1. Món chân giò hầm thuốc bắc có tác dụng gì?
Cách hầm chân giò thuốc bắc là công thức chuyên dành để bồi bổ sức khỏe mọi người. Món ăn cần thiết cho người vừa ốm dậy, người đang trong quá trình điều trị bệnh, phụ nữ sau sinh. Đối với người Hoa, món chân giò hầm thuốc bắc giúp bổ sung nhiều dưỡng chất quan trọng, khắc phục tình trạng suy nhược cơ thể.
Phụ nữ sau sinh ăn chân giò hầm thuốc bắc thường xuyên sẽ giúp cơ thể tiết nhiều sữa cho con bú. Người bình thường muốn bồi bổ cơ thể, bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng để làm việc, học tập hiệu quả hơn có thể thưởng thức món ăn mang hương vị đặc biệt này. Do đó, không chỉ là món ăn ngon dành cho bà bầu, bạn cũng có thể bổ sung món ăn này vào thực đơn hàng ngày cho cả gia đình mình nhé.
2. Cách hầm chân giò thuốc bắc mềm ngon cho bà bầu an thai
2.1. Cách nấu chân giò lợn hầm nấm, thuốc bắc, hạt sen truyền thống
2.1.1. Nguyên liệu chuẩn bị
- Chân giò heo: 600 gram
- Thuốc bắc: 1 gói (bạn có thể mua tại các cửa hàng thuốc bắc, chợ, siêu thị)
- Hạt sen tươi: 100 gram
- Cà rốt: 1 củ
- Nấm đông cô hoặc nấm hương: 100 gram
- Củ năng: 150 gram
- Bạch quả tươi: 50 gram
- Hành tây: ¼ củ
- Hành tím: 3 củ
- Nước cốt hành tím: 2 muỗng canh
- Dừa tươi: 1 trái
- Rau cải xong: 200 gram
- Gia vị (hạt nêm, muối, bột ngọt, dầu ăn, nước tương)
2.1.2. Hướng dẫn cách sơ chế chân giò heo
- Thịt chân giò sau khi mua về làm sạch lông và da thừa. Rửa sạch với nước muối pha loãng, lưu ý rửa sạch phần móng heo. Công đoạn rửa bằng nước muối loãng sẽ giúp chân giò loại bỏ mùi hôi, sạch hơn khi chế biến.
- Kế tiếp, đem chân giò bọc vào giấy bạc nướng trên bếp ga. Bạn cũng có thể dùng rơm nướng cháy sém phần da hoặc dùng đèn khò để nướng. Rửa lại chân giò dưới vòi nước, chà sạch lớp muội than nếu sử dụng rơm hoặc khò ga. Để chân giò ra rổ sạch cho ráo nước rồi chặt khúc nhỏ vừa ăn.
- Ướp giò heo cùng 2 muỗng canh nước cốt hành tím, ½ muỗng cà phê bột ngọt, ½ muỗng cà phê muối trong khoảng 10 phút cho các gia vị thấm đều.
2.1.3. Sơ chế thuốc bắc, rau củ quả và hạt sen
- Gói thuốc bắc hầm cho vào nước để nở, rửa sạch và để ráo.
- Hạt sen tươi bóc vỏ ngoài, bỏ tim, rửa sạch, để ráo nước.
- Nấm hương cắt bỏ gốc, rửa sạch, để ráo nước.
- Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, cắt làm đôi cho vừa ăn.
- Bạch quả đập bỏ vỏ cứng bên ngoài (nếu còn vỏ cứng), rửa sạch, để ráo nước.
- Hành tím rửa sạch, nướng trên bếp đến khi dậy mùi thơm thì lấy ra.
2.1.4. Cách nấu chân giò heo hầm cùng thuốc bắc và hạt sen bổ dưỡng cho bà đẻ
- Lần lượt cho nước dừa tươi, thuốc bắc, nấm hương, hành tím nướng, chân giò vào nồi áp suất. Tiếp tục nêm vào ½ muỗng cà phê muối, ½ muỗng cà phê bột ngọt, đảo đều. Bắc lên bếp, bắt đầu hầm với ngọn lửa vừa trong khoảng 15 phút.
- Sau 15 phút, bạn mở nắp nồi, thêm vào khoảng 800 ml nước, cho những loại rau củ còn lại đã sơ chế tiếp tục hầm. Ở bước này, nêm thêm 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng cà phê hạt nêm cho gia vị thêm đậm đà. Hầm chân giò và toàn bộ nguyên liệu đến khi chín mềm thì tắt bếp.
- Chân giò hầm thuốc bắc sau khi chín múc ra tô, thêm ngò rí và lá quế. Chân giò mềm ngon, nước dùng thơm ngọt sẽ giúp bồi bồ sức khỏe các thành viên gia đình. Món ăn sẽ ngon hơn khi thưởng thức nóng.
2.2. Cách nấu chân giò heo tiềm thuốc bắc và ngải cứu
2.2.1. Nguyên liệu chuẩn bị
- Giò heo: 1 chiếc khoảng 1 kg
- Thuốc bắc: 1 gói
- Ngải cứu: 10 gram
- Hạt sen tươi: 50 gram
- Nấm hương: 10 gram
- Thục đen: 20 gram
- Sâm quy: 20 gram
- Gia vị (muối, đường, nước mắm, bột ngọt, hạt nêm, dầu ăn, nước cốt dừa…)
2.2.2. Cách sơ chế chân giò lợn và các nguyên liệu
- Công đoạn sơ chế chân giò hầm thuốc bắc, ngải cứu tương tự như sơ chế khi hầm chân giò thuốc bắc truyền thống. Theo đó, giò heo sau khi mua về bạn sửa sạch, cạo lông rồi bọc giấy bạc nướng trên bếp ga hoặc bếp than rồi rửa với nước lạnh.
- Chặt chân giò thành miếng nhỏ vừa ăn, ướp thêm các gia vị theo tỷ lệ 1 muỗng muối, 1 muỗng hạt nêm, ½ muỗng đường, ½ muỗng mì chính.
- Rau ngải cứu lọai bỏ rễ, lá úa, rửa sạch, để ráo nước. Hạt sen bóc bỏ vỏ, bỏ tim, rửa sạch. Nấm hương cắt bỏ rễ, rửa sạch, để ráo.
- Các nguyên liệu khác như sâm quy, thục đen để vào rổ cho ráo nước.
2.2.3. Cách hầm chân giò heo với thuốc bắc, ngải cứu cho bà bầu
- Chuẩn bị nồi áp suất hoặc nồi chuyên dùng để hầm hoặc nấu canh. Cho chân giò, hạt sen, thục đen, nước sạch, nước cốt dừa vào nấu trên ngọn lửa vừa cho vừa. Dựa vào lượng nguyên liệu chuẩn bị cho số người ăn mà bạn có thể hầm trong khoảng thời gian từ 45 phút đến 1 giờ đồng hồ.
- Kiểm tra thấy thịt chân giò vừa chín tới thì thêm các loại thuốc bắc và rau ngải cứu vào nấu cùng đến khi các nguyên liệu mềm thì tắt bếp. Nêm nếm món canh cho vừa miệng ăn.
- Múc chân giò hầm thuốc bắc ngải cứu ra tô ăn nóng hoặc thưởng thức cùng các loại vắt mì, bánh mì để thêm phần hấp dẫn.
2.3. Cách hầm chân giò lợn thuốc bắc bằng nồi cơm điện
Nếu nhà có nồi cơm điện, bạn có thể sử dụng công cụ này hầm chân giò để tiết kiệm thời gian và công đoạn. Ưu điểm lớn nhất khi hầm chân giò hầm thuốc bắc bằng nồi cơm điện là bạn không cần phải đứng canh lửa. Chỉ cần cho chân giò heo cùng thuốc bắc, các nguyên liệu, gia vị đã chuẩn bị vào nồi, đậy nắp kín lại. Cắm dây điện, nhấn nút “Cook” và tiềm trong 40 phút.
Trong thời gian hầm chân giò, nếu thấy nút “Cook” chuyển chế độ sang “Warm” thì bạn nhớ nhấn “Cook” lại nhé. Chân giò hầm chín mềm thì vớt ra tô. Rắc thêm hành lá, trang trí món ăn đẹp mắt là có thể thưởng thức ngay. Bạn có thể áp dụng phương pháp này với các món hầm khác nhau, kể cả canh hoa atiso hầm chân giò lợn cho bà bầu luôn nhé.
Có thể thấy vị ngọt tự nhiên của thịt chân giò cùng hương vị đặc trưng của các nguyên liệu thuốc bắc như táo tàu, hạt sen, cao kỳ tử, nhãn nhục sẽ giúp món ăn có hương vị đặc biệt. Chúc bạn thành công với hai cách hầm chân giò thuốc bắc mềm ngon và đảm bảo dinh dưỡng bài viết đã giới thiệu. Ngoài các món ăn ngon từ chân giò này, bạn cũng có thể đổi nguyên liệu nấu gà hầm thuốc bắc tùy theo khẩu vị nhé.
Hồng Ngọc