ướp chân giò heo
Nên ướp chân giò heo ít nhất 30 phút cho thấm vị. Ảnh: Internet

Hầm thịt chân giò: Cho 1 muỗng canh dầu ăn cùng hành và tỏi băm vào phi đều đến khi thơm thì cho sả cây đập dập và chân giò đã ướp vào. Xào với lửa vừa trong khoảng 3 – 5 phút cho chân giò săn lại, rồi đổ 2 lít nước sôi vào hạ lửa nhỏ.

các bước nấu chân giò giả cầy
Hướng dẫn các bước nấu chân giò giả cầy. Ảnh: Internet

Hầm chân giò khoảng 30 phút rồi cho đậu phộng đã luộc vào. Trộn đều và nấu thêm khoảng 10 phút nữa, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Giò heo giả cầy sau khi hoàn thành sẽ có màu vàng đẹp mắt với mùi hương hấp dẫn của sả, riềng và vị mềm, ngon của chân giò.

món giò heo giả cầy miền bắc
Món giò heo giả cầy mềm ngon chuẩn vị miền Bắc. Ảnh: Internet

2. Cách nấu món giò heo giả cầy không cần mẻ

2.1. Nguyên liệu

  • Thịt chân giò (bạn nên dùng chân giò sau, thịt sẽ chắc và ngon hơn)
  • Bột nghệ
  • Riềng
  • Sữa chua không đường
  • Mắm tôm
  • Dấm trắng, rau răm, hành lá

2.2. Cách làm chân giò heo giả cầy không dùng mẻ

  • Bước 1: Đem thui chân giò và móng giò cho thơm và vàng đều rồi cạo, xát muối rửa lại cho sạch. Thịt chân giò thái miếng bằng bao diêm, móng giò chẻ đôi, chặt khúc vừa ăn. Riềng đập dập băm nhỏ
  • Bước 2: Đổ hỗn hợp riềng, mắm tôm, sữa chua, hạt nêm, nước mắm, giấm, bột nghệ vào trong một cái bát to trộn đều. Đổ thịt vào bát cùng với hỗn hợp gia vị rồi trộn đều và ướp trong khoảng 1 giờ cho ngấm.
  • Bước 3: Để bếp lửa to, đổ thịt đã ướp vào nồi rồi đảo đều tay đến khi thịt xém vàng thì đổ nước lạnh vào xâm xấp thịt. Vặn nhỏ lửa, đun liu riu khoảng chừng 1 tiếng. Khi dùng đũa xiên thử vào thịt thấy dễ dàng mà miếng thịt không bị bung ra là đã vừa chín. Tắt bếp múc thịt ra bát, trộn cùng với hành răm. Ăn nóng với bún hoặc cơm trắng thì sẽ rất tuyệt vời.
giò heo giả cầy không cần mẻ
Món giò heo giả cầy không cần mẻ vẫn thơm ngon thấm vị. Ảnh: Internet

3. Cách làm giò heo giả cầy nấu nước dừa mềm ngon

3.1. Nguyên liệu

  • Giò heo giả cầy
  • Nguyên liệu
  • Giò heo
  • Củ riềng xay nhuyễn
  • Ngò gai
  • Nước dừa tươi
  • Rau ăn kèm: rau thơm, bắp chuối bào…
  • Cơm mẻ, mắm tôm
  • Bột nghệ,  dầu ăn, đường phèn
  • Hạt nêm, bột ngọt

3.2. Cách làm giò heo giả cầy nấu nước dừa

3.2.1. Sơ chế các nguyên liệu

Ngò gai sau khi mua về, đem đi cắt bỏ rễ, rửa sạch rồi cắt nhỏ. Các loại rau ăn kèm rửa sạch với nước nhiều lần để đảm bảo an toàn rồi cho ra rổ để ráo nước. Đối với cơm mẻ, bạn vắt lấy phần nước cơm để chế biến món ăn và bỏ đi phần bả cơm. Nước dừa bạn có thể dùng nước dừa tươi hoặc loại đóng chai đều được.

ly nước dừa tươi
Nên dùng nước dừa tươi để nấu nước dùng đậm đà hương vị hơn. Ảnh: Internet

Giò heo bạn rửa sạch sẽ với nước rồi chặt thành các khúc vừa ăn. Sau đó sẽ khò sơ bên ngoài của giò heo cho vàng rồi đem đi rửa sạch lại. Tiếp theo, bạn cho chân giò vào ướp gia vị bao gồm: củ riềng xay nhuyễn, mắm tôm, nước cơm mẻ, bột nghệ rồi trộn thật đều cho chân giò thấm gia vị. Ướp giò heo trong khoảng 1 tiếng hoặc để ngon hơn nhé.

3.2.2. Cách làm chân giò heo giả cầy hầm nước dừa

Bắc chảo lên bếp rồi cho dầu ăn và giò heo vào chiên sơ cho săn lại với lửa vừa. Sau đó, tiếp tục cho vào chảo nước dừa tươi và đun sôi với lửa vừa.

Để nước dùng được ngon hơn thì nhớ vớt bỏ phần bọt nổi lên trên mặt rồi nêm thêm vào 1 muỗng canh đường phèn, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cà phê bột ngọt và đảo cho thật đều. Nấu từ 7 – 10 phút đến khi thấy nước dừa hơi cạn lại thì cho thêm 1 chén nước lọc và tiếp tục đun cho giò mềm trên lửa vừa. Nêm nếm lại gia vị cho vừa với khẩu vị của mình và gia đình là được.

Giò heo giả cầy sau khi hoàn tất sẽ có màu vàng của nghệ rất đẹp mắt. Giò heo có độ mềm vừa phải được tẩm ướp thấm đẫm gia vị cực kì thơm ngon, hấp dẫn và bắt vị vô cùng.

cách nấu giò heo giả cầy nước dừa
Giò heo giả cầy nấu nước dừa vừa thơm ngon, vừa lên màu đẹp đúng chuẩn. Ảnh: Internet

4. Bí quyết nấu giò heo giả cầy ngon

4.1. Mẹo chọn chân giò heo tươi ngon

  • Để làm món giả cầy ngon hơn, bạn nên chọn mua chân giò trước của heo vì chân trước hoạt động nhiều nên thịt sẽ mỏng, mềm, ngọt và nhiều gân hơn chân giò sau. Bên cạnh đó, chân giò ngon sẽ có độ săn chắc, đàn hồi cao, các thớ thịt đều, phần móng còn nguyên vẹn và không bị long ra.
  • Khi mua, bạn nên mua những miếng chân giò có màu hồng tươi và không có mùi hôi bất thường.
  • Bạn nên tránh mua chân giò mà bị ứ nước bên trong và có lớp màng bên ngoài. Khi cắt, thịt bị chảy dịch vàng và có các nốt sần màu trắng trên thịt. Vì đây rất có thể là heo đã bị bệnh sán gạo. Đây là bệnh rất nguy hiểm nếu như ăn phải.

4.2. Những lưu ý để làm món thịt heo giả cầy ngon nhất

Nếu như bạn nấu bằng nồi áp suất thì khi nấu không nên cho thêm nước. Đun sôi ở lửa rất nhỏ trong khoảng 15 phút rồi bắc ra, không nên tự xì hơi, hãy để cho nồi chân giò tự nguội.

Nếu bạn không có nồi áp suất thì bạn có thể nấu bằng nồi thường. Tuy nhiên, khi nấu, bạn cần cho thêm ít nước nấu tới khi nào thịt mềm. Với cách nấu này thì thịt sẽ lâu nhừ và mất nhiều thời gian hơn nồi áp suất. Khi thấy sôi, bạn phải vặn nhỏ lửa nấu cho đến khi nước sệt sệt và thịt mềm tới là được. Tránh để cho thịt bị nhũn.

dùng nồi áp suất hầm chân giò
Bạn dùng nồi áp suất hầm chân giò sẽ mềm ngon hơn. Ảnh: Internet

Với món thịt heo giả cầy này, các bạn nên dùng lúc còn nóng, ăn với cơm hoặc với bún đều rất ngon. Ngoài ra nó cũng cực kỳ hợp để trở thành món mồi. Ngồi nhậu lai rai cùng với vài chai bia, vài chén rượu nếp cùng bạn bè hay người thân thì thật đúng là chuẩn vị.

Móng giò heo chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho cơ thể như canxi, sắt và các loại vitamin. Với những người ốm lâu ngày, ăn các món từ chân giò sẽ giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Sử dụng chân giò đúng cách còn giúp phòng ngừa bệnh tật, ngăn ngừa lão hóa và làm đẹp da nữa đấy. Chúc các bạn có những bữa cơm ngon miệng với cách làm giò heo giả cầy đơn giản mà ngon đúng điệu trên đây nhé!