Bên cạnh những món ngon truyền thống thì việc chuẩn bị thêm các món ăn chống ngán sẽ giúp bạn có ngày Tết vui vẻ và an toàn hơn. Tết cổ truyền được xem là ngày lễ lớn trong năm vì thế mà các món ăn trong những ngày này được đầu tư và chăm chút kĩ lưỡng. Tuy nhiên chúng lại dễ gây ngán vì nhiều dầu mỡ và đạm. Để giữ được khẩu vị của gia đình, các mẹ nên chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để vừa làm được món ăn truyền thống vừa làm được những món ăn mới lạ để không bị ngán nhé. Vậy các món ngon đỡ ngán ngày Tết là món nào thì tham khảo bài viết dưới đây.
1. Các món trộn ngon đỡ ngán ngày Tết
1.1. Ngày Tết ăn món trộn, nộm, gỏi nào ngon để chống ngán?
1.1.1. Dưa giá trộn
Tết là ngày gia đình đoàn viên nên người ta quan niệm phải làm nhiều món ăn ngon cho con cháu. Cũng vì thế mà những ngày này nhà nào cũng ngập tràn thịt cá. Các món ăn này tuy ngon nhưng lại chống ngán, vì thế nhiều gia đình làm thêm món trộn để có thể tiện thay đổi, điển hình là món dưa giá. Cách làm kim chi giá đỗ trộn có vị chua chua ngọt ngọt, ăn sẽ cảm nhận được vì giòn nên chúng thường được ăn kèm với giò thủ, giò lụa hoặc thịt nấu đông mộc nhĩ ngày Tết.
1.1.2. Gỏi rau muốn trộn hành và thịt bò
Gỏi rau muống mặc dù là món ăn dân dã nhưng lại đặc biệt thích hợp trong ngày Tết cổ truyền, vì chúng có tác dụng chống ngán rất tốt. Rau muống giòn mát hòa quyện với thịt bò dai dai cùng ít đậu phồng bùi bùi, rất hợp khẩu vị. Nếu không thích thịt bò, bạn có thể trộn gỏi rau muống với đậu phộng hoặc tôm, cả hai đều đem lại hương vị rất ngon.
1.1.3. Gỏi tai heo trộn
Nếu chưa biết dùng món ngon nào chống ngán ngày Tết thì gỏi tai heo sẽ là lựa chọn không tồi. Đây là món ăn có đầy đủ hương vị chua cay mặn ngọt nên vô cùng kích thích vị giác. Tai heo ngâm sả tắc giòn sật ăn kèm với dưa leo tươi rất thanh mát. Nếu thích bạn có thể kết hợp thêm với ngó sen, đu đủ và đậu phộng rang.
1.1.4. Me bóp gân bò
Đây không chỉ là món ngon chống ngán ngày Tết mà còn là món ăn yêu thích của nhiều người. Gân bò giòn dai trộn chung với nước me chua chua ngọt ngọt, ăn hoài mà không thấy chán. Cách chế biến món ăn này lại không quá khó nên các bà nội trợ có thể vào bếp thực hiện ngay cho ngày Tết gia đình nhé. Đảm bảo từ màu sắc đến hương vị món ăn đều có thể kích thích vị giác của những người khó tính nhất.
1.1.5. Gỏi xoài cá trê
Gỏi xoài là món ăn quen thuộc ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Chúng có thể được kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau để làm gỏi, tuy nhiên phổ biến và ngon nhất vẫn là làm gỏi xoài với khô cá trê. Thịt cá trê béo ngọt, được chiên giòn rụm rồi mới đem trộn gỏi nên không có mùi tanh. Đặc biệt, khi chúng hòa quyện với vị chua của xoài xanh và nước mắm gừng thơm ngon càng cuốn hút vô cùng. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách làm gỏi xoài Thái Lan để đổi vị cho bữa ăn thường ngày đỡ ngán nhé.
1.2. Hướng dẫn cách làm món gỏi xoài cá trê ăn chống ngán ngày Tết
1.2.1. Nguyên liệu
- 300 gram cá trê phi lê
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 1 muỗng cà phê gừng băm
- 100 gram xoài xanh
- 10 gram rau răm
- 1/2 muỗng cà phê hạt nêm
- 50 gram bột chiên giòn
- 50 gram cà rốt
- Nước trộn gỏi
- 50 gram đường trắng
- 50 ml nước mắm
- 1 muỗng cà phê tỏi băm
- 1 muỗng cà phê gừng băm
- 1 muỗng cà phê nước cốt chanh
- 1 muỗng cà phê ớt băm
1.2.2. Cách làm gỏi xoài cá trê ngày Tết
- Cá trê mua về rửa sạch với nước muối pha loãng cùng gừng tươi cho bớt mùi tanh. Sau đó đem cá ướp với 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê gừng băm và 50 gram bột chiên giòn. Để khoảng 10 phút cho cá ngấm gia vị.
- Bắc chảo lên bếp, làm nóng 2 muỗng canh dầu ăn và cho cá vào chiên vàng đều hai mặt, vớt ra để ráo dầu.
- Dùng một chảo mới, cho 50 gram đường và 50 ml nước mắm vào, bắc lên bếp. Sau khi hỗn hợp sôi, tắt bếp và cho thêm vào 1 muỗng cà phê gừng băm, 1 muỗng cà phê tỏi băm, 1 muỗng cà phê ớt băm. Cuối cùng là ít nước cốt chanh để tạo vị chua cho gỏi.
- Xoài xanh, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và bào sợi. Sau đó xé cá trê thành miếng nhỏ vào cùng ít rau răm. Rưới nước mắm vừa nấu vào, trộn đều là có thể thưởng thức.
2. Các món canh ngon chống ngán này Tết
2.1. Ngày Tết ăn món canh nào ngon giúp chống ngán?
2.1.1. Canh khổ qua
Bên cạnh dưa hấu, chè đậu đỏ, thịt kho tàu nấu hột vịt,…thì khổ qua là món ăn tiếp theo không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền, đặc biệt làm ở miền Nam. Sở dĩ người ta làm món ăn này chính là hi vọng những đau khổ của năm cũ qua đi, năm mới sẽ bắt đầu với những điều hạnh phúc và may mắn. Không chỉ vậy, canh khổ qua còn được xem là món ngon chống ngán ngày Tết rất tốt. Trong Đông y khổ qua thuộc tính hàn, vị đắng nên có tác dụng giải nhiệt, thanh lọc cơ thể. Vì thế, khổ qua đem nấu canh hoặc xào đều tốt. Bạn có thể học cách nấu canh khổ qua nhồi thịt để trổ tài nội trợ Tết này cùng gia đình nhé.
2.1.2. Canh chua cá lóc khế
Nếu ngày Tết nhà nhà đều ngập tràn trong bánh kẹo và những món ăn nhiều dầu mỡ như thịt kho tàu, thịt nấu đông thì một tô canh chua cá lóc nấu khế sẽ giúp khẩu vị bạn ngon hơn. Món canh này dễ nấu và dễ ăn. Vị chua thanh mát tự nhiên của khế hòa quyện với thịt cá lóc ngọt dai khiến ai cũng mê tít. Ngày Tết Nguyên Đán, nêu chưa biết nấu món ngon nào để giúp đỡ ngán thì hãy làm một tô canh chua cá lóc khế nhé.
2.1.3. Món canh súp lơ nấu tôm tươi chống ngán ngày Tết
Bên cạnh luộc, xào thì súp lơ đem nấu canh cũng rất ngon, đặc biệt vào ngày Tết. Súp lơ có hàm lượng lớn phytochemical cùng các vitamin thiết yếu và chất xơ nên giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch. Cùng với đó, tôm chứa nhiều canxi và khoáng chất tốt cho cơ thể nên khi kết hợp hai nguyên liệu này với nhau tạo thành món ăn đầy dinh dưỡng. Ngoài tôm, bạn có thể nấu canh súp lơ với sườn non hoặc thịt gà cũng rất ngon.
2.2. Hướng dẫn cách nấu món canh khổ qua hầm ăn ngon, chống ngán ngày Tết
2.2.1. Nguyên liệu
- 3 trái khổ qua
- 120 gram thịt băm
- 400 gram tôm tươi
- 60 gram giò sống (Tham khảo cách làm giò sống để nấu canh ngon tại nhà)
- 120 gram cà rốt
- 10 gram hành tím
- 30 gram nấm mèo
- 10 gram hành lá
- 3 gram tiêu
- 2 muỗng canh hạt nêm
2.2.2. Các bước nấu món canh khổ qua tôm thịt ăn đỡ ngán ngày Tết
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, dùng một nửa đem băm nhuyễn để làm nhân, nửa còn lại tỉa hoa và cắt lát mỏng. Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở, vớt ra cắt bỏ chân và băm nhuyễn. Tôm cắt bỏ đầu đuôi, đem băm nhuyễn một nửa, nửa còn lại giữ nguyên.
- Khổ qua cắt bỏ hai đầu, móc ruột và cắt thành khoanh tròn dày. Chần sơ khổ qua vào nước sôi khoảng 2 phút, vớt ra xả lại nước lạnh. Cách này giúp khổ qua bớt đắng và khi nấu sẽ nhanh mềm hơn
- Trộn 120 gram thịt băm, tôm băm, giò sống, cà rốt băm, nấm mèo, hành tím, hành lá, tiêu xay và 1 muỗng canh hạt nêm để làm nhân nhồi khổ qua.
- Bắc nồi lên bếp, cho vào 1,2 lít nước, sau đó thả nhẹ khoanh khổ qua đã nhồi thịt vào, thêm cà rốt cắt lát. Nấu khoảng 20 phút cho khổ qua mềm thì nêm nếm gia vị vừa ăn và tắt bếp. Bạn có thể thêm thắt ít ngò rí cho món ăn thêm hấp dẫn.
3. Các món luộc ngon ăn chống ngán ngày Tết
3.1. Ngày Tết nên ăn món luộc nào ngon để chống ngán?
3.1.1. Cải luộc nước tương
Mặc dù là món ăn dân dã nhưng cải luộc vẫn rất được chào đón trong ngày Tết, bởi món này dễ nấu và dễ ăn. Đặc biệt nhờ vào vị thanh mát mà chúng được xem là món ngon chống ngán ngày Tết hiệu quả. Cải xanh sau khi luộc chín, rưới một ít hỗn hợp nước tương, dầu mè và tỏi phi vào, ăn rất ngon và vừa miệng.
3.1.2. Thịt heo luộc sốt me cay
Nếu những món thịt kho chiên làm bạn ngán ngẩm trong ngày Tết thì hãy thử qua cách luộc thịt heo ngon và mềm không dai. Thịt heo sau khi luộc chín, cắt miếng mỏng vừa ăn đem trộn với ít dưa leo và cà chua bi, rưới thêm nước sốt me thì đã ra thành phẩm. Nước sốt đậm đà, hòa quyện với thịt luộc mềm ngọt và chút thanh mát của dưa leo, càng ăn lại càng ngon miệng.
3.1.3. Đậu que luộc
Đậu que không còn là món ăn xa lạ với nhiều người, ngày Tết làm một đĩa đậu que luộc sốt với hành tây thì ngon phải biết. Món này không quá nhiều dầu mỡ, rất thanh đạm nên phù hợp với nhiều người. Bên cạnh sốt hành tây, bạn có thể luộc đậu que đơn giản và đem chấm với nước tương hoặc nước mắm tùy thích.
3.2. Hướng dẫn cách làm món đậu que luộc sốt hành tây ngon ăn chống ngán ngày Tết
3.2.1. Nguyên liệu
- 1 kg đậu que
- 150 gram hành tây
- 20 gram rau thơm
- 1 tép tỏi
- 100 ml giấm gạo
- 1 muỗng canh đường trắng
- 2 muỗng canh dầu ăn
- 1 muỗng cà phê muối
- 150 ml nước dùng gà
3.2.2. Các bước thực hiện món đậu que sốt hành tây
- Hành tây mua về bóc vỏ, cắt hạt lựu. Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ. Đậu que cắt hai đầu, tước bỏ xơ, rửa sạch và để ráo.
- Bắc nồi nước lên bếp, cho ít muối vào và đun sôi. Sau đó thả đậu que vào luộc khoảng 2 phút, vớt ra cho vào tô nước đá để đậu được giòn.
- Bắc chảo lên bếp, làm nóng 2 muỗng canh dầu ăn, thả tỏi băm và hành tây vào xào thơm. Sau đó cho giấm, nước dùng gà vào đun sôi thêm 5 phút, nêm nếm ít muối và tiêu.
- Trút hỗn hợp dầu hành trong chảo vào tô đậu que luộc, trộn đều và dùng màng bọc thực phẩm bao lại khoảng 1 giờ. Sau đó lấy ra dùng. Đậu que luộc sốt hành tây đơn giản, thanh đạm nhưng gia vị lại rất hài hòa.
Bài viết đã bật mí cho bạn những món ngon chống ngán ngày Tết vừa hấp dẫn, lại vừa dễ làm. Nếu những món ăn truyền thống trong dịp Tết đến Xuân về làm bạn quá ngấy thì hãy lựa chọn các gợi ý đã được chia sẻ trên đây nhé. Gỏi trộn, canh hầm hay rau luộc đều là những món ăn ngon ngày Tết dân dã có hương vị thanh đạm, mộc mạc, nên rất thích hợp cho bữa ăn có nhiều dầu mỡ trong ngày đầu năm mới.
Mỹ Lệ tổng hợp