1. Hướng dẫn làm mứt thanh long ruột đỏ sấy dẻo thơm ngon kiểu mới
1.1. Nguyên liệu
Công thức món mứt thanh long sấy dẻo này thực hiện tương tự với cách làm mứt mãng cầu truyền thống. Về cơ bản, ruột thanh long cũng có độ mềm tan như mãng cầu vậy. Thế nên, để chế biến thành từng miếng mứt như kẹo dẻo thơm ngon, bạn cần sử dụng thêm bột gạo nếp để tăng độ khô và khả năng kết dính kẹo. Để dễ hình dung hơn, trước khi đến với hướng dẫn thực hiện chi tiết, bạn chuẩn bị các nguyên liệu sau nhé:
- 1 kg thanh long ruột đỏ loại ngon (khoảng 2 trái lớn
- 1 trái chanh tươi
- 300 gram đường trắng
- 20 gram bột nếp chín dẻo (thường được dùng để làm bánh dẻo, bánh in,…)
- Dụng cụ làm mứt: máy xay sinh tố, tô, nồi, chảo rộng lòng, kính để bọc kẹo.
Lưu ý: Bạn có thể dùng thanh long ruột trắng cũng được, nhưng khuyến khích nên chọn loại ruột đỏ để mứt thành phẩm có màu đẹp mắt và tươi tắn hơn.
1.2. Cách làm mứt thanh long ruột đỏ sấy dẻo thơm ngon
1.2.1. Xay thanh long ruột đỏ và ướp đường làm mứt dẻo
- Dùng dao cắt đôi trái thanh long, rồi tách bỏ phần vỏ, cho ruột vào máy sinh tố. Bật máy xay tốc độ lớn để đánh thanh long ruột đỏ nhuyễn ra như sinh tố thanh long, khoảng 1 phút sau thì tắt máy.
- Đổ thanh long xay vào tô sạch, thêm đường trắng vào, dùng muỗng trộn đều.
- Cắt đôi trái chanh, lọc bỏ hột, vắt nước cốt vào tô thanh long. Tiếp tục dùng muỗng trộn đều thanh long cho hòa quyện với nước chanh và đường tan ra.
- Dùng màng nilon bọc tô thanh long lại, ướp trong 2 giờ.
1.2.2. Sên thanh long ruột đỏ với bột gạo nếp
- Bắc chảo lên bếp, đổ hỗn hợp thanh long vào chảo, đun lửa lớn cho sôi.
- Vừa đun, vừa khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp thanh long cạn lại còn khoảng 1/2 là được. Khi này, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy thanh long đang chuyển màu sẫm hơn. Ở bước này, bạn lưu ý vẫn đảo đều và nhanh tay để thanh long không dính đáy chảo gây khét.
- Rắc đều bột nếp vào chảo thanh long, vẫn quấy đều tay. Bạn nên chia bột thành nhiều phần đều nhau, lần lượt cho từng phần vào sên mứt thanh long cho dễ hòa quyện.
- Khuấy đều đến khi thanh long sền sệt lại thì tắt bếp. Lúc này, bạn vẫn quấy đều tay cho đến khi mứt nguội lại là được. Bởi vì, chảo vẫn còn nóng nên có thể khiến thanh long dễ bị cháy nếu bạn không khuấy.
1.2.3. Cách làm mứt thanh long phơi khô dẻo không cần sấy
- Cho chảo mứt vừa sên ra ngoài nắng phơi. Nếu nắng gắt thì bạn có phơi mứt khoảng 1 ngày cho dẻo khô lại. Còn nếu nắng vừa, bạn phơi lâu hơn đến khi thanh long có thể vo tròn lại thành từng miếng nhỏ mà không bị chảy là được.
- Lấy phần mứt đã phơi dẻo vào nhà.
- Dùng muỗng múc từng muỗng nhỏ thanh long cho lên miếng giấy kinh rồi cuộn kính bọc tròn lại. Sau đó, xoắn 2 đầu miếng giấy kiếng lại như hình viên kẹo là hoàn tất. Bạn thực hiện các bước gói mứt tương tự với phần nguyên liệu còn lại đến khi hết là được.
2. Cách làm mứt thanh long ăn bánh mì
2.1. Công thức làm mứt thanh long đơn giản nhất
Nguyên liệu: 1 trái thanh long ruột đỏ, 1 muỗng canh nước cốt chanh tươi, 2 trái trứng gà, 1 thìa cà phê bơ nhạt, 1 chén đường trắng.
Cách chế biến:
- Tách vỏ thanh long, nạo ruột vào máy sinh tố xay nhuyễn.
- Đổ thanh long xay vào tô sạch, thêm trứng, đường và bơ vào, dùng phới lồng hoặc muỗng sạch trộn cho đến khi tạo thành hỗn hợp hòa quyện.
- Cho tô hỗn hợp trên vào nồi nước đun sôi để hấp. Vừa nấu nóng, bạn vừa khuấy đều khoảng nửa tiếng nữa cho hỗn hợp đặc lại là được. Lúc này, có thể nêm nếm thêm ít đường cho hỗn hợp vừa miệng. Khi hỗn hợp thanh long có độ dày đặc vừa ăn thì tắt bếp.
- Đợi mứt nguội, bạn đổ vào hũ sạch, đậy nắp kín. Bảo quản mứt trong ngăn mát tủ lạnh, khi ăn sáng thì lấy ra một ít, quết lên bánh mì và thưởng thức.
2.2. Cách làm mứt thanh long vị chanh ăn với bánh mì
Nguyên liệu: 1 kg thanh long tươi, 400 gram đường trắng, 1 trái chanh (nửa trái cắt nhỏ theo chiều dọc, nửa trái vắt lấy nước cốt), ít vỏ chanh, 1/3 cốc nước lọc.
Cách chế biến:
- Bạn cũng xay nhuyễn thanh long, rồi trộn với nước cốt chanh, vỏ chanh nghiền nhỏ cùng nước lọc trong một cái tô chịu nhiệt. Cho tô này lên nồi nước sôi hấp.
- Vừa khuấy hỗn hợp, vừa đun lửa vừa vừa cho nhanh hòa quyện. Khoảng 10 phút sau, bạn từ từ thêm đường vào, tiếp tục khuấy đều và tăng lửa lớn hơn một chút.
- Nấu liên tục khoảng 20 phút nữa cho hỗn hợp sền sệt và đặc lại là được.
- Tắt bếp, đợi nguội thì trút mứt vào hũ để bảo quản. Món mứt tự làm này bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể dùng được tối đa trong 5 ngày đấy nhé.
3. Tác dụng của trái thanh long đối với sức khỏe
Thanh long là một trong những loại trái cây có ngoại hình dễ gây chú ý nhưng bên trong lại dồi dào chất dinh dưỡng. Loại quả này thường có phần ruột trắng, đỏ hoặc vàng, nhiều hạt đen xen lẫn phần thịt. Theo dòng lịch sử, người Pháp đã mang thanh long đến Đông Nam Á vào đầu thế kỷ 19. Trái có vị hơi ngọt, giao thoa giữa kiwi, lê và dưa hấu, mọng nước, nên được rất nhiều người yêu thích.
Thanh long rất giàu chất chống oxy hóa như flavonoid, axit phenolic và betacyanin. Những chất tự nhiên này giúp bảo vệ tế bào tránh khỏi sự hư hại gây nên bởi một số phân tử gốc tự do có nguy cơ gây nên ung thư và lão hóa sớm. Thanh long cũng chứa prebiotic (men vi sinh) để nuôi dưỡng các vi khuẩn lành mạnh trong ruột bạn. Nhờ đó, khả năng tiêu hóa thức ăn cũng diễn ra thuận lợi hơn.
Mặc dù không chứa nhiều vitamin như nhiều loại trái cây mọng nước khác (như cam, quýt,…), nhưng bạn có thể chế biến loại trái cây này thành món tráng miệng thơm ngon và hấp dẫn, tốt cho sức khỏe vì không chứa chất béo tự nhiên, chẳng hạn như những cách làm mứt thanh long sấy dẻo hoặc để ăn kèm với bánh mì trên đây. Ngoài ra, nếu có thêm ý tưởng sáng tạo công thức nấu ăn với thanh long, bạn đừng quên chia sẻ với trangnauan.com, cũng như bạn bè và người thân của mình để cùng thực hiện nhé.
Bích Tuyền dịch và tổng hợp