1. Danh sách những món ăn ngon ngày Tết truyền thống ở miền Bắc
1.1. Bánh chưng – món ăn ngon ngày Tết miền Bắc
Bánh chưng xanh là một trong các món ăn ngon ngày Tết miền Bắc. Đây là món bánh có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt. Chúng được xem là một phần tinh hoa của đất trời, qua bàn tay khéo léo và sáng tạo của con người mà trở nên hoàn thiện hơn. Vào ngày Tết cổ truyền ở miền Bắc, bánh chưng chưa bao giờ vắng mặt trên mâm cỗ cúng tổ tiên. Ngày nay, mặc dù đất nước đã phát triển rất nhưng nhiều nhà vẫn còn giữ được truyền thống làm bánh mỗi dịp Xuân về. Cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa, vừa canh bánh vừa đón giao thừa đầy ý nghĩa.
1.2. Dưa hành – món ăn ngon chống ngán ngày Tết miền Bắc
Là món ăn dân dã, thế nhưng, dưa hành bao giờ cũng được xếp vào những món ngon ngày Tết miền Bắc. Chúng thường dùng làm món ăn kèm với bánh chưng hoặc thịt luộc, thịt đông, thịt kho tàu. Vị chua chua cay cay của dưa hành không chỉ làm tăng hương vị món ăn mà còn chống ngán ngày Tết rất hiệu quả. Cách làm dưa hành muối không khó, tuy nhiên để ngon và bảo quản được lâu bạn cần biết cách chọn những củ hành già, chắc và không bị hư. Ngoài ra, khi tiến hành muối dưa cũng cần có tỉ lệ gia vị phù hợp thì mùi vị làm ra mới vừa miệng.
1.3. Thịt đông – một trong các món ăn ngon ngày Tết miền Bắc
Nếu ngày Tết miền Nam nổi tiếng với món thịt kho tàu thì miền Bắc lại được biết nhiều đến món thịt đông. Trong cái không khí lạnh rét đầu Xuân của vùng đồng bằng Bắc Bộ, thịt đông dường như trở thành một thứ mĩ vị mà ai ai cũng thấy ngon miệng. Món ăn này được làm chủ yếu thịt ba chỉ cùng ít bì lợn. Thịt nấu đông da heo sau khi sơ chế nguyên liệu thì đem đi ninh nhừ, đậy kín nắp và cho ra sân phơi để hứng gió sương. Dưới tiết trời rét lạnh, sáng hôm sau bạn đã có được nồi thịt nấu đông vô cùng kỳ diệu.
1.4. Thịt bò kho quế – một trong các món ăn ngon truyền thống ngày Tết miền Bắc
Nhắc đến các món ngon ngày Tết miền Bắc không thể bỏ qua được món thịt bò kho quế. Thường thì món kho này được chuẩn bị từ ngày 29 Tết để kịp cúng tổ tiên trưa 30. Để nấu thịt bò kho tàu ngon đúng chuẩn, thịt dùng phải là thịt nạm, đem ướp với ít nước tỏi, sau đó cho thịt ba chỉ cắt mỏng vào bên trong, dùng lạt buộc chặt, chiên sơ rồi cho vào nồi kho. Miếng thịt bò dai dai hòa quyện với thịt ba chỉ heo mềm mịn, ăn kèm với bánh chưng hay cơm nếp ngày Tết đều ngon vô cùng.
1.5. Nem rán – một trong các món ăn ngon ngày Tết miền Bắc
Không cần nguyên liệu đắt tiền cũng không phải chế biến cầu kỳ, thế nhưng, cách làm chả giò thịt heo rán vẫn luôn là món ngon ngày Tết ở nhiều gia đình Việt, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc bộ. Với lớp bánh đa mỏng ở bên ngoài, thịt lợn nạc băm, nấm hương, mộc nhĩ, tiêu, hành khô làm nhân bên trong, sau đó cuộn chặt và cho vào chảo chiên giòn. Từng cuốn nem nóng hổi, giòn rụm, gói trong lá xà lách và chấm vào chén nước mắm chua chua cay cay ngọt ngọt thì hết sảy.
1.6. Giò – món ăn ngon ngày Tết miền Bắc
Từ lâu, giò đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ông bà và cả những dịp lễ tết quan trọng. Các món giò tương đối phong phú, đa dạng, nào là giò lụa, giò bò, giò thủ,…hương vị của mỗi món cũng có phần khác nhau. Trên mâm cỗ ngày Tết, người ta thường cắt giò thành khoanh tròn, sau đó, chia thành những hình tam giác nhỏ đẹp mắt. Cũng tương tự như bánh chưng, giò bạn có thể ăn kèm với dưa hành muối chua ngọt để chống ngán và tăng hương vị cho món ăn. Cánh đàn ông cũng thường dùng món nhậu ngon ngày Tết này để bày tiệc nhỏ mời bạn bè, người thân đến thăm.
1.7. Canh măng – món ăn ngon ngày Tết miền Bắc
Những ngày đầu năm mới, tiết trời ngoài Bắc thường rất lạnh, một tô canh măng nóng hôi hổi sẽ giúp cơ thể ấm áp hơn rất nhiều. Vì thế mà đây cũng được xem là một trong các món ăn ngon ngày Tết miền Bắc không thể thiếu. Măng khô thường ngâm qua đêm cho mềm nhừ rồi mới đem nấu canh cổ, cánh, chân gà hoặc xương heo, nhưng ngon nhất vẫn là móng giò. Canh măng hầm kĩ nên chân giò nấu ra vừa mềm vừa giòn sật rất ngon, cộng thêm mùi thơm thoang thoang của thảo mộc và vị dai của măng tươi, tiết trời ngày Xuân lạnh rét cũng trở nên ấm áp hơn.
1.8. Canh bóng thập cẩm – món ăn ngon thanh đạm ngày Tết miền Bắc
Vị thanh đạm của canh bóng thập cẩm luôn được lựa chọn trong những mâm cơm Tết của gia đình miền Bắc. Món canh này có màu sắc rất đẹp và bắt mắt. Chút đỏ cam của cà rốt hòa quyện với xanh lơ của bông cải, nâu trầm của nấm hương, trắng trong của bóng vì và chút vàng ươm từ chả cá khiến người ta vô cùng thích thú. Đặc biệt nhờ vào rau củ tươi mà phần nước canh nấu ra rất ngọt, rất hợp khẩu vị để làm món ngon chống ngán ngày Tết và hạn chế chất béo.
1.9. Xôi gấc – món ăn ngon ngày Tết miền Bắc
Theo quan niệm dân gian, màu đỏ là màu may mắn và hạnh phúc, thế nên, vào ngày Tết người ta thường trang trí nhà cửa bằng phông nền đỏ và ngay cả món ăn cũng như thế. Ở nhiều gia đình miền Bắc, hầu như nhà nào cũng làm một đĩa xôi gấc đặt lên mâm cỗ. Cách nấu xôi gấc rất đơn giản, được làm từ gạo nếp và trộn với gấc tươi, hấp chín sẽ có màu đỏ cam đẹp mắt. Xôi gấc khi ăn có vị ngọt vừa phải, mềm dẻo và thơm thoang thoảng mùi gấc chín khiến người ta cực kỳ vừa lòng.
1.10. Mứt sen – món ăn ngon ngày Tết miền Bắc
Với người Hà Nội, mứt sen được xem là thức quà không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Để làm được đĩa mứt hạt sen ngon là cả một nghệ thuật, không phải ai cũng làm được. Hạt sen khô từ mùa hè, đem về ninh thật nhừ rồi mới nhào đường. Hạt sen khi cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi, bở những không quá nát và tuyệt nhiên không sượng. Trời se se lạnh, ngồi ăn mứt hạt sen làm bằng hạt sen tươi hoặc khô, nhâm nhi tách trà nóng và hàn huyên cùng con cháu thì quá đỗi tuyệt vời.
2. Gợi ý các cách nấu 3 món ngon đặc trưng để ăn ngày Tết miền Bắc
2.1. Bánh chưng xanh – món ăn ngon ngày Tết miền Bắc
2.1.1. Nguyên liệu
- 4 kg gạo nếp
- 2 kg đậu xanh không vỏ
- 2 kg thịt heo cả nạc và mỡ
- 7 muỗng canh muối
- 3 muỗng canh bột ngọt
- 1/2 muỗng canh tiêu
- 40 lá dong
- 1 ít dây lạt cột bánh
2.1.2. Hướng dẫn cách làm bánh chưng xanh
Sơ chế nguyên liệu làm bánh chưng
- Nếp và đậu xanh mua về vo sạch, sau đó cho nước vào ngâm khoảng 6 giờ hoặc ngâm qua đêm. Đủ thời gian, vớt cả hai ra ngoài. Với gạo nếp trộn thêm 4,5 muỗng canh muối và 1,5 muỗng canh bột ngọt. Còn đậu xanh thì trộn đều với 1,5 muỗng canh muối và 1 muỗng canh bột ngọt để làm nhân đậu bánh chưng ngon đúng chuẩn.
- Lá dong rửa sạch, dùng khăn lau khô. Sau đó lấy dao cắt bỏ sơ phần xương trên lá dong. Dây lạt cột bánh cho vào nước ngâm để mềm dẻo.
- Thịt heo mua về rửa sạch, cắt thành miếng to và ướp với 1 muỗng canh muối, 1/2 muỗng canh bột ngọt, 1/2 muỗng canh tiêu. Để khoảng 30 phút cho thịt ngấm gia vị.
Gấp lá dong gói bánh chưng
- Lá dong bạn gấp làm đôi, cắt bỏ 2 đầu sao cho phần lá gói có được độ dài là 16 hoặc 17 cm. Chia lá thành 2 loại, loại to dùng để gói bên ngoài và lá nhỏ hơn thì lót bên trong.
- Đặt phần mặt lá có viền giữa lên trên, gấp vào trong để tạo hình tam giác. Sau đó dùng tay trái cố định đầu lá bên trái, tay phải đặt lên miếng lá để cố định. Tiếp tục dùng ngón cái của tay phải ấn lại đường viền tạo hình tam giác lúc đầu vào trong, đồng thời dùng tay trái dựng tấm lá lên để tạo thành 2 mặt phẳng vuông góc.
- Sau khi gấp lá xong, bạn đặt 2 lá đã gấp vào đối diện nhau trong khuôn bánh, sau đó đặt thêm 2 miếng lá đã gấp vào hai góc đối diện còn lại để chúng có thể cố định vào nhau. Nơi tiếp giáp còn hở, bạn nên đặt vào thêm 1 miếng là hình chữ V để lấp kín.
Gói bánh chưng bằng lá dong
- Bạn đặt sợi dây lạt vào dưới khuôn bánh, sau đó, cho 200 gram nếp vào khuôn, dàn đều, tiếp đến là 100 gram đậu xanh rồi mới cho nhân thịt heo vào. Kế đến lấy 100 gram đậu xanh đổ lên trên và cuối cùng là 200 gram nếp.
- Lót một miếng lá dong vào bề mặt bánh, sau đó mới dùng tay gấp các bên lá dong còn lại, dùng dây cột chặt. Ngoài cách gói bánh chưng bằng lá dong này, bạn cũng có thể gói bánh chưng bằng lá chuối để có màu xanh đẹp mắt hơn nhé.
Hấp bánh chưng xanh
- Chuẩn bị một nồi to, xếp lá dong dư vào nồi trước rồi mới lần lượt cho bánh vào, đổ ngập nước, đậy kín nắp và nấu liên tục trong 10 giờ. Trong thời gian luộc bánh chưng, bạn phải thường xuyên canh lửa và canh nước, nếu nước gần cạn thì cho vào để nấu đến khi chín.
- Bánh sau khi vớt ra khỏi nồi, rửa sơ với nước lạnh. Sau đó, đặt ván gỗ nặng lên bánh chưng để phần nếp của bánh được săn chắc và không bị nhão.
2.2. Cách làm thịt đông – một trong các món ăn ngon ngày Tết miền Bắc
2.2.1. Nguyên liệu
- 400 gram thịt chân giò heo
- 400 gram thịt ba chỉ
- 300 gram da heo
- 1 cái tai heo
- 40 gram nấm mèo
- 1 củ cà rốt
- 30 gram nấm hương khô
- 1 muỗng canh hạt tiêu
- 2 muỗng canh muối
- 1 muỗng cà phê tiêu xay
- 5 muỗng canh nước mắm
- 2 muỗng cà phê hạt nêm
2.2.2. Hướng dẫn cách làm thịt đông
- Chân giò heo, tai heo, da heo và thịt ba chỉ mua về rửa sạch, cho vào nước luộc sơ. Sau đó cắt miếng nhỏ vừa ăn và cho vào ướp với 5 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê hạt nêm và 1 muỗng cà phê tiêu khoảng 15 phút.
- Nấm mèo, nấm hương cho vào nước ấm ngâm mềm, vớt ra rửa sạch và cắt miếng to. Cà rốt gọt vỏ và cắt miếng mỏng vừa ăn.
- Bắc nồi lên bếp, cho thịt đã ướp vào xào săn lại. Sau đó đổ nước ngập mặt thịt, đun lửa to đến khi nước sôi thì hạ lửa nhỏ và đun khoảng 60 phút. Kế đến cho nấm mèo, nấm hương và cà rốt vào, đun món chân giò nấu đông thêm 7 đến 10 phút thì cho hạt tiêu đập dập vào và tắt bếp.
- Múc thịt nấu đông mộc nhĩ ra tô, để nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 đến 5 tiếng, thịt đông lại là có thể dùng. Món thịt đông này ăn kèm với dưa món chua ngọt thì siêu ngon.
2.3. Canh măng khô – món ngon ngày Tết miền Bắc
2.3.1. Nguyên liệu
- 300 gram móng giò heo
- 200 gram sườn non
- 4 cái nấm mèo
- 200 gram măng khô
- 4 cái nấm hương
- 2 nhánh hành lá
- 1 củ hành tím
- 3 nhánh ngò rí
- Gia vị: dầu ăn, hạt nêm, bột ngọt, đường, muối
2.3.2. Hướng dẫn cách nấu canh măng khô
Sơ chế nguyên liệu nấu canh măng khô
- Nấm mèo, nấm hương mua về cho vào nước ấm ngâm nở mềm. Vớt ra rửa sạch và cắt sợi nhỏ. Măng khô sau khi ngâm nở, vớt ra cho vào nồi luộc thêm khoảng 5 đến 7 phút rồi rửa sạch lại với nước.
- Sườn non, móng giò rửa sạch bằng muối, xả lại nước sạch và chặt khúc vừa ăn. Sau đó đem ướp với 1 muỗng cà phê hạt nêm và ít hành khô băm nhỏ.
Nấu canh măng khô
- Bắc nồi lên bếp, làm nóng 1 muỗng canh dầu ăn, phi hành tím thơm và cho măng khô vào xào, tiếp đến là nấm mèo và nấm hương, nêm thêm 1 muỗng cà phê hạt nêm.
- Xào sơ sườn non và móng giò cho săn lại, sau đó trút vào nồi áp suất, châm thêm 1 lít nước lọc vào hầm. Đến khi móng giò và sườn mềm thì cho măng và nấm vào. Canh sôi lại nêm nếm gia vị vừa ăn, thêm ít hành lá và ngò rí cắt nhuyễn vào, tắt bếp, múc canh ra tô và thưởng thức.
Các món ăn ngon ngày Tết miền Bắc bao giờ cũng phong phú và đầy ắp ý nghĩa. Mỗi độ Tết đến Xuân về, hầu như nhà nào cũng muốn làm mâm cỗ cúng tổ tiên thật đầy đủ và kỹ lưỡng để thể hiện sự ấm no, hạnh phúc cũng như ước mong năm mới sẽ bình an, thịnh vượng. Trên đây, trangnauan.com đã bật mí cho bạn những món ăn ngon truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc, cùng xem và tìm hiểu để chuẩn bị bữa cơm đầu xuân đủ đầy ý nghĩa nhé.
Mỹ Lệ tổng hợp