Với cách làm giá đỗ bằng nước vôi bạn cũng không còn cảm thấy lo ngại về vấn đề thực phẩm bẩn, giá ngâm bằng thuốc kích thích tăng trưởng hay những chất hoá học độc hại. Từ đó có thể áp dụng để làm nên những thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo vệ sinh và sức khoẻ cho cả nhà. Thậm chí còn có thể dành tặng cho bạn bè, người thân, để họ cùng sử dụng và cảm thấy an tâm hơn. Nếu bạn vẫn chưa biết cách ngâm giá đỗ làm sạch với nước vôi trong thế nào, hãy cùng Webnauan.vn tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.
1. Hướng dẫn cách ủ giá đỗ xanh bằng nước vôi trong
1.1. Nguyên liệu cần có
- Đậu xanh
- Nước vôi trong
- Thùng nhựa từ 80 – 100 lít (có vòi để khoá, tháo nước)
- Lá chuối sạch, lá tre tươi
- Vỉ tre
- Gạch viên
1.2. Cách làm giá đỗ ngâm nước vôi trong bằng lá tre và thùng nhựa
1.2.1. Cách sơ chế hạt đỗ bằng nước vôi trong trước khi ủ nảy mầm
- Trước khi ngâm hạt với nước vôi trong bạn cho hạt vào một cái chậu nước, để loại bỏ những hạt lửng, hạt lép. Vớt chúng ra ngoài và giữ lại những phần đậu chắc hạt, rửa sạch lại lần nữa với nước rồi cho ra rổ, để ráo.
- Sau đó, cho đậu vào một cái âu lớn, cho nước vôi trong vào, ngâm khoảng 4-5 tiếng. Tuy nhiên tuỳ thuộc vào chất lượng của hạt bạn có thể ngâm lâu hơn.
1.2.2. Cách ủ giá đỗ xanh bằng lá tre và thùng nhựa
- Trước tiên, bạn dùng gạch viên xếp thành hình nan quạt dưới đáy thùng, giúp thoát nước nhanh khi tưới giá đỗ.
- Tiếp theo cho vỉ tre lên, xếp lá tre, lá chuối lên vì rồi đổ đậu đã ngâm xong vào, rải đều mặt vỉ.
- Sau đó, lấy lá chuối lót bên trên, rồi tiếp tục rải đậu và làm tương tự cho đến khi hết. Cuối cùng dùng một vỉ tre khác đậy lên, phủ thật kín để tránh ánh sáng lọt vào. Rồi kế đến, dùng 2 viên gạch đè lên.
- Nếu đỗ hút nước nhanh thì dùng nhiều viên gạch hơn đặt lên (ở những ngày tiếp theo).
- Trong quá trình ủ giá đỗ, ở 2 ngày đầu, bạn cần ngâm nước một lần mỗi ngày, khoảng 10-15 phút. Đồng thời tưới nước từ 4 – 5 lần theo chu kì 5 giờ/ lần (kể cả ban đêm). Ngoài phương pháp này, bạn có thể tham khảo cách làm giá đỗ bằng khăn với hiệu quả tương tự.
- Đến ngày thứ 3 và ngày thứ 4 thì ngâm 3 lần/ ngày (sáng – trưa – tối). Cứ mỗi lần tưới là 15 phút và tưới 5 lần/ ngày.
1.3. Thành phẩm giá đỗ ngâm nảy mầm bằng nước vôi trong
Sau 4 ngày tự ủ giá đỗ tại nhà, lúc này bạn có thể thu hoạch phần giá. Tháo từng mảng ra, cho vào thau nước sạch, rồi dùng rổ sàng qua lại một vài lần, để loại bỏ bớt vỏ đỗ và những hạt đậu không lên giá. Rồi rửa lại thêm vài lần nước, nhằm khử chất chua trên giá trong quá trình ủ. Thân giá đạt chuẩn thường có chiều dài từ 3 – 5 cm, đường kính thân là 2 – 3 mm. Hạt đỗ có màu vàng, thân trắng, rễ có màu nâu nhạt và không dài quá 3 mm.
2. Những cách làm giá đỗ không cần nước vôi trong
2.1. Cách làm giá đỗ bằng rổ nhựa và lá tre
2.1.1. Nguyên liệu cần có
- Đậu xanh
- Lá tre tươi
- Rổ nhựa
- Đĩa sành
2.1.2. Cách làm giá đỗ bằng rổ nhựa không cần ngâm nước vôi trong
- Đậu xanh khi mua về cho vào một thau nước sạch, ngâm để loại những hạt lép, hạt hỏng. Vớt phần đậu chắc hạt thu được cho vào một cái thau khác, ngâm với nước ấm có nhiệt độ từ 38-40 độ C, khoảng 8-10 tiếng, nhằm kích thích hạt nảy mầm nhanh hơn.
- Bạn lấy lá tre lót lên đáy rổ nhựa theo hình nan quạt rồi rải đậu lên trên.
- Sau đó lại dùng lá tre lót lên phần đậu, rồi lại đắp lên một lớp lá tre khác, cho đến khi hết đậu, thì lót một lớp lá tre cuối cùng lên trên, rồi dùng đĩa sành úp lại. Hoặc bạn có thể dùng thanh tre để cố định lớp lá tre trên cùng.
- Lúc này, bạn nhúng toàn bộ rổ nhựa vào một thau nước, rồi nghiêng nhẹ để nước trút ra hết, đặt ở nơi tránh ánh sáng.
- Khi ủ giá đỗ, mỗi ngày bạn nhúng rổ giá đỗ đang ủ vào thau nước 2 lần, vào buổi sáng và buổi tối và đặt lại chỗ tránh ánh sáng. Lặp đi lặp lại trong khoảng 3 ngày là thu hoạch được.
- Giá đỗ làm bằng lá tre sau khi ủ xong sẽ có thân trắng, hạt đỗ màu vàng, phần rễ nâu nhạt và không quá 3 mm. Bạn cũng nên rửa lại với nước để khử bớt vị chua bám trên thân giá và loại bỏ phần vỏ của hạt đỗ cho sạch.
2.2. Cách làm giá đỗ bằng nồi đất và lá tre không cần ngâm nước vôi
2.2.1. Nguyên liệu cần có
- Đậu xanh
- Nồi đất
- Lá tre tươi
- Thanh tre mỏng
2.2.2. Cách làm giá đỗ bằng chum sành và lá tre không cần ngâm nước vôi
- Bạn ngâm đậu xanh trong nước để loại bỏ những hạt lép, hạt lửng. Sau đó, cho vào một chậu nước khác được pha ấm ở nhiệt độ từ 38 đến 40 độ C. Bạn ngâm khoảng 8-10 tiếng.
- Lúc này bạn cho lá tre lót dưới đáy nồi rồi đổ một lớp đậu xanh vào. Dùng lá tre đậy lên trên lớp đậu sao cho lớp đậu tiếp theo không bị rơi xuống là được.
- Bạn cứ thực hiện liên tiếp một lớp đậu là một lớp lá tre, cho đến khi hết phần đậu xanh đã chuẩn bị.
- Cuối cùng cho một lớp lá tre lên trên. Sau đó, dùng thanh tre gài lên trên miệng nồi, tưới nước ướt hết mặt lá tre, rồi dốc ngược để trút hết phần nước ra ngoài, cất vào chỗ tối.
- Giai đoạn ủ giá đỗ thường kéo dài khoảng 3 ngày. Bạn nên nhớ, phải tưới nước vào nồi mỗi ngày 2 lần ( buổi sáng và buổi tối) và không quên trút hết nước ra. Nhằm tránh tình trạng giá đỗ bị úng.
- Đến ngày thứ 3 là bạn có thể thu hoạch được.
- Giá đỗ sau khi ủ trong khoảng thời gian 3 ngày sẽ cho cọng giá chắc, thân có màu trắng, phần rễ thì màu nâu nhạt và thường không dài quá 3 mm được xem là đạt chuẩn. Bạn cũng nên làm sạch sau khi thu hoạch nhé. Rửa giá đỗ qua nước nhiều lần để giá không có mùi chua, không bám quá nhiều vỏ đỗ, trông hấp dẫn hơn. Đặc biệt khi chế biến món ăn, hương vị cũng sẽ ngon gấp bội phần.
3. Một vài lưu ý khi làm giá đỗ bằng nước vôi an toàn đúng cách
- Nước vôi trong chỉ nên được dùng để làm nguyên liệu ngâm đậu trước khi làm nảy mầm. Ngoài ra, sau khi đã thành giá, bạn không nên ngâm trong vôi nhé. Điều này có thể gây cho giá khi chế biến món ăn ngon, đồng thời, lấy hết các chất dinh dưỡng trong giá.
- Để có được giá đỗ ngon, điều đầu tiên là việc lựa chọn nguyên liệu. Đậu phải chắc mẩy, các hạt đều nhau, không bị lép, sâu mọt hay tạp chất. Tốt nhất bạn nên chọn những loại hạt vừa mới thu hoạch thì tỉ lệ nảy mầm sẽ cao hơn.
- Các dụng cụ để ủ giá đỗ cũng phải được làm sạch và khử trùng thường xuyên, để tránh gây thối thân mầm.
- Nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh sáng trong quá trình ủ giá đỗ. Đồng thời, thực hiện tưới nước theo đúng quy trình, khi thành phẩm đỗ không bị lép, hỏng,…
Dù là cách làm giá đỗ bằng nước vôi trong hay áp dụng phương pháp nào khác, bạn cũng nên lưu ý đến các bước thực hiện, từ khâu chuẩn bị cho đến qui trình chăm sóc và ủ giá đỗ. Có như vậy giá đỗ được ủ ra sẽ chất lượng hơn, khi sử dụng nguyên liệu để chế biến món ăn mới thơm ngon và hấp dẫn. Bên cạnh đó, giá đỗ còn mang nhiều giá trị về dinh dưỡng nói chung và có lợi đối với sức khoẻ nói riêng. Hỗ trợ phòng chống ung thư, cải thiện quá trình trao đổi chất, thúc đẩy tiêu hoá. Hơn thế nữa, còn rất phù hợp với hầu hết các chị em phụ nữ, sử dụng trong chế độ dinh dưỡng, thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả.
Lý Ngân tổng hợp