1. Hướng dẫn làm mứt vỏ cam vàng dẻo ngon không bị đắng
1.1. Nguyên liệu
Cách làm mứt từ vỏ cam vàng sẽ lên màu đẹp mắt hơn so với vỏ cam xanh. Tùy khẩu vị mà bạn chọn loại cam thích hợp để chế biến món mứt trái cây vừa hấp dẫn về hình thức, vừa đạt chuẩn về chất lượng nhé. Để thực hiện mứt cam vàng tại nhà, bạn chuẩn bị:
- Vỏ cam trái vàng (giữ lại lớp cùi trắng bên trong): nửa kí
- Đường trắng: nửa kí
- Muối ăn: 1 – 2 thìa cà phê
- Nước lọc: 100 – 200 ml
- Vani: 1 ống
1.2. Cách sơ chế vỏ cam làm mứt không bị đắng
- Sau khi tách lớp vỏ cam vàng, bạn dùng dao cắt thành các miếng dài nhỏ với kích cỡ bề ngang chừng 0,5 đến 0,7 cm là được. Bạn có thể dùng dao răng cưa cắt để tạo hình mứt độc đáo hơn.
- Bắc một nồi nước lớn lên bếp, cho vỏ cam đã thái sợi vào. Sau đó, đổ nước lạnh vào nồi cho ngập hết vỏ cam. Bật bếp lửa lớn, đun cho nước sôi lên thì hạ xuống mức liu riu, nấu thêm 5 phút nữa thì vớt vỏ cam ra. Rửa vỏ cam dưới vòi nước lạnh nhiều lần cho sạch dầu và loại bỏ bớt vị đắng. Tiếp tục lặp lại công đoạn luộc nước sôi và xả nước lạnh này thêm 2 – 3 lần nữa để đạt hiệu quả tốt nhất nhé.
- Sau công đoạn trên, bạn cho vỏ cam vào nồi sạch, đổ nước lạnh ngập vỏ. Pha thêm muối ăn vào nước ngâm, để qua đêm cho vỏ cam hoàn toàn không còn vị đắng nhé.
1.3. Các bước làm mứt vỏ cam vàng dẻo ngon
- Hôm sau, vớt vỏ cam ra, để ráo nước. Khi vỏ cam ráo nước, bạn cho trở lại nồi cùng với đường, xóc đều lên và để ít nhất 4 giờ cho nước đường tan chảy ra. Trong lúc ướp đường, lâu lâu nhớ dùng đũa khuấy đều nguyên liệu lên cho ngấm vị nhé.
- Thêm nước lọc vào nồi vỏ cam ướp đường cho ngập nguyên liệu. Bắc nồi lên bếp, bật lửa vừa nấu cho sôi. Sau đó, hạ lửa liu riu, đảo đều vỏ cam với nước đường duy trì ở mức nhiệt độ từ 105 đến 110 độ C.
- Sên đến khi nước đường gần cạn lại còn khoảng 1/3 hoặc 1/4 và vỏ cam chuyển màu trong hơn, dẻo hơn (ít nhất nửa tiếng) thì thêm vani vào, khuấy đều 2 – 3 phút nữa rồi tắt bếp.
1.4. Cách làm mứt vỏ cam phơi khô hoặc sấy bằng lò nướng
Sau khi sên thành mứt, bước làm khô mứt vỏ cam là rất quan trọng, giúp công đoạn bảo quản kéo dài lâu hơn mà chất lượng món ăn vẫn ngon, không bị chảy nước. Theo đó, bạn có 3 lựa chọn làm khô mứt. Bao gồm:
- Phơi mứt ngoài nắng: Bạn xếp mứt lên vỉ/ giá có khe hở, rồi đem ra nắng để phơi. Nếu nắng to thì khoảng vài giờ là mứt ráo nước đường và dẻo dai hơn.
- Hong mứt ráo nước đường ở nhiệt độ phòng: Sau khi sên, bạn gắp từng miếng mứt vỏ cam xếp lên một giá có khe hở, lót bên dưới bằng một cái tô hoặc dĩa để hứng nước đường còn dư. Cách hong khô mứt vỏ cam ở nhiệt độ phòng này có thể kéo dài 2 ngày. Để nhanh hơn, bạn có thể tẩm mứt với đường trắng nhé.
- Sấy khô mứt vỏ cam bằng lò nướng: Bạn có thể xếp mứt lên khay nướng đã lót giấy nến. Sau đó, bỏ khay mứt vào lò nướng (hoặc lò vi sóng) sấy trong 10 đến 20 phút, mức nhiệt độ trung bình 100 – 110 độ C là hoàn tất.
2. Hướng dẫn cách làm mứt dẻo từ vỏ và nước cam
2.1. Nguyên liệu
Với 1 kí cam, bạn thu được khoảng 200 gram vỏ cam. Để sên mứt vỏ cam ngon đúng chuẩn, thì bạn dùng tỷ lệ 60 gram đường cho 100 gram vỏ cam. Mứt vỏ cam khá khó làm, tốn nhiều thời gian chế biến, bạn nên làm nhiều để sử dụng được lâu nhé.
- 1 kg cam vàng Mỹ (đã tách lớp vỏ cam bên ngoài, không lấy sơ, vắt nước cam qua một cái tô riêng)
- 1 miếng gừng cỡ ngón tay đã gọt vỏ
- 1 ly nước đun sôi
- 120 gram đường vàng
- 1 cái khăn vải xô sạch và một cái chảo vừa (không quá lớn, cũng không quá nhỏ)
2.2. Cách sơ chế gừng và vỏ cam làm mứt
2.2.1. Sơ chế gừng bớt cay
- Thái gừng thành các sợi nhỏ vừa ăn, rồi cho vào chén vừa.
- Đổ ly nước đun sôi vào tô gừng để làm mứt gừng không bị cay nồng và đắng. Khoảng 15 – 20 phút, bạn vớt gừng ra rổ có lót khăn xô ở dưới.
- Gói gừng lại bên trong khăn xô.
- Mở vòi nước nhẹ, xả gừng sơ với nước lạnh (hoặc ngâm nước lạnh), dùng tay vắt nước, rồi chuyển nhanh qua rổ, để thật ráo nước.
2.2.2. Sơ chế mứt vỏ cam bớt đắng
- Bắc nồi nước đun sôi già, rồi tắt bếp, cho vỏ cam vào ngâm lần 1 trong 20 phút. Khi ngâm, bạn nhớ đậy nắp nồi lại nhé. Sau đó, vớt vỏ cam lên khăn xô, xả nước lạnh 1 lần, để ráo.
- Tiếp tục bắc nồi nước thứ 2 lên bếp, nấu cho sôi. Khoảng 2 – 3 phút sau, nước sôi già, bạn tắt bếp, cho vỏ cam trở lại nồi, ngâm lần 2 thêm 5 – 7 phút, rồi vớt lên khăn xô. Xả vỏ cam qua 3 lần nước lạnh, rồi chuyển qua rổ, để thật ráo nước.
Lưu ý: Để làm mứt vỏ cam không bị nứt, khi xếp vỏ cam lên khăn xô, bạn nhớ để chúng theo một chiều dọc nhé.
2.3. Cách làm mứt từ nước và nước vỏ cam với gừng
- Cho vỏ cam đã ráo nước, cùng gừng và đường vào chảo, trộn với nhau thật đều. Bạn ướp nguyên liệu với đường ít nhất 2 giờ cho chảy thành nước siro. Với phần nước ép cam đã lấy ban đầu, bạn chắt ra khoảng 50 ml, đợi đường chảy ra thành nước thì mới đổ vào, trộn đều lên cho vỏ cam ngấm vị.
Lưu ý: Nếu muốn mứt có vị chua hơn thì bạn tăng nước ép cam nhé.
- Bắc chảo lên bếp, bật lửa nhỏ để sên mứt. Vì phần nước cam đường sên mứt rất ít nên bạn chỉ để lửa liu riu thôi nhé.
- Dùng đũa đảo đều liên tục, sên khoảng nửa tiếng, đến khi nước đường kẹo sệt lại cho phần vỏ cam chuyển màu trong hơn.
- Nước đường cạn, bạn tắt bếp. Khi này, vẫn dùng đũa đảo đều, liên tục, nhẹ tay để đường kết tinh khô lại quanh gừng và vỏ cam là được.
- Xếp mứt gừng vỏ cam lên dĩa có lót khăn giấy khô, đem hong khô lại là có thể sử dụng được. Hoặc, trút mứt vào hũ sạch, đậy nắp kín là có thể bảo quản được lâu.
3. Cách làm mứt vỏ cam vàng mật ong
3.1. Nguyên liệu
Mật ong giúp tạo độ ngọt thanh hơn cho các món mứt nói chung. Hơn nữa, thành phần này còn giúp át đi bớt vị the đắng của mứt làm từ vỏ cam. Để chế biến món mứt này, bạn chuẩn bị:
- 2 trái cam vàng (nửa kí) đã cắt nhỏ và sơ chế khử vị đắng tương tự mục 1.2 ở trên
- 2 thìa cà phê mật ong nguyên chất
- 1 thìa cà phê muối (để ngâm vỏ cam không bị đắng)
- 70 gram đường trắng
3.2. Cách làm mứt vỏ cam với mật ong
- Sau khi sơ chế, bạn để vỏ cam thật ráo nước. Trong một cái tô lớn, bạn trộn vỏ cam với đường, mật ong cho hòa quyện, rồi ướp ít nhất 2 giờ đồng hồ cho gia vị ngấm vỏ cam.
- Sau khi ướp nước đường tan, bạn đổ toàn bộ nguyên liệu vào chảo vừa, bắc lên bếp, xào với lửa nhỏ nhất. Trong lúc sên mứt, bạn nhớ đảo đều và nhẹ tay nhé.
- Sên mứt đến khi nước đường cạn, bạn tắt bếp, tiếp tục xào đều nguyên liệu để đường kết tinh trắng, chảo khô lại là hoàn tất.
4. Hướng dẫn cách làm mứt vỏ cam sành Lâm Đồng
4.1. Nguyên liệu
Cam sành Bảo Lộc, Lâm Đồng có mùi rất thơm, nồng, nhưng vị đắng nhiều hơn cam vàng. Khi sên thành mứt, vỏ cam sành chuyển sang màu xám không được đẹp mắt lắm nhưng lại cực kì ngon. Để thực hiện món mứt này tại nhà, bạn hãy cùng trangnauan.com chuẩn bị:
- 5 trái cam sành Bảo Lộc loại ngon, không bị dập nát
- 150 gram muối ăn
- 100 gram đường cát trắng
- 1 thìa cà phê nước cốt chanh
4.2. Sơ chế vỏ cam sành làm mứt không bị đắng
- Dùng dao khứa vào đường ngoài trái cam, tách lớp vỏ xanh bên ngoài ra. Thái vỏ cam thành các sợi nhỏ có bề rộng khoảng 1 cm là được. Sau đó, dùng dao tách bỏ phần cùi trắng, chỉ giữ lại lớp vỏ xanh.
- Chia vỏ cam sành thành nhiều phần, cho từng phần vào tô sạch, giữa mỗi phần bạn cho muối ăn vào xen kẽ (cứ một lớp vỏ cam thì một lớp muối, thực hiện đến hết).
- Đổ nước sạch vào tô vỏ cam cho ngập xâm xấp mặt, ngâm 5 tiếng.
- Sau khi ngâm muối, bạn vớt vỏ cam ra. Bắc nồi nước đun sôi, 2 – 3 phút sau, bạn cho vỏ cam vào luộc 4 phút. Vớt vỏ cam ra, xả nước lạnh 1 lần. Luộc vỏ cam thêm 2 lần nữa, sau mỗi lần luộc, xả 1 – 2 lần nước sạch là hoàn tất. Hoặc, bạn ngâm vỏ cam luộc lần 3 với nước đá lạnh 15 phút cho cứng lại. Vớt vỏ cam ra rổ, để thật ráo nước.
4.3. Cách làm mứt từ vỏ cam sành
- Cho vỏ cam ráo nước vào tô sạch, thêm đường trắng vào trộn đều. Ướp vỏ cam sành với đường ít nhất 8 giờ, hoặc qua đêm.
- Đổ phần nước đường ướp vỏ cam vào chảo, đun sôi. Nấu lửa vừa cho nước đường giảm lại còn một nửa thì cho vỏ cam vào, hạ lửa nhỏ nhất để sên mứt.
- Đảo nhẹ tay vỏ cam khoảng nửa tiếng, sên đến khi vỏ cam dẻo, nước đường cạn thì tắt bếp. Thêm nước chanh vào chảo, tiếp tục đảo đều chảo mứt cho đường khô lại, kết tinh bám trắng quanh miếng mứt là hoàn tất. Bước này còn giúp mứt của bạn không bị cháy khét nữa đấy.
5. Hướng dẫn làm mứt vỏ cam nhúng socola
5.1. Nguyên liệu
Mứt vỏ cam là món ngon ngày Tết hoặc lễ tiệc được nhiều người yêu thích. Món ăn này sẽ trở nên đặc biệt hơn nếu bạn nhúng với sốt socola độc đáo dưới đây.
- Phần vỏ của 3 quả cam Mỹ lớn (thái sợi, luộc 3 lần nước khử vị đắng và để ráo nước)
- 2 cốc nước lọc
- 1 chén đường trắng
- 1 ống vanilla
- 1 thanh socola cắt vụn
5.2. Cách làm mứt vỏ cam nhúng socola
- Cho vỏ cam đã ráo nước vào chảo, thêm đường, vani vào, trộn đều. Ướp vỏ cam với nước đường vani khoảng 2 tiếng thì bắc lên bếp, đổ nước lọc vào.
- Bật lửa lớn, đun cho nước đường sên mứt sôi lên thì hạ lửa xuống mức liu riu. Đảo nhẹ và đều tay cho vỏ cam chuyển màu trong mờ hơn (khoảng 30 – 35 phút), nước đường gần cạn lại thì tắt bếp.
- Gắp từng miếng mứt vỏ cam ra ngoài, xếp lên vỉ sạch để hong khô ít nhất 8 giờ.
- Cho mứt vỏ cam vào dĩa đường, lăn nhẹ để phủ đều đường xung quanh. Trong lúc đó, bạn đun socola cho tan chảy ra.
- Đợi socola nguội bớt, bạn nhúng nửa miếng mứt vỏ cam vào socola.
- Sau đó, xếp chúng lên dĩa sạch, cho vào tủ lạnh cho đến khi socola đông lại là có thể thưởng thức.
6. Làm mứt vỏ cam tại nhà thế nào không bị đắng, để được lâu?
- Nên chọn cam vàng, cam xoàn, hoặc cam sành,…làm mứt để vỏ lên màu đẹp mắt. Nếu dùng cam vỏ xanh, sau khi luộc sẽ trở nên xỉn màu, hoặc chuyển màu xám không được hấp dẫn lắm.
- Phần vỏ cam thường có vị đắng, nên khi chế biến mứt, chúng ta cần luộc vỏ cam với nước sôi 2 lần để loại bỏ vị đắng đó. Bước này thực hiện tương tự mứt gừng vậy.
- Bạn có thể lưu trữ mứt vỏ cam trong hộp kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi này, mứt của bạn sẽ để được khoảng 1 tháng đấy. Còn nếu bảo quản trong tủ đông thì thời hạn sử dụng của mứt có thể lên đến 3 tháng.
7. Ăn mứt vỏ cam có tốt không, có gây béo không?
Bản thân cam đã là một nguồn dinh dưỡng (chứa vitamin C, chất chống oxy hóa,…) dồi dào, phần vỏ của loại trái cây này còn sở hữu nhiều hợp chất tăng cường sức khỏe tốt hơn. Trong đó, vỏ cam chứa nhiều flavonoid, cung cấp chất xơ, vitamin B, vitamin A, Canxi và Kali. Các thành phần này giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, kiểm soát huyết áp và cải thiện vẻ ngoài của da.
Mặc dù vỏ cam có thể ăn được (như làm mứt, món tráng miệng,…) nhưng nó không ngọt, cũng không ngon như phần thịt cam bên trong. Ngược lại, lớp vỏ cứng ấy có vị chua, đắng, the the, nên bạn cần các bước sơ chế như đã hướng dẫn ở trên để làm mứt. Mứt vỏ cam cũng chứa rất ít calo, không gây tăng cân như nhiều loại mứt khác.
Cách làm mứt vỏ cam khô, dẻo các loại đã hướng dẫn chi tiết trên đây đều là công thức món tráng miệng dễ thực hiện. Tuy nhiên, để sên vỏ cam khô ngon và không bị ướt, bạn cần dành ra 1 – 2 ngày để hong với nhiệt độ trong nhà hoặc ngoài nắng. Nếu sấy khô mứt vỏ cam bằng lò nướng thì giúp rút ngắn thời gian hiệu quả hơn, nhưng mứt không còn dẻo nữa. Do đó, nếu muốn thực hiện món mứt này, bạn cần lên kế hoạch làm mứt trước đó. Đặc biệt, hãy thử chế biến mứt vỏ cam nhúng socola để làm các món ăn vặt lạ miệng cho cả nhà thưởng thức nhé!
Bích Tuyền dịch và tổng hợp