1. Tổng hợp các cách muối củ kiệu ngâm trắng giòn đơn giản tại nhà
Cách làm củ kiệu ngâm với gì mới tạo ra màu trắng và mùi thơm đúng chuẩn tự nhiên hay thời gian ngâm bao lâu thì kiệu sẽ thấm vị là những câu hỏi mà nhiều chị em ít vào bếp thường băn khoăn. Những công thức dưới đây có thể giúp bạn giải mã các vấn đề này thật dễ dàng.
1.1. Hướng dẫn cách làm củ ngâm giấm đường
1.1.1. Nguyên liệu chính
- 500 gram củ kiệu
- 30 gram phèn chua
- 150 gram muối bọt
- 300 gram đường
- 400 ml giấm
1.1.2. Cách thực hiện món củ kiệu ngâm giấm đường
1.1.2.1. Sơ chế củ kiệu
- Cho củ kiệu vào thau cùng với 150 gram muối bọt ướp ít nhất 6 tiếng hoặc để qua đêm. Sau đó, bạn xả lại với nước sạch khoảng 3 – 4 lần. Giã nhuyễn phèn chua và hòa tan vào thau nước để ngâm củ kiểu dưới nắng trong 6 tiếng hoặc qua đêm.
- Bắc 1 nồi nước lên bếp, đun cho sôi lên thì bạn đổ củ kiệu vào luộc sơ. Luộc xong, bạn vớt củ kiệu nhanh ra thau nước nhằm duy trì độ giòn cho củ kiệu.
1.1.2.2. Đun nước giấm đường và xếp củ kiệu vào lọ
- Nấu 250 ml nước giấm với 50 gram đường cho sôi rồi chờ nguội. Kế tiếp, bạn lột bớt phần vỏ bên ngoài củ kiệu đã ngâm rồi cho lên giá đem phơi 1 nắng. Hết thời gian phơi, bạn lấy vào, cắt bỏ phần rễ củ kiệu và rửa sơ qua với nước giấm.
- Để ráo củ kiệu rồi bạn bỏ vào lọ thủy tinh cùng vài trái ớt tươi bỏ cuống. Không cho củ kiệu đầy sát miệng lọ mà chỉ để khoảng 2/3 lọ vì khi cho nước giấm pha đường vào thì phần cái sẽ theo đó mà dâng cao lên.
- Cắt xiên que dài thành 3 khúc ngắn và xếp chéo nhau phía trên bề mặt kiệu ngăn cho chúng không nổi lên. Đậy nắp kín lại đẻ khoảng 3 – 4 ngày là bạn có thể dùng được.
- Kết hợp món ngâm này ăn kèm với chả lụa và chấm muối tiêu chanh rất ngon. Bạn có thể tham khảo cách làm chả lụa tại nhà để chuẩn bị cho mùa Tết sắp về nhé.
1.2. Chia sẻ cách làm củ kiệu ngâm nước mắm đường
1.2.1. Nguyên liệu chuẩn bị
- 1 kí củ kiệu
- 40 gram muối bọt
- 40 gram phèn chua
- 400 ml nước mắm
- 500 gram đường phèn, 200 gram đường cát
1.2.2. Các bước làm củ kiệu ngâm nước mắm đường
- Rửa sạch của kiệu mới mua để loại bỏ các bụi bẩn. Trộn đều 40 gram muối với củ kiệu rồi đâm nhuyễn phèn chua để hòa tan vào nước và ngâm củ kiệu từ 6 – 8 tiếng. Sau đó bạn xả lại nhiều lần với nước sạch.
- Để ráo củ kiệu rồi đem phơi nắng khoảng 2-3 tiếng. Trong thời gian chờ đợi, bạn cho 400 ml nước mắm vào nồi và đun với 500 gram đường phèn và 200 gram đường cát. Đun ở lửa nhỏ đến khi hỗn hợp hơi sền sệt thì tắt bếp.
- Cắt bỏ phần rễ củ kiệu vừa phơi, kế tiếp bạn đem ngâm củ kiệu sơ qua nước muối đun sôi để nguội lần nữa rồi để ráo. Xếp củ kiệu vào lọ thủy tinh xen kẽ với vài trái ớt tươi cắt cuống. Đổ nước mắm đường đã đun vào, tìm 1 vật có kích thước vừa đủ để chặn củ kiệu nổi lên trên bề mặt và đậy nắp lọ cho kỹ.
- Ngâm trong 10 ngày đến 2 tuần thì bạn sẽ có món dưa kiệu ăn kèm với bánh tét cực ngon.
1.3. Bật mí cách lèm củ kiệu ngâm chanh dây
1.3.1. Nguyên liệu cần dùng
- 500 gram củ kiệu
- 200 gram đường trắng
- 5 trái chanh dây
- 1/2 muỗng cà phê muối
1.3.2. Các bước làm củ kiệu ngâm chanh dây cơ bản
- Củ kiệu đem cắt bỏ rễ và rửa sạch. Ngâm qua nước muối ít nhất tiếng hay qua đêm. Vớt ra xả lại với nước sạch nhiều lần. Phơi nắng cho ráo trong khoảng 2 tiếng.
- Chanh dây nạo lấy phần ruột, rồi bạn lược qua rây lấy nước cốt. Hòa tan nước cốt chanh dây với 200 gram đường và 1/3 muỗng cà phê muối. Đun chanh dây trên lửa nhỏ cho tan hết đường. Không đun lửa lớn sẽ làm mất màu và vitamin. Bắc xuống và lược lại một lần nữa rồi để nguội.
- Xếp củ kiệu vào lọ thuỷ tinh trước mới cho sốt chanh dây vào 1/2 phần củ kiệu. Ngày hôm sau, phần nước chanh dây sẽ tan đầy lọ.
- Ngâm củ kiệu với chanh dây từ 2-3 ngày là bạn có thể mở ra và dùng dần.
1.4. Tiết lộ cách làm củ kiệu ngâm trắng giòn không cần phơi nắng cho người bận rộn
1.4.1. Nguyên liệu chủ yếu
- 1 kí củ kiệu
- 4 muỗng canh muối
- 20 gram phèn chua
- 350 ml nước giấm
- 350 gram đường
1.4.2. Cách làm củ kiệu ngâm trắng giòn không cần phơi nắng
- Cắt bỏ phần lá trên đầu kiệu rồi bạn đổ nước vào ngập xâm xập kiệu cùng 3 muỗng canh muối, ngâm khoảng 2 tiếng. Xả lại nhiều lần với nước sạch. Nghiền nhuyễn phèn chua và pha vào trong nước ấm khoảng 50 độ C để ngâm củ kiệu trong 15 phút thì xả sạch lại.
- Lột hết vỏ ngoài kiệu, cắt bỏ rễ. Sau đó, bạn ngâm trong nước cùng 1 muỗng canh nước muối để khử mùi hăng và rửa sạch lại lần nữa, rồi để ráo. Đun 350 gram đường với 350 ml giấm đến khi hỗn hợp sôi lên thì tắt bếp. Xếp kiệu vào lọ thủy tinh kèm với vài lát cà rốt cho màu sắc bắt mắt hơn. Đổ hỗn hợp nước giấm đường đã nguội vào lọ rồi đậy kín lại.
- Ủ kiệu trong 10 ngày là bạn có thể mang ra thưởng thức kèm tôm khô hoặc nấu thịt kho tàu với cơm trắng.
2. Những cách chế biến món ngon hàng ngày làm từ củ kiệu muối giòn
Ngoài việc ăn trực tiếp củ kiệu ngâm, bạn có thể đem trộn nó với tôm khô sẽ tạo nên món gỏi vô cùng hấp dẫn. Hơn thế nữa, củ kiệu tươi xào cùng thịt ếch hay thịt bò cũng là những món ăn dinh dưỡng đáng để bạn lưu vào sổ tay nấu ăn ngon của riêng mình đấy.
2.1. Học cách làm gỏi củ kiệu tôm khô
2.1.1. Yêu cầu về nguyên liệu
- 300 gram củ kiệu ngâm, 50 gram tôm khô (Xem cách tự làm tôm khô ăn Tết)
- 1 con cá khô nướng chín
- 1 củ cà rốt, 2 muỗng canh đường
- 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh nước cốt chanh
- 1/2 muỗng cà phê muối, 10 gram tỏi băm
- 10 gram ớt băm, 10 gram gừng
- 50 gram rau răm, 20 gram đậu phộng
- 10 gram hành phi
2.1.2. Cách làm gỏi củ kiệu tôm khô
- Ngâm nở tôm khô trong nước ấm khoảng 30 phút. Củ kiệu cắt lát nhỏ, cà rốt và gừng thì cắt sợi. Xé nhỏ cá khô nướng, ngâm cà rốt đã cắt trong nước ấm pha với 1 muỗng cà phê muối trong 15 phút.
- Pha 2 muỗng canh đường với 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh nước cốt chanh. Thêm 10 gram ớt băm với 10 gram tỏi băm vào nữa thì bạn thu được phần nước trộn gỏi.
- Sau đó bạn đổ tất cả củ kiệu, cà rốt, tôm khô, gừng, rau răm, hành phi, đậu phộng ra tô, trộn đều cùng hỗn hợp nước mắm.
- Bày gỏi ra dĩa và sẵn sàng thưởng thức cùng bạn bè.
2.2. Đổi vị với cách làm củ kiệu xào với thịt ếch
2.2.1. Nguyên liệu chính
Ngoài ếch xào lăn, bạn có thể chế biến thịt ếch với củ kiệu tươi tạo nên hương vị món ăn mới hấp dẫn. Để thực hiện món ngon này, bạn chuẩn bị:
- 500 gram thịt ếch
- 200 gran củ kiệu tươi
- 2/4 muỗng canh hạt nêm
- 2/4 muỗng canh đường
- 1/2 muỗng canh nước mắm
- 1 muỗng canh bột nghệ (Xem cách làm bột nghệ tươi nguyên chất chỉ với vài bước đơn giản)
- 1 muỗng cà phê tiêu xay
- Vài tép tỏi, củ hành tím, hành lá
2.2.2. Quá trình làm củ kiệu xào với thịt ếch
- Hành lá cắt khúc, hành tím và tỏi băm nhuyễn. Cù kiệu thì bạn đập hơi dập, thịt ếch chặt thành những miếng nhỏ vừa ăn. Ướp thịt ếch với hành tỏi băm cùng 1/4 muỗng canh đường, 1/4 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh bột nghệ.
- Làm nóng chảo dầu để phi thơm hành tỏi băm, cho ếch vào xào ở lửa lớn. Thịt ếch vừa săn lại thì bạn cho khoảng 5 muỗng canh nước vào, đun thêm khoảng 5 phút rồi đổ kiệu lên.
- Nêm 1/4 muỗng canh hạt nêm và 1/4 muỗng canh đường còn dư, rắc thêm tiêu xay, hành lá vào chảo, đảo đều.
- Tắt bếp, múc đồ xào ra dĩa chấm kèm nước tương và dùng với cơm trắng rất ngon.
2.3. Bổ sung cách làm củ kiệu xào thịt bò
2.3.1. Nguyên liệu cơ bản
- 200 gram bò tơ
- 100 gram củ kiệu tươi
- 200 gram đậu rồng
- 1 củ cà rốt, 1 chén hỗn hợp sả tỏi ớt băm
- Vài nhánh hành lá, ngò gai, rau om băm
2.3.2. Các bước làm củ kiệu xào thịt bò
- Thịt bò tơ xắt mỏng miếng vừa ăn, ướp 30 phút với nước tương, đường, tỏi, sả, ớt, dầu ăn, mỗi loại nêm khoảng 1/2 muỗng cà phê. Củ kiệu cắt rễ rửa sạch, củ nhỏ để nguyên và đập dập, củ lớn chẻ đôi mới đập dập để khi xào mau chín đều và thấm gia vị. Cà rốt xắt sợi.
- Đậu rồng cắt khúc xéo. Bắc chảo lên bếp, phi tỏi thơm rồi xào bò tơ cho hơi tái màu. Tiếp theo, bạn trút cà rốt xắt sợi, củ kiệu vào xào vừa trở trong để còn giòn. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị của gia đình và thưởng thức.
- Rắc tiêu xay, hành lá, ngò gai, rau om, ớt vào hỗn hợp đồ xào, đảo nhanh rồi tắt bếp. Dùng món này kèm với cơm trắng và nước tương ớt là ngon hết sảy!
3. Kinh nghiệm chọn mua củ kiệu ngon
Củ kiệu bao gồm 2 loại đó là kiệu Huế và kiệu trâu. Kiệu Huế có đặc điểm thân nở, eo thắt rõ rệt, phần đuôi kiệu mảnh, không dày. Trong khi đó kiệu trâu thân dài hơn, đuôi to, không thắt eo. Theo kinh nghiệm làm kiệu dân gian, bạn nên mua kiệu Huế làm để có hũ kiệu muối chất lượng, giòn và thơm hơn so với kiệu trâu.
Thêm vào đó, bạn chỉ nên lựa những cụ kiệu nhỏ vừa phải, sẽ nhanh thấm gia vị và gia tăng độ thơm. Bởi những củ có kích thước to thường mang vị hăng, và quá cay nồng. Bạn nên kiểm tra toàn bộ bó kiệu để chắc chắn rằng chúng trông đều nhau, không bị trầy xước, dập nát. Ưu tiên chọn những củ kiệu thân thắt eo rõ ràng sẽ đẹp mắt khi đem ngâm và trang trí món ăn ra dĩa cho đẹp mắt.
Hoa mai có thể nở không đúng dịp, lì xì khi lớn rồi sẽ mất dần, nhưng củ kiệu sẽ luôn đúng hẹn với Tết, chưa bao giờ để ai phải đợi chờ. Bạn hãy tranh thủ ra chợ thật sớm nếu không muốn bị lỡ mất một bụi kiệu tươi sạch, giá rẻ để có món ngon ngày Tết chiêu đãi gia đình và bạn bè. Ngoài những cách làm củ kiệu muối vừa nêu, đừng quên học thêm công thức thịt nấu đông hay bánh chưng xanh bày tiệc cho thêm phần sung túc nhé!
Bảo Tiên tổng hợp