Nếu yêu ẩm thực xứ sở hoa anh đào, chắc chắn bạn không thể bỏ qua cách làm món mì ramen trứ danh nổi tiếng. Nét tinh tuý của mì nằm ở phần nước dùng ngọt thơm cùng với các loại gia vị đặc biệt. Thưởng thức món mì nổi tiếng này, bạn sẽ cảm nhận được sự tinh tế của văn hoá ẩm thực Nhật Bản. Với cách nấu ramen dưới đây, bạn không cần phải ra nhà hàng nữa mà vẫn thưởng thức được tô mì chuẩn vị Nhật Bản ngay tại nhà mình.
1. Cách làm tonkotsu ramen đúng chuẩn
Cách làm mì ramen quan trọng ở phần nước dùng tinh tế và sợi mì dai ngon, ăn kèm với các món phụ hấp dẫn.
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu làm tonkotsu ramen
- Mì ramen: 500 gram
- Xương ống heo: 1 kg
- Thịt ba rọi: 1 kg
- Trứng gà: 5 quả
- Rượu sake: 300 ml
- Rượu mirin: 50 ml
- Hành boa rô: 4 nhánh
- Hành tây
- Đường nâu: 200 gram
- Nước tương, tỏi, ớt, gừng
- Rong biển nướng
- Mè trắng
1.2. Cách làm mì ramen chuẩn vị Nhật Bản
1.2.1. Cách nấu nước dùng ramen ngon
- Xương ống mua về rửa sạch, trần qua nước sôi để loại bỏ bụi bẩn, mùi hôi.
- Cho hành boa rô cắt khúc dài, hành tây cắt làm 4 phần, tỏi ớt đập dập cùng với xương ống đã sơ chế trước đó vào nồi. Đổ 4 lít nước và hầm trong 1 tiếng với lửa nhỏ.
- Sau khi hầm ra nước xương, lượt bỏ phần xác để có phần nước trong. Nêm thêm nước tương shoyu ta có được nước dùng tonkatsu.
1.2.2. Sơ chế các nguyên liệu khác nấu mì ramen
- Rửa sạch thịt ba rọi, cuộn lại sao cho phần da giáp với nhau, buộc cố định bằng dây chỉ, ướp với muối và ít tiêu để thịt ngon hơn. Áp chảo thịt cho vàng đều rồi luộc trong 10 phút.
- Làm phần nước sốt: đun sôi 200ml rượu sake, 50 ml rượu mirin, tỏi, gừng, 100 gram đường nâu, 300 ml nước tương.
- Hầm thịt với nước sốt khoảng 90 phút để thịt ngấm gia vị và chín đều. Thịt chín thì đem đi cắt lát Trứng gà luộc hồng đào, bóc vỏ cẩn thận và ngâm trong nước dùng cho thấm gia vị. Sau đó bổ đôi trứng.
- Rong biển cắt thành từng miếng vừa ăn.
- Đun nước chờ sôi thì cho sợi mì vào luộc chín. Bạn chỉ luộc trong 1 – 2 phút để sợi mì vẫn giữ được độ dai.
1.2.3. Trình bày và thưởng thức mì ramen
- Cho mì ra tô, phía trên để thịt xá xíu, trứng gà hồng đào, hành boa rô.
- Thêm phần nước dùng và vài lát rong biển là hoàn thành món mì ramen chuẩn Nhật rồi đấy.
- Món mì thơm ngon, phần nước dùng đậm đà, thêm hương vị từ thịt và trứng hấp dẫn, ăn kèm với rong biển thì còn gì bằng.
- Cách làm mì ramen Naruto thật đơn giản đúng không nào? Cùng bắt tay vào bếp thực hiện ngay nhé.
2. Cách làm ramen hải sản ngon miệng của người Nhật
Ở Nhật Bản, ramen nổi tiếng đến nỗi bất kỳ vùng miền nào cũng đều có món này, mỗi vùng miền lại có hương vị ramen đặc trưng riêng. Một trong những cách làm ramen dễ làm bạn có thể tự làm ở nhà đó là ramen hải sản.
2.1. Nguyên liệu làm mì hải sản ramen
- 1 vắt mì ramen
- 2 con tôm biển
- 2 thanh cua
- 2 lát chả cả xoắn Nhật Bản
- Một ít rau tần ô
- 1 ít hẹ
- Nấm rơm
- 1 trứng gà ta luộc hồng đào
- Nước daishi: 500ml nước dùng daishi (làm nước daishi từ nước hầm xương), 3 – 5 muỗng canh kim chi, 2 thìa rượu mirin, 1 thìa bột cá hondashi, 1 – 5 trái tắc, 2 thìa đường
2.2. Cách làm ramen hải sản đơn giản, thơm ngon
- Đun nước sôi, luộc mì trong 1 – 2 phút rồi vớt ra để ráo.
- Chế biến nước dùng Daishi: vắt lất nước cốt tắc và cho hỗn hợp nước daishi đã chuẩn bị, nêm thêm nước kim chi, rượu mirin, bột cá, đường.
- Khi nước dùng sôi, cho các nguyên liệu còn lại như tôm sú, thanh cua, chả cá vào nấu chín. Cuối cùng cho rau tần ô vào và tắt bếp.
- Cho mì vào tô, đổ nước dùng vào tô, sau đó đặt lên nửa trứng gà, tôm, thanh cua, chả cá và rắc một ít hành lá là hoàn thành.
3. Hướng dẫn cách làm mì ramen khô trộn với thịt ba chỉ ngon không cưỡng nổi
Ngoài mì ramen nước thì mì ramen trộn cũng đang rất được ưa chuộng. Với cách chế biến đơn giản, nguyên liệu dễ chuẩn bị. Bạn có muốn biết cách thực hiện món này không?
3.1. Chuẩn bị nguyên liệu làm mì ramen trộn
- 400 gram mì ramen
- 150 gram thịt ba chỉ
- 2 quả trứng gà
- Sốt miso, nước tương, giấm gạo, dầu ăn
- Gừng, tỏi, hành lá
- Rượu sake, rượu mirin, đường nâu
- Bạn có thể tìm thấy các nguyên liệu gia vị Nhật Bản trong siêu thị hoặc trên các trang điện tử.
3.2. Cách làm mì ramen khô trộn thịt ba chỉ
- Thịt ba chỉ rửa sạch, thái thành từng khối dài khoảng 1 lóng tay.
- Lấy một cái tô, cho vào 1 muỗng miso, 1 muỗng mật ong, 1 muỗng giấm gạo, 2 muỗng canh rượu mirin rồi khuấy đều lên.
- Cho thịt ba chỉ vào ướp khoảng 30 phút cho thấm gia vị.
- Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu ăn vào và thêm toàn bộ phần thịt ba chỉ vào. Rim khoảng 3 – 4 phút, lật mặt thịt để thịt chín đều.
- Khi nước sốt thịt cạn thì cho hành lá cắt nhỏ vào trộn đều.
- Nấu nước sốt trộn mì ramen: 125ml tương đậu nành, 125 gram đường nâu, 8 muỗng canh rượu mirin 70 ml rượu sake, gừng, tỏi đập dập, hành lá rồi trộn đều, Đun sôi trong vòng 5 phút.
- Cách làm trứng ramen trộn: Nấu một nồi nước sôi, khi nước sôi thì cho giấm ăn vào khuấy đều. Đập trứng cho vào tô và cho vào nồi nước chần khoảng 5 phút sao cho lòng đỏ trứng hồng đào. Cuối cùng vớt ra khay để ráo.
- Luộc mì ramen cho mềm rồi vớt ra để ráo.
- Lấy một cái tô, cho mì ramen, thịt rim, trứng trân và nước sốt vào vậy là hoàn thành. Khi ăn vào sẽ cảm nhận sợi mì dai, mềm hoà quyện với thịt rim đậm đà cùng trứn gà béo ngậy.
- Bạn cũng có thể thử cách làm mì ramen xào với các làm gần tương tự như trên. Thay vì trộn, bạn cho tất cả các nguyên liệu vào chảo xào cho chín, rắc thêm hành lá là hoàn thành.
4. Cách làm ramen chay ngọt bùi, thanh đạm cho ngày ăn chay
Nếu bạn muốn ngày rằm hoặc ngày ăn chay của mình có thêm thực đơn chay phong phú thì hãy thử làm món mì ramen chay miso sau đây nhé.
4.1. Chuẩn bị nguyên liệu làm mì ramen miso chay
- Mì ramen
- Đậu hũ trắng
- Nấm đông cô khô
- Tảo bẹ
- Sữa đậu nành không đường
- Tương miso trắng
- Tương đậu cay
- Hành lá, gừng, hạt vừng
- Dầu ăn, xì dầu
- Bột bắp
4.2. Cách chế biến mì ramen miso chay
- Cho 10 nấm đông cô và tảo bẹ nồi nước, nấu sôi. Sau đó tắt bếp, dùng vợt vớt nấm và tảo bẹ ra, lấy một ít nước làm nước dùng mì.
- Nấm sau khi luộc cắt làm đôi. Cho nấm vào áp chảo với 1 – 2 muỗng xì dầu rồi cho nấm ra đĩa.
- Đậu hũ trắng cắt thành khối vừa ăn. Ám đậu hũ với một lớp bột bắp rồi đem chiên vàng đều hai mặt.
- Phi thơm đầu hành trắng với dầu ăn, rồi cho gừng tỏi băm nhuyễn vào xào. Cho vào 2 muỗng canh miso trắng, 1 muỗng canh tương đậu nành rồi đảo đều. Cho phần nước dùng khi nãy vào, đậy nắp và ninh trong 5 phút.
- Khi nước dùng sôi, vừa khuấy vừa cho sữa đậu nành cùng hạt vừng vào, nấu thêm 5 phút thì tắt bếp.
- Chần mì trong nước sôi khoảng 3 – 5 phút thì vớt ra để ráo.
- Cho mì vào tô, chan nước dùng, cho đậu hũ chiên, nấm đông cô lên trên và thưởng thức món chay ngon thôi nào.
5. Cách làm mì ramen dưa hấu mới lạ, độc đáo
Bạn đã nghe đến món mì ramen dưa hấu chưa? Món mì nước này vô cùng hấp dẫn với hương vị thanh mát, đậm đà đấy.
5.1. Chuẩn bị nguyên liệu làm mì ramen dưa hấu
- Dưa hấu 1 trái
- Tôm 100 gram
- Mì ramen matcha
- Cải xoong
- Hạt vừng rang
5.2. Bật mí cách làm mì ramen dưa hấu độc lạ
- Dưa hấu cắt làm đôi, lấy phần ruột bên trong dưa hấu. Cho hết phần ruột vào trong máy xay sinh tố xay nhuyễn, lọc lấy phần nước ép dưa hấu rồi cho vào tủ lạnh.
- Sử dụng phần vỏ trắng của dưa hấu thái lát mỏng đem ngâm với muối trong 2 tiếng. Sau đó vớt ra vắt ráo, cho chanh và giấm vào trộn đều ngâm trong 2 tiếng làm kim chi.
- Tôm mua về rửa sạch, cắt bỏ phần râu, lột sạch vỏ, bỏ chỉ đen trên lưng. Luộc tôm với nước sôi trong vòng 2 phút sau đó vớt ra để ráo.
- Mì đem luộc với nước sôi khoảng 3 – 4 phút cho cọng mì mềm là được, vớt ra để ráo.
- Cho mì vào vỏ trái dưa hấu trước đó, thêm nước ép dưa hấu, kim chi, tôm và tương ớt. Sau cùng trang trí với cải xoong và vừng rang là hoàn thành.
Với cách làm ramen ở trên không những đem lại cho bạn những món ăn ngon miệng mà còn rất bổ dưỡng tốt cho sức khoẻ. Món mì ramen thích hợp để bổ sung vào thực đơn hằng ngày của gia đình. Bạn đừng quên lưu lại công thức và chia sẻ cách làm cho bạn bè nhé. Chúc bạn thành công!
Hồng Ngọc