1. Cách làm tỏi ngâm giấm phèn không bị xanh và hăng mùi
Cách ngâm tỏi chua ngọt tại nhà nếu nắm được công thức thì chắc hẳn bạn sẽ thấy rất dễ. Nhưng nếu như các bước chế biến không cẩn thận sẽ dễ dẫn đến món tỏi ngâm bị xanh, hăng mùi và nổi váng. Hãy cùng tham khảo các bước hướng dẫn sau đây.
1.1. Nguyên liệu ngâm tỏi chua ngọt tại nhà
- Tỏi: 500 gram (lựa tỏi củ non mới, có tép to)
- Ớt đỏ hoặc xanh: 6 quả
- Phèn chua: 1/3 muỗng cà phê
- Giấm gạo: 400 ml hoặc giấm táo
- Nước lọc: 400 ml
- Đường trắng: 100 gram
- Muối: 1 muỗng cà phê
- Dụng cụ: nồi, dao, muỗng, lọ thủy tinh,…
1.2. Hướng dẫn cách ngâm giấm tỏi ớt chua ngọt đơn giản
1.2.1. Sơ chế nguyên liệu tỏi, ớt
- Tỏi đem bóc vỏ, rửa sạch để ráo. Những tép tỏi to thì cắt lát mỏng tuỳ ý, bỏ phần lõi bên trong để tránh làm tỏi bị hăng và không ngon, còn những tép tỏi nhỏ thì để nguyên không xắt.
- Ớt trái rửa sạch, bỏ cuống, để ráo hoặc lau khô rồi xắt lát cỡ tuỳ ý.
- Tỏi sau khi để ráo thì dàn ra phơi nơi có gió cho tỏi mau khô, trong khi đợi tỏi khô thì nấu nước giấm.
1.2.2. Hướng dẫn cách ngâm tỏi chua ngọt với giấm đường phèn
- Bắc nồi lên bếp, cho vào 400 ml nước + 400 ml giấm + 100 gram đường + 1 muỗng cà phê muối và nấu sôi lên.
- Giấm đường sôi già để tầm 5 phút thì tắt bếp, để nguội.
- Chuẩn bị 1 lọ thuỷ tinh lớn (hoặc 2 lọ thuỷ tinh vừa), rửa sạch lau khô hoặc đã tiệt trùng qua nước nóng.
- Lần lượt cho tỏi ớt đã phơi vào lọ thuỷ tinh, chế nước giấm đường đã nguội vào, đậy kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Ngâm giấm tỏi ớt tầm khoảng 2 ngày là tỏi bắt đầu ngấm và thơm giòn ăn rất ngon.
2. Cách ngâm hành tỏi chua ngọt ăn kèm trong mỗi dịp Tết
2.1. Nguyên liệu ngâm hành tỏi chua ngọt
- Tỏi tươi: 200 gram
- Hành tím: 300 gram
- Ớt trái: 50 gram
- Nước lọc: 1.5 lít
- Đường trắng: 250 gram
- Giấm trắng: 300 ml
- Muối: 1/2 muỗng cà phê
- Nước vo gạo
2.2. Hướng dẫn cách làm hành tỏi ngâm chua ngọt không bị xanh
2.2.1. Sơ chế tỏi, ớt và hành tím
- Tỏi mua về bóc bỏ vỏ, rửa sạch, ngâm với nước muối pha loãng 1 đêm rồi vớt ra, xả lại với nước, để ráo.
- Ớt ngắt bỏ cuống, ngâm vào nước muối pha loãng khoảng 30 phút rồi vớt ra, rửa sạch, để ráo.
- Ngâm hành tím vào nước gạo trong khoảng vài tiếng cho bớt vị hăng, giúp bụi ra bớt để hành sạch hơn, lớp vỏ bên ngoài sẽ tự bong, khi rửa đất bám gốc hành cũng ra bớt.
- Chuẩn bị sẵn 1 thau nước lạnh để ngâm hành tím ngay khi vừa bóc vỏ để tránh bị cay mắt.
- Hành tím cắt bỏ rễ, lột sạch lớp vỏ già bên ngoài.
- Sau đó, ngâm hành ngay vào thau nước rồi rửa hành thật sạch và vớt ra rổ, để ráo nước.
2.2.2. Hướng dẫn cách ngâm hành tỏi chua ngọt ngon giòn
- Bắc nồi lên bếp nấu 300ml giấm ăn + 250 gram đường trắng + thêm 1/2 muỗng cà phê muối.
- Giấm đường sôi thì tắt bếp, để cho nguội hoàn toàn.
- Dùng hũ thuỷ tinh đã chuẩn bị, cho hành tím, tỏi và ớt đã ráo vào hũ rồi đổ nước giấm đường vào sao cho ngập hết lượng nguyên liệu bên trong.
- Tốt nhất, bạn nên dùng vỉ tre hoặc vật nặng để chặn cho hành tỏi ớt luôn chìm trong nước giấm, tránh trình trạng nước bị nổi váng khiến hành tỏi nhanh bị hỏng.
- Đậy kín nắp lọ và ngâm dưa hành muối chua ngọt với tỏi trong khoảng 4 ngày là có thể dùng được. Hoặc, nếu ngâm dưa hành với tỏi lâu hơn xíu thì hành tỏi được ngấm kĩ và ngon hơn.
3. Cách làm tỏi già muối giấm đường chua ngọt
3.1. Nguyên liệu chuẩn bị ngâm tỏi chua ngọt
- Tỏi già: 10 củ loại nhỏ.
- Ớt xanh hoặc đỏ: 2 quả.
- Giấm trắng: 2 chén nhỏ
- Đường trắng: 2 muỗng canh,
- Muối: 1 muỗng cà phê
- Phèn chua
3.2. Hướng dẫn cách làm tỏi ngâm giấm đường để được lâu
3.2.1. Các bước sơ chế nguyên liệu
- Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, xắt lát mỏng hoặc để nguyên téo tuỳ sở thích.
- Ớt trái rửa sạch, để ráo.
- Đun sôi nước + 1 ít muối rồi để nguội và cho tỏi vào ngâm qua đêm, vớt ra để ráo.
- Bắc nồi lên bếp cho phèn chua vào nấu nước, khi phèn chua đã tan thì cho tỏi vào chần sơ qua (lưu ý không nấu chín tỏi), sau đó chần lại tỏi qua nước lạnh.
3.2.2. Phơi và ngâm tỏi giấm đường
- Tỏi sau khi chần xong mang ra phơi tầm 2 – 3 tiếng để tỏi ráo nước, nếu tỏi phơi không ráo nước thì sau khi ngâm sẽ dễ bị ủng và nước dấm bị nổi có váng.
- Đặt nồi lên bếp cho 2 bát dấm nhỏ, 2 thìa đường và 1 thìa muối vào đun sôi sau đó để nguội.
- Lấy hũ thủy tinh rửa sạch và ráo nước, cho tỏi ớt vào rồi đổ hỗn hợp nước giấm đường đã nguội vào ngập tỏi, ớt.
- Ngâm tỏi ớt tầm 3 – 5 ngày là có thể thưởng thức được.
4. Cách bảo quản tỏi ngâm chua ngọt tự làm để được lâu, không bị xanh
- Để ngâm tỏi không bị xanh, công đoạn sơ chế củ tỏi đầu tiên cần được làm kĩ. Trước hết, lưu ý chọn tỏi không bị hư hỏng, tỏi để lâu để ngâm giấm nhé. Nếu không, sau khi lên men thì tỏi ngâm nhanh bị hư, nổi váng. Sau đó, nên chần sơ tỏi với nước muối để chắt hết nước bên trong tỏi ra. Kế đến, ngâm tỏi trong nước đá cho giòn và giữ màu trắng đẹp. Phơi tỏi ngoài nắng cho héo lại, nhờ vậy mà thành phẩm sẽ giòn và đảm bảo để được lâu hơn.
- Cũng như các món ngâm khác, nhớ nấu giấm đường sôi rồi để nguội hoàn toàn trước khi ngâm tỏi nhé. Khi muối, nhớ dùng vật dụng nén chặt tỏi và hành củ cho ngập nước ngâm. Phần nguyên liệu không ngập nước ngâm sẽ nhanh bị hư, nổi mốc, bị xanh,…
Với 3 cách ngâm tỏi chua ngọt với giấm đường mà trangnauan.com đã hướng dẫn như trên, các bạn đã có thể tự tin làm các món muối ngâm tại nhà mà không lo bị sự cố như nổi váng, hăng mùi hay món ngâm bị đổi màu xanh nữa nhé. Còn chờ gì nữa mà không thử đi nào, chắc chắn sẽ thành công bạn nhé!
Bích Tuyền