1. Cách xếp lá gói bánh chưng vuông vức đẹp mắt bằng khuôn
Thông thường cách xếp lá gói bánh chưng vuông được ưa chuộng hơn cả, một phần vì hình dáng của chúng đã khắc họa sâu trong tâm trí của người Việt thông qua sự tích Bánh chưng bánh dày, một phần vì tính thẩm mĩ cao, thích hợp để đem biếu, làm quà cho bạn bè hoặc người thân. Sau đây là hướng dẫn xếp lá dong, nối lạt, buộc dây làm bánh chưng có hình dạng vuông vức đẹp mắt, mời bạn theo dõi nhé.
1.1. Cách cắt lá dong gói bánh chưng
- Khi gói bánh chưng bằng lá dong, bạn nên chọn những lá to, già và không bị rách. Sau đó, đem lá dong về phơi một nắng cho hơi héo rồi mới dùng. Cách này giúp lá dẻo hơn, khi gấp không nứt hoặc rách.
- Đem lá dong rửa sơ với nước, dùng khăn lau khô hai mặt.
Lưu ý: Khi rửa, tránh để lá ướt, bánh sẽ nhanh hư và bảo quản không được lâu.
- Gấp đôi lá dong theo chiều dọc, sau đó tiếp tục gấp đôi lại theo chiều ngang. Kế đến, bạn dùng kéo cắt bỏ phần rìa lá sao cho tạo thành hình vuông có kích thước vừa với khuôn gói.
- Tước bỏ gân lá, nhất là những gân lá to để tránh đâm thủng bánh chưng. Dây lạt buộc bánh cũng nên ngâm với với khoảng vài giờ để tạo độ mềm dẻo.
1.2. Cách gấp lá dong gói bánh chưng
- Một cái bánh chưng bạn sẽ dùng 4 lá dong để gói. Trước hết, đặt một dây lạt dưới khuôn bánh, sau đó cho lá dong thứ nhất vào khuôn, dùng tay ấn mặt lá xuống đáy và gấp chéo thành hình tam giác để vỏ bánh bên ngoài được đẹp mắt.
- Tiếp đến lấy lá dong thứ hai đặt vào góc đối diện lá thứ nhất nhưng không cần gấp chéo hình tam giác. Hai góc còn lại cũng xếp lá thứ ba và lá thứ tư vào.
- Dùng phần ngọn lá dong cắt lúc đo lá chèn vào 4 góc của khuôn, cách này giúp bánh được kín hơn đồng thời không bị vỡ góc khi luộc.
- Cho lần lượt nếp, hỗn hợp làm nhân đậu xanh bánh chưng và thịt vào, dàn đều ra bốn góc, nén chặt và phủ lên 1 miếng lá dong. Sau đó lần lượt xếp các cạnh lá lại với nhau tương tự như gói quà.
1.3. Cách nối lạt gói bánh chưng
- Giữ chặt phần mép gấp, rút khuôn ra khỏi bánh rồi dùng sợi dây lạt có sẵn để cố định chúng.
- Kế đến dùng thêm lạt để buộc 2 dây ngang và 1 dây dọc (hoặc bạn cũng có thể buộc 3 dây ngang và 2 dây dọc). Sau đó dùng kéo cắt những đoạn dây thừa để bánh đẹp hơn và không bị rối mắt.
- Dùng lá dong vụn xếp vào đáy nồi rồi mới lần lượt đặt bánh chưng vào, đổ ngập nước và luộc từ 7 đến 8 tiếng là chín. Với cách xếp lá dong gói bánh chưng vuông này bạn có thể áp dụng trên cả lá chuối. Bạn có thể tham khảo cách gói bánh chưng bằng lá chuối để xem các bước thực hiện chi tiết hơn.
2. Cách xếp lá dong gói bánh chưng không dùng khuôn
Cách gói bánh chưng không dùng khuôn có phần đơn giản hơn rất nhiều, đặc biệt còn tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên nhược điểm của chúng là chiếc bánh làm ra không được vuông vức, đẹp mắt. Do đó với những gia đình bận rộn và chỉ làm bánh để ăn chơi tại nhà thì có thể áp dụng cách xếp bánh này nhé.
2.1. Cách chọn, cắt lá dong (hoặc lá chuối) để gói bánh chưng bằng tay
- Lá chọn để gói bánh chưng bằng tay phải là những tấm lá (dong hoặc chuối) to bản, không bị sâu, nát. Tùy vào số lượng nếp mà bạn chuẩn bị lá cho phù hợp. Thông thường 1 cái bánh sẽ dùng 4 chiếc lá.
- Đem lá phơi với nắng to khoảng 3 đến 4 giờ cho héo rồi mới đem vào rửa với nước cho sạch bụi, sau đó lau khô bằng khăn sạch.
- Dùng dao gọt phần gân ở sống lưng của lá, lưu ý gọt thật khéo léo để bánh không bị rách.
2.2. Hướng dẫn cách xếp lá dong gói bánh chưng không cần khuôn
- Chuẩn bị 4 chiếc lá, cắt bỏ phần nhọn ở hai đầu rồi xếp xen kẽ cái 2 cái theo chiều ngang và 2 cái theo chiều dọc.
Lưu ý: Tấm lá dong đặt ở dưới cùng nên để mặt phải của lá ra ngoài. Có như vậy thì bánh khi gói mới đẹp như ý muốn.
- Cho lần lượt nếp, đậu xanh và thịt vào. Sau đó dùng tay khéo léo gấp 2 bên lá dong lại, gấp lần lượt cho hết 4 lá. Kế đến dùng dây cột phần mép gấp trước để cố định bánh lại rồi mới tiếp tục cột những dây khác.
Lưu ý: Khi buộc lá gói bánh chưng nên buộc vừa tay, không kéo quá chặt cũng không quá lỏng như vậy bánh mới được chín đều.
3. Ý nghĩa của chiếc bánh chưng ngày Tết miền Bắc
3.1. Bánh chưng gắn với truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc
Trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, trên mâm cỗ Tết của người Việt bao giờ cũng có vài cặp bánh chưng xanh để cúng gia tiên. Trong tâm thức của mỗi người, bánh chưng không còn đơn thuần là một món ngon ngày Tết miền Bắc, mà còn là nét đẹp văn hóa, gắn liền với truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
3.2. Bánh chưng là niềm mơ ước về một cuộc sống an cư lạc nghiệp
Bánh chưng được người Việt sáng tạo ra gắn liền với sự tích bánh chưng bánh dày. Theo truyền thuyết dân gian, vào đời Vua Hùng thứ 6, sau khi đánh tan giặc Ân, vua muốn truyền ngôi lại cho các hoàng tử nên nhân dịp đầu xuân bảo rằng: “Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ dâng tổ tiên có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho“.
Trong khi các con trai khác thay nhau kiếm của ngon vật lạ thì người con trai thứ mười tám có tên là Lang Liêu đã chọn gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn để làm bánh dâng vua sau khi nằm mộng thấy được lời chỉ dẫn của thần Đèn. Gạo là thứ quý giá nhất trên đời, có thể nuôi sống con người. Còn màu vàng của đậu xanh tượng trưng cho màu của cánh đồng lúa, của làng mạc. Vì thế chiếc bánh chưng không chỉ thể hiện được truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, mà chúng còn là niềm mơ ước được an cư lạc nghiệp của nhân dân qua bao thế hệ.
Cách xếp lá gói bánh chưng quyết định rất nhiều đến yếu tố thẩm mĩ của chiếc bánh. Do đó mà người nấu cần khéo tay và thật cẩn thận để các góc bánh được vuông vức. Trên đây bài viết đã hướng dẫn cụ thể cách làm bánh chưng có màu xanh đẹp mắt, cùng tham khảo để gói được chiếc bánh chưng ngày Tết thật đẹp làm quà cho bạn bè và người thân nhé.
Mỹ Lệ tổng hợp