1. Gà hầm cách thủy và lợi ích bồi bổ sức khoẻ
Nhắc đến món gà hầm được nấu bằng cách hấp cách thủy thì không ai có thể phủ nhận được lợi ích bổ dưỡng và hương vị thơm ngon “nức tiếng” của nó. Gà hầm thuốc bắc, gà hầm hạt sen, gà hầm ngải cứu,…hay vô số các món gà hầm khác được gọi chung là gà hầm cách thủy. Cách nấu gà cách thủy cũng không quá cầu kỳ, khó khăn như bạn nghĩ. Theo đó, chỉ cần chế biến đúng theo công thức là bạn sẽ có được món gà hầm bổ dưỡng, ngon nhức nhối để tẩm bổ cho người thân yêu của mình. Ngoài ra, nó còn rất tốt cho khả năng sinh lí của các quý ông nữa nhé.
Gà hầm cách thuỷ là một trong những món ăn ngon bổ dưỡng chứa nhiều năng lượng nhằm giúp bồi bổ, tăng cường sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu kém. Chẳng hạn như: người già, trẻ nhỏ, phụ nữ….thường hay bị cúm, ho, sốt, viêm họng mỗi khi thời tiết chuyển mùa phức tạp.
Ngoài việc tăng cường sức khoẻ bằng cách thường xuyên vận động thể dục ra thì việc bổ sung dinh dưỡng từ bên trong cũng rất cần thiết trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn và gia đình.
2. Cách làm gà hầm ngải cứu cách thủy cho bà bầu tẩm bổ
Cách nấu gà hầm với ngải cứu “tưởng không dễ nhưng lại dễ không tưởng” đấy! Món ăn này đặc biệt nên thưởng thức khi còn nóng sẽ thơm ngon hơn và không bị tanh. Cùng làm theo hướng dẫn sau đây các bạn nhé.
2.1. Nguyên liệu
- Gà ta nguyên con: 1-2 kg/con
- Ngải cứu: 2 – 3 bó
- Gia vị thuốc bắc hầm gà: 1 gói
- Gừng: 1 củ
- Nghệ tươi: 1 củ
- Nước lọc: 2 – 3 chén
- Gia vị nêm nếm: Muối, hạt nêm, nước mắm, bột ngọt, hạt tiêu
- Chọn nồi hầm gà: nồi đất, nồi áp suất, nồi cơm điện, nồi hấp cách thủy,…
2.2. Cách hầm gà cách thủy ngải cứu nguyên con cho bà bầu tẩm bổ
2.2.1. Cách sơ chế gà nguyên con và tẩm ướp gia vị
- Bạn nên chọn gà ta hoặc gà ri còn sống thịt sẽ tươi và mềm ngon hơn khi nấu.
- Đối với gà sống: cắt tiết, làm sạch lông và lòng mề.
- Dùng muối trắng xát vào thân gà và lòng mề để khử bớt mùi tanh rồi rửa lại bằng nước sạch.
- Để tiết kiệm thời gian sơ chế gà, bạn có thể mua gà làm sẵn ở siêu thị để tiết kiệm thời gian.
- Gừng, nghệ cạo vỏ đập dập rồi băm nhuyễn.
- Ngải cứu các bạn chỉ nên lấy phần lá và phần ngọn non rửa sạch để ráo nước, phần thân và phần già của ngải cứu thì bỏ vào nước hầm để tăng chất dinh dưỡng.
- Cho 1 muỗng canh hạt nêm, 1/3 muỗng canh tiêu, 1/2 muỗng canh muối, nghệ, gừng tươi băm nhuyễn trộn đều thành hỗn hợp tẩm ướp gà.
- Cho hỗn hợp gia vị xoa đều vào mình và bụng cả con gà, ướp trong khoảng 30 phút cho gà ngấm gia vị.
- Cho một ít lá ngải cứu nhồi vào bụng con gà rồi dùng xiên kẹp bụng gà lại để lá ngải cứu không bị rơi ra khi hầm.
2.2.2. Cách hầm gà cách thủy nguyên con với ngải cứu bằng nồi cơm điện/ nồi áp suất
- Bạn có thể chọn nồi đất, nồi áp suất, nồi cơm điện hoặc nồi hấp cách thuỷ….để hầm món gà này.
- Tuy nhiên, nếu hầm với nồi đất thì sẽ tốn thời gian hơn vì bạn sẽ phải cần đến “2 cái nồi đất” là 1 cái dùng để hầm gà và 1 cái nồi đất to hơn để chứa nước sôi rồi đặt nồi đất đã hầm gà vào trong để hầm cách thủy trong 2 tiếng.
- Đầu tiên, các bạn hãy xếp một lớp lá ngải cứu xuống đáy nồi, sau đó đặt nguyên con gà lên trên.
- Dùng một túi lọc trà đựng phần thân ngải cứu già đặt lên phía trên cùng của con gà
- Cho nước lọc (hoặc nếu có nước luộc gà) vào nồi đun sôi, đổ xâm xấp ngập gà chứ không ngập nhiều quá.
- Trong khi hầm, nếu thấy có bọt nổi lên thì bạn vớt hết bọt ra.
- Tiếp đó hầm thêm 30 – 45 phút với lửa nhỏ.
- Nêm nếm gia vị lại cho món hầm vừa ăn.
Lưu ý thời gian hầm gà cách thuỷ trong từng loại nồi là:
- Nồi hấp cách thủy – thời gian hấp: khoảng 1 tiếng — 1 tiếng rưỡi.
- Nồi áp suất chuyên dụng – thời gian hầm: tầm 30 phút.
- Nồi cơm điện – thời gian hầm: từ 45 phút – 1 tiếng.
- 2 Nồi đất (1 lớn, 1 nhỏ) – thời gian hầm: khoảng 2 tiếng
2.2.3. Thưởng thức món gà hầm ngải cứu cách thủy
- Lấy phần túi lọc chưa thân lá ngải cứu phía trên con gà ra.
- Sau đó, múc ra tô (có nắp đậy) để có thể đủ giữ nóng món ăn.
- Bạn rưới thêm một ít nước hầm gà lên trên món ăn thêm đậm đà và thưởng thức.
Chỉ mới ngửi thấy mùi thơm nồng sực nức của món gà hầm ngải cứu thôi đã khiến tim bạn “rụng rời” rồi phải không nào! Nếm vào miệng bạn sẽ cảm nhận rõ độ chín mềm, ngọt thanh của thịt gà, hoà quyện với hương vị đặc trưng, màu sắc hấp dẫn của lá ngải cứu khiến cơ thể bạn dường như ấm lên.
3. Cách hầm gà cách thuỷ với nấm, thuốc bắc cho người mới ốm dậy
Gà hầm thuốc bắc “thập cẩm” là một vừa ngon lại vừa bổ dưỡng. Món ăn này dùng những vị thuốc bổ kết hợp với thịt gà nhiều dưỡng chất giúp bổ máu cho mẹ bầu sau sinh và đặc biệt tốt cho những người hay mệt mỏi, ốm đau.
3.1. Công thức gà hầm cách thuỷ với nấm và thuốc bắc
Trong nước hầm gà vá các vị thuốc bắc chứa nhiều dinh dưỡng, có công hiệu bổ dưỡng cao. Đây là món ăn ích khí huyết, rất là có lợi cho người tạng yếu, hay đau nhức,cảm cúm, người già, người mới ốm khỏi hay đang dưỡng bệnh…
3.1.1. Nguyên liệu cho món gà hầm thuốc bắc hạt sen
- Gà mái hoặc gà ác: 1 con (khoảng 1 kg – 1.2 kg)
- Ngải cứu: 2 bó
- Nấm các loại như: nấm hương, đông cô, nấm linh chi trắng – nâu, nấm hầu thủ
- 1 gói thuốc bắc gồm: táo đỏ, ý dĩ,…(nếu có thể hãy cho thêm nhân sâm, hoàng kỳ)
- Nước dừa, hạt sen
- Gia vị nêm nếm
3.1.2. Cách hầm gà cách thuỷ thuốc bắc ngon bổ với hạt sen
- Sơ chế gà với nước sạch.
- Rửa sạch lá ngải cứu, hạt sen (bỏ tim).
- Dùng nước sôi trụng sơ qua phần thuốc bắc.
- Cho nấm hầu thủ vào nước sôi pha muối loãng, luộc sơ sau đó vắt hết nước, mang ra để ráo.
- Nhồi một phần ngải cứu và hạt sen vào bụng gà.
- Xếp phần lá ngải cứu còn lại vào nồi, thuốc bắc và nấm hương rải bên trên.
- Tiếp đến cho nguyên con gà vào nồi, đổ nước dừa xâm xấp gà.
- Nước dừa giúp giúp làm thơm mềm thịt gà và tạo cho món gà hầm táo đỏ có vị ngọt thanh tự nhiên hơn.
- Đậy nắp và hầm trong khoảng 30 – 45 phút.
- Tiếp theo, cho nấm hầu thủ vào hầm chung với gà độ 10 – 15 phút.
- Nấm hầu thủ cho vào sau để nấm giữ được độ giòn tự nhiên.
Tuy món gà hầm hạt sen thuốc bắc này có phần công phu và tốn nhiều nguyên liệu nhưng khi thực hiện lại rất đơn giản và nhanh gọn. Việc kết hợp thêm các loại nấm, thuốc bắc vô cùng bổ dưỡng giúp bạn và cả gia đình bồi bổ lại sức khỏe, “sạc” lại năng lượng sau một tuần học tập và làm việc đầy áp lực căng thẳng,
3.2. Những ai không nên ăn gà hầm thuốc bắc?
Món gà hầm thuốc bắc “đại bổ” này được coi là món ăn cực bổ dưỡng, rất tốt cho tim mạch và hỗ trợ trong việc chữa trị nhiều bệnh. Đặc biệt, gà hầm có công dụng giảm đau, đặc trị những bệnh về phổi, thận, mồ hôi trộm, nhức lưng, đái tháo, di tinh, hoạt tinh, chân tay yếu mỏi, thiếu máu,…
Tuy nhiên, món gà hầm cho bà bầu này không tốt đối với những người bị bệnh huyết áp cao, những người hay bị phong ngứa, người bị viêm nhiễm cấp tính,…
Vì các bài thuốc kết hợp với cách hầm gà cách thủy này – như nhân sâm, hoàng kỳ hoặc một vài gia vị cay nóng khác – có dương tính cao có thể kích động phong nhiệt, làm tăng huyết áp. Do đó, nếu bạn thuộc một trong các đối tượng trên thì tốt nhất nên kiêng ăn các món gà tần thuốc bắc nhé. Ngoài ra, bạn có thể nấu gà hầm bí đỏ để đổi vị cho bữa ăn hàng ngày của gia đình mình nhé.
Bích Tuyền