1. Hướng dẫn cách làm chân gà chiên mắm đậm đà với lá chanh non
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Chân gà tươi ngon: 500gr
- Rau xà lách: 300gr
- Rau ngò rí: 100gr
- Lá chanh non: 12 lá
- Ớt tươi, hành tím, gừng tươi, tỏi khô, ớt bột
- Gia vị: muối ăn, hạt nêm, đường cát, tiêu bột, nước mắm, dầu ăn
1.2. Sơ chế nguyên liệu, ướp chân gà và pha nước mắm
Sơ chế chân gà
- Chân gà sau khi mua về phải rửa sạch với nước lạnh.
- Lột hết lớp da màu vàng bên ngoài chân gà và cắt bỏ móng của chân gà.
Sơ chế các nguyên liệu đi kèm
- Lá chanh non rửa sạch rồi thái nhỏ.
- Rau xà lách cũng rửa sạch. Sau đó, ngâm với nước muối loãng trong khoảng 15 phút rồi vớt ra, rửa lại bằng nước.
- Ngò rí rửa sạch, cắt nhuyễn một phần còn một phần giữ nguyên.
- Hành tím, tỏi khô cũng rửa sạch và băm nhỏ.
Ướp chân gà với gia vị
- Cho tất cả nguyên liệu vào một cái tô lớn bao gồm: chân gà đã làm sạch, 1 muỗng hành tỏi băm nhuyễn, 1 muỗng nhỏ hạt nêm, 1/2 muỗng tiêu bột, 1 muỗng dầu ăn, 1/2 muỗng nước mắm ngon, 1/2 muỗng ớt bột. Tất cả được xóc đều và nhẹ tay, rồi để đó ngâm trong 30 phút cho ngấm gia vị.
- Nếu có thời gian để ướp lâu hơn thì càng tốt. Có thể tăng, giảm lượng ớt bột tùy theo sở thích của từng người.
Pha chế nước mắm
Công thức để có nước mắm ngon, chuẩn vị cho cách làm chân gà chiên mắm này chính là: 1,5 muỗng nước mắm ngon, 1 muỗng đường cát, 1 muỗng hành tỏi băm nhỏ, 2 muỗng canh nước sôi.
1.3. Các bước chiên chân gà nước mắm
- Đặt một chiếc chảo có kích thước phù hợp lên bếp. Sau đó, cho vào một ít muối tinh vào đảo thật đều. Nếu nhìn thấy muối chuyển sang màu vàng nhạt, tức là chảo đã đủ độ nóng thì đổ muối ra.
- Đổ vào một lượng dầu ăn vừa đủ, chờ cho dầu sôi kỹ. Gắp từng chiếc chân gà cho vào chảo và chiên vàng đều các mặt. Chú ý đảo đều để chân gà không bị cháy.
- Khi chân gà đã chín giòn thì vớt chân gà ra khỏi bếp.
- Sau khi đã chiên chân gà xong, lấy một cái chảo khác và cho vào đấy một ít dầu ăn. Tiếp tục cho hành tỏi, một ít ớt bột vào phi thơm. Sau đó, cho chân gà đã chiên vào chảo.
- Rưới đều phần nước mắm đã pha vừa nãy lên chân gà rồi đảo đều. Cách làm chân gà chiên mắm ngon chỉ nên để lửa nhỏ. Có như vậy, chân gà được ngấm gia vị và không bị cháy.
- Đảo đến khi nào nước trong chảo sệt lại là được. Gắp chân gà ra dĩa và trang trí bằng rau xà lách, rau ngò rí cho đẹp mắt.
2. Công thức làm chân gà chiên mắm với bột năng giòn dai
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- 500gr chân gà
- 2 thìa bột năng
- 1 quả ớt sừng, vài nhánh tỏi, băm nhuyễn.
- 2 muỗng nước mắm, 1 muỗng đường, dầu ăn, bột nêm, tiêu
- 1/4 chén nước
2.2. Hướng dẫn cách làm chân gà chiên mắm với bột năng
- Chân gà cắt bỏ móng, rửa sạch, ngâm với 1 chút muối và giấm.
- Luộc sơ chân gà trong khoảng 1 phút rồi vớt ra, để ráo nước.
- Cho bột năng và chân và vào chung một tô. Xóc đều để chân gà bám đều bột.
- Chiên chân gà trong dầu sôi, đảo đều để chân gà chín vàng các mặt.
- Pha nước mắm: cho nước mắm, đường, bột nêm, tiêu, tỏi băm, ớt băm cùng 1/4 chén nước vào rồi trộn đều.
- Đổ phần nước mắm đã pha vào 1 chiếc chảo, nấu sôi trong khoảng 1 phút, đến khi nước mắm sệt lại là được.
- Bỏ toàn bộ chân gà đã chiên vào chảo nước mắm, đảo đều để nước mắm bám đều vào chân gà.
Cách làm chân gà chiên mắm này dùng bột năng sẽ khiến cho phần da ở bên ngoài được dai hơn. Nguyên liệu này cũng giúp nước mắm bám ở bên ngoài chân gà được sệt hơn. Nhờ đó mà món ăn tăng thêm vị đậm đà rất đặc trưng.
3. Cách chọn nguyên liệu làm chân gà chiên mắm ngon
Chân gà chiên mắm là món ăn bình dân nhưng được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, hiện nay có một số người vì muốn thu nhiều lợi nhuận nên đã không ngại đem chân gà bẩn, chân gà “độn” nước bán ra ngoài thị trường. Vì thế, để đảm bảo cách làm chân gà chiên mắm vàng giòn, tốt cho sức khỏe, bạn cần chọn được chân gà ngon, an toàn. Mẹo chọn nguyên liệu chân gà tươi, sạch cần chú ý những điểm sau đây:
- Mua chân gà ở siêu thị hay ở những nơi có xuất xứ rõ ràng là an toàn nhất.
- Chân gà độn nước nhìn bề ngoài khá mập mạp, không có nếp nhăn ở da. Nếu dùng tay bóp nhẹ thì các đầu ngón chân sẽ căng phồng lên. Chân gà độn nước thì thịt sẽ mềm, chứ không chắc nịch như chân gà bình thường.
- Ngoài ra, có thể kiểm tra chân gà thông qua độ co, duỗi của các ngón chân. Đối với chân gà bình thường, các ngón chân có xu hướng cong gập vào. Trong khi đó, các ngón của chân gà bị bơm nước lại căng ra, ngón tách nhau khá rõ rệt.
- Chân gà bình thường sẽ có màu trắng hồng tự nhiên. Nếu chân gà xuất hiện những màu sắc lạ như đốm đỏ, xanh, vàng và sờ thấy bị nhớt, thì nên cẩn thận vì đó có thể là chân gà không an toàn.
Chân gà là một loại thực phẩm có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ xương, bổ gân, tốt cho sức khỏe. Vị ngọt của chân gà kết hợp với vị đậm đà của nước mắm tỏi ớt sẽ tạo nên món ngon từ gà có hương vị không thể cưỡng lại được. Hy vọng với 2 cách làm chân gà chiên mắm mà Webnauan.vn vừa giới thiệu trên đây, bạn lại “bỏ túi” thêm cho mình một công thức nấu ăn hấp dẫn để chiêu đãi gia đình mỗi dịp cuối tuần.
K.Lang tổng hợp