1. Cách ngâm sấu với đường làm thức uống giải khát
Nước sấu là thức uống mộc mạc, quen thuộc với người dân miền Bắc nên cách làm cũng không quá phức tạp. Sấu là loại quả kết trái vào mùa hè, hầu như khắp các ngỏ nhỏ ở miền Bắc đều trồng giống cây này, thế nên vào mùa chúng nhiều không đếm xuể. Người ta thay nhau mua sấu về để nấu canh, dầm mắm ớt hoặc tiềm với thịt vịt,…Thế nhưng, phổ biến nhất vẫn là ngâm đường. Cách này không chỉ giúp bạn có được ly nước sấu ngọt ngọt chua chua giải khát ngày hè hiệu quả mà còn dùng được khá lâu.
1.1. Nguyên liệu
- 1 kg sấu
- 1 kg đường trắng
- 1 củ gừng
- Một ít muối
- Đá viên
- 1 bình thủy tinh có nắm đậy
1.2. Hướng dẫn cách làm nước sấu ngâm đường ngon giải khát ngày hè
1.2.1. Hướng dẫn cách sơ chế quả sấu
- Sấu chọn mua những quả không quá già cũng không quá non, vỏ bên ngoài có chút sần sùi và kích thước đều nhau. Dùng dao gọt sạch vỏ bên ngoài và khía vài đường trên thịt sấu để khi ngâm đường nhanh thấm. Trong trường hợp sót những quá sấu non bạn có thể dùng dao khía 2 đường ở hai phần đầu sấu. Còn với những quả sấu già thì khía vòng tròn xung quanh quả sấu rồi tách 2/3 cùi, giữ lại 1/3 đế thịt vẫn dính vào hạt.
- Chuẩn bị một thau nước muối pha loãng, cho sấu vừa gọt vỏ vào ngâm khoảng 10 phút rồi vớt ra chần sơ với nước sôi từ 1 đến 2 phút. Tiếp tục vớt ra, xả lại bằng nước lạnh và để ráo.
Lưu ý: Khi ngâm sấu trong nước muối pha loãng bạn không nên ngâm quá lâu nhé. Điều này giúp tránh làm thịt sấu bị nhũn, mất đi độ giòn khi ngâm đường.
1.2.2. Hướng dẫn cách ngâm và làm nước sấu
- Khi sấu đã ráo nước hẳn, cho một ít vào thau rưới thêm một lớp đường. Tiếp đó thêm một lớp sấu và một lớp đường. Làm tương tự đến khi hết số sấu và đường đã chuẩn bị xốc đều. Đậy kín nắp và để trong 1 ngày cho sấu ngấm đường.
- Qua 24 giờ đường sẽ tan hẳn và ngấm sâu vào thịt sấu. Lúc này bạn chắt lấy nước đường ngâm sấu vào nồi, thêm 1 củ gừng đập dập và bắc lên bếp đun sôi. Hỗn hợp sôi được 3 đến 5 phút thì tắt bếp. Đợi hỗn hợp đường gùng nguội hẳn thì cho vào bình thủy tinh cùng quả sẩu đã sơ chế. Đậy kín nắp và ngâm thêm 1 ngày nữa thì có thể lấy ra dùng.
- Dùng muống sạch múc sấu ngâm đường ra ly, thêm ít đá viên vào, khuấy đều là có thể thưởng thức. Nước sấu chua chua ngọt ngọt, uống vào ngày hè giúp tinh thần vô cùng sảng khoái và tươi mới. Cái nắng nóng theo đó cũng tạm dịu hơn hẳn.
2. Cách làm nước sấu ngâm đường gừng bằng vôi trong
Nước sấu ngâm là thức uống đặc biệt thơm ngon. Vị chua chua ngọt ngọt của chúng khiến cái nóng oi bức của ngày hè dường như bớt đi phân nữa. Thực hiện sấu ngâm bằng nước vôi trong không khó, cách này còn giúp vị sấu giòn ngon hơn rất nhiều.
2.1. Nguyên liệu
- 500 gram sấu
- 500 gram đường vàng
- 1/4 củ gừng
- 5 gram vôi
- 1 bình thủy tinh có nắp đậy
2.2. Hướng dẫn cách làm nước sấu ngâm đường để uống liền bằng vôi trong
2.2.1. Hướng dẫn sơ chế sấu bằng nước vôi trong
- Sấu mua về đem rửa sơ với nước cho sạch bụi rồi dùng dao cạo hết lớp vỏ xanh bên ngoài. Đem ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 7 đến 10 phút cho thịt sấu sẽ lại thì vớt ra, dùng dao khứa thành hình xoắn ốc. Hoặc không quá khéo tay, bạn có thể khứa 2 đến 3 đường thẳng trên quả. Cách này giúp sấu khi ngâm nhanh thấm đường hơn.
- Chuẩn bị một thau sạch, cho vào 1 lít nước thêm 5 gram vôi, khuấy đều và để yên khoảng 30 phút rồi chắt lấy phần nước trong. Tiếp theo, cho sấu đã gọt vỏ vào ngâm từ 1 đến 2 tiếng, sau đó vớt ra xả lại nhiều lần bằng nước lạnh để loại bỏ mùi vôi. Bắc nồi nước lên bếp, đun lửa lớn đến khi nước sôi thì cho sấu vào chần từ 2 đến 4 phút. Khi thấy sấu chuyển sang màu vàng thì vớt ra ngoài để ráo.
2.2.2. Cách ngâm sấu với đường gừng làm nước uống giải khát
- Cho một ít sấu vào thau, rải thêm một lớp đường. Bạn thực hiện 1 lớp sấu 1 lớp đường đến khi hết số nguyên liệu đã chuẩn bị thì dừng lại. Đậy kín nắp khoảng 6 đến 8 tiếng cho đường tan hết thì chắt lấy phần nước đường cho vào nồi. Thêm một ít muối và đun sôi. Tiếp đó, cho vào 1/4 củ gừng đã cạo vỏ và đập dập, đun lửa vừa khoảng 2 phút nữa thì tắt bếp, để hỗn hợp nước đường nguội hẳn.
- Cho sấu vào bình thủy tinh, đổ hỗn hợp nước đường vào ngập quả sấu. Đậy kín nắp và đặt bình nơi thoáng mát khoảng 1 đến 2 ngày thì có thể lấy ra dùng.
- Sấu ngâm khi ăn bạn có thể cho vào ít đá viên hoặc đặt trong ngăn mát tủ lạnh chừng 20 đến 30 phút thì lấy ra thưởng thức. Sấu ngâm có thể bảo quản từ 1 đến 2 tháng, thời gian càng lâu sấu càng thấm đường sẽ ngon hơn.
3. Cách chọn sấu ngon để làm thức uống ngâm đường
Sấu là loại quả thơm ngon đặc trưng ở miền Bắc, vào mùa hầu như gia đình nào cũng làm một hũ sấu ngâm để có cái ăn vặt và giải khát. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách chọn sấu sao cho khi ngâm được ngon và bảo quản lâu dài. Khi chọn sấu về ngâm, bạn nên chọn những quả tươi mới hái. Cách nhận biết loại quả này rất đơn giản. Những quả mới hái, phần cuống thường còn nguyên nhựa, có màu xanh tươi và không bị thâm.
Nếu mua những quả đã để lâu, sấu khi ngâm sẽ không được giòn ngon. Bên cạnh đó, sấu ngâm ngon nhất thường là loại sấu bánh tẻ không quá non cũng không quá già. Loại sấu này thường có thớ thịt dày, hạt nhỏ nên ngâm ăn rất ngon. Với loại quả này, nếu không ngâm làm nước uống, bạn có thể tận dụng để nấu một số món ăn ngon có vị chua kiểu người Bắc, như canh chua nấu sấu.
Lưu ý: Không nên vì ngại mất thời gian mà lựa sấu cẩu thả, tuyệt đối không chọn những quả hư và dập nát. Như vậy rất dễ khiến cho hũ sấu ngâm nhanh hỏng. Trong quá trình sơ chế nguyên liệu làm sấu ngâm, nên gọt kĩ vỏ để không bị chát. Bảo quản hũ sấu nơi thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời.
4. Những người không nên ăn quả sấu
Sấu là loại quả nhiệt đới, bên trong có chứa đến 86% là nước, 1% axit hữu cơ, 1,3 % ptotit, 8,2% gluxit, 100 mg% canxi, 3 mg% vitamin C cùng nhiều khoáng chất khác. Trong Đông y, quả sấu có vị chua chát, chút ngọt tình mát, giúp tiêu thực chỉ khát, trị ho, tiêu đơm hiệu quả. Ngoài ra, nước sấu còn giúp hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh khác như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đạu họng, thai nghén, say rượu,…
Mặc dù sấu có nhiều công dụng nhưng với người bị đau dạ dày, tá tràng thì không nên dùng loại quả này. Axit có trong quả sấu sẽ tiếp tục gây tổn thương đến dạ dày không khỏe của bạn. Ngoài ra, lượng đường cao trong nước sấu ngâm sẽ làm suy giảm các chức năng của tuy, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và tim mạch. Vì thế người béo phì, thừa cân và mắc các bệnh về tim mạch không nên thường xuyên sử dụng loại nước này.
Nước sấu là một trong những món ngon ngày hè vừa ngon, vừa có tác dụng giải khát, giải nhiệt cực hiệu quả. Chúng không chỉ là món tráng miệng dễ làm, mà còn bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Cách làm nước sấu rất đơn giản, không mất quá nhiều thời gian, lại có thể bảo quản được lâu. Thế nên, vào mùa, bạn có thể làm một hũ để dành cho gia đình dùng dần nhé.
Mỹ Lệ tổng hợp