1. Hướng dẫn nấu canh cua đồng với rau đay
1.1. Nguyên liệu cần dùng
Cách nấu canh cua với rau đay dường như là hương vị món canh quen thuộc nhất của mọi nhà.
- Cua đồng: nửa ký
- Rau đay: 1 bó
- Rau mồng tơi: 1 bó
- Mướp hương: 1 trái
- Gia vị: dầu thực vật, muối ăn, hạt nêm, nước mắm,…(tùy chọn theo khẩu vị)
- Mắm tôm: 1 muỗng cà phê (tuỳ vào sở thích ăn của mỗi người có thể lược bỏ nguyên liệu này)
1.2. Hướng dẫn cách nấu món canh cua rau đay
1.2.1. Sơ chế cua đồng
- Cua đồng mua về đem rửa sạch, sau đó tách mai, lột bỏ đi phần yếm cua rồi dùng muỗng khều lấy gạch cua để riêng.
- Cua sau khi tách mai, lột yếm đem giã hoặc đem xay nhuyễn cùng với một ít muối. Sau đó, cho một ít nước lọc vào phần cua xay, cho qua rây lọc bỏ phần bã và vỏ cua.
1.2.2. Nấu canh rau đay với cua đồng
- Rau đay, rau mồng tơi lặt lấy lá non, rửa sạch để ráo. Sau đó, thái nhỏ 2 loại rau kích cỡ khoảng 1 cm.
- Mướp tiến hành gọt vỏ sau đó rửa sạch. Khi đã rửa sạch nhớt dùng dao bổ đôi trái theo chiều dọc rồi cắt miếng xéo.
- Đổ nước cua đã lọc vào một cái nồi, bắc lên bếp bật lửa đun sôi. Lưu ý khi nấu nước cua nên đứng gần bếp canh, khi sôi nước cua có thể bị trào ra ngoài.
- Khi nước cua sôi, thịt cua đã bắt đầu đóng ván lại sền sệt thì dùng muỗng canh gạt nhẹ thịt cua sang một bên, rồi cho từ từ rau đay, rau mồng tơi và mướp vào khuấy nhẹ. Nêm gia vị cho canh vừa ăn, sau đó cho vào một muỗng cà phê mắm tôm (mắm tôm có thể nêm hoặc không nêm, tuỳ vào sở thích cá nhân).
1.2.3. Chưng gạch cua và thuởng thức
- Trong lúc đợi canh cua nấu sôi, bạn tiến hành song song việc chưng gạch cua như sau: cho dầu ăn vào chảo, bật lửa lên cho nóng dầu ăn. Sau đó, phi thơm hành khô rồi cho phần gạch cua lúc nãy múc ra cho vào chảo. Khi gạch cua chưng có mùi thơm nhẹ, và hơi ngả vàng, thì múc ra cho vào nồi canh cua khi canh vừa chín tới.
- Khi canh sôi và các nguyên liệu đã chín thì tắt bếp.
- Múc canh ra tô, dọn lên mâm cơm, ăn kèm cà pháo muối kiểu miền Bắc là ngon nhất.
2. Cách nấu canh cua khoai sọ rau rút
2.1. Nguyên liệu
- Khoai sọ: 5 đến 7 củ
- Rau rút (hay còn gọi là rau nhút): 1 bó vừa ăn
- Rau muống: 1/4 lượng rau rút
- Cua: 200 gram
- Hành khô: 1 củ
- Gia vị: dầu ăn, hạt nêm, bột canh, bột ngọt
2.2. Các bước nấu canh cua rau rút khoai sọ
- Rau rút và rau muống lặt lấy lá non, rửa sạch với nhiều nước, vớt ra để ráo.
- Khoai sọ đem gọt vỏ, rửa sạch sau đó chẻ lầm đôi (khi gọt vỏ khoai nên để khoai khô ráo tránh tình trạng bị ngứa).
- Cua đem sơ chế tương tự như ở bước 1.2.1.
- Sau khi đã sơ chế cua tiến hành nấu nồi nước cua như bước 1.2.2.
- Cho dầu ăn vào một cái chảo, bật lửa lên cho nóng dầu ăn sau đó cho gạch cua vào xào sơ cho lên màu rồi đổ vào nồi nước nấu canh cua. Nêm vào 1 muỗng canh và nấu ở lửa nhỏ.
- Khoai sọ sau khi sơ chế cho vào nồi khác xào với một ít hạt nêm và gia vị vừa ăn đến khi nhừ. Khi nồi nước canh cua sôi lên thì đổ nồi khoai sọ vào nồi canh nấu tiếp. Không nên khuấy nồi canh vì sẽ làm nát vụn gạch và thịt cua.
- Cho tiếp rau rút, rau muống vào, nêm lại lần cuối cho vừa ăn rồi tắt bếp, dọn ra thưởng thức cùng với bữa cơm hàng ngày.
3. Hướng dẫn cách nấu canh cua với rau muống
3.1. Nguyên liệu
- Cua đồng: 150 gram
- Rau muống (chọn loại có lá non): 1 bó rau bó sẵn hoặc số lượng đủ ăn
- Hành khô: 2 củ
- Gia vị: muối, hạt nêm, mắm tôm
3.2. Cách nấu canh cua rau muống ngon đúng vị
- Rau muống đem lặt lấy cuống và lá non rồi rửa sạch hoặc có thể để nguyên cọng dài, rửa sạch rồi chia thành những bó nhỏ rồi dùng tay vặn thành từng khúc dài khoảng 8 đến 10 cm. Sử dụng cách vặn bằng tay khi nấu lên, rau sẽ mềm hơn dùng dao cắt.
- Cua đồng sơ chế tương tự như bước 1.2.1.
- Nấu sôi nồi nước lọc cua với một ít muối. Khi nước sôi vặn lửa nhỏ về hết mức có thể và nấu trong thời gian khoảng 5 phút cho gạch cua đóng chặt lại, không bị bể nhỏ ra.
- Khi nước cua đã sôi tiến hành gạt gạch cua sang một bên rồi cho rau muống vào nồi. Dùng đũa khéo léo đẩy rau nằm xuống phía dưới gạch cua, tránh gạch cua bị bể. Vặn lửa to nấu đến khi sôi thì vặn nhỏ lửa lại, không đậy nắp kín để rau được xanh. Nêm lại cho vừa ăn kèm thêm 1 muỗng cà phê mắm tôm (mắm tôm có thể có hoặc không tuỳ vào sở thích ăn uống). Khi rau đã chín mềm thì tắt bếp.
- Lấy một cái chảo phi thơm hành khô với dầu ăn rồi cho gạch cua vàng ở mai cua vào đảo sơ cho ngả màu vàng rồi tắt bếp, sau đó đổ vào nồi canh trên bề mặt. Dọn ra thưởng thức cùng bữa cơm.
4. Hướng dẫn cách nấu canh cà chua cua biển
4.1. Nguyên liệu
- Cua biển: 1 đến 2 con
- Cà chua: 200 gram
- Trái dọc (có thể thay thế bằng me hoặc trái sấu): 50 gram
- Đậu bắp: 200 gram
- Hành hoa: 50 gram
- Rau mùi tàu: 30 gram
- Hành khô: 2 củ
- Gia vị: nước mắm, muối, bột ngọt, tiêu, dầu ăn, nước mắm
4.2. Các bước nấu canh cua biển với cà chua
4.2.1. Sơ chế cua biển và các nguyên liệu
- Đối với cua biển sau khi mua về để nguyên dây, dùng mũi dao hoặc kéo đâm vào ức cua, đến khi cua không động đậy thì hãy nên cắt dây, tránh việc cua kẹp gây thương tích. Sau khi cắt dây, cắt bỏ đi phần đầu, râu mắt, tách mai và bỏ yếm.
- Cà chua đem rửa sạch, dùng dao cắt đi phần cuống, sau đó cắt làm tư trái hoặc cắt giống múi cam.
- Trái dọc đem nướng chín, sau đó lột vỏ.
- Hành khô lột vỏ, thái lát mỏng.
- Hành hoa, rau mùi tàu lặt lấy lá non, sau đó rửa sạch rồi thái nhỏ.
- Đậu bắp rửa sạch, rồi cắt xéo làm 2 đến 3 miếng/trái.
4.2.2. Chiên sơ cua với dầu
- Bắc chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào chảo, bật lửa lên đun nóng, khi dầu đã nóng cho cua biển vào chảo chiên sơ cho cua ngả màu. Khi cua đã ngả màu, vớt cua ra để ráo dầu. Trước khi thực hiện chiên cua, nên tách cua ra phần nhỏ và đập dập càng để khi chiên không bị bắn, nổ dầu.
4.2.3. Nấu nước canh chua cua biển và thưởng thức
- Bắc nồi lên bếp, phi thơm một ít hành khô với dầu ăn trong nồi, sau đó cho cà chua vào xào đến khi mềm. Cho vào khoảng 1 lít nước lọc vào nồi, đun đến khi nước sôi.
- Khi nước đã sôi cho trái dọc vào nấu chín, khi trái dọc đã chín, vớt ra nghiền nát rồi cho lại vào nồi.
- Cho cua biển vào nấu sôi, nêm các gia vị bao gồm bột ngọt, nước mắm, muối, đường sao cho vị chua ngọt của canh vừa ăn.
- Khi cua gần chín thì cho đậu bắp vào nấu tiếp. Khi cua đã chín hẳn thì tắt lửa. Rắc vào nồi một ít hành lá cắt khúc, rau mùi tàu.
- Múc canh ra tô thưởng thức cùng với bữa cơm hàng ngày, hoặc có thể ăn kèm cùng với bún.
5. Cách nấu canh cua với bông thiên lý
5.1. Nguyên liệu
- Thịt cua đồng xay sẵn và gạch: 1 kg
- Bông thiên lý tươi: nửa kí
- Gia vị: 1 thìa cà phê bột nêm, muối, nước mắm,…
- Dầu thực vật
- Hành tím băm
5.2. Hướng dẫn nấu canh cua bông thiên lý
- Khuấy thịt cua xay với nửa lít nước lọc, lược qua rây để lấy nước dùng và bỏ xác. Còn với bông thiên lý thì bạn rửa nước nhiều lần. Sau đó, vớt bông ra, cho vào thau nước muối 2 phút để khử chát, nhớ làm nhẹ tay để hoa không bị dập nát nhé.
- Bắc nồi nước cua xay lên bếp, nêm bột nêm, muối ăn và nấu. Nước canh sôi, bạn gạt phần gạch cua sang một bên và cho bông thiên lý vào bên không có gạch cua.
- Đợi nước canh sôi lần nữa thì nêm nếm gia vị vừa ăn.
- Bắc chảo với dầu thực vật đun nóng, cho hành tím vào phi thơm. Bạn cho gạch cua vào xào sơ để khử mùi tanh. Sau đó, đổ gạch cua vào nồi canh hoa thiên lý nấu cùng.
- Khoảng 1 – 2 phút sau, riêu cua nổi thành từng mảng thì tắt bếp. Giờ thì chỉ cần dọn món canh lên và thưởng thức cùng bữa cơm gia đình thôi.
6. Hướng dẫn nấu món canh cua với bí đao
6.1. Nguyên liệu
- 300 gram cua đồng tươi
- 1 thìa cà phê muối ăn
- Nửa thìa cà phê bột ngọt
- 200 gram bí đao (đã gọt vỏ, bào sợi nhỏ)
- 1 thìa cà phê bột nêm
- Nửa thìa cà phê tiêu xay
- 100 gram hành lá rửa sạch, xắt nhỏ
- Dụng cụ: Rây, nồi, máy xay sinh tố.
6.2. Hướng dẫn cách nấu canh cua với bí đao
- Tách mai và yếm cua đồng, tách phần gạch để qua một bên. Lấy thân cua cho vào máy xay sinh tố, cùng với nửa lít nước lọc, đánh nhuyễn.
- Đổ hỗn hợp cua vừa xay qua rây, bỏ xác, chắt nước cốt đổ vào nồi. Bật bếp lửa lớn, nấu cho nồi nước cua sôi lên thì cho phần gạch cua đã tách vào nấu cùng.
- Đến khi thấy riêu cua nổi lên thành từng mảng, nêm nếm gia vị cho món canh vừa ăn.
- Cho bí đao vào, nấu thêm 5 – 7 phút nữa cho bí chín, chuyển trong màu thì rắc hành lá lên, khuấy vài muỗng rồi tắt bếp. Dọn canh lên tô, rác thêm ít tiêu xay và thưởng thức cùng cơm ngay cho nóng nhé.
7. Cách nấu canh cua đồng với rau ngót thanh mát
7.1. Nguyên liệu
- 300 gram thịt cua đồng xay nhuyễn
- 1 thìa cà phê bột nêm
- Nửa thìa cà phê bột ngọt
- 250 gram rau ngót tươi đã tước lá
- 1 thìa cà phê muối ăn
7.2. Các bước nấu canh rau ngót với cua đồng
- Cho thịt cua đã xay vào nồi với nửa lít nước lọc, rồi lược hỗn hợp qua rây để lấy nước cốt, bỏ xác.
- Với rau ngót, bạn rửa nước sạch nhiều lần, rồi để ráo.
- Bắc nồi nước thịt cua đã lọc lên bếp, nấu cho sôi. Khi này, bạn vò nhẹ rau ngót (Xem cách nấu canh rau ngót để sơ chế rau giữ trọn chất dinh dưỡng, không bị chát), rồi cho vào nồi, khuấy đều.
- Nêm gia vị và điều chỉnh cho vừa miệng, đun canh thêm 1 – 2 phút nữa thì tắt bếp.
- Múc canh ra tô và dọn lên ăn cùng với cơm nóng.
8. Cách chế biến canh riêu cua nấu bầu, mồng tơi với rau dền
8.1. Nguyên liệu
Với các nguyên liệu sau, bạn có thể chế biến tô canh đủ phần ăn 4 người.
- 80 gram rau dền tươi đã ngắt lá, tước xơ
- 50 gram bầu gọt lớp vỏ ngoài và thái sợi
- 30 gram tôm khô loại ngon
- 5 gram hành tím bằm
- 80 gram rau mồng tơi đã nhặt lá, tước xơ phần thân
- 200 gram cua đồng xay sẵn
- 1 quả trứng gà tươi
- 1 muỗng canh dầu thực vật
- 1 muỗng canh nước mắm loại ngon
- 1 thìa cà phê mắm tôm
- 1 thìa cà phê đường cát
- 2 muỗng canh bột nêm
8.2. Cách nấu canh riêu cua với rau dền, mồng tơi, bầu, tôm khô
8.2.1. Cách nấu nước dùng canh riêu cua với trứng gà, tôm khô
- Ngâm tôm khô với chén nước ấm, sau đó, vớt ra, để ráo, cho vào cối, giã nhuyễn. Hoặc, bạn băm nhỏ tôm khô cũng được. Cách này sẽ giúp món canh ngọt nước và thơm ngon hơn.
- Cho thịt cua đồng vào tô sạch. Sau đó, cho bột nêm, đường, mắm tôm, cùng nửa lít nước vào tô, quấy nhẹ và đều tay.
- Đổ hỗn hợp cua xay qua rây để lọc nước cốt, đổ vào nồi. Với phần xác vỏ cua xay còn trên rây, bạn chế thêm nửa lít nước để tiếp tục lọc hết chất trong cua. Đổ phần nước cốt vừa chắt lần 2 vào nồi chung với nước lọc cua lần 1.
- Bắc một chảo nhỏ lên bếp, thêm dầu và hành tím vào phi thơm. Sau đó, đổ phần xác vỏ cua (gạch cua) vào chảo, đảo đều. Khoảng 1 phút sau thì tắt bếp.
- Bắc nồi nước lọc thịt cua lên bếp, nấu với lửa lớn.
- Đập trứng gà vào nồi nước canh, khuấy đều để đánh tan.
- Tiếp tục cho phần tôm khô đã giã với gạch cua đã xào vào nồi, quấy đều cùng hỗn hợp.
- Nước canh sôi, hạ mức lửa nhỏ nhất và nhớ liên tục quấy đều để riêu cua không đọng dưới đáy nồi.
8.2.2. Nấu canh riêu cua với rau dền, mồng tơi, bầu
- Nấu đến khi riêu cua gom lại thành từng mảng thì thêm bột nêm, nước mắm, và điều chỉnh hương vị nước dùng cho hợp khẩu vị.
- Khi này, cho bầu vào nấu. Khoảng 30 giây sau, bầu hơi ngả trong màu thì xắt nhỏ rau dền, mồng tơi và cho vào nồi đun cùng.
- Nấu nước canh 1 phút nữa, rau chín mềm vừa tới thì tắt bếp.
- Dọn món canh lên tô và bày biện bữa cơm cho đẹp mắt.
9. Những lợi ích từ thịt cua
9.1. Giá trị dinh dưỡng của cua biển
- Cua biển cung cấp acid béo omega-3 nguồn gốc tự nhiên, giúp cải thiện trí nhớ, làm giảm nguy cơ mắc bệnh đau tim, ung thư và giúp cải thiện chứng trầm cảm, lo âu.
- Hàm lượng sắt và kali trong 1 con cua biển cung cấp cho người ăn mỗi ngày từ 3 đến 8%, đồng thời cung cấp dưỡng chất kẽm và đồng cần thiết cho các phản ứng hoá học trong cơ thể, tổng hợp protein và các chất dẫn truyền thần kinh.
- Mỗi ngày ăn khoảng 75 gram thịt cua sẽ cung cấp khoảng 9,78 microgram vitamin B12, giúp cơ thể sản xuất các tế bào hồng cầu khoẻ mạnh.
9.2. Công dụng của cua đồng
- Sử dụng cua đồng với hàm lượng nhất định, cách chế biến món ăn khác nhau, sẽ cho những công dụng khác nhau như: chữa sưng tấy, trị trướng bụng, chứng phù tim, viêm thận cấp, giải nhiệt.
- Canh cua đồng là món ăn giải nhiệt mang vị thuốc, giúp kích thích ăn uống và tiêu hoá.
- Y học cổ truyền sử dụng cua đồng để chữa ứ huyết khi bị chấn thương, bầm dập. Y học hiện đại xác nhận trong cua đồng có nhiều canxi, phốt phát, sử dụng nấu ăn cho trẻ nhỏ sẽ giúp giảm nguy cơ còi xương, hoặc giúp chữa loãng xương cho người lớn tuổi.
Sau những cách nấu canh cua mà trangnauan.com giới thiệu trên đây, bạn có chọn được cho mình công thức nào ưng ý chưa? Không chỉ là một món canh trong bữa cơm hàng ngày, canh cua còn được chế biến theo phong cách lẩu hải sản cua biển. Tuỳ vào mục đích nấu ăn và sở thích ăn uống, cách làm canh cua được biến tấu theo nhiều kiểu khác nhau để phù hợp với mục đích đó. Hãy chọn cho mình hương vị quen thuộc nhất và chế biến ngay món ngon mỗi ngày thịnh soạn cho gia đình thưởng thức nhé.
Thuỳ Trâm tổng hợp