1. Hướng dẫn cách muối dưa hành với mía và nước vo gạo kiểu Bắc
Cách muối dưa hành với mía kiểu Bắc dễ làm, nhưng đòi hỏi sự khéo léo ở người thực hiện. Chỉ cần thực hiện theo các bước hướng dẫn chi tiết dưới đây, đảm bảo bạn sẽ làm ra món hành muối giòn thơm khiến ai cũng phải gật đầu tấm tắc.
1.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 400 gram củ hành (Hành tím hoặc hành trắng)
- 50 gram đường trắng
- 200 ml giấm ăn (Chọn loại giấm lên men tự nhiên)
- 2 hoặc 3 khúc mía
- Muối ăn
- Gừng đập dập, băm nhỏ
- Ớt rươi rửa sạch, thái nhỏ (sử dụng theo khẩu vị mỗi người)
- Nước vo gạo hoặc tro bếp (nếu có)
- Hũ sứ hoặc hũ thủy tinh để đựng hành muối (tráng nước sôi để khử trùng, phơi ráo nước)
1.2. Cách làm hành muối mía ngâm nước vo gạo kiểu miền Bắc
1.2.1. Sơ chế hành với nước vo gạo không bị hăng
- Để làm được hành muối đúng chuẩn kiểu Bắc, bạn cần lưu ý ngay từ khi chọn mua nguyên liệu. Nên chọn loại hành tươi có củ nhỏ, tròn đều nhau để khi muối được giòn và thơm. Đừng chọn những loại hành mà củ quá to sẽ khiến hành lâu chín và khó ăn. Người miền Bắc thường sẽ muối hành vào khoảng thời gian mùa đông và mùa xuân.
- Sau khi mua hành về, bạn hãy để nguyên cả vỏ và ngâm với nước nước vo gạo (hoặc tro bếp) rồi để qua đêm. Đây là bí quyết muối dưa hành kiểu Bắc để nguyên liệu củ quả được làm sạch và lúc muối sẽ được giòn hơn.
- Khi đã ngâm xong, bạn hãy bóc vỏ hành, cắt bớt rễ. Lưu ý: Bạn nhớ để lại gốc hành để tránh bị nhũn, úng nhé. Rồi sau đó, đem ngâm hành với nước sạch đã pha với muối, vớt ra rổ và để ráo nước.
1.2.2. Cách nấu nước mắm giấm đường để muối hành kiểu Bắc
Đây là bước quan trọng sẽ quyết định hương vị của món hành muối. Với cách muối dưa hành truyền thống, người miền Bắc sẽ pha giấm + đường + muối vào 1 lít nước lọc. Khuấy đều hỗn hợp và đem đun sôi rồi để nguội.
1.2.3. Cách muối dưa hành chua ngọt với giấm đường kiểu Bắc
- Bạn đem hũ đựng hành rửa sạch và lau thật khô. Không để hũ còn ẩm hay đọng nước vì khi muối, hành rất dễ bị úng khi tiếp xúc với nước lã. Tiếp đến, hãy xếp hành vào hũ, xen kẽ với gừng và ớt (có thể thêm riềng) để tăng hương vị cho món ăn. Thêm 2 – 3 khúc mía để hành có vị ngọt tự nhiên.
- Đổ hỗn hợp nước giấm đường để nguội vào hũ sao cho ngập hành khoảng 4 – 5 cm là được (nếu không thì phần hành ở phía trên sẽ bị thâm đen). Lấy 1 chiếc đĩa nhỏ hơn miệng hũ để nén chặt hành xuống, sau đó đậy hũ thật kín và để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Sau khoảng 4 ngày cho đến 1 tuần là có thể ăn được.
- Hành muối đạt chuẩn sẽ có màu tím đậm đẹp mắt (nếu dùng hành tím) hoặc trắng ngà (nếu dùng hành trắng), không có mùi lạ, không bị úng nước. Khi ăn sẽ cảm thấy giòn, chua cay vừa miệng, có mùi thơm.
2. Cách làm hành muối nước mắm giấm đường kiểu miền Bắc
Công thức muối dưa hành kiểu Bắc ở trên có vị chua ngọt nhờ sử dụng giấm đường ngâm hành. Đây cũng là bí quyết muối dưa hành chua ngọt kiểu cũ. Ngày nay, người ta sẽ dùng nước mắm thay cho muối bởi nước mắm sẽ khiến hành giòn và lâu bị hỏng hơn. Bạn pha 1 bát nước mắm + 2 bát nước + 1 bát giấm + 2/3 bát đường với nhau và khuấy thật đều. Hỗn hợp mắm này cũng sẽ đun sôi thêm với một chút nước, sau đó để nguội. Thực hiện các bước ngâm hành với nước mắm giấm đường còn lại tương tự công thức thứ nhất ở trên là hoàn tất.
3. Những điều cần lưu ý để muối dưa hành kiểu Bắc ngon giòn đúng vị
Cách làm hành muối kiểu Bắc ngon chuẩn vị yêu cầu người thực hiện phải khéo léo, tỉ mỉ trong mỗi bước thực hiện. Bởi hành muối rất dễ bị hỏng hoặc thâm làm mất đi độ ngon, sự hấp dẫn của món ngâm này. Vì vậy, ngoài các bước trên, bạn cũng nên lưu ý một số điều khi muối dưa hành miền Bắc như sau:
- Rửa sạch hành qua nhiều lần nước đã hòa tan với muối để khi muối, hành sẽ không bị váng. Muốn hành muối được giòn và thơm ngon thì sau khi rửa hành, nên để thật ráo nước mới bắt đầu tiến hành muối.
- Không nên dùng hũ nhựa để muối hành vì men chua của hành khi tiếp xúc với nhựa sẽ sản sinh ra chất gây hại sức khỏe.
- Có thể gia giảm thêm ½ thìa cà phê muối ăn hoặc 1 – 2 thìa nước mắm tùy theo khẩu vị của mỗi người. Tỷ lệ nguyên liệu thế này sẽ giúp hành muối đậm đà, ngon hơn.
- Nếu hành muối bị mặn, bạn có thể bỏ lớp vỏ bên ngoài, chẻ hành làm đôi rồi rửa qua với nước đun sôi để nguội. Sau đó, để ráo hành rồi trộn với một ít đường + ớt tươi hoặc trộng với tương ớt, riềng giã nhỏ để giảm vị mặn.
4. Cách bảo quản dưa hành muối kiểu Bắc tự làm tại nhà không nổi váng
- Bảo quản hành muối ở nơi khô ráo, sạch sẽ để đảm bảo không bị vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, có thể mang hũ hành ra phơi nắng cho hành được giòn và để được lâu hơn.
- Hành muối khi không ăn hết thì để riêng bên ngoài và bảo quản bằng tủ lạnh. Không nên đổ dưa hành ăn thừa vào lại hũ, vì như thế sẽ khiến hành nhanh bị hỏng.
- Nên dùng đũa sạch gắp hành muối từ trong hũ ra, rửa qua bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước muối pha loãng. Sau đó, bóc vỏ ngoài của hành và ăn phần hành trắng.
Ông cha ta ngày xưa có câu:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Ý muốn nói rằng, các món ăn được nhắc đến trên đây luôn đi kèm với nhau và không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Hành muối thường dùng để ăn kèm với bánh chưng nhân đậu, thịt nấu đông mộc nhĩ để làm giảm đi vị béo ngậy của các món mặn này. Nói cách khác, cách làm hành muối kiểu Bắc giúp cân bằng vị giác, ngoài ra còn góp phần thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể con người. Vậy nên, bạn tuyệt đối không nên bỏ qua món ăn ngon ngày Tết miền Bắc truyền thống tuyệt vời này nhé. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo cách muối dưa hành với khế với vị chua ngọt đặc biệt để mâm cơm ngày Tết thêm phong phú nhé.
Hatha tổng hợp