1. Hướng dẫn làm trân châu sợi Đài Loan đơn giản tại nhà
Trân châu sợi Đài Loan có dạng sợi dài, trong veo và lạ miệng hơn so với cách làm trân châu trắng dạng viên tròn truyền thống. Khi thành phẩm, trân châu ăn sẽ thấy mềm, dai, mùi thơm đặc trưng khiến người thưởng thức sẽ cảm giác hứng thú. Công thức làm trân châu sợi rất đơn giản với những nguyên liệu dễ tìm mua ngoài chợ. Hãy cùng sẵn sàng bắt tay vào làm trân châu sợi tại nhà để có thêm topping cho món trà sữa yêu thích của gia đình nhé.
1.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 120 gram bột năng
- 210 ml nước
- 100 gram đường nâu
- Dụng cụ: Bát tô, túi bắt kem, đũa khuấy, thớt, dao, bếp nấu…
1.2. Cách làm trân châu sợi dai, mềm đơn giản tại nhà
1.2.1. Sơ chế bột năng làm trân châu
- Chia bột năng làm 2 phần bằng nhau. Sau đó cho 60 gram bột năng vào tô và cho thêm 60ml nước vào. Trộn đều bột năng với nước.
- Tiếp theo, cho 150 ml nước vào nồi và bắc lên bếp đun sôi. Khi nước sôi, bạn cho số hỗn hợp vừa làm ở trên và 100 gram đường nâu vào. Khuấy đều hỗn hợp rồi đổ từ từ 60 gram bột năng còn lại vào nồi và tiếp tục khuấy. Vừa đun sôi vừa khuấy hỗn hợp cho đến khi thấy dẻo mịn thì tắt bếp.
- Lấy bột ra đặt lên mặt phẳng rồi dùng tay nhào bột cho đến khi hết dính.
1.2.2. Tạo hình trân châu sợi
- Cách 1 – Dùng cây cán bột hoặc một cái chày cán mỏng phần bột ra. Sau đó dùng dao cắt thành từng sợi nhỏ.
- Cách 2 – Cho bột đã nhào vào túi bắt kem, cắt lỗ nhỏ ở đầu túi rồi bóp ra để tạo thành sợi dài.
- Cách 3 – Lấy từng ít một cục bột trân châu và vo sợi trân châu bằng tay. Đây là cách làm thủ công nhất, sẽ tốn rất nhiều thời gian và các sợi trân châu sẽ không đều nhau. Bạn hãy cân nhắc khi sử dụng cách này nhé.
- Cách 4 – Nếu đang có ý định mở tiệm trà sữa và làm trân châu số lượng lớn, bạn cũng có thể mua dụng cụ để tạo hình sợi trân châu cho đẹp mắt và nhanh hơn.
1.2.3. Cách luộc trân châu sợi tự làm tại nhà
- Cho vào nồi khoảng 500 – 700 ml nước và đun sôi trên bếp.
- Cho trân châu sợi vào nồi nước sôi và luộc trong khoảng 8 – 10 phút để trân châu chín hẳn.
Lưu ý: Phải đợi cho nước thật sôi mới cho trân châu vào nồi và đậy nắp vung kín. Thỉnh thoảng mở nắp ra để nước không bị tràn ra ngoài và luôn để lửa to.
- Chuẩn bị một tô nước lạnh và vớt trân châu đã luộc chín cho vào tô để trân châu dai và không bị dính vào nhau.
1.2.4. Ngâm trân châu sợi trong nước đường
- Sau thời gian ngâm nước lạnh, bạn vớt trân châu ra ngoài và để cho ráo nước.
- Rắc một ít đường cát trắng lên trân châu để gia tăng độ ngọt. Lượng đường cát tùy thuộc vào khẩu vị và sở thích ăn ngọt hay nhạt của bạn mà thêm cho phù hợp.
2. Cách làm trà sữa uống cùng trân châu sợi
2.1. Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 100 gram trà đen
- Nước nóng
- 450 gram bột sữa
- 300 gram đường cát
- Đá viên
2.2. Cách làm trà sữa trân châu sợi
- Cho trà đen vào ấm và cho một ít nước nóng vào lắc đều rồi đổ phần nước nóng đi. Tiếp theo cho vào ấm 1 lít nước nóng khoảng 80 – 90 độ C để hãm trà.
- Đậy nắp ấm trà lại và ủ trà trong vòng 30 phút để trà ra hết nước cốt thơm.
- Sau thời gian ủ trà, bạn lọc lấy nước và bỏ bã trà đi.
- Cho vào nước cốt trà mới ủ bột sữa, đường cát khuấy đều để các nguyên liệu hòa tan với nhau.
- Lọc trà sữa qua rây để loại bỏ cặn là bạn đã có ngay phần trà sữa béo thơm, hấp dẫn.
2.3. Cách pha trà sữa trân châu sợi
- Cho 100 ml trà sữa vào bình lắc và cho thêm đá viên vào.
- Đậy nắp bình và lắc đều cho trà sữa và đá viên hòa quyện vào nhau.
- Rót trà sữa ra một chiếc ly thủy tinh cao. Sau đó thêm trân châu sợi lên trên ly là bạn đã có ngay một ly trà sữa trân châu sợi thơm lừng, béo ngậy rồi.
3. Cách bảo quản trân châu sợi tự làm tại nhà
- Trân châu rất khó bảo quản được lâu vì nó hay bị chai, cứng khi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Để bảo quản trân châu qua đêm sau khi luộc trân châu xong, ngâm trong nước lạnh. Sau đó, bạn vớt thạch trân châu ra giữ lại một ít để ăn và số còn dư cho vào hộp nhựa.
- Rắc thêm đường cát trắng hoặc nước đường lên trân châu sao cho đường phủ đều lên từng sợi trân châu. Đường càng nhiều trân châu sẽ không bị nở quá và có thể bảo quản được lâu. Luôn đậy kín nắp hộp đựng trân châu mỗi lần sử dụng.
- Nên đặt hộp trân châu ở những nơi thoáng mát, thời gian bảo quản khoảng 2 – 3 ngày mà không sợ ảnh hưởng đến chất lượng. Khi dùng lại trân châu, bạn nên luộc lại với nước sôi để trân châu giữ nguyên được hương vị như lúc đầu..
- Ngoài ra, bạn cũng có thể bảo quản trân châu bằng cách dùng nồi ủ. Sau khi luộc chín trân châu, bạn cho vào nồi ủ và thêm nước đường để ủ. Trân châu sẽ được mềm dẻo cả ngày dài, không lo bị chai hay cứng.
Trà sữa không có trân châu sẽ thật là thiếu sót đúng không nào? Nếu đã quá quen với các hạt trân châu tròn, bạn hãy thử làm trân châu dạng sợi để tạo cảm giác mới mẻ nhé. Trân châu sợi vừa dai, vừa mềm ăn rất thú vị. Ngoài việc dùng để làm topping cho trà sữa, bạn cũng có thể ăn trân châu sợi kết hợp với chè thập cẩm, tào phớ, kem, sữa chua hay bánh mì sandwich đều rất ngon. Cách làm trân châu sợi không quá khó như chúng ta tưởng. Đây là topping rất thích hợp cho những món ăn giải khát vào ngày hè oi bức đấy nhé.
Hồng Ngọc