1. Cách pha nước mắm chua ngọt ăn cơm tấm ngon
1.1. Nguyên liệu
Cách làm cơm tấm ngon nhất là chấm với chén nước mắm chua ngọt, keo sệt đậm đà hương vị cực ngon ăn kèm. Thông thường, tỷ lệ pha nước mắm ngon là 1 phần đường, 1 phần nước và 1 phần nước mắm. Trong bài viết này, trangnauan.com sẽ dùng các gia vị làm nước mắm như sau:
- 200 gram nước mắm ngon
- 200 gram đường cát trắng
- 200 gram nước lọc
- 30 gram tỏi bóc vỏ sẵn
- 2 trái ớt sừng (15 gram)
- 70 gram chanh tươi (vắt lấy nước cốt và bỏ hột)
- Nửa thìa cà phê muối ăn
Mẹo: Nếu không có chanh, bạn có thể thay thế bằng giấm nhé.
1.2. Cách làm nước mắm chua ngọt sánh kẹo ăn cơm tấm
- Với tỏi, bạn đập dập rồi băm nhuyễn. Ớt thi bỏ hột, băm nhuyễn.
- Cho đường trắng cùng với nước lọc, nước mắm vào nồi nhỏ, khuấy đều. Bắc nồi nước mắm lên bếp ở mức lửa lớn vừa, khuấy đều cho sôi.
- Cho muối vào nồi nước mắm, khuấy nhẹ. Nước mắm sôi khoảng 2 phút cho sệt lại thì hạ lửa nhỏ nhất. Đun nước mắm sánh kẹo lại vừa vị thì tắt bếp.
- Đợi nước mắm bớt nóng, chỉ còn ấm ấm thì cho nước chanh vào, khuấy đều. Điều chỉnh vị chua cho nước mắm vừa phải.
- Đợi nước mắm nguội hoàn toàn thì cho tỏi, ớt băm vào nồi nước mắm, khuấy đều. Múc nước mắm cho vào hũ hoặc hộp kín bảo quản trong tủ lạnh. Khi ăn, múc ra chén với lượng vừa phải để thưởng thức nhé. Với công thức này, bạn có thể làm nước mắm chua ngọt ăn với bánh xèo hoặc món bún khô đều ngon, bảo quản được nửa tháng luôn nhé.
2. Cách làm nước mắm ngọt keo sệt ăn với cơm tấm
2.1. Nguyên liệu
Với công thức nước chấm này, bạn thay nước lọc bằng nước dừa để tăng độ ngọt thanh hơn nhé. Phần nước mắm thành phẩm cũng có mùi thơm rất khó cưỡng nữa đấy!
- 200 ml nước mắm cá cơm loại ngon
- 150 gram đường trắng
- 200 ml nước dừa tươi nguyên chất
- 20 gram tỏi tươi bóc vỏ và băm nhuyễn
- 20 gram ớt sừng tươi băm nhuyễn
2.2. Cách làm nước mắm ngọt keo sệt ăn cơm tấm ngon
- Bắc một nồi nhỏ lên bếp, cho nước mắm cùng với đường vào. Bật lửa lớn, vừa đun, vừa khuấy đều hỗn hợp cho đến khi đường tan.
- Chế nước dừa vào nồi, khuấy đều, Tiếp tục nấu sôi đến khi nước mắm sệt và keo lại như mong muốn thì tắt bếp.
- Múc nước mắm ra chén, cho phần tỏi ớt băm nhuyễn lên, khuấy đều là xong.
3. Cách pha nước mắm chay ăn cơm tấm
3.1. Nguyên liệu
- 300 ml nước lọc
- 2,5 muỗng canh đường cát trắng
- 1/2 muỗng canh muối trắng
- Nước cốt nửa trái chanh tươi (bỏ hột)
- Ít tỏi ớt băm nhuyễn
Mẹo: Bạn có thể dùng thêm nước mắm chay để chén nước chấm vừa miệng hơn nhé.
3.2. Cách làm nước mắm chay ăn với cơm tấm
- Bắc chảo hoặc nồi lên bếp, cho 100 ml nước lọc và nửa muỗng đường vào nồi, đun lửa lớn cho tan chảy. Nước đường sánh kẹo lại có màu nâu cánh gián và sôi lên thì chế thêm 200 ml nước lọc vào. Thêm lượng đường còn lại vào nồi, nêm muối, khuấy đều. Đợi nước mắm sôi kẹo lại thì tắt bếp.
- Cho nước cốt chanh vào khuấy đều với nước đường.
- Đợi nước mắm chay nguội hoàn toàn thì cho tỏi ớt vào, khuấy đều. Điều chỉnh gia vị và muối ăn cho nước mắm chay vừa miệng là hoàn tất.
4. Cách làm nước mắm nấu với thơm ăn cơm tấm ngon kiểu mới
4.1. Nguyên liệu
- Nửa lít nước dừa tươi
- 120 ml nước mắm cá cơm
- 150 gram dứa đã gọt vỏ, để nguyên miếng lớn
- 2 củ hành tím bóc vỏ
- 2 trái ớt sừng tươi
- 20 gram đường phèn
- 45 gram đường cát
- 3 tép tỏi bóc vỏ
- Ít ớt, tỏi băm nhuyễn
4.2. Cách làm nước mắm nấu dứa ngọt ngon ăn kèm với cơm tấm
- Bắc nồi lớn lên bếp, chế nước dừa cùng nước mắm vào nồi. Bật bếp, khuấy đều hỗn hợp và đun sôi.
- Cho miếng dứa, hành tím, ớt sừng vào nồi nước mắm, khuấy đều. Khi này, bạn hạ lửa mức nhỏ nhất, đun thêm 5 phút.
- Cho 3 tép tỏi vào nồi nước mắm, cho đường phèn, đường cát vào cùng, đun liu riu thêm 15 phút nữa.
- Tắt bếp, dùng rây vớt dứa cùng các loại củ ra, để lại phần nước mắm trong đã nấu trong nồi nguội hoàn toàn.
- Bảo quản nước mắm đã nấu trong hộp đậy nắp kín. Khi nào dùng thì múc ra một ít, thêm tỏi ớt băm vào khuấy đều và ăn kèm món chính. Công thức nước mắm ngọt này rất “đa-zi-năng”. Bạn có thể chấm ăn kèm cơm tấm, thậm chí làm nước chấm ăn gỏi cuốn hoặc trộn gỏi, bún thịt nướng đều được nhé.
5. Những điều cần lưu ý để làm nước mắm ăn cơm tấm ngon đúng chuẩn
- Bạn cho tỏi ớt vào chén nước mắm chua ngọt cuối cùng để các thành phần này nổi lên trên đẹp mắt nhé. Nếu để từ đầu, tỏi ớt sẽ chìm xuống dưới, không còn tạo mùi thơm nồng đặc trưng nữa. Nên giã nhuyễn tỏi ớt thay vì băm để có mùi thơm và hương vị ngon nhất.
- Với công thức làm nước mắm chua ngọt, bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ gia vị cho nước mắm vừa miệng. Tuy nhiên, nếu cần thêm vị ngọt, bạn có thể hòa tan đường trực tiếp vào chén nước chấm. Còn nếu muốn bổ sung vị mặn hoặc chua, bạn cần múc ít nước chấm ra chén riêng, thêm nước cốt chanh hoặc nước mắm vào, khuấy đều, nếm thử trước khi pha cùng chén nước chấm ban đầu nhé.
- Chọn loại nước mắm có độ đạm phù hợp để vừa pha nước chấm ngon, vừa tránh gây tổn hại đến sức khỏe là điều mà chúng ta cần lưu ý. Nước mắm có độ đạm cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Do đó, bạn nên chọn nước mắm cá cơm nguyên chất, chứa 40 độ đạm là tốt nhất.
Cơm tấm mà thiếu đi nước mắm chấm kèm thì không còn hương vị thơm ngon đặc trưng của mình nữa. Cách làm nước mắm ăn cơm tấm sao cho ngon, có độ keo sánh sền sệt cũng không hề khó. Bí quyết pha nước mắm ngon nằm ở khâu kết hợp tỷ lệ nguyên liệu và gia vị sao cho phù hợp. Nói như vậy có nghĩa là không có công thức duy nhất cho món nước chấm dân dã này. Từ tỷ lệ cơ bản đã hướng dẫn trên đây, bạn có thể tùy chọn gia giảm chúng miễn sao cảm thấy ngon miệng với mình và gia đình là thành công rồi nhé.
Bích Tuyền