Trong những cách làm bánh đúc ngọt thì bánh đúc lá dứa được nhiều người ưa chuộng hơn cả. Bánh có vị thơm béo của nước cốt dừa cùng với màu xanh tươi mát, mùi thơm thoang thoảng của lá dứa rất hấp dẫn. Đây là một trong những món ăn ngon giản dị đủ làm siêu lòng vị giác và tạo ấn tượng khó quên cho những người từng thưởng thức qua nó.
Các loại bánh đúc đa số đều có chung một công thức, chỉ biến tấu và gia giảm gia vị cho phù hợp với vùng miền. Các nguyên liệu làm bánh cũng dễ tìm, an toàn cho sức khoẻ của chúng ta. Bánh đúc có thể được sử dụng cho bữa ăn sáng, làm quà biếu hay ăn như một món ăn vặt yêu thích.
1. Nguyên liệu làm bánh đúc ngọt lá dứa cốt dừa
- 200 gram bột năng
- 200 gram bột gạo tẻ
- Một bó lá dứa
- 240 ml nước cốt dừa
- Đường trắng hoặc đường nâu
- Gừng tươi
- Muối trắng
- Vừng trắng rang chín
- Dụng cụ để làm bánh đúc: Nồi lớn, rây, máy xay, khuôn hấp bánh, nồi hấp…
2. Cách làm bánh đúc ngọt lá dứa nước cốt dừa ngon tại nhà
2.1. Các bước chuẩn bị nguyên liệu làm bánh đúc lá dứa
- Rây 200 gram bột gạo tẻ và 200 gram bột năng vào một thau riêng. Bạn rây bột sơ qua để bột được mịn. Bánh đúc làm từ bột năng sẽ giúp thay thế cho việc làm bánh đúc bằng nước vôi trong hoặc nước tro tàu độc hại.
- Lá dứa: Rửa sạch, xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố cùng với ít nước sạch rồi lọc qua rây để lấy nước cốt. Ngoài lá dứa, bạn cũng có thể dùng lá cẩm, hoa đậu biếc… Chúng sẽ cho màu tự nhiên vô cùng đẹp mắt mà không gây hại cho sức khoẻ.
- Nước cốt dừa: Dừa khô nạo nhỏ, cho vào 600 ml nước ấm, xay nhuyễn hỗn hợp. Dùng dụng cụ lọc hoặc dùng rây lọc hỗn hợp từ máy xay, chắt lấy phần nước cốt. Mẹo nhỏ là bạn hãy dùng một miếng vải mỏng để lọc, như vậy nước cốt dừa sẽ thu được nhiều hơn.
2.2. Cách làm bột bánh đúc ngọt lá dứa
- Cho 200 gram đường, chút muối và 1/3 nước cốt dừa vào lá dứa, khuấy nhẹ để các nguyên liệu hoà vào nhau.
- Cho hỗn hợp trên vào thau bột. Dùng thìa khuấy đều cho tới khi bột được đều màu, bạn có thể điều chỉnh màu của bột bằng cách thêm nước lá dứa. Ngoài hương vị thơm ngon thì món ăn có màu sắc đẹp mắt cũng rất quan trọng để kích thích cảm giác thèm ăn. Sau đó, cho bột nghỉ 30 phút.
- Bột sau khi nghỉ thì cho lên bếp để sên bột. Bạn lưu ý phải vừa đun vừa khuấy bột đều tay và theo một chiều nhất định, như vậy bột sẽ tan đều hơn và khi đó bánh đúc được dẻo, mềm mịn hơn.
- Khi thấy bột sôi thì hạ nhỏ lửa, dùng đũa khuấy đều để bột sôi lục bục trong vòng vài phút. Ta để ý bột lúc này chuẩn bị chuyển sang màu trong veo, bột đục cùng với bột trong hoà quyện với nhau. Cảm nhận bằng mắt sao cho hai nguyên liệu cân bằng thì tắt bếp.
2.3. Công đoạn hấp bánh đúc ngọt lá dứa
- Dùng cọ phết một lớp dầu mỏng lên khuôn bánh đã chuẩn bị sẵn, cho bột vào trong khuôn và ém chặt, dàn đều. Bạn lưu ý ém chặt bột để bánh sau khi hấp được dai, mặt bánh được mềm mịn hơn.
- Chuẩn bị nồi hấp cách thuỷ. Đợi khi nước sôi thì cho bánh vào hấp. Để kiểm tra bánh chín hay chưa thì bạn có thể dùng tăm xiên nhẹ vào bánh, nếu tăm không bị dính bột thì bánh chín.
- Khi bánh chín, bạn dùng muôi đè chặt xuống để bánh được tạo thành một khối thật chắc.
- Để bánh bớt nóng thì cho bánh vào tủ lạnh, khi ăn bánh sẽ dẻo và ngon hơn.
2.4. Cách làm nước cốt dừa ăn kèm bánh đúc ngọt
- Cách làm bánh đúc lá dứa miền Tây chuẩn sẽ ăn cùng với nước cốt dừa béo ngậy. Để làm nước chấm bánh đúc ngọt bạn giã nhuyễn gừng, lấy nước cốt. Tiếp theo cho 500 ml nước, 3 thìa bột năng, 1/3 nước cốt dừa, đường, chút muối và khuấy đến khi hỗn hợp tan hoàn toàn.
- Đun hỗn hợp trên lửa nhỏ cho đến khi sánh lại, nêm nếm lại gia vị cho vừa với khẩu vị của bạn.
2.5. Thưởng thức bánh đúc ngọt lá dứa thơm lừng, đẹp mắt
- Bạn cắt bánh đúc thành từng phần vừa ăn, cho nước cốt dừa cùng với chút mè trắng rang là có thể dùng ngay được. Bánh có kết cấu mềm dai và thơm mùi lá dứa, ăn cùng với nước cốt dừa và mè rang béo ngậy rất hấp dẫn.
- Nếu như không có mè rang, bạn có thể thay thế bằng đậu phộng cũng rất thơm ngon.
- Vậy là chúng ta đã hoàn thành các bước đơn giản làm bánh đúc ngọt lá dứa rồi. Bạn hãy lưu lại công thức và có thể biến tấu nguyên liệu thêm để phù hợp với sở thích cá nhân.
Với cách làm bánh đúc ngọt như trên, nếu bạn không thích ăn ngọt thì có thể thay thế bằng bánh đúc mặn. Bánh đúc mặn được ăn chung với nhân thịt heo, tôm khô và nấm mèo. Bánh đúc ăn chung với nhân tôm thịt cùng với nước mắm chua ngọt cũng là lựa chọn rất tốt cho bữa ăn sáng. Bánh đúc được nhiều người ưa thích, không gây ngán vì vậy rất thích hợp để bạn nhâm nhi cùng với bạn bè hoặc người thân mỗi khi có dịp tụ họp vào cuối tuần. Chúc bạn thực hiện thành công món bánh này nhé!
Hồng Ngọc