1. Cách làm củ hành muối dưa với mía đơn giản tại nhà
1.1. Nguyên liệu
Công thức muối dưa hành với mía hết sức đơn giản, chỉ cần bạn áp dụng theo cách làm dưới đây là bạn sẽ sở hữu ngay món ngon cho mùa Tết năm nay. Trước khi thực hiện, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau.
- Củ hành ta: khoảng 1,5 kg
- Mía: từ 1 – 2 khúc
- Giấm: 50 ml
- Nước vo gạo: khoảng 2 lít (có thể dùng phèn chua thay thế cho nước vo gạo)
- Muối: 800 gr
- Đường: một lượng vừa đủ
Mẹo: Chọn củ hành có kích cỡ đều nhau để muối chua nhé. Ngoài ra, nên lựa những củ không bị thối, khi lột lớp vỏ bên ngoài sẽ lộ ra thân màu trắng, hoặc trắng hơi ngả sang tím. Chọn củ hành trắng sẽ ngon và thơm hơn, vì củ hành tím có mùi hăng và cay hơn.
1.2. Cách muối dưa hành với mía trắng đẹp, giòn ngon, ngọt hậu
1.2.1. Sơ chế hành tím muối dưa bằng nước vo gạo
- Củ hành mua về cắt rễ, lột bớt lớp vỏ bẩn bên ngoài.
- Đem củ hành ngâm trong nước vo gạo (hoặc nước phèn chua) có pha thêm chút muối, để qua đêm để giảm bớt mùi hăng.
- Đổ bỏ nước vo gạo. Pha nước muối (pha mặn một chút), rồi cho củ hành vào ngâm thêm 1 ngày nữa giúp cho món dưa hành trắng và giòn hơn. Đây là cách làm dưa kiệu không cần phơi nắng mà vẫn giữ được độ giòn của rau củ rất hiệu quả.
- Rửa thật sạch củ hành với nước muối pha loãng, để ráo hẳn trước khi cho vào vại muối (vại sành hoặc vại thủy tinh).
- Róc vỏ mía, chẻ theo chiều dọc cây mía ra làm tư, rồi cắt ngắn khoảng 2 lóng tay. Tiếp đến, xếp mía vào đáy vại sành. Sau đó, xếp củ hành vào vại.
1.2.2. Pha hỗn hợp nước ngâm hành và tiến hành muối dưa
- Đổ nước vào một cái nồi bắc trên bếp, thêm muối, đường vào với tỷ lệ 1:3:1. Tức là, 1 lít nước: 3 muỗng muối (khoảng 50 gr): 1 muỗng nhỏ đường.
Mẹo: Để hỗn hợp nước chua nhanh hơn, bạn có thể thêm một ít giấm (hoặc rượu trắng).
- Đun sôi hỗn hợp nước ngâm hành, đến khi đường tan hoàn toàn thì tắt bếp, rồi chờ cho nước nguội hẳn.
- Đỗ hỗn hợp nước ngâm hành vào vại, sao cho ngập nguyên liệu. Rồi lấy vỉ tre gài chặt, dùng một vật nặng đặt lên trên để nén lại.
- Bảo quản vại dưa hành ở chỗ thoáng mát. Khi ăn, bạn nhớ dùng đũa sạch để gắp dưa hành, rửa qua bằng nước muối loãng hoặc nước đun sôi để nguội. Vậy là bạn đã vừa hoàn thành các bước để làm ra một vại dưa hành ngon tuyệt rồi đó!
Lưu ý: Bạn nên muối dưa hành trước Tết khoảng 1 tháng để có vại dưa hành thật ngon (củ hành có màu trắng nuột, giòn, chua vừa và không bị hăng).
2. Hướng dẫn cách muối dưa hành với mía vàng giòn, ngọt hậu kiểu mới
2.1. Nguyên liệu
Ngoài việc muối chua củ hành không, bạn cũng có thể kết hợp muối dưa cải bẹ với mía để thành phẩm lên màu vàng chuẩn đẹp. Các thành phần nguyên liệu cần chuẩn bị như sau:
- 1 kg cải bẹ xanh
- 50 gram hành tím khô đã bóc vỏ
- 50 gram hành lá đã cắt rễ
- 2 lít nước lọc
- 90 gram đường trắng
- 70 gram muối ăn
- 1 chén muối hột
- 1 khúc mía khoảng 4 đốt
- 1 chén nước vo gạo
- 1 hũ thủy tinh có nắp đậy đã được khử trùng bằng nước đun sôi, phơi nắng cho khô ráo
2.2. Cách làm hành, dưa cải muối chua ngọt với mía và nước vo gạo
2.2.1. Phơi hành tím, cải bẹ ngoài nắng
- Với hành tím, hành lá, bạn đem rửa sạch với nước lạnh. Sau đó, vớt 2 loại hành này ra rổ riêng, để ráo.
- Với cải bẹ, bạn không rửa, mà xếp lên một cái khay sạch. 2 loại hành ráo nước, bạn xếp lên khay cùng với cải bẹ, đem ra ngoài nắng phơi cho héo lại. Bước này giúp dưa hành muối có độ giòn ngon hơn và có thời gian sử dụng, bảo quản để được lâu.
- Nếu trời nắng vừa, bạn phơi rau củ khoảng 8 giờ là được. Sau khi phơi, đem nguyên liệu vào, cho vào thau nước sạch pha 1 chén muối hột ngâm 15 phút, rửa lại nước lạnh nhiều lần, rồi để ráo.
- Kế đến, bạn rọc vỏ mía. Sau đó, chẻ dọc mía thành các thanh dài nhỏ, để qua một bên.
- Với hành tím, bạn có thể cho vào cối giã cho món ngâm thơm hơn. Hoặc, bạn đem thái lát cũng được. Với hành lá thì cắt thành khúc dài nhỏ khoảng 6 cm.
2.2.2. Cách nấu nước muối đường ngâm dưa cải muối chua ngọt
- Cho đường, muối ăn vào một cái nồi lớn, bắc lên bếp.
- Đổ nước lọc vào, đun lửa lớn cho sôi lên.
- Khuấy đều cho đường và muối tan ta thì tắt bếp, để qua một bên cho nhiệt độ hạ xuống ấm ấm.
Lưu ý: Bạn có thể để nước ngâm dưa cải nguội hẳn hoặc còn ấm ấm đều được. Nếu để nước ngâm ấm ấm thì hiệu quả muối dưa hành có màu vàng đẹp sẽ cao hơn, thời gian lên men cũng nhanh hơn nữa.
2.2.3. Cách muối dưa hành với mía và nước vo gạo vàng giòn, ngọt hậu
- Lấy hũ thủy tinh ra, xếp một lớp mía bên dưới đáy hũ.
- Xếp lên trên 1 lớp cải bẹ khoảng 3 – 4 bắp, gập đầu cải để xếp gọn.
- Xếp một lớp hành tím và hành lá lên trên cải bẹ.
- Tiếp tục thêm một lớp mía lên trên, lần lượt thêm các lớp nguyên liệu rau củ còn lại tương tự như trên cho đến hết. Lớp trên cùng kết thúc bằng các thanh mía nhé. Bạn giữ lại phần vỏ mía đã rọc luôn để gài kín các nguyên liệu chắc chắn bên dưới.
- Đổ nước vo gạo vào hũ dưa hành ngâm, rồi đổ nước muối đường ấm ấm vào cho ngập cao hơn lớp mía gài khoảng 1 – 2cm, đậy kín nắp lại là hoàn tất.
- Ngâm dưa hành muối chua ngọt với mía khoảng 3 ngày là có thể thưởng thức.
2.2.4. Yêu cầu thành phẩm đối với dưa hành muối chua với mía và nước vo gạo đúng chuẩn
Dưa hành sau khi ngâm với mía và nước vo gạo sẽ lên màu vàng đẹp và đều như ảnh dưới. Ngoài ra, dưa cải cũng có độ giòn rất ngon, vị ngọt hậu mới lạ. Phần nước ngâm có thể đem pha với nước mắm, hoặc để nấu canh siêu hấp dẫn luôn nhé.
Các bạn đã nắm được cách muối dưa hành với mía chuẩn vị truyền thống thông qua bài hướng dẫn trên đây rồi, đúng không nào? Vị chua chua, cay cay và mùi thơm của dưa hành giúp tăng hương vị cho các món ăn dễ ngấy như bánh chưng, thịt mỡ, thịt kho Tàu…Đây là món ngâm ăn kèm không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền của dân tộc Việt. Bạn nhớ áp dụng “tuyệt chiêu” muối dưa hành mà Webnauan.vn đã chia sẻ trong dịp Tết năm nay ngen!
Minh Ngọc tổng hợp