Tuy không được làm từ trái nhãn tươi, nhưng người ta vẫn gọi món ăn ngon ngày Tết ở miền Bắc này là bánh nhãn, bởi nó có cách làm giống với hình dáng quả nhãn. Bánh nhãn được rất nhiều người yêu thích và chọn làm món ăn nhâm nhi những ngày Tết. Nếu đã chán những loại mứt trái cây truyền thống, Tết năm nay thử “đổi gió” với món bánh nhãn xem sao. Bài viết này trangnauan.com xin chia sẻ các bước chế biến bánh nhãn ngày Tết giòn tan, thơm xốp cho cả nhà cùng nhau thưởng thức.
1. Hướng dẫn cách làm bánh nhãn ngày Tết giòn thơm, ngon miệng
1.1. Cách làm bánh nhãn truyền thống
1.1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Trứng gà: 2 quả
- Bột nếp: 200 gram
- Gừng tươi: 1/3 củ
- Bột nở: ½ muỗng cà phê
- Nước cốt dừa: 80 – 100 ml
- Đường, nước, dầu ăn (hoặc mỡ lợn thì sẽ chuẩn vị hơn), muối trắng
1.1.2. Hướng dẫn cách trộn bột tạo hình làm bánh nhãn truyền thống ngày Tết Nam Định
- Gừng đập dập, băm nhỏ, nghiền đều trong nước. Sau đó lọc bã và lấy nước gừng đổ vào bát bột nếp.
- Đập 2 quả trứng vào bát bột nếp, cho thêm một ít muối, nước cốt dừa và khoảng 5 thìa cà phê đường rồi trộn hỗn hợp lên. Cho thêm một chút nước sau đó nhào bột thật đều. Bạn tiếp tục nhào bột cho đến khi bột thật mềm và dẻo, không còn dính tay nữa là được.
- Sau đó, dùng vải màn hoặc màng bọc thực phẩm bọc hỗn hợp lại và để bột nghỉ khoảng 15 – 20 phút.
- Bột nghỉ xong lấy ra, dùng dao chia bột thành 6 – 8 miếng đều nhau. Lấy từng miếng bột đã cắt vê bột thành những dải nhỏ bằng nhau. Tiếp tục dùng dao cắt những dải bột thành nhiều miếng nhỏ hơn.
- Dùng tay nặn hết những miếng bột nhỏ sao cho thành những viên tròn, đều nhau.
1.1.3. Chiên bánh nhãn
- Làm nóng chảo rồi đổ dầu ăn sao cho dầu dàn đều khắp chảo. Khi dầu bắt đầu nóng, cho những viên bột nhỏ vào chiên ở mức lửa nhỏ. Nếu có nhiều bột và bạn không thể rán hết trong 1 mẻ, hãy đậy kỹ bát bột chưa rán để bột không bị khô.
- Lấy đũa đảo đều bánh quanh chảo, thường xuyên lật các mặt bánh để bánh có thể chín đều. Chiên tới khi bánh giòn, có màu vàng thì nếm thử xem bột bên trong bánh khô hay ướt. Nếu bột trong bánh khô nghĩa là bánh đã chín, lúc này bạn có thể gắp bánh ra đĩa lót giấy thấm dầu. Sau đó, bạn để bánh nhãn nguội hoàn toàn.
1.1.4. Cách làm bánh nhãn bọc đường ngày Tết
- Cho khoảng 7 thìa cà phê đường vào chảo nóng, thêm một chút nước và đun sôi. Nhớ dùng đũa khuấy đều để đường không bị đọng lại bám trên chảo.
- Khi nước đường sôi, bạn cho bánh nhãn đã chiên vào đảo liên tục. Tiếp tục đảo bánh cho đến khi đường khô lại và bám trên bánh thì đảo thêm 2-3 nữa mới tắt bếp. Giờ bạn có thể thưởng thức bánh rồi đấy.
1.2. Hướng dẫn cách làm bánh nhãn với mè ngày Tết
Có lẽ trước giờ hầu hết mọi người thường ăn loại bánh nhãn truyền thống và cũng chỉ đinh ninh rằng bánh nhãn có duy nhất một loại này. Để trangnauan.com bật mí cho bạn thêm một món tráng miệng khác nữa đó là bánh nhãn với mè. Mè chắc không xa lạ gì với mọi người nhưng bánh nhãn kết hợp với mè thì sao? Cùng xem hướng dẫn cách làm bánh nhãn với mè phía dưới đây nhé!
1.2.1 Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Trứng gà: 2 quả
- Bột nếp: 200 gram
- Gừng: 1/3 củ
- Bột nở: ½ muỗng cà phê
- Nước cốt dừa: 80 – 100 ml
- Đường, mè, nước, dầu ăn, muối
1.2.2. Hướng dẫn cách làm bánh nhãn với mè ăn ngày Tết
- Bước 1 và 2 thực hiện giống với Cách làm bánh nhãn truyền thống ở trên.
- Bước 3 – Áo đường và mè cho bánh nhãn: Cho 7 thìa đường và một ít mè + nước lọc vào chảo nóng, đảo đều. Sau đó, cho bánh đã chiên vào chảo và tiếp tục đảo đến khi cạn nước.
- Bánh nhãn với mè khi ăn sẽ rất thơm, kết hợp với mè sẽ đem đến cho bạn hương vị khác lạ, mới mẻ so với loại bánh nhãn truyền thống. Ngoài ra, bạn có thể đổi vị bánh nhãn bằng cách thay mè thành vừng.
1.3. Cách làm bánh nhãn trà xanh kiểu mới ngày Tết
1.3.1. Chuẩn bị nguyên liệu
Bánh vị trà xanh ngày nay rất được ưa chuộng vì hương vị the ngon và cực kì bổ dưỡng, hạn chế chất béo. Để làm bánh từ bột trà xanh kết hợp món ăn đặc sản Nam Định này, bạn chuẩn bị:
- 150 gram bột gạo nếp
- 30 gram đường trắng
- 5 gram bột trà xanh (Tham khảo cách làm bột trà xanh không bị đen để chế biến bánh ngon chuẩn vị tại nhà)
- 1 muỗng canh nước cốt gừng tươi (xay nhuyễn, vắt nước cốt và bỏ xác)
- 2 trứng gà tươi
- Nguyên liệu nấu nước đường tẩm bánh: 40 gram đường trắng, 2 thìa cà phê nước lọc, 1 thìa cà phê vanilla
1.3.2. Cách làm bánh nhãn ngày Tết kiểu mới với vị trà xanh matcha
- Trộn bột gạo nếp, đường, bột matcha, nước cốt gừng với trứng gà trong tô lớn, quấy thật đều tay để tạo thành hỗn hợp bột mịn. Dùng tay nhào đều để bột không còn lợn cợn.
- Ngắt bột thành từng miếng nhỏ cỡ đốt ngón tay, rồi vo tròn lại như hột nhãn.
- Bắc nồi nước sôi, thả từng viên bột tròn vào luộc chín. Luộc đến khi viên bột bánh nổi lên trên thì vớt ra, để ráo nước và nguội.
- Nấu hỗn hợp làm nước đường trong chảo lớn, đến khi đường tan và chuyển sang màu nâu cánh gián thì cho bánh nhãn đã nguội vào, đảo đều.
- Chiên lửa vừa đến khi nước đường kết tinh lại bám quanh bánh thì tắt bếp. Dọn bánh ra dĩa, đợi nguội và thưởng thức. Hoặc, trút bánh vào hũ sạch, đậy nắp thật kín lại để sử dụng được lâu trong những ngày Tết nhé.
2. Một số lưu ý khi thực hiện cách làm bánh nhãn giòn tan, thơm xốp
- Nên để lửa nhỏ hoặc vừa khi chiên bánh nhãn để mỡ không bị bắn và bánh không bị nổ.
- Bánh sau khi chiên nhất định phải để thật nguội. Có như vậy thì khi bọc đường, bánh sẽ không bị ỉu hoặc dai.
- Bánh nhãn đạt chuẩn có ruột khô và đặc, giòn tan từ trong ra ngoài.
- Trong trường hợp không ăn hết, bạn có thể bảo quản bánh nhãn bằng cách cho bánh vào trong hũ (có thể dùng túi hoặc hộp) sạch và khô, sau đó, đậy kín.
Cách làm bánh nhãn ngày Tết giòn tan, thơm xốp chuẩn vị đặc sản Nam Định với các bước hướng dẫn trên đây thật dễ thực hiện, đúng không nào! Ngoài việc làm bánh nhãn để thưởng thức, bạn cũng có thể đem tặng cho bạn bè, người thân. Chắc chắn đây sẽ là món quà vừa ý nghĩa, vừa thiết thực nhân dịp tết sắp tới này. Chúc các bạn thực hiện món ngon chống ngán ngày Tết này thành công để gia đình đổi vị nhé!
Hatha tổng hợp