1. Hướng dẫn gói bánh chưng bằng tay với lá dong kiểu miền Bắc
1.1. Nguyên liệu
Cách gói bánh chưng bằng tay truyền thống Bắc Bộ chủ yếu dùng lá dong gói bánh. Các nguyên liệu/ dụng cụ gói bánh chưng thủ công cần chuẩn bị như dưới đây.
Nguyên liệu gói bánh chưng:
- Lá dong: 4 lá
- Dây lạt: chuẩn bị khoảng 4 – 6 dây
Nguyên liệu làm bánh chưng:
- Nếp cái hoa vàng: 400 gram (Bạn ngâm gạo từ 10 – 12 giờ trong hỗn hợp muối pha nước cốt dừa. Sau đó, vi sạch lại với nước lạnh, để rổ ráo nước.)
- Đậu xanh: 200 gram (Bạn ngâm đậu 4 tiếng với nước sạch cho mềm. Sau đó, hấp đậu chín, cho vào máy sinh tố xay thật nhuyễn ra. Kế đến, bạn ướp gia vị theo sở thích rồi vo tròn lại thành từng viên hoặc để nguyên hạt gói bánh chưng.)
- Thịt heo ba chỉ: 500 gram (Bạn xát muối thịt heo để khử tanh. Sau đó, rửa lại nhiều lần với nước sạch, cắt thành khối nhỏ dài khoảng 4 cm, cho vào tô ướp gia vị theo sở thích trong 30 phút.)
- Nước cốt dừa: 400 ml
Gia vị: Ít muối, tiêu xay, hạt nêm, tỏi, hành tím,…
1.2. Chuẩn bị lá dong, dây lạt gói bánh chưng truyền thống
Với lá dong:
- Trước hết bạn rửa thật sạch đều khắp 2 mặt lá.
- Sau đó, phơi ráo nước và khô hoàn toàn ở nơi thoáng mát.
- Lá dong khô ráo thì bạn đem vào nhà, tiếp tục dùng khăn mềm lại thật sạch lại các mặt lá.
- Kế đến, bạn cắt bỏ các phần cuống lá dong để cách gói bánh chưng bằng tay dễ thực hiện hơn.
- Bạn cắt bỏ luôn 2 đầu góc cạnh của lá – theo hướng vuông góc với gân giữa lá dong. Công đoạn này thực hiện khéo léo sao cho mỗi lá dong có độ dài khoảng 30 cm là được.
Với dây lạt: Bạn đem dây lạt ra nắng phơi cho thật khô. Cách này giúp bạn thực hiện các mối buộc bánh chưng bền, chặt hơn. Phơi xong thì bạn đem vào, tẻ nhỏ dây ra với độ rộng khoảng 0,5 cm/ dây là được.
1.3. Cách gói bánh chưng bằng tay kiểu truyền thống với lá dong
Bước 1: Tạo lớp vỏ bánh chưng hình vuông bằng lá dong
Bạn chuẩn bị 2 lớp lá (mỗi lớp 2 lá) để lót làm phần vỏ bánh. Các bước tạo lớp vỏ bánh chưng hình vuông như sau:
- Lớp lá ngoài: Bạn lật bên mặt lá nhạt màu vào mặt trong của bánh. Sau đó, để một sợi dây lạt bên dưới lá thứ nhất theo chiều vuông góc. Bắt đầu gấp mặt lá từ hướng từ trái qua phải sao cho chạm đường gân giữa của lá. Sắp lá thứ 2 để lên trên song song với mặt lá thứ nhất, nhưng theo chiều ngược lại. Ở bước này, bạn thực hiện sao cho mép lá thứ 2 chạm vào gân giữa lá thứ nhất là đúng kỹ thuật.
- Lớp lá trong: Để làm lớp lá bên trong vỏ bánh chưng, bạn hướng mặt lá đậm màu xuống dưới nhé. Sau đó, đặt lá dong thứ nhất lên trên bề mặt lớp lá ngoài theo chiều vuông góc, ngay chính giữa. Tạo hình khi này sẽ giống như hình chữ thập. Bạn đặt tiếp lá dong thứ 2 vuông góc với lá trước đó là được.
Bước 2: Cho nguyên liệu làm bánh chưng vào khuôn lá dong
- Đặt tuần tự các nguyên liệu như hình vào giữa bề mặt lá dong.
- Với đậu xanh, bạn không nên vo viên, mà tán nhẹ cho nhuyễn, rải đều lên trên lớp gạo nếp và thịt ba chỉ.
- Gom gọn phần nhân, cố định các nguyên liệu.
Bước 3: Hướng dẫn cách gói bánh chưng bằng tay với lá dong
- Gấp lớp lá gần nhân bánh nhất vào trong.
- Tiếp tục gấp lớp lá trong còn lại vào sao cho vuông góc với lá đầu tiên.
- Lần lượt gấp 2 lá dong lớp ngoài khuôn bánh vào luôn.
- Dùng dây lạt đã cố định sẵn quấn chặt một bên khuôn bánh.
- Đồng thời, dùng tay ép chặt nhân tạo thành khối vuông.
- Gấp 2 mép khuôn lá còn lại vào sao cho đè lên sợi dây lạt đã cố định trước đó.
- Xếp gọn gàng phần thừa mép lá vào cho dạng hình bánh vuông vức, nhìn đẹp mắt.
Bước 4: Buộc khuôn bánh chưng lá dong bằng dây lạt
- Quấn chặt 1 dây lạt theo chiều vuông góc với dây lạt đã cố định thứ 1.
- Gỡ mối quấn dây lạt đầu tiên để quấn lại, chồng lên dây lạt thứ 2.
- Dùng tay vỗ mạnh và điều chỉnh cho bánh được vuông vắn.
- Có thể buộc thêm 2 sợi dây lạt ở 2 hướng góc nhau cho bánh được chắc chắn
Bước 5: Luộc bánh chưng gói bằng lá dong
- Sau khi hoàn thành các công đoạn trên, cho bánh chưng vào nồi.
- Phủ dưới đáy nồi một ít dây lạc thừa để đặt bánh lên đỡ bị cháy khét.
- Cho nước sôi ngập mặt bánh.
- Đậy nắp nồi lại, đè phía trên một vật nặng (gạch) để bánh không bị trồi lên khỏi mặt nước
- Nên luộc bánh với độ lửa vừa phải, cứ mỗi tiếng lại kiểm tra lượng nước một lần.
- Luộc bánh chưng khoảng 12 tiếng sau là bánh chín.
2. Hướng dẫn cách gói bánh chưng bằng tay với lá chuối kiểu miền Nam
Ở miền Nam, lá dong không có mặt phổ biến. Thế nên, điều này gây khó khăn trong việc tìm nguyên liệu gói bánh chưng lẫn bánh tét. Chính vì thế, lá chuối là lựa chọn phù hợp để thay thế. Các loại bánh miền Nam thường sử dụng lá chuối để gói bánh. Với công dụng tuyệt vời – ngoài tính năng bền chặt, thuận lợi cho tay gói bánh, lá chuối còn tạo cho vỏ bánh vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng. Nếu kết hợp cách làm nhân đậu bánh chưng với lá chuối bùi bùi thì còn gì tuyệt vời bằng!
2.1. Cách lựa chọn và sơ chế lá chuối gói bánh chưng
- Cách lựa chọn lá chuối gói bánh chưng: Lá chuối hột thường được sử dụng trong việc gói bánh, bởi vị thơm, không tạo vị đắng như các giống lá chuối khác. Bạn nên lựa chọn lá có độ xanh tươi, không bị rách và sâu mọt.
- Sơ chế lá chuối gói bánh chưng: Trước hết, bạn rửa thật sạch các bề mặt của lá chuối. Sau đó, đem lá chuối phơi khô ở nơi thoáng mát, ráo nước. Khi lá chuối khô, bạn đem vào nhà, để ở nơi sạch sẽ, dùng khăn mềm lau khô các mặt lá lần nữa. Cuối cùng, để cách gói bánh chưng bằng tay với lá chuối dễ thực hiện hơn, bạn cắt lá chuối thành từng miếng hình vuông dài cỡ 30 cm là được.
2.2. Hướng dẫn cách gói bánh chưng bằng tay với lá chuối
Bước 1: Tạo lớp vỏ, xếp nguyên liệu bánh chưng vào khuôn lá chuối
- Bạn lật bề mặt nhạt nhất của lá chuối làm mặt trong bánh.
- Xếp chồng 3 mảnh vuông lá chuối đã làm sạch, có kích thước bằng nhau lên nhau.
- Đặt tuần tự các nguyên liệu làm bánh – như cách trên đã hướng dẫn – ở giữa bề mặt lá chuối.
Bước 2: Cách gói bánh chưng bằng tay với lá chuối kiểu miền Nam
- Bắt đầu gấp một lớp lá gần nhân bánh nhất vào.
- Vỗ nhẹ bên ngoài bánh để phần nhân đều hơn, tạo thành khối vuông đặc trưng của bánh chưng.
- Bên còn lại của lớp lá ngoài cũng khéo léo gấp vào.
- Tiếp tục gói cùng lúc 2 lớp lá còn lại như trên để tạo độ dày cho lớp vỏ bánh.
Bước 3: Buộc dây lạt gói bánh chưng
- Trước hết, quấn chặt một dây lạt vào khuôn bánh chưng.
- Cứ thế, tiếp tục buộc thêm các sợi dây lạt ở 3 hướng còn lại sao cho vuông góc nhau để ở bánh được chắc chắn. Cách gói bánh chưng bằng tay này cần thực hiện kỹ càng thao tác này để luộc bánh giữ hình dạng vuông vức đẹp mắt.
Bước 4: Luộc bánh chưng gói lá chuối
- Thực hiện các công đoạn luộc bánh chưng như trên đã hướng dẫn.
3. Mua lá dong gói bánh chưng ở đâu tại TPHCM?
Cách gói bánh chưng bằng tay truyền thống miền Bắc dùng lá dong, bởi độ dày rộng của lá giúp bánh không dễ bong lớp nhân ra kể cả khi gói và nấu chín bánh. Hơn nữa, nguyên liệu này giúp bảo quản bánh chưng xanh được lâu, tươi ngon. Ở miền Nam, để mua loại nguyên liệu lá gói bánh chưng không cần khuôn này, bạn có thể tìm đến một số địa chỉ dưới đây.
- “Chợ” lá dong ngã 3 Ông Tạ: Cứ khoảng 20 tháng Chạp, hơn 20 sạp lá dong kéo dài 500 mét dọc đường Cách Mạng Tháng Tám – bắt đầu từ khúc giao đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) – lại tấp nập người mua, kẻ bán. Sản phẩm gồm các loại lá dong từ nhỏ, trung bình, đến lớn. Giá bán dao động từ 20.000 – 80.000 – 120.000/ bó 50 lá tùy kích cỡ. Ở đây cũng có rất nhiều loại khuôn thay thế cho cách gói bánh chưng bằng tay truyền thống.
- Chợ Bà Điểm (huyện Hóc Môn)
- Chợ Gò Vấp
- Chợ Bà Chiểu
- Dọc tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh (Tân Bình)
Như vậy, chỉ cần kiên nhẫn, biết tận dụng các loại lá gói bánh có sẵn là bạn có thể hoàn tất các thao tác gói bánh truyền thống rồi. Cách gói bánh chưng bằng tay tuy tốn nhiều thời gian, yêu cầu sự chi tiết, tỉ mỉ cao, nhưng thành phẩm lại vô cùng đẹp mắt. Hơn nữa, hình ảnh gói bánh chưng thủ công còn là nét đẹp văn hóa của người Việt khi Tết đến, xuân về. Cùng cả nhà nhâm nhi miếng bánh chưng nhân đậu, thịt heo với chút củ kiệu muối chua ngọt, uống một tách trà, tâm tình với nhau câu chuyện đầu năm thì hoàn hảo biết bao. Chúc bạn gói bánh chưng vuông đẹp, xanh mướt để xuân này thêm phần ý nghĩa nhé!
Đào Trúc tổng hợp