1. Hướng dẫn làm bánh rán mặn nhân thịt kiểu miền Bắc
Nếu đang tìm kiếm một món tráng miệng giòn thơm, dễ chế biến, thì cách làm bánh rán miền Bắc sẽ là lựa chọn lý tưởng. Bánh rán có lớp vỏ vàng giòn, phủ mè bên ngoài thơm lừng. Bên trong bánh là các loại nhân tùy theo khẩu vị của mỗi người. Trước khi đến với công thức làm bánh rán nhân ngọt, chúng ta hãy thử làm bánh rán nhân mặn truyền thống nhé.
1.1. Nguyên liệu
- Nguyên liệu làm vỏ bánh: 250 gram gạo nếp khô xay nhuyễn; 50 gram khoai lang tươi (đem luộc, bỏ vỏ, rồi nghiền cho nhuyễn mịn); 35 gram gạo tẻ xay nhuyễn; 5 gram muối ăn; 220 ml nước ấm 45 độ C
- Nguyên liệu nhân bánh rán: 175 gram thịt nạc heo xay nhuyễn; 50 gram cà rốt đã gọt vỏ; 20 gram miến khô (ngâm nước ấm cho mềm, thái nhỏ); 3 tai nấm mộc nhĩ (ngâm nước ấm 10 phút, xả nước lạnh, để ráo, cắt bỏ chân, thái nhỏ); 20 gram hành tây thái nhỏ; 5 ml dầu thực vật và 1/2 thìa cà phê bột nêm
- Nguyên liệu pha nước sốt ăn kèm: đường trắng, nước chanh, nước mắm loại ngon, tỏi băm, tiêu đen xay và ớt tươi xắt nhỏ
- 400 ml dầu thực vật
- Dụng cụ làm bánh: nồi, tô, gậy cán bột, chảo…
1.2. Cách làm bánh rán nhân thịt mặn miền Bắc
1.2.1. Cách trộn bột gạo làm vỏ bánh rán giòn ngon
- Trong tô sạch, bạn trộn gạo nếp và gạo tẻ đã xay nhuyễn với nhau.
- Thêm muối ăn, khoai lang nghiền vào tô bột, trộn đều lên.
- Chế từng ít nước ấm vào hỗn hợp bột, khuấy đều cho hỗn hợp bột tan. Sau đó, dùng tay đeo găng nilon nhào khối bột vừa trộn cho dai và mịn. Bạn nhồi bột liên tục cho đến khi không còn bột dính vào tay nữa là được.
- Bọc tô bột lại bằng màng nilon. Giống như cách ủ bột làm bánh bao, bước này thực hiện khoảng 45 phút đến 1 tiếng để bột nở ra dai và mềm ngon. Thời gian ủ bột cũng tùy thuộc vào điều kiện nhiệt độ hiện tại nhé.
- Sau thời gian ủ bột, bạn chia hỗn hợp thành 12 phần, rồi nắn tròn lại.
1.2.2. Cách làm nhân thịt heo cho bánh rán mặn miền Bắc
- Trộn nấm với miến với nhau trong tô sạch khác. Thái cà rốt dạng sợi nhỏ, hoặc cắt hạt lựu nhỏ, rồi cho vào tô miến nấm trộn chung.
- Hành tây cũng cắt nhỏ như cà rốt, cho vào tô nhân, trộn đều.
- Sau đó, thêm dầu thực vật và hạt nêm vào, tiếp tục trộn đều lên.
- Chia hỗn hợp thành 12 phần bằng nhau, vê tròn lại, để qua dĩa riêng.
1.2.3. Cách bọc vỏ bánh rán nhân thịt mặn kiểu miền Bắc
- Lấy vỏ bánh đã vê tròn nhấn dẹt, đặt viên nhân thịt lên giữa vỏ bánh. Se các mép vỏ bánh vào trong để bọc kín phần nhân lại. Thực hiện với các nguyên liệu vỏ bánh, nhân thịt còn lại cho đến khi hết nhé. Để bánh nghỉ thêm 60 phút nữa thì đem chiên.
- Bắc chảo lên bếp, chọn loại chảo sâu lòng và chống dính nhé. Đổ 400 ml dầu thực vật vào chảo đun lửa lớn cho nóng. Sau đó, gắp bánh nhân thịt cho vào chảo chiên khoảng 3 phút, lâu lâu trở bánh để chín đều. Khi bánh đã chuyển màu vàng giòn, bạn hạ lửa nhỏ lại. Rán bánh đến khi lớp vỏ chuyển sang nâu giòn và phồng lên thì vớt ra.
- Xếp bánh lên giá sạch cho ráo dầu, hoặc dùng khăn giấy khô thấm cho nhanh.
1.2.4. Cách làm nước chấm chua ngọt ăn kèm bánh rán nhân thịt miền Bắc
- Trong một chén nhỏ, bạn cho 15 ml nước ép chanh đã bỏ hột, 2 muỗng canh nước mắm vào với 2 thìa cà phê đường trắng. Thêm khoảng 3 – 5 thìa cà phê nước ấm vào chén, khuấy đều cho đường tan.
- Cuối cùng, cho tỏi băm, ớt xắt nhỏ, tiêu đen xay vào chén nước chấm, gia giảm tỷ lệ gia vị cho vừa miệng rồi thêm dưa góp su hào cà rốt chua ngọt nữa là hoàn tất. Giờ thì bạn có thể chấm nước mắm ăn với bánh rán để cân bằng hương vị món ăn rồi đấy.
2. Cách làm bánh rán ngọt nhân đậu xanh miền Bắc giòn ngon tại nhà
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Nguyên liệu làm vỏ bánh: 1 củ khoai tây hấp chín bóc vỏ; 1 chén nước nóng; 80 gram đường trắng; 250 gram bột nếp; 10 gram bột tẻ; 1 thìa cà phê dầu thực vật
- Nguyên liệu làm nhân bánh: 150 gram đậu xanh không vỏ đã hấp chín và tán nhuyễn; 100 gram đường trắng; 50 gram cơm dừa nạo sợi; 3 thìa cà phê nước cốt dừa
- Nguyên liệu làm caramen: 100 gram đường trắng, 10 ml nước lọc
2.2. Cách làm bánh rán đường miền Bắc nhân đậu xanh ngọt ngào
2.2.1. Cách trộn bột làm vỏ bánh rán ngọt
- Cho khoai tây vào cối, dùng chày giã cho nhuyễn ra. Hoặc bạn cho vào tô sạch rồi lấy muỗng tán nhuyễn mịn cũng được.
- Lấy một cái tô sạch, cho đường, nước nóng và 2 loại bột vào, khuấy đều cho bột và đường đều hòa tan. Sau đó, cho dầu thực vật vào trộn chung với bột.
- Tiếp đến, bạn trực tiếp dùng tay nhào khối bột cho dẻo mịn. Khi này, đổ phần khoai tây nghiền vào tô bột, tiếp tục trộn và nhào cho các thành phần trở nên hòa quyện, không còn bột lợn cợn nữa là được.
- Bọc màng nilon ủ tô bột từ 1 đến 2 giờ đồng hồ. Sau khi ủ, bạn chia bột thành 21 khối đều nhau và se tròn lại.
2.2.2. Cách hấp đậu xanh làm nhân bánh rán đường miền Bắc
- Bắc chảo chống dính lên bếp, cho đậu xanh nghiền nhuyễn vào. Thêm tất cả nguyên liệu làm nhân bánh còn lại vào chảo, bật bếp đun lửa lớn.
- Đồng thời, bạn dùng muỗng khuấy đều cho các nguyên liệu dính quyện vào với nhau thành một khối sền sệt.
- Hạ lửa vừa, sên cho đậu xanh cốt dừa sệt lại quánh dẻo thì tắt bếp.
- Đợi đậu xanh bớt nóng thì bạn chia thành 21 phần nhỏ đều nhau. Vo tròn các viên nhân đậu xanh cốt dừa lại, để qua dĩa riêng.
2.2.3. Cách làm bánh rán đường nhân đậu xanh ngọt miền Bắc
- Bạn thực hiện bước bọc miếng bột vỏ bánh với nhân đậu xanh tương tự công thức bánh rán nhân thịt ở trên.
- Bắc chảo lên bếp, đổ ngập dầu ăn đun nóng. Gắp bánh rán đã vo viên vào chảo dầu, đun lửa lớn chiên khoảng 4 – 5 phút. Đến khi bánh nổi lên trên bề mặt dầu thì hạ lửa nhỏ, chiên thêm 2 phút nữa thì vớt bánh ra dĩa khăn giấy để hút bớt dầu ăn.
- Bắc nồi khác lên bếp, cho đường và nước lọc làm caramen vào đun lửa lớn. Đến khi nước đường chuyển sang màu nâu cánh gián thì cho bánh rán nhân đậu xanh vào, đảo đều cho phủ caramen.
- Hạ lửa vừa, rán bánh đến khi nước đường vón cục lại thành các khối trắng li ti trên vỏ bánh rán là được. Tắt bếp, đợi bánh nguội thì có thể thưởng thức ngay.
3. Hướng dẫn làm bánh rán nhân đậu đỏ biến tấu mới lạ miền Bắc
3.1. Nguyên liệu
Mặc dù là món bánh được lấy cảm hứng từ ẩm thực Trung Hoa, nhưng bánh rán cũng khá nổi tiếng ở Nhật Bản và Việt Nam. Bạn có thể thử kết hợp vỏ bánh rán với bột gạo làm bánh mochi nhân đậu đỏ như biến tấu Goma Dango của Nhật Bản theo công thức dưới đây.
- 50 gram bột gạo ngọt mochiko
- 1 muỗng canh đường trắng
- 30 ml nước ấm (hoặc hơn)
- 50 gram nhân đậu đỏ (bạn có thể mua ở cửa hàng làm bánh, hoặc mua đậu đỏ về nấu chín, xay nhuyễn và sên đặc lại làm nhân)
- 2 muỗng canh hạt mè trắng nước
- Dầu thực vật để chiên bánh
Lưu ý: Ngoài nhân đậu đỏ, bạn có thể thay thế bằng nhân quả óc chó rang, hoặc bột mè đen tùy theo khẩu vị nhé.
3.2. Cách làm bánh rán nhân đậu đỏ miền Bắc
3.2.1. Cách trộn bột mochi làm vỏ bánh rán
- Cho bột gạo mochiko vào tô sạch, dùng muỗng tạo một lỗ nhỏ ở giữa bột. Cho đường vào khoảng trống này, rồi thêm nửa lượng nước vào.
- Dùng muỗng khuấy bột và đường cho hòa tan. Ở bước này, bạn nên trộn bột từ trong ra ngoài cho đến khi nguyên liệu khô hòa tan cùng nước là được. Để bột có độ nhão vừa vặn hơn, bạn có thể chế thêm ít nước nữa và tiếp tục khuấy đều.
- Sau đó, dùng tay nhào khối bột cho đến khi dẻo mịn.
- Chà lên tay ít dầu mè để chống dính. Kế đến, chia bột thành 5 phần bằng nhau, vo tròn lại.
3.2.2. Cách làm bánh rán mochi bọc nhân đậu đỏ miền Bắc
- Bạn cũng chia nhân đậu đỏ thành 5 phần, vo tròn lại, để qua một bên.
- Lấy từng viên bột vỏ bánh, nhấn dẹp, rồi đặt 1 viên bột nhân đậu đỏ lên giữa. Dùng ngón tay miết các mép vỏ bột gạo nếp bọc xung quanh phần nhân cho kín lại. Vo lại viên bánh cho tròn và đẹp, để qua dĩa riêng. Thực hiện với các nguyên liệu còn lại theo những bước tương tự.
- Cho mè trắng rang vào chén hoặc dĩa sạch. Sau khi bọc nhân, bạn cho các viên bánh lăn vào tô mè, lăn đều để mè phủ khắp vỏ bánh là được.
3.2.3. Cách rán bánh mochi nhân đậu đỏ miền Bắc
- Đổ dầu ăn vào chảo sâu lòng và đun nóng đến khoảng 140 – 150 độ C rồi hạ lửa xuống mức tương đối thấp.
- Gắp các viên bánh cam nhẹ nhàng cho vào chảo dầu chiên. Trong lúc rán, nhớ lâu lâu trở bánh ngập dầu để chín vàng và giòn đều. Hãy “đối xử dịu dàng” với những chiếc bánh rán này để phần nhân không bị bung ra ngoài nhé.
- Chiên bánh cam khoảng 4 – 5 phút thì vặn lửa to hơn. Khi các mặt vỏ bánh chuyển sang màu nâu đều hết thì gắp ra. Bạn trải sẵn khăn giấy khô lên dĩa và gắp bánh lên trên cho ráo dầu nhé. Sau đó, có thể thưởng thức bánh ngay cho ngon.
4. Cách bảo quản bánh rán miền Bắc tự làm tại nhà không bị chảy nước
- Bảo quản bột đã trộn trước khi chiên: Bạn nên cho bột vào hộp kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Theo đó, thời gian tối đa để giữ bột mịn dai là khoảng 3 – 4 ngày. Bánh ăn ngon nhất là chiên từ bột tươi. Do đó, mỗi ngày, bạn chỉ nên lấy ít bột bánh ra nặn tạo hình và rán ăn ngay trong ngày, tránh chiên đi chiên lại không tốt cho sức khỏe.
- Bảo quản bánh rán đã nấu: Với bánh đã chiên, nếu ăn không hết, bạn cũng có thể gói chúng lại và cho vào ngăn mát tủ lạnh để được 1 – 2 ngày. Để hâm nóng lại, bạn có thể cho bánh rán vào lò nướng, hoặc chiên lại cũng được.
5. Vài nét về món bánh rán của người miền Bắc
5.1. Nguồn gốc bánh rán (bánh cam)
Bánh rán ở Việt Nam có nguồn gốc từ miền Bắc, lấy cảm hứng từ món bánh Jian Dui nổi tiếng của Trung Quốc, còn có tên gọi là bánh cam. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì bánh có hình dạng tròn, nhỏ, mang màu sắc giống như những quả cam vậy. Về phương pháp chế biến, có sự kết hợp hài hòa giữa vỏ và nhân bánh (dù mặn hay ngọt). Vỏ bánh có màu nâu vàng cam ấm áp phủ trong lớp mè trắng rang thơm nức. Bên trong bánh là nhân đậu xanh ngọt ngào hoặc thịt mặn mà phong phú. Có lẽ đó là lý do khiến các bé đều rất mê món ăn dễ thương này.
5.2. Những lưu ý về kỹ thuật làm bánh rán miền Bắc đúng cách
- Khi trộn bột làm vỏ bánh rán, bạn cần lưu ý tỷ lệ nước – bột. Theo đó, lượng nước sử dụng tùy thuộc vào loại bột. Bạn nên dùng bột gạo để có độ mềm, đàn hồi tốt và dễ tạo hình.
- Khi chiên bánh, nhớ làm nóng dầu ở mức 150 độ C nhé. Nếu dầu ăn quá nóng có thể khiến bánh chín mềm rục ra, nhân dễ bị bung. Còn ngược lại, dầu không đủ độ nóng thì bánh sau khi rán sẽ cứng lại, không ngon.
- Khi rán bánh, không nên cho quá nhiều bánh vào chảo. Thay vào đó, nên để bánh rời nhau trong suốt quá trình chiên, vì sau đó, bánh sẽ còn phồng lên nữa.
Chiếc bánh rán nhỏ nhắn tròn xinh chế biến đơn giản nhưng lại chứa đựng “cả một trời nhớ thương” của tuổi ấu thơ mỗi người. Lớp vỏ bánh nâu vàng giòn thơm, bao phủ bên trong là lớp nhân mềm dai đủ vị. Tùy sở thích mỗi người mà bạn có thể chọn cách làm bánh rán miền Bắc nhân thịt mặn, hoặc nhân đậu xanh ngọt ngào để thưởng thức bên gia đình dịp cuối tuần nhé. Bánh có thể bảo quản được 3 – 5 ngày nếu lưu trữ kín trong tủ lạnh. Tuy nhiên, bạn cũng nên làm mẻ bánh với số lượng vừa phải thôi, vì ăn bánh nóng hổi mới làm thì mới ngon!
Trúc Nguyễn tổng hợp