1. Các lưu ý với cách luộc chân gà cúng đúng chuẩn
Cách luộc chân gà cúng đúng cách đầu tiên phải bắt đầu từ khâu chọn gà. Nếu chọn phải một con gà “không được đẹp” thì dù kỹ thuật nấu nướng khéo léo đến đâu thì chất lượng cũng không được đảm bảo.
1.1. Các tiêu chí chọn chân gà luộc cúng đúng chuẩn
- Gà được chọn để cúng lễ nhất thiết phải là gà trống tơ khỏe mạnh. Đặc điểm nhận diện là mào lớn màu cờ, mình gà vàng đầy đặn, chân vàng, chưa đạp mái (tượng trưng cho sự khỏe manh, tinh khiết).
- Gà trống hoa mơ (chân cao, màu vàng hoặc trắng), rồi tới gà trống tía, trống đen, trống lông tạp, gà ri (màu mận, vàng sẫm, mào cờ 5 khía, chân nhỏ, chưa nhú cựa, da và chân màu vàng) cũng rất được chuộng trong các dịp cúng tế.
- Cần chọn loại chân gà thẳng, thon nhỏ, đều chân, không bị trầy xước, không bị sứt, gãy móng. Đồng thời, quan sát thấy mình gà không bị nổi các nốt đỏ hoặc nốt màu lạ ở chân.
- Vạch lớp lông gà lên thấy da gà mỏng, mềm. Khi bóp nhẹ vào, thấy thân gà thấy săn chắc, không nhão, có một số vệt vàng lớn dưới ức, cánh.
- Dưới cánh gà, nách gà có thể thấy thịt, tia máu thì chứng tỏ gà săn chắc không có mỡ.
- Một con gà khỏe sẽ có hậu môn (phao câu) hồng hào, nhấp nháy, co bóp tốt. Ngoài ra, không có hiện tượng ướt, ra nước hoặc ra phân bất thường. Còn nếu phân gà có bọt vàng, nhầy hoặc lẫn máu tươi,…thì không nên chọn.
Một điều quan trọng để cách luộc chân gà cúng ngon da giòn là khi mua gà về bạn không nên buộc gà quá chặt. Tốt nhất bạn nên thả gà vào một cái chuồng để gà đi lại. Tuyệt đối không được siết chặt chân gà dẫn đến bầm tím hoặc đong máu chân.
1.2. Cách làm chân gà và gà nguyên con chuẩn bị luộc
1.2.1. Dụng cụ làm gà
- Một con dao thật sắc
- Đĩa nhỏ để đựng tiết gà
- Một nồi nước sôi khoảng 70-80 độ C
- Muối
- Một chậu nước sạch để rửa gà
1.2.2. Bước đầu làm sạch chân gà và vặt lông
- Cầm hai chân gà vào làm 1 và bẻ nhẹ cánh. Đồng thời, dốc ngược đầu gà xuống dưới đĩa chuẩn bị sẵn để cắt tiết, giữ chặt vừa đủ tránh cầm quá chặt sẽ làm tím phần cánh gà.
- Vặt lông phía dưới tai và cắt tiết. Theo quan niệm của ông bà ta “Trống cắt tai, mái cắt cổ” để được nhiều tiết. Và với cách luộc chân gà cúng từ khâu làm gà đúng chuẩn như vậy sẽ không dẫn đến hiện tượng chân gà bầm tím. Hứng cho đến khi hết tiết gà. Nếu không hứng hết tiết thì gà vẫn còn sống, giãy giụa – có thể gây tổn thương đến chân bị sứt mẻ, hay gãy cánh,…Tất cả những điều này đều làm ảnh hưởng không tốt – ít hay nhiều – đến việc cúng tế.
- Cho gà vào nồi nước đun sôi. Song sóng đó, đảo gà vài lần rồi vớt ra, nhanh tay vặt sạch lông theo chiều xuôi.
- Khi nhúng gà qua nước sôi, bạn nên ngâm chân gà 30 giây để bong lớp màng. Bóc lớp màng ở chân, mào, lưỡi gà và mỏ. Sau khi vặt lông xong thì xát muối đều lên thân gà để làm sạch lông măng, khử mùi hôi của gà.
1.2.3. Mổ moi lấy nội tạng gà
- Trong cúng tế thì gà được mổ moi.
- Đầu tiên, rạch một đường nhỏ ở diều khoảng 2 – 3 cm. Sau đó, lôi toàn bộ diều và cuống họng ra.
- Tiếp đến, rạch 1 đường khoảng 4 cm ở gần hậu môn gà ( ách hậu môn khoảng 2-3 cm). Sau đó, nhẹ nhàng lôi ra hết tất cả các nội tạng của gà. Bạn nhớ tránh làm nát và vỡ mật gà nhé, bỏ nội tạng riêng ở một cái chén/ tô sạch.
- Sau khi mổ xong thì rửa qua nước sạch nhiều lần cho đến khi không còn máu. Vì nếu gà còn tụ máu sẽ ảnh hưởng đến màu sắc khi luộc gà.
- Quắp hai chân gà vào trong bụng. Lưu ý nên giữ chân gà thẳng nhất có thể nhé.
- Xỏ dây lạt qua 2 cánh gà và buộc chặt chể sau khi luộc cổ gà ngẩng cao 2 cánh chụm lại ngụ ý thể hiện sự thành kính.
2. Hướng dẫn cách luộc chân gà cúng đúng chuẩn đẹp nhất
2.1. Cách luộc chân gà cúng từng bước
- Luộc gà trong nồi sâu lòng, cho nước ngập mặt xâm xấp gà rồi đặt lên bếp. Để luộc gà cúng không bị nứt thì nên cho gà vào nồi ngay khi nước còn lạnh để thịt chín từ ngoài vào trong. Cách luộc chân gà cúng để nước sôi rồi mới cho vào sẽ khiến gà khó chín đều.
- Nếu là thịt gà đông lạnh, thì nên rã đông hoàn toàn rồi mới cho vào. Nếu không thì phải luộc rất lâu và gà cũng sẽ mất vị.
- Khi nước đã sôi thì vặn lửa nhỏ lại. Sau khi nước sôi khoảng 5 phút, bạn vặn nhỏ lửa lại hết cỡ, để trong nồi 5 phút nữa rồi tắt bếp và đậy nắp kín chừng 20 phút.
- Dùng tăm xiên vào gà – nếu cảm giác mềm và không chảy nước vàng trong thì chín rồi đó.
- Muốn da gà được giòn, ngon thì bạn vớt gà ra cho vào nước lạnh.
- Với cách luộc chân gà cúng này, bạn có thể nêm thêm gia vị, củ hành, củ gừng đập giập để nước luộc thơm và ngon hơn.
Ngoài ra, để giúp da gà được vàng óng, căng bóng thì bạn quét lên thân gà một lớp mỡ gà đã được thắng với nghệ. Làm như vậy, da gà sẽ trong vô cùng hấp dẫn, rất thích hợp để cúng tế.
2.2. Cách bày biện dĩa gà cúng và ý nghĩa
Cách luộc chân gà cúng đã hoàn thành, nhưng khâu bày trí cũng không kém phần quan trọng. Theo dân gian thì chân gà cúng đúng chuẩn sẽ có màu bóng vàng đẹp, thẳng, không có tơ máu tích tụ. Đồng thời, các móng gà chụm đều thì năm đó gia đình sẽ gặp thuận lợi, may mắn, phát đạt. Vì vậy, từ việc chọn gà, đến làm gà và cách luộc gà cúng thì các bạn nên chú ý giữ chân gà luôn thẳng, không bị sứt móng nhé.
Sau khi luộc gà xong thì bạn có thể bày gà ra mâm cúng. Nếu luộc gà cúng đêm giao thừa thì nên cho gà ngậm bông hồng để tượng trưng cho những mong muốn về điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới của gia chủ. Khi bày gà ra mâm theo tục lệ thì nên buộc gà cúng đẹp kiểu quay vào hướng bàn thờ với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được cho là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Còn quay ra ngoài thì đó là gà “không chịu chầu”.
Trên đây là cách luộc chân gà cúng với những lưu ý theo quan niệm dân gian. Gà luộc để cúng trong các dịp lễ, ngày Rằm, Tết là truyền thống không thể thiếu trong mọi gia đình Việt. Theo quan niệm dân gian, gà là con vật thiêng. Thế nên, gà thường được cúng trên bàn thờ thể hiện sự thành kính của con cháu đối với Tổ tiên, ông bà. Còn theo quan niệm tâm linh thì điều này đem đến niềm vui và hạnh phúc cho gia đình. Chúc các bạn thực hiện công thức nấu ăn trên thể hiện toàn vẹn tấm lòng thành kính của mình với ông bà, Tổ tiên nhé.
Ngọc Trằm tổng hợp